5. ĐẶC ĐIỂM CÁC THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU THUỶ SẢN CHÍNH CỦA VIỆT NAM
5.1.3. Đặc điểm tiêu dùng của người dân Nhật Bản
Trong thời gian qua, nhu cầu tiêu dùng thuỷ sản trên thị trường Nhật rất lớn và xu hướng này sẽ còn được duy trì trong thời gian dài. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc hình thành nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản trên thị trường Nhật, một trong những lý do quan trọng là do phong tục, tập quán, thói quen tiêu dùng, tôn giáo của người Nhật. Có thể nhận thấy mặt hàng thuỷ sản là loại thực phẩm truyền thống của người Nhật, họ không có thói quen sử dụng thịt gia súc, gia cầm nên nguồn đạm động vật chủ yếu
phụ thuộc vào thực phẩm thuỷ sản. Hàng năm vào những tháng vui chơi hay mùa cưới, những ngày lễ, thực phẩm thuỷ sản được tiêu thụ rất cao. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ đã làm cho Nhật Bản có một sức mua lớn. Do hàng thuỷ sản có giá trị dinh dưỡng cao, nhiều đạm ít mỡ, hàm lượng protêin lớn, dễ chuyển hóa đối với cơ thể nên rất được ưa dùng. Tuy nhiên giá thành một kg hàng xuất khẩu so với các hàng thực phẩm khác khá cao nên giữa nhu cầu thực và nhu cầu có khả năng thanh toán có một khoảng cách. Vì vậy hàng thuỷ sản xuất khẩu chỉ được tiêu thụ ở những nước có thu nhập cao mà Nhật là một nước công nghiệp phát triển hùng mạnh. Mức thu nhập GNP/người vào hàng cao nhất thế giới. Do vậy người dân Nhật yêu cầu và sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm được chế biến tốt và hợp khẩu vị. Ngoài ra thị trường Nhật sẵn sàng chấp nhận mức giá cao đối với những sản phẩm có chất lượng giá trị cao, còn đối với những sản phẩm có chất lượng thấp thì được mua với giá thấp hơn. Đặc biệt, ngày càng có nhiều người tiêu dùng Nhật Bản quan tâm đến sản phẩm an toàn cho sức khoẻ và tinh thần. Tại hội chợ Foodex năm 2002, một số khách hàng Nhật Bản cho biết rằng vẫn còn ấn tượng xấu về vấn đề vệ sinh an toàn thuỷ sản Việt Nam trước đây và họ lưu truyền cho thế hệ tiếp theo là : hãy coi chừng hàng thuỷ sản Việt Nam có chứa những vật lạ như kim loại, gỗ,... hoặc bị tiêm chích để tăng trọng lượng. Thật đáng buồn và hổ thẹn khi khi nghe những nhận xét như vậy. Mặc dù chất lượng thuỷ sản Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong thời gian qua, nhưng tiếng xấu vẫn còn phảng phất trong tâm trí của những thế hệ nhà buôn thuỷ sản Nhật Bản. Phải chăng, quan niệm đó của những người Nhật Bản là do thiếu thông tin hay thiếu sự quảng bá rộng rãi về thuỷ sản Việt Nam ở thị trường có nhu cầu tiêu thụ rất cao này? Việc đánh giá chất lượng thuỷ sản nhập khẩu phụ thuộc vào thói quen tiêu dùng của người dân, do vậy nếu các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam cải tiến chất lượng của sản phẩm phù hợp với nhu cầu cũng như quan điểm tiêu dùng của người Nhật thì chúng ta sẽ có nhiều khả năng hơn trong việc thâm nhập thành công vào thị trường này. Có thể nói, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và trong nghành thuỷ sản nói riêng muốn thâm nhập vào thị trưòng Nhật Bản nhất thiết phải
nắm 4 nguyên tắc sau : Nắm bắt thị hiếu; Định giá thành sản phẩm; Bảo đảm thời hạn giao hàng; Duy trì chất lượng sản phẩm.