Người Hmông quan niệm chết là sự chấm dứt cuộc sống nơi trần thế, cũng là sự chấm dứt về thể xác ở trần gian và bắt đầu một cuộc sống mới ở thế giới bên kia. Cũng giống như người Kinh, người Hmông có quan niệm ‘‘nghĩa tử là nghĩa tận’’. Vì vậy để có được một cuộc sống tốt đẹp ở thế giới bên kia, người sống phải làm lễ cúng cho người chết thật chu đáo, theo đúng phong tục của dân tộc. Khi có người chết, họ phải làm ma hai lần: Lần thứ nhất ngay sau khi có người chết. Người ta tiến hành chôn cất và phải làm lễ thật trang trọng - cách thức này gọi là lễ làm ma tươi; lần thứ hai sau khi người chết được 13 ngày cho đến một số năm sau đó, thông thường từ 13 ngày cho đến một năm trở lại - gọi là lễ làm ma khô. Tuy nhiên cả hai hình thức này, nay đã ít nhiều bị thay đổi, với những thủ tục rườm rà đã được lược bỏ bớt đi. Cụ thể như sau:
Khi trong nhà có người chết, gia đình báo tin cho trưởng họ cũng như người nhà và bà con lối xóm biết. Hình thức báo tin của người Hmông là dùng ống lồ ô gõ với hai lần: Nếu là người lớn, ngay khi có người chết, lần thứ nhất là bảy tiếng, lần thứ hai chín tiếng, thực hiện sau khi tắm rửa và thay đồ mới cho thi hài; còn nếu là trẻ nhỏ, lần đầu ba, lần hai 5. Khi nghe tin báo có người chết, mọi người tự thông báo cho nhau biết (nếu có người ở quá xa, bà con thông báo bằng cách gọi điện thoại). Biết có tin buồn, mọi người trong dòng họ đến và lo liệu mọi việc cùng tang gia. Bà con lối xóm khi biết tin buồn, dù là đang bận công việc cũng sẽ dừng lại đến thăm hỏi, chia sẻ cùng tang quyến. Bà con quan niệm, khi trong làng có người qua đời đó không chỉ là công việc của gia đình hay dòng họ, mà còn là công việc chung của cả làng. Do vậy mọi người cùng đến chia sẻ, lo liệu.
Cùng với việc báo tin cho mọi người biết, gia đình lập tức đi mời thầy cúng và đội kèn, trống cũng như ban giúp việc thực hiện tang lễ. Thầy cúng làm lễ, mở đầu là việc gọi vía người chết về đoàn tụ cùng với ma tổ tiên với nội dung “Hôm nay là ngày… tháng… năm gia đình có người chết, các ma không bảo vệ được vía, các ma cho phép tôi gọi vía về nhập vào xác để được về với tổ tiên”. Gọi vía xong, thầy cúng tung cặp âm dương, nếu một sấp một ngửa là được. Sau đó, gia đình lau
người cho người chết bằng nước ấm, từ cổ trở xuống được mặc quần áo (thông thường quần áo bằng vải lanh). Sau đó đưa người chết lên ghế dài. Mặt ghế làm bằng gỗ, chân ghế làm bằng tre, ghế cao khoảng 1m đặt giữa nhà, đầu quay vào vách hậu, chân hướng ra ngoài. Có khi họ đặt ngang giữa nhà, đầu kê bằng một chiếc gối mỏng (gối được làm bằng vải lanh). Khi chôn, người ta chôn cùng với gối, khăn mặt, chăn đắp, đôi dày, quần áo… đều bằng vải lanh.
Sau khi đặt người chết lên cáng, thầy cúng cúng bài chỉ đường để đưa người chết về với tổ tiên. Khi làm lễ cúng, thầy cúng ngồi cạnh người chết, cạnh đó có nhiều giấy bản, cùng cặp âm dương và một chén rượu. Ban đầu thầy cúng nói về lịch sử người Hmông sinh sống ở đâu, đã đi đến đâu, đến mỗi địa danh, thầy cúng đốt giấy bản và tung cặp âm dương một sấp, một ngửa là khẳng định người đó đã đến nơi đó, và cuối cùng là tại nơi người đó sinh ra. Trên đường về với tổ tiên, người chết được nhận một con gà trống đã được đập chết. Khi về gần với tổ tiên, thầy cúng dặn người chết không được tiết lộ về người đã dẫn đường. Ngay sau đó thầy cúng nhanh chóng ra khỏi vai trò người dẫn đường. Lúc này, mọi người đến chia buồn cùng tang gia. Tùy theo mức độ khác nhau, người cúng viếng góp nhiều hay ít, thông thường là bằng gà, rượu, tiền… Khi có người đến viếng, con trai và con rể phải lạy người viếng ba lạy để cảm tạ (nếu là người viếng trong họ), nếu là người ngoài họ, người đáp lễ là ông trưởng họ. Có người đến viếng, tang gia phải tổ chức cho người viếng ăn uống một cách bình thường. Sau khi đi chôn về người ta tổ chức ăn uống lớn hơn, nhất thiết phải mổ bò hay trâu, và thịt heo… đãi tạ.
Trước khi mang người chết đi chôn, cứ tới mỗi bữa ăn, người nhà phải ra mời người chết ăn cơm. Bữa cơm đầu tiên phải do trưởng họ mời, những bữa cơm sau đều do người con trai của người chết mời. Phần cơm mời người chết bao gồm một ít cơm, một ít thịt, một chén nước và một chén rượu để ở cạnh đầu người chết. Mỗi khi mời cơm, người thợ kèn lại thổi bài kèn mời người chết ăn. Trong khi mời người chết ăn cơm. Trước lúc thổi kèn, người Hmông đánh trống theo nhịp điệu rồi kèn mới được thổi lên. Trống và kèn là hai thứ không thể thiếu trong đám tang.
Trống kèn được cất lên sau khi thầy cúng đọc bài chỉ đường, và được diễn tấu từ đó cho tới khi chôn người chết mới thôi.
Đến với Đăk Nông, người Hmông không để người chết lâu trong nhà, thông thường chỉ từ 24 đến 30 giờ là mang đi chôn cất. Cho dù là có anh em ở xa chưa về kịp, họ cũng phải mang đi chôn, chỉ cần trong gia đình người chết có một số người đại diện đứng ra lo liệu mọi việc. Tuy nhiên, dù ở xa hay gần, mà là người trong họ, ngay thời điểm mang người chết đi chôn, người ở xa chưa về kịp, nhưng ngay sau đó vẫn phải về để cùng lo liệu, cùng gánh vác các công việc còn lại với người nhà, trừ khi bị ốm đau thật sự không thể về được, nhưng sau này cũng phải về trong thời gian sớm nhất.
Sau khi mọi người viếng xong, cùng với những thủ tục cho người chết về với tổ tiên, người ta đưa người chết đi chôn. Khi khiêng người chết ra nghĩa địa, chân ra trước, đầu ra sau. Khi đưa thi hài đi chôn, người ta khiêng một mạch đến gần nghĩa địa mới đặt thi hài xuống. Lúc này quan tài đã đặt sẵn ở đó, sau đó đặt cáng xuống đất, họ đưa thi hài vào trong quan tài. Trước khi đặt thi hài vào quan tài, người ta lót một số mảnh vải lanh xuống dưới (số mảnh vải lanh bằng với số người con trong gia đình). Sau đó họ đặt thi hài vào và phủ vải lanh lên đầu thi hài, rồi mới đóng nắp quan và hạ huyệt. Quan tài của người Hmông thường được chuẩn bị từ trước (nếu biết có người ốm sẽ không qua khỏi). Khi có người chết, người ta mang quan tai ra rửa sạch bụi bẩn rồi mới bỏ người chết vào trong. Cũng có khi chưa được chuẩn bị trước (trường hợp chết đột ngột), người ta cưa bốn xung quanh cây gỗ và bỏ phần ruột ra, phần rỗng phía trong quan tài có độ rộng vừa đủ đặt thi hài và những tấm vải lanh cho người chết. Khi đóng nắp quan tài, trông gần giống thân của một cây gỗ. Người Hmông đào huyệt chôn người chết không sâu, khoảng chừng 1,2m so với mặt đất, độ cao của ngôi mộ khoảng 50 - 70 cm so với mặt đất. Khi lấp đất lên mộ, người con trai trưởng là người lấp những xẻng đất đầu tiên, sau đó mọi người mới được lấp. Đến đây mọi hoạt động mang người đi chôn đã xong, mọi người về nhà và rửa tay sạch sẽ tiến hành ăn cơm nước. Cũng có dòng họ trước khi trở về nhà phải hơ toàn thể tay chân và giũ quần áo cho sạch… rồi mới vào nhà.
Sau khi chôn người chết về, người Hmông kiêng làm mọi thứ, đến hết ngày thứ ba mới làm việc vặt, còn việc đồng ruộng thì tuyệt đối không làm, mà phải đợi tới hết ngày thứ 13 mới được phép tiến hành, vì ngày thứ 13 là ngày làm ma khô cho người chết.
Kể từ ngày thứ 13, người Hmông tiến hành làm ma khô cho người chết. Đó là lễ đón ma người chết về nhập vào ma tổ tiên để được thờ cúng, bởi nếu không làm, ma người chết sẽ bị bỏ đói. Mở đầu, người ta cũng mời thợ kèn, thợ trống, trưởng họ về làm lễ. Chừng khoảng 7 giờ sáng, mọi người trong ban làm lễ có mặt, người ta lấy một cái mẹt có bán kính khoảng 40cm, lấy hai cành tre chẻ đôi cắm lên mẹt và uốn thành hình người. Sau đó, họ lấy miếng vải lanh che lên đầu hai cành tre thành đầu người, và một mảnh vải khác lên thân làm áo cho người chết. Tiếp đó, con rể bê mẹt ra ngoài mộ. Trước đó, con trai người chết ra nhanh trước mộ và xin một nắm đất mang về (vừa đi vừa khóc) gặp người bê mẹt và bỏ vào đó. Cả hai cùng mang về nhà. Khi về nhà, mọi người hai bên phía trong cửa chính vẫn đứng yên, mẹt mang về được đặt trên một mảnh ván đặt giữa nhà ở giữa gian chính. Sau đó thợ kèn thổi kèn đi trước, mọi người đi theo sau, đi vòng quanh từ 7- 9 vòng rồi dừng lại. Trưởng họ ngồi cạnh mẹt và khấn, anh em trong nhà mang heo để cúng. Heo được buộc sợi dây lanh vào cổ và mang đến trước cửa nhà. Trưởng họ khấn: “Nay gia đình làm lễ đón ma…về nhà, nhà không có nhiều, chỉ có con heo nhỏ này…”, và tung cặp âm dương lên. Nếu một bên sấp, một bên ngửa là được, nếu không phải làm lại cho được. Sau đó heo được đưa đi làm thịt, nấu chín. Chủ nhà cắt một đĩa thịt, một bát cơm, một chai rượu đưa cho trưởng họ đặt lên mẹt. Trưởng họ lại khấn: “Thịt cơm, rượu đã nấu chín, mong ma…ăn, rồi từ nay có nơi ăn chốn ở…”. Trưởng họ cũng tung cặp âm dương lên và một bên sấp, một bên ngửa là đồng ý, còn không vẫn phải tiếp tục làm cho tới khi được mới thôi. Sau phần cúng đó, mọi người dọn mâm và cùng ăn uống. Ăn xong, mọi người đứng dậy giũ sạch quần áo, hình người trên mẹt tháo ra mang đốt, và bỏ tro lên mẹt. Tiếp đó trưởng họ, thợ kèn và gia đình ra mộ, mẹt được bê (vẫn người cũ) ra mộ, đổ tro, cùng với đất về vị trí cũ. Sau đó, trưởng họ cúng lần cuối “từ nay ông (bà) được phép vào
nhà khi con cái ăn uống…”. Cúng xong, người bê mẹt cũ lăn mẹt, nếu úp thì “đồng ý”. Nếu ngửa thì “không đồng ý”. Nếu không đồng ý, người lăn mẹt phải uống một hớp rượu (tượng trưng) tới khi nào lăn mẹt úp mới thôi. Sau khi làm xong thủ tục trước mộ, mọi người về nhà. Chủ nhà đi nhanh về nhà đóng cửa lại. Mọi người về tới nơi phải xin phép chủ nhà và nói rõ lý do đi đâu và làm gì về thì chủ nhà mới cho vào. Lễ làm ma khô lúc này mới kết thúc.
Với bộ phận người Hmông theo đạo Tin lành và đạo Công giáo, những nghi thức trên đã bị đẩy lùi hoàn toàn, thay vào đó khi có người chết họ đều mời mục sư hay linh mục về nhà cầu nguyện cho người chết được lên thiên đàng. Sau đó, họ tiến hành hoạt động chôn cất giống như người Kinh theo đạo hai đạo này. Mọi nghi thức tốn kém trước và sau chôn cất cho người chết trước kia hoàn toàn bị bãi bỏ, thay vào đó là những nghi thức ít tốn kém được thực hiện.