Lễ hội dân gian

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 89 - 93)

Lễ hội là sự kết tinh của văn hóa truyền thống. Nó có một vị trí, vai trò khá quan trọng trong đời sống văn hóa của một cộng đồng và cũng là một trong những sự kiện văn hóa nổi bật. Để tìm hiểu về một nền văn hóa, người ta thường bắt đầu từ những gì gần gũi nhất, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của con người, trong đó lễ hội là một sinh hoạt cộng đồng không thể thiếu trong mỗi tộc người. Bởi vì bên trong nó chứa đựng những nét văn hóa phản ánh đời sống của con người, dân tộc. Mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi tộc người lại có một phong cách và những nét đặc sắc riêng biệt trong văn hóa lễ hội. Hàng năm, cứ mỗi độ tết đến

xuân về, người Hmông trên quê hương mới lại náo nức chuẩn bị đón tết năm mới, đồng thời mở hội vui chơi giải trí. Một trong những lễ hội quan trọng của bà con trong những ngày tết đó là tết năm mới và lễ hội gầu tào.

Tết năm mới là dịp quan trọng nhất trong năm của người Hmông. Tết của người Hmông ở Đăk Nông cũng giống như tết của người Kinh, được tiến hành trùng với tết Nguyên Đán. Trước ngày tết, bà con cũng sắm sửa mọi thứ đồ dùng cho tết như: gà, lợn, bánh chưng, bánh dày, bánh kẹo... Họ cũng dọn dẹp đồ đạc, lau chùi nhà cửa… Mọi thứ đồ ăn thức uống được bà con chuẩn bị ngay từ những ngày cuối tháng 12 âm lịch, kể cả những hoạt động sản xuất bà con cũng từng bước hoàn thành. Họ quan niệm ngày tết là thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ, mọi người đi chúc tụng nhau sau một năm làm việc.

Ngay từ chiều 30 Tết, mọi hoạt động cho việc đón tết đã hoàn tất. Bà con không đón Giao thừa như người Kinh, mà tiếng gà gáy đầu tiên của sáng mồng Một Tết là ngày Tết của họ. Ngay sau gà cất tiếng gáy đầu tiên, chủ gia đình thắp 3 nén nhang mang đến suối lấy nước. Nước được lấy vào chiếc thau nhôm nhỏ hay những vật dụng trong suốt để thấy được nguồn nước trong vắt, sau đó mang về nhà. Một số gia đình cho vào trong túi bóng nhỏ treo trước cửa nhà. Túi nước này được treo suốt cả năm, đến tết năm tới mới thay lại. Một số gia đình dùng nước đó nấu cơm. Cơm này gọi là cơm mới và được đặt lên mâm cơm sẽ cúng tổ tiên. Mâm cơm cúng tổ tiên cũng được bày đủ thứ đồ ăn thức uống như thịt lợn hay gà (nhà nghèo có thể không có một trong hai loại thịt), bánh chưng, bánh dày, ba chén nước…cùng với giấy bản (sau khi cúng xong được đốt ngay. Giấy này gọi là tiền cho tổ tiên mang xuống âm phủ dùng), một chén gạo hay lon gạo dùng để cắm nhang cùng với bát đũa cho ma tổ tiên dùng (số bát đũa bằng với số người đã mất - bố mẹ hay anh em ruột thịt trong nhà). Mâm cơm đã bày xong, họ đặt mâm cơm ngay trên một chiếc bàn phía dưới bàn thờ ma nhà và chính giữa vách hậu gian chính, thẳng với cửa chính ngôi nhà. Chủ gia đình ăn mặc chỉnh tề, gọn gàng và tiến hành đốt nhang và thực hiện nghi thức cúng bái với những lời khấn như: “Năm cũ đã hết, năm mới đến rồi, nhà chẳng có gì mà chỉ có chút lễ vật (mâm cơm) nhỏ này kính mời bố mẹ, cô rì, chú

bác… về ăn tết cùng gia đình và phù hộ cho con cháu được may mắn, ăn nên làm ra, lúa gạo đầy nhà, vật nuôi chóng lớn, con cháu không bị ốm đau bệnh tật…”

Sau nghi thức cúng bái gia tiên, gia đình đợi khoảng 30 phút, khi nhang cháy gần hết, chủ gia đình tới xin bê mâm cơm xuống và nói vài lời với đại ý là “tổ tiên dùng xong rồi thì cho con cháu, anh em dọn mâm xuống…”. Mâm cơm cúng tổ tiên được bê xuống, ngay sau đó gia đình cùng con cháu, mời anh em họ hàng tới dùng cơm. Trong khi ăn, mọi người chúc tụng cho năm mới làm ăn khấm khá, khỏe mạnh, không ốm đau bệnh tật…và mời nhau ăn uống và chúc rượu… Bà con người Hmông tổ chức lễ tết chỉ trong ba ngày đầu. Cả ba ngày này, bà con đến nhà nhau chúc tết. Những ngày sau đó mọi người vẫn có thể vui chơi hay đi chơi đâu đó … Trong cả ba ngày Tết, bà con chỉ làm lễ cúng tổ tiên duy nhất một lần.

Ngày Tết là khoảng thời gian nghỉ ngơi, hưởng thụ sau một năm lao động vất vả, vì vậy những ngày tết, mọi người ăn mặc với những màu sắc khác nhau. Phụ nữ với những bộ trang phục truyền thống đã chuẩn bị trước đó, nam giới một số vẫn ăn mặc theo lối truyền thống, còn đa số ăn mặc đơn giản và gọn gàng hơn bằng những bộ trang phục giống như người Kinh. Với những cách ăn mặc của bà con người Hmông trong những ngày Tết không chỉ trong gia đình, mà khắp đường làng ngõ xóm đều thấy sặc sỡ những màu sắc tươi tắn. Ngày Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi, mà còn là dịp trai gái tìm hiểu và tỏ tình, đồng thời cũng là khoảng thời gian diễn ra các trò vui chơi giải trí như: chơi quay, cà kheo, bóng đá, đu quay, múa hát…diễn ra thật vui nhộn từ mồng Một tới mồng Ba Tết, một số nơi có thể tới cả mồng Sáu tết.

Lễ hội gầu tào là một lễ hội mang tính truyền thống của người Hmông. Lễ hội này được tổ chức vào đầu năm mới, diễn ra trong khoảng thời gian từ mồng Một đến mồng Sáu Tết. Mỗi địa điểm tổ chức lễ hội này thường được diễn ra trong ba ngày từ ngày mồng Một đến ngày mồng Ba, cũng có làng tổ chức lễ hội vào các ngày từ mồng Ba đến ngày mồng Sáu. Để tổ chức được lễ hội, bà con phải chuẩn bị ngay từ cuối tháng 12 âm lịch. Đây là lễ vừa cầu phúc, lại vừa là lễ cầu mệnh. Ngay từ những ngày cuối của năm cũ, một số gia đình trong làng được thầy bói phán là

phải làm lễ cầu phúc hay cầu mệnh. Với những gia đình có con bị chết, hay ốm đau bệnh tật, việc làm lễ gầu tào là mang tính cầu mệnh; gia đình nào đó lấy nhau lâu năm mà không có con, nhờ thầy cúng bói xin mở hội gầu tào thì mang tính cầu phúc.

Công việc chuẩn bị mở hội diễn ra từ những ngày cuối tháng. Đó là lúc các gia đình cần mở hội phải chuẩn bị cho lễ hội. Gia đình cầu phúc phải nhờ anh trai, chị dâu (có cả con trai và con gái) vào rừng chặt cây mai cao, to nhất và còn lá mang đến địa điểm đã định sẵn. Gia đình cầu mệnh phải nhờ hai thanh niên khỏe mạnh nhất họ vào rừng chặt mai, mai cũng phải to, cứng cáp, có sức sống. Sau khi mang mai từ rừng về, các gia đình tiến hành dựng nêu. Việc dựng nêu phải diễn ra khẩn trương, nhanh gọn, trưa 29 phải xong mọi việc chuẩn bị cho lễ hội. Mỗi gia đình dựng một cây nêu nơi thông thoáng, thế đất cao ráo tiện cho việc cúng bái, bà con qua lại cầu chúc. Ngọn nêu được treo mảnh vải đỏ cùng với bầu rượu… Đồng thời xung quanh cây nêu họ còn dựng các lều, lán nhỏ dựng lên cho tiện chỗ sinh hoạt của người giúp, cũng như các cụ già sinh hoạt. Dựng nêu xong, các gia đình phải làm mâm cơm cúng bái tổ tiên và cầu thần linh phù hộ cho ăn nên làm ra, con cái được sinh sôi nảy nở, vật nuôi, cây trồng chóng lớn…

Sáng mồng Một Tết tiến hành mở hội, Hội bắt đầu vào lúc 7h30. Mở đầu là làm lễ khai hội. Thầy cúng tiến hành cầu cúng cho gia chủ. Bà con lối xóm tới xem và có sự đóng góp một chút, cầu phúc cho gia chủ và cầu chúc gia đình gặp nhiều may mắn trong năm mới. Chủ gia đình được cầu chúc tiến hành cảm ơn bà con. Cạnh cây nêu, các gia đình chuẩn bị thức ăn trong cả thời gian tiến hành lễ hội. Ngay sau phần lễ cầu chúc, mọi người tiến hành các trò chơi. Các trò chơi được tổ chức ở những khu riêng biệt, khu giành cho chọi quay, khu giành cho bắn nỏ, khu cho đua cà kheo, khu giành cho đá bóng… Mọi cuộc vui rồi cũng đến hồi kết, lễ hội được tiến hành giữa ngày thứ ba - cũng là thời điểm chuẩn bị tan hội, các trò chơi tổ chức rất vui nhộn, có kẻ thắng người thua. Người thắng nhận phần thưởng (chỉ là tượng trưng, cũng có nơi bằng tiền), người thua có phần tiếc nuối, nuôi ý chí tới lễ hội năm sau tiếp tục. Cùng với niềm vui và nỗi buồn, các gia đình tổ chức lễ hội chuẩn bị mọi thứ để kết thúc lễ hội. Lễ hội kết thúc đồng nghĩa với việc cây nêu

được hạ xuống, thầy cúng lấy bầu rượu treo trên cây nêu rải xung quanh nơi chôn cây nêu, đồng thời chủ gia đình mang mảnh vải đỏ về nhà treo và mang cây nêu về nhà lưu giữ cẩn thận, bởi theo họ đây là những thứ mà thần linh, tổ tiên đã đồng ý với những lời cầu chúc may mắn cho gia chủ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 89 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w