2. ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC XUẤT KHẨU THUỶ SẢN CỦA VIỆT NAM TRONG THỜ
2.2.3. Phát triển thêm nhiều mặt hàng thuỷ sản mới cho xuất khẩu
Trong cơ cấu hàng thuỷ sản xuất khẩu của thế giới hiện nay, khoảng 75% là dạng sản phẩm cá tươi, ướp đông, đông lạnh và giáp xác, nhuyễn thể tươi, ướp đông, đông lạnh, sau đó là đến sản phẩm đồ hộp thuỷ sản hơn 15%, còn dạng khô, muối, hun khói chiến hơn 5%, dầu cá và bột cá cộng lại xấp xỉ 5%. Trong khi đó, cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua khoảng hơn 90% là dạng sản phẩm thuỷ sản tươi, ướp đông, đông lạnh (riêng giáp xác và nhuyễn thể chiếm 80-85%). Sự mất cân đối về cơ cấu dạng sản phẩm xuất khẩu như thời gian qua, một mặt phản ánh thế so sánh của Việt Nam trong xuất khẩu thuỷ sản, mặt khác lại thể hiện sự yếu kém của ngành công nghiệp chế biến thuỷ sản nước nhà, nhưng đây cũng là tiềm năng để Việt Nam có thể đa dạng hoá nhằm tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản thời gian tới. Có thể nhận định, cơ cấu mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu thời gian tới của Việt Nam sẽ có sự phù hợp tương đối với cơ cấu xuất khẩu thuỷ sản của thế giới, đó là : Tăng hơn nữa tỷ trọng xuất khẩu đồ hộp thuỷ sản (phát triển thêm các mặt hàng như đồ hộp cá ngừ hay tôm hộp, ...), tăng tỷ trọng cá và tăng tỷ trọng thuỷ sản sống trong cơ cấu hàng thuỷ sản tươi, ướp đông, đông lạnh và giảm tỷ trọng hàng đông lạnh sơ chế. Chuyển hướng cơ cấu sản phẩm có ý nghĩa rất lớn trong việc tăng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam vì hai lí do cơ bản : Khối lượng xuất khẩu tăng và giá xuất khẩu tăng sẽ có khả năng tăng lớn kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.