Tổ chức xã hội của người Hmông ở Đăk Nông 1 Làng bản

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 55 - 58)

2.2.1. Làng bản

Việt Nam là một nước nông nghiệp truyền thống, từ xa xưa làng xã là cái nôi sản sinh, nuôi dưỡng, che chở biết bao thế hệ người Việt trong cuộc đấu tranh với thiên nhiên và xã hội để tồn tại và phát triển. Làng xã nông nghiệp cổ truyền đã chi phối mọi mặt đời sống con người, in dấu ấn sâu đậm trong bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc. Tuy nhiên ở mỗi vùng quê, trong mỗi giai đoạn lịch sử, tùy theo ngôn ngữ mỗi dân tộc mà làng xã nước ta có những tên gọi khác nhau và mang những sắc thái khác nhau. Ở nhiều vùng miền khác nhau, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Bắc, đối với các dân tộc như Tày, Thái, Hmông, Dao… đồng bào gọi vùng đất quê hương, bản quán sinh tụ của mình là bản làng.

Đối với người Hmông, khi ra khỏi làng, họ vẫn mang theo cái bản sắc văn hóa dân tộc mình, vì vậy làng vẫn không hề nhạt phai trong tâm trí họ. Vì vậy, khi tới sinh tụ trên một quê hương mới, trong một chừng mực nhất định khi mới hội tụ nơi mảnh đất mới này, ít nhiều làng bản của họ chưa có sự thay đổi, ít nhiều vẫn mang dáng dấp của làng bản truyền thống. Xã hội luôn có sự phát triển, đổi thay. Cho tới nay, làng bản của họ đã dần dần thay đổi so với cấu trúc làng truyền thống.

Trong xã hội của người Hmông, làng được gọi là giào hay dò, là một đơn vị tổ chức cơ sở, tương đương với bản, buôn của một số dân tộc thiểu số khác. Là một thiết chế tự quản đơn vị tập hợp trên dưới chục nóc nhà. Cũng có những làng có đến trên ba chục nóc nhà. Thế nhưng trên quê hương mới này, cùng với sự phát triển, trong những năm gần đây, do sự di cư ồ ạt của đồng bào đồng tộc, việc đất đai ngày càng ít đi, số nóc nhà của mỗi làng đã tăng lên đáng kể. Có những làng đã lên đến cả trăm nóc, có những làng lên đến vài trăm nóc nhà, như: Làng Hmông ở xã Đăk Rmăng, xã Đăk Plao, xã Quảng Hòa, xã Đăk Xom - huyên Đăk Glong, xã Đăk Ngo - huyện Tuy Đức, xã Cư KNia huyện Cư Jut… Trong những làng đó, số người Hmông chiếm 95%. Số lượng cư dân cũng không giới hạn, nhưng thông thường đến vài trăm nhân khẩu, có làng lên tới cả ngàn nhân khẩu, như làng Hmông ở xã Đăk Ngo - huyện Tuy Đức, xã Đăk Rmăng - huyên Đăk Glong…

Hình 11: Làng Hmông trong và ngoài khu định cư Đăk Ngo huyện Tuy Đức. Về mặt lãnh thổ, làng bản nào cũng được xác định bởi một không gian sinh tồn, mà ranh giới của nó được xác định bởi các thành viên đứng đầu (trưởng làng -

chư dò) của các làng bản liền kề, cùng với sự chứng kiến của chính quyền địa

phương cấp xã. Sau khi có sự công nhận ranh giới làng, mọi người tiến hành làm ranh giới cụ thể. Những ranh giới này có thể là một hàng rào ngăn cách, hoặc là một rặng cây được trồng trên đó. Cũng có khi là một khe suối, là một gốc cây lớn hay đỉnh một quả đồi cụ thể, cũng có khi chỉ là một khoảng đất để trống... Những điểm ngăn cách ấy được cả cộng đồng trong làng tôn trọng. Trong địa vực cư trú ấy, cách bố trí làng không giống nhau. Có làng được bố trí chạy dài theo trục đường giao thông đến vài ngàn mét, trong đó những nóc nhà hai bên đường đều quay mặt ra đường; cũng có làng được bố trí những nóc nhà nằm theo chiều ngang của trục đường; có những làng được bố trí các nóc nhà quanh lưng chừng đồi xuống tới chân đồi, cách bố trí làng theo lối này rất ít (vì đa số làng Hmông ở Đăk Nông thuộc khu định cư). Trong làng, nhà này cách nhà kia không đáng kể, có khi là sát vách, có khi là cách vài mét (thuộc những khu vực làng nằm trong khu định cư xã Đăk Ngo -

huyện Tuy Đức, xã Đăk Xom - huyên Đăk Glong…), cũng có khi là cách nhau từ vài chục mét cho đến một hai trăm mét (ngoài khu tái định cư). Trong địa vực cư trú của làng có phần đất ở, đất canh tác, bãi tham ma, khu vui chơi, sinh hoạt chung… của cả cộng đồng. Tất cả thuộc quyền sở hữu chung của cả làng. Một điều không thể thiếu đối với làng của người Hmông nơi đây là luôn gắn với nguồn nước sinh hoạt. Đây là tiêu chí hàng đầu và không thể thiếu với một số làng Hmông; còn đối với làng trong khu định cư, nhiều hộ gia đình tự đào, khoan giếng cho gia đình mình, có khi họ dùng nước giếng công cộng của nhà nước.

Một điểm còn thấy nữa trong làng của người Hmông ở Đăk Nông, là có hình thức cư trú theo dòng họ. Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, trung bình mỗi làng Hmông có từ 5-10 dòng họ, không có làng nào duy nhất một hay hai họ. Trong mỗi làng định cư ở Đăk Nông, người Hmông cũng quây quần theo dòng họ, nhưng những năm gần đây, do có sự di cư ồ ạt từ các tỉnh phía Bắc vào, cùng với sự phát triển dân cư, sự phát triển của kinh tế - xã hội, cùng với việc lập các khu định cư, đa số các họ đã sinh sống xen kẽ với nhau (khu tái định cư xã Đăk Ngo - huyện Tuy Đức, xã Đăk Xom - huyên Đăk Glong…). Còn một vài khu vực chưa kịp lập khu định cư (ở xã Quảng Phú, Đăk Rmăng huyện Đăk Glong, một bộ phận ở huyện Cư Jut, Đăk Mil), đồng bào vẫn sinh sống từng cụm riêng theo hình thức người cùng họ sống gần nhau, thể hiện sự gắn bó, chia sẻ giữa những người đồng tộc như câu khẩu ngữ “Anh em ghét nhau không bỏ được cái ma, vợ chồng ghét nhau không bỏ được

cái giường” [14; 32].

Như vậy nhìn tổng thể diện mạo làng của người Hmông ở Đăk Nông, có thể thấy ở họ vừa có hình thức cư trú theo quan hệ láng giềng, thích ứng với cư dân nông nghiệp trồng lúa, vừa có hình thức sinh sống xen kẽ giữa những họ với nhau là một sự thay đổi đáng kể so với làng Hmông truyền thống. Tuy nhiên sự chia nhỏ, hay sự sống xen kẽ ấy càng làm tăng lên tình làng nghĩa xóm của người Hmông, họ vẫn thường xuyên quan tâm, qua lại thăm hỏi lẫn nhau, “tối lửa tắt đèn có nhau”, bởi họ luôn luôn quan niệm “chúng ta cùng hạt lanh gieo xuống đất” nên cùng đồng loại

phải thương yêu nhau. Sự quan tâm lẫn nhau ấy thể hiện trong những lúc hoạn nạn, trong những dịp hiếu hỷ, trong lao động sản xuất họ thường xuyên giúp đỡ nhau…

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 55 - 58)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w