VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI.
Với sự kiện lịch sử xuất khẩu 2 tỷ USD của ngành Thuỷ sản, chúng ta có thể hoàn toàn tự hào song cũng phải hiểu sâu sắc rằng những kết quả đạt được còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của Đất nước và còn chưa thực sự vững chắc. Càng vận động và phát triển, Thuỷ sản Việt nam càng có cơ hội to lớn, đồng thời luôn phải đối mặt với những khó khăn và thách thức gay gắt.
4.1. Những khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, là những yêu cầu ngày càng cao và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường thế giới. Tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi dân tộc phải đánh giá đúng để đề ra và thực hiện những chiến lược, sách lược phát triển phù hợp. Sự gia tăng sản xuất thuỷ sản ở nhiều quốc gia, quy định khắt khe của các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Mỹ, Canada, Nhật Bản đòi hỏi chúng ta phải lựa chọn những bước đi và chiến lược, sách lược đúng đắn, có cách tiếp cận mới trong tổ chức và quản lý đối với toàn ngành thuỷ sản trong phạm vi cả nước, ở từng địa phương và trong mỗi doanh nghiệp, đòi hỏi phải đổi mới thực sự từ tư duy đến năng lực tổ chức thực hiện.Thứ hai, là những giới hạn về nguồn lợi và năng lực quản lý trong điều kiện kinh tế thị trường. Một bộ phận của nguồn lợi thuỷ sản vùng ven bờ đang bị khai thác cạn kiệt, khả năng tái tạo nguồn lợi thấp, năng suất đánh bắt giảm trong khi chúng ta chưa đủ năng lực làm chủ vùng biển xa bờ. Nghề nuôi thuỷ sản đang phát triển tự phát, thiếu quy hoạch, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh mà chưa có giải pháp phòng ngừa. Nguy cơ ô nhiễm môi trường nuôi trồng thuỷ sản do việc sử dụng kháng sinh trong nuôi trồng
thuỷ sản, thuốc trừ sâu, phân bón trong nông nghiệp. Chúng ta cũng chưa có biện pháp thực sự hữu hiệu để quản lý môi trường, dịch bệnh để đạt sự phát triển bền vững.
Thứ ba, là sự thiếu hụt ngày càng gay gắt nguồn nhân lực được đào tạo. Hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước về thuỷ sản cả ở Trung ương và địa phương chuyển đổi chậm, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh, hội nhập và cạnh tranh quốc tế. Sự phát triển nhanh của lĩnh vực chế biến và xuất khẩu thuỷ sản kéo theo sự thiếu hụt cán bộ quản lý doanh nghiệp giỏi và công nhân lành nghề. Hàng chục vạn nông dân ở các vùng chuyển đổi từ nông nghiệp sang nuôi tôm đang hết sức bỡ ngỡ với nghề mới. Đội ngũ ngư dân trên các tàu đánh cá xa bờ chưa được đào tạo và huấn luyện để có thể khai thác hiệu quả ngư trường xa bờ. Ngoài ra vấn đề an toàn thực phẩm cũng là một thách thức lớn trong năm 2003 đối với các nước xuất khẩu thuỷ sản nói chung và Việt Nam nói riêng. Tháng 9/2001, EU phát hiện kháng sinh trong tôm của Trung Quốc, Việt Nam, Inđônêxia và sau đó là Thái Lan. Cả EU và Mỹ đã tỏ ra quá lo ngại về vấn đề này và bắt đầu tăng cường kiểm tra đối với tôm nhập khẩu từ Châu Á. Những vấn đề phát sinh này có thể sẽ dẫn đến một số thay đổi trong buôn bán thuỷ sản thời gian tới. Trong khi đó, thời gian gần đây, Mỹ đã tạo ra một vòng luẩn quẩn về pháp lý khi ép buộc ngành thuỷ sản Việt Nam không được sử dụng tên “catfish” cho cá tra/basa và còn cáo buộc Việt Nam bán phá giá sản phẩm này ở thị trường Mỹ. Đồng thời, các nhà sản xuất tôm của Mỹ cũng đang tiến hành khởi kiện tương tự đối với một số tôm nhập khẩu từ một số nước Châu á và Mỹ latinh. Việc sử dụng các rào cản phi thuế quan là một hình ảnh không trong sáng về thương mại thuỷ sản toàn cầu, mà chắc chắn rằng một nước có sự tập trung lớn về xuất khẩu thuỷ sản như Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều. Theo quan điểm của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, mặc dù còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua, nhưng thế đứng của Việt Nam trên trị trường quốc tế đã vững chãi hơn nhiều so với trước đây. Đất nước chúng ta còn nhiều tiềm năng lớn về điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế thuỷ sản. Bằng cách tiếp tục phát huy nội lực đồng thời tận dụng những cơ hội phát triển, chắc chắn ngành thuỷ sản sẽ đạt được các chỉ tiêu trong các chương trình và chiến lược phát triển của Đất nước.
4.2. Cơ hội phát triển.