3. GIẢI PHÁP MARKETING NHẰM ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU HÀNG THUỶ SẢN
3.1.1. Giải pháp về chất lượng sản phẩm
Có thể nói, vấn đề đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm có tầm quan trọng sống còn đối với hoạt động xuất khẩu hàng thuỷ sản Việt Nam. Chúng ta có thể thấm thía điều này qua ví dụ cụ thể về trường hợp của Thái Lan, trở thành nước xuất khẩu thuỷ sản hàng đầu thế giới hiện nay là nhờ việc quốc gia này đã tập trung mọi nỗ lực của ngành thuỷ sản, cả tư nhân và nhà nước để cải tiến chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu. Định hướng chiến lược của ngành thuỷ sản Việt Nam trong thời gian tới là phải tăng được thị phần ở EU, Nhật Bản và Bắc Mỹ, những quốc gia và khu vực mà mọi vấn đề liên quan tới chất lượng đều được quy tụ trong việc thực hiện các tiêu chuẩn HACCP. Do vậy, đối với các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, không có cách nào khác là phải vươn lên cùng với sự trợ giúp về kỹ thuật, tài chính của Nhà nước và quốc tế, nhằm mục đích cải tiến chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam nói chung và đối với từng doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản nói riêng. Như chúng ta đã biết, vấn đề sản xuất nguyên liệu của Việt Nam hiện nay có rất nhiều bất cập, trong khi đó, nguyên liệu chính là đầu vào cho hoạt động sản xuất và chế biến hàng thuỷ sản xuất khẩu. Do vậy, để cải tiến chất lượng hàng thuỷ sản Việt Nam, nhiệm vụ trước mắt chính là giải quyết vấn đề nguyên liệu.Để khắc phục tình trạng thiếu nguyên liệu hiện nay, cần tập trung các biện pháp tích cực để đẩy mạnh sản xuất ở các vùng nuôi thuỷ sản. Công tác khuyến nông, khuyến ngư cần phải triển khai sâu rộng hơn đến các hộ nuôi và tăng cường tuyên truyền một cách cụ thể để người sản xuất trực tiếp có thể áp dụng vào thực tế, nhất là việc chọn giống sạch, có chất lượng, tuân thủ các quy trình nuôi. Ngoài ra, ngành thuỷ sản cần phối hợp với VASEP đẩy mạnh hơn nữa công tác
quản lý và kiểm soát dịch bệnh, một khâu đang rất yếu kém hiện nay để tránh tình trạng tôm chết hàng loạt như đã xảy ra ở một số thời gian qua. Bên cạnh đó phát triển các hình thức nuôi sinh thái, bán thâm canh và quảng canh cải tiến, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng như phát triển bền vững với những nguyên liệu tốt nhất phục vụ cho chế biến xuất khẩu. Trong quá trình khai thác biển, cần tăng cường các đội tàu khai thác xa bờ có công nghệ khai thác và bảo quản trên tàu. áp dụng các biện pháp bảo quản nguyên liệu sau đánh bắt (nhất là đối với cá ngừ đại dương và tôm biển) để tránh nhiễm bẩn tạp chất và dư lượng. Tăng cường trang thiết bị và phương tiện bảo quản trên các tàu cá, từng bước đầu tư đóng mới đội tàu chuyên môn hoá để bảo quản, vận chuyển sản phẩm hải sản cung cấp các các dịch vụ ngoài khơi; xây dựng mới, nâng cấp hệ thống cảng cá, chợ cá để thay đổi công nghệ bảo quản sau thu hoạch, nhằm nâng cao chất lượng nguyên liệu chế biến xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng có thể nhập khẩu nguyên liệu để gia công chế biến và tận dụng công suất dư thừa của các nhà máy. Kiểm soát dư lượng kháng sinh cũng là một giải pháp cấp thiết để có thể cải tạo thành công chất lượng thuỷ sản xuất khẩu của Việt Nam. Cần tăng cường công tác kiểm tra và kiểm soát việc sử dụng các loại hóa chất và kháng sinh trong nuôi trồng thuỷ sản cũng như bảo quản nguyên liệu. Cần có sự tăng cường kiểm tra chéo giữa các doanh nghiệp với vai trò phối hợp của VASEP và các Câu lạc bộ ngành hàng nhằm mục đích chống đưa tạp chất vào nguyên liệu. Đây là vấn đề hết sức cần thiết để có thể nâng cao chất lượng hàng thuỷ sản xuất khẩu Việt Nam trong thời gian tới. Các nhà máy chế biến phải đẩy mạnh kiểm tra nguyên liệu trước khi đưa vào sản xuất, tránh tình trạng chế biến thành phẩm không đủ chất lượng, và như vậy điều cần thiết là phải tăng cường năng lực chế biến phục vụ xuất khẩu. Như đã biết, năng lực chế biến hàng thuỷ sản của chúng ta trong những năm qua đã có những bước tiến lớn, song không phải vì thế mà chúng ta quên rằng các nước khác cũng đang từng bước đẩy mạnh lĩnh vực này. Do vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cần phải quy hoạch lại hệ thống các cơ sở chế biến thuỷ sản để tiếp tục đầu tư nâng cấp và xây dựng mới, cụ thể là: - Đầu tư xây dựng mới một số cơ sở chế biến đi đôi với mở rộng, nâng cấp đồng bộ cả về cơ sở hạ tầng, điều kiện sản xuất, đổi mới
công nghệ, đổi mới trang thiết bị, thực hiện đầu tư chiều sâu cho số cơ sở chế biến thuỷ sản hiện có, có đủ điều kiện mở rộng nâng cấp, trên cơ sở tính toán kỹ về hiệu quả kinh tế của từng cơ sở, nâng công suất chế biến lên 1500 tấn sản phẩm /ngày vào năm 2005 và 2500 tấn sản phẩm/ngày vào năm 2010. - Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO và đặc biệt là HACCP, phấn đấu đến năm 2010 có 100% số doanh nghiệp các cơ sở chế biến thuỷ sản đều áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. - Mở rộng chủng loại và khối lượng các mặt hàng thuỷ sản chế biến có giá trị gia tăng, đưa tỷ trọng mặt hàng có giá trị gia tăng tăng từ 28% vào năm 2000 lên 40- 45% vào năm 2005, và 60- 65% vào năm 2010. - Phát triển và hoàn thiện công nghệ nuôi trồng thuỷ sản cho những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Hoàn thiện công nghệ sản xuất giống và sản xuất thức ăn phục vụ nuôi trồng thuỷ sản. - Duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo GMP, SSOP và HACCP được áp dụng 100% từ năm 2001 đối với các cơ sở chế biến hải sản nhằm đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và xuất khẩu. - Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ giảm thất thoát sau thu hoạch. Mở rộng áp dụng các biện pháp đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các khâu trước chế biến. Nghiên cứu thử nghiệm và đa dạng hoá các công nghệ chế biến hàng thuỷ sản phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học nhằm sản xuất các sản phẩm cao cấp có hàm lượng khoa học cao từ thuỷ sản. - Hình thành các vùng sản xuất nuôi trồng thuỷ sản với quy mô lớn, tạo thành chuỗi phát triển công nghiệp nghề cá với các khu công nghiệp tập trung nhằm chế biến và gia công thuỷ sản xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu. Tạo lập một hệ thống hàng hoá xuất khẩu có quy mô lớn với lượng hàng xuất khẩu đủ lớn, ổn định để tạo thế chủ động trong phát triển thị trường thuỷ sản xuất khẩu.