2. THỰC TRẠNG XUẤT KHẨU THUỶ SẢN CỦA VIỆT NAM THỜI GIAN QUA
2.3. Cơ cấu sản phẩm xuất khẩu
Trong thời gian qua, Việt Nam đã có những cố gắng rất lớn trong việc đa dạng hoá sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu. Năm 1986, từ chỗ Việt Nam hầu chỉ xuất khẩu tôm và mực (trong tổng số 24,89 ngàn tấn thuỷ sản xuất khẩu thì riêng tôm đã chiếm 15,9 ngàn tấn - tức khoảng 64%), thì đến năm 1996, xuất khẩu tôm tuy vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất nhưng đã giảm đi một cách tương đối (70 ngàn tấn tôm trên tổng số 150,5 ngàn tấn thuỷ sản xuất khẩu – tức là 46,5%). Ngoài ra các mặt hàng mới xuất khẩu ngày càng nhiều như cá phi lê đông lạnh, cá hộp, cá ngừ tươi, các thuỷ sản chế biến ăn ngay.
Bảng 7 : Cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam năm 2002 Sản phẩm thuỷ sản xuất
khẩu của Việt Nam
Năm 2002 So với năm 2001
Khối lượng (tấn)
Giá trị (TrUSD)
Khối lượng Giá trị
Tôm 115.656 966,709 +32,3 +23,7
Cá 143.236 462,781 +37,0 +49,3
Mực và bạch tuộc 55.847 142,786 +29,5 +20,6
Hàng khô 35.756 138,386 +4,1 -26,6
Hải sản khác 93.548 312,177 +4,6 -17,6
Nguồn : Tạp chí Thương Mại Thuỷ Sản 2/2003 Trong suốt thời gian qua, mặt hàng tôm luôn là mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo số liệu năm 2002 của Tạp chí Thương Mại Thuỷ Sản, đối với mặt hàng này, xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ đạt giá trị cao nhất. Năm 2002, sản lượng tôm xuất sang thị trường Mỹ là 45.801 tấn, tương đương giá trị xuất khẩu là 467,332 triệu USD, tăng 37,8% so với năm 2001. Tiếp đến là thị trường Nhật Bản với khối lượng xuất khẩu còn lớn hơn thị trường Mỹ với 49.252 tấn, đạt giá trị là 347,392 triệu USD, tăng 20% so với năm 2001. Ngoài ra, năm 2002, các thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng tôm như Trung Quốc, Hồng Kông, ASEAN đều có sự tăng trưởng cao so với năm 2001, ngoại trừ thị trường EU có sự giảm sút khối lượng cũng như giá trị xuất khẩu khá lớn (năm 2002, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm của Việt
Nam sang EU giảm 61,6%). Thời gian gần đây, mặt hàng cá có tốc độ tăng trưởng trong xuất khẩu nhanh nhất so với tất cả các nhóm hàng thuỷ sản xuất khẩu, thậm chí còn cao hơn tôm - mặt hàng chủ yếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu của nước ta, đạt mức tăng trưởng bình quân 43%/năm, trong đó sản phẩm cá ngừ chiếm khối lượng khá lớn. Sự tăng trưởng rất cao này có thể ghi nhận ở hai mặt hàng tương đối quan trọng là cá tra/basa và cá ngừ đông lạnh khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ trong một vài năm gần đây. Thị trường xuất khẩu chính của mặt hàng cá vẫn là Hoa Kỳ với giá trị xuất khẩu năm 2002 là 144,980 triệu USD, tăng 47,7% so với năm 2001. Các thị trường chính khác như Trung Quốc với giá trị xuất khẩu cá năm 2002 đạt 114,560 triệu USD, Nhật Bản 56,466 triệu USD, ASEAN 23,296 triệu USD và EU 21,716 triệu USD. Sản phẩm mực và bạch tuộc cũng đã có sự tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu những năm qua với thị trường lớn nhất là Nhật Bản (giá trị xuất khẩu sản phẩm này năm 2002 vào Nhật đạt 66,049 triệu USD, tăng 7,2% so với năm 2001). Trong khi đó hàng khô và các hải sản khác tuy vẫn có sự tăng trưởng về khối lượng xuất khẩu nhưng đã có những dấu hiệu sụt giảm lớn về giá trị xuất khẩu trong năm 2002. Đây là những tín hiệu thực tế để Ngành Thuỷ sản có những giải pháp phù hợp đối với cơ cấu sản phẩm thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam trong tương lai.