Quan hệ xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 59 - 62)

Đến với Đăk Nông, người Hmông không hề sinh sống đơn lẻ mà có những mối quan hệ tốt đẹp, mối quan hệ này không chỉ giữa người Hmông với nhau, mà còn với tất cả các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những đồng bào dân tộc lân cận như người Kinh, các dân tộc thiểu số khác như M’nông, Mạ, Dao, Tày, Thái…

Quan hệ nội bộ tộc người: Người Hmông đến với Đăk Nông không chỉ một nhóm thuần túy là Hmông Xanh, mà còn có cả Hmông Hoa, Hmông Đỏ, Hmông Đen, Hmông Trắng. Sống xen cư nhưng không làm cho họ có sự phân biệt đối xử, trái lại họ luôn sống chan hòa với nhau như anh em ruột thịt. Khi đi ngoài đường hay trong những sinh hoạt làng bản, họ luôn niềm nở chào hỏi nhau, mọi người đều có thể tới nhà nhau chơi. Trong khó khăn, họ luôn nhận được sự giúp đỡ của những người đồng tộc. Sự giúp đỡ có thể là vật chất, có thể là lời động viên an ủi… Tình cảm thân thiết ấy đã có từ ngàn đời, đến nay truyền thống ấy ngày càng được phát huy và trở thành sợi dây liên kết họ với nhau, cùng nhau tạo dựng một cuộc sống mới trên mảnh đất phía Nam Tây Nguyên.

Theo sự khảo sát của chúng tôi, hiện nay ở Đăk Nông hầu như không có làng nào là “thuần Hmông”, mà thường là sự xen cư giữa người Hmông với người Kinh và một số dân tộc thiểu số khác như Tày, Nùng, Thái, Cơ ho, Mnông… Do vậy, mối quan hệ của họ không đơn độc, mà là một mối quan hệ đa dạng, luôn rộng mở. Không chỉ quan hệ riêng với đồng tộc, mà họ còn có những mối quan hệ với các dân tộc khác. Họ luôn quan niệm, người Hmông là anh em một nhà, có cùng chung nguồn gốc, cội nguồn; mặt khác họ đến với một mảnh đất mới này nếu không có sự

gắn bó bên trong thì sao có được sự gắn bó với bên ngoài. Xuất phát từ suy nghĩ ấy, người Hmông đã sinh sống hòa hợp với tất cả các dân tộc anh em. Đối với những dân tộc khác sinh sống ngoài địa vực cư trú của họ, đều có sự quan hệ tốt đẹp. Mối quan hệ đó, có thể là thông qua những hoạt động thường ngày như trao đổi hàng hóa, hay cùng chung lưng đấu cật chống chọi lại thiên tai (hạn hán, lũ lụt). Bên cạnh đó, họ còn giao lưu văn hóa với nhau thông qua những buổi sinh hoạt thôn xóm… cùng nhau xây dựng cuộc sống mới. Mối quan hệ ấy biểu hiện trên tất cả những mặt kinh tế - văn hóa - xã hội. Cùng với việc quan hệ với người Kinh, người Hmông cũng có những mối quan hệ khăng khít với các dân tộc thiểu số khác như người Dao, người Tày, người Mnông… trên tinh thần đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau.

Như vậy người Hmông đã có những mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các dân tộc từ phạm vi rộng lẫn phạm vi hẹp. Mối quan hệ này thể hiện trên tất cả các lĩnh vực như kinh tế - văn hóa - xã hội, tạo nên sức mạnh của khối đoàn kết giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đăk Nông.

2.2.4. Dòng họ

Trong cộng đồng người Hmông, quan hệ dòng họ là một mối quan hệ thiêng liêng và bền chặt nhất. Đây là mối quan hệ đặc sắc, thể hiện nét đẹp trong văn hoá ứng xử của đồng bào Hmông. Trước kia, khi người Hmông di cư là thường di cư cả một dòng họ, có khi cả làng. Thế nhưng đó là sự di cư ở một cự ly gần. Còn việc di cư đến một vùng đất xa xôi, họ chỉ đi với một số lượng nhỏ. Đó là những người thiếu đất canh tác, là những gia đình nghèo. Lúc đầu chỉ là những thành viên nhỏ trong dòng họ. Dần dần do cuộc sống ổn định, những người thân đã có mặt, và tạo thành một cộng đồng người Hmông đông đúc (trên 22.400 người) trên mảnh đất mới này. Với một số lượng khá đông, người Hmông nơi đây có tới gần 20 dòng ho. Mối quan hệ giữa các họ là bình đẳng.

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, ở Đăk Nông người Hmông có những họ như: họ Lầu, Hoàng, Giàng, Vàng, Thào, Lý, Hờ, Sùng, Mã, Cư, Và, Mùa, Sồng, Hầu, Dương, Thèn, Lùng… Trong các họ trên, họ Giàng chiếm số lượng đông nhất. Mỗi họ có tên gọi riêng liên quan đến con vật, đồ vật, mầu sắc, loại cây như: họ Giàng

(con dê), Mã (con ngựa), họ Hờ (con khỉ), họ Sùng (con gấu), họ Thào (cây đào), họ Lý (cây mận), họ Lù (màu xanh), họ Hoàng (mầu vàng), họ Thèn (cái thùng), họ Cư (cái trống), và một số họ chưa xác định ý nghĩa tộc danh. Trong mỗi họ của người Hmông đều có một trưởng họ, bà cô, thầy cúng. Trưởng họ là người có đạo đức, có uy tín luôn quan tâm đến đời sống các thành viên. Trưởng họ do toàn thể các thành viên trong họ bầu lên. Ông là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, giỏi tổ chức săn bắn, am hiểu các nghi lễ, kiêng kị của dòng họ, nắm chắc phong tục tập quán của người Hmông, có trách nhiệm trực tiếp tổ chức khai hoang, giải quyết các vụ xích mích trong dòng họ, hướng dẫn các gia đình khi có ma chay, cưới xin. Ông là người thay mặt dòng họ giao thiệp với các dòng họ khác và với chính quyền các cấp. Bên cạnh trưởng họ, trong dòng họ vai trò bà cô cũng rất lớn. Bà cô có trách nhiệm cùng với các thành viên cao tuổi trong họ bàn bạc việc cưới xin của con cháu, có quyền quyết định trong hôn nhân, (có nhận đồ lễ cưới hay không?). Đặc biệt khi trong họ có người mất, bà cô có trách nhiệm chủ trì bàn bạc để cùng tổ chức lễ tang. Đồng thời bà cô có quyền quyết định thay đổi nghi thức cúng bái của dòng họ. Cùng với trưởng họ và bà cô, một người có vai trò quan trọng nữa là thầy cúng. Trong mỗi họ của người Hmông ở Đăk Nông thường có một thầy cúng. Thầy cúng là người am hiểu các nghi thức cúng bái của dòng họ, là người “quyết định mọi công việc của đám ma” [20; 49].

Là một mảnh đất mới được người Hmông sinh tụ hơn chục năm, thế nhưng tính cộng đồng luôn tồn tại. Họ quan niệm đã là người Hmông dù ở bất kì đâu đều trở thành người thân thiết, có nghĩa vụ giúp đỡ nhau. Cộng đồng người thân thiết đã thế, những người trong cùng một dòng họ lại càng thân thiết hơn. Ở mảnh đất mới này, người Hmông sinh sống khắp tỉnh, cho nên một họ có thể cùng làng, cùng xã, có thể cùng huyện, khác huyện… Tuy ở xa nhau, nhưng mỗi khi các thành viên đến thăm nhau đều được coi là anh em một nhà, cùng một ông tổ sinh ra. Thành viên trong dòng họ dẫu ở cách xa nhau đến mấy cũng tuyệt đối không có quan hệ hôn nhân với nhau. Các thành viên trong họ luôn quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, bất kể đàn ông đàn bà, người già, người trẻ, kể cả các thành viên nữ đã đi lấy chồng thuộc về

họ nhà chồng, nhưng vẫn liên hệ chặt chẽ với họ xuất thân. Dòng họ luôn có trách nhiệm quan tâm đến thân phận làm dâu của người con gái đã đi lấy chồng. Sự quan tâm giúp đỡ lẫn nhau ấy có khi là tiền bạc, có khi là vật dụng, nhiều khi là sự động viên về tinh thần. Ví dụ như trong dòng họ có người không may qua đời, mà gia đình nhà đó nghèo khó, thì cả dòng họ đều có trách nhiệm góp tiền, gạo, rượu, thịt…để cùng tổ chức đám tang. Bởi nếu không tổ chức được sẽ bị người khác chê trách, dòng họ khác chê cười. Họ còn quan niệm, đã là người cùng họ thì có thể sinh đẻ trong nhà của nhau, thậm chí chết trong nhà của nhau. Những người khác họ tuyệt đối không được chết trong nhà của nhau.

Như vậy, dòng họ của người Hmông ở Đăk Nông có sự cố kết bền chặt. Sự cố kết ấy đã trở thành sợi dây liên kết người Hmông lại với nhau trong cuộc sống hàng ngày, nhằm xây dựng một cuộc sống ngày thêm tươi đẹp.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN NGƯỜI HMONG ở đăk NÔNG HOÀN CHỈNH (Trang 59 - 62)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(133 trang)
w