Cơ chế điều hành dự toán

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán trong tiến trình cải cách tài chính công ở việt nam (Trang 56 - 60)

Trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị dự toán

Cơ chế điều hành dự toán được thể hiện tập trung ở cơ chế trao quyền tự chủ cho các đơn vị sử dụng ngân sách và kèm theo đó là quy định bắt buộc các đơn vị ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ.

Cơ chế điều hành dự toán được xây dựng trên cơ sở Luật NSNN hiện hành và có tính đến đặc thù trong mô hình hoạt động của các loại hình đơn vị dự toán. Do đó, có cơ chế quản lý đặc thù áp dụng cho từng loại hình đơn vị. Các ĐVDT khu vực hành chính nhà nước áp dụng cơ chế điều hành dự toán khác với cơ chế trao quyền tự chủ tài chính đối với các ĐVSN. Trong khối các ĐVSN, cơ chế trao quyền tự chủ đối với các ĐVSN y tế cũng có nét đặc thù khác với cơ chế trao quyền tự chủ tài chính đối với các ĐVSN giáo dục.

Theo cơ chế hiện hành, các đơn vị các các quyền cơ bản như sau: - Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động chuyên môn. - Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy và nhân sự. - Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính.

Luận án tập trung đánh giá việc thực hiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán theo hướng các đơn vị đang thực hiện cơ chế tự chủ, tập trung vào quyền tự chủ về tài chính.

Hiện nay, ở nước ta, tất cả các cơ quan hành chính nhà nước đã thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính đối với các cơ quan nhà nước theo Nghị định số 130/2005/NĐ- CP của Chính phủ; Tất cả các ĐVSN công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Quy chế chi tiêu nội bộ

Trong điều hành dự toán, khi thực hiện cơ chế tự chủ trong quản lý, một nội dung xuyên suốt là tất cả các đơn vị dự toán đều xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ.

Việc xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ nhằm góp phần giúp các đơn vị cải thiện tính công khai, minh bạch khi sử dụng các nguồn tài chính tại đơn vị, giúp thủ trưởng đơn vị chủ động sử dụng kinh phí NSNN được giao có hiệu quả để thực hiện nhiệm vụ; đồng thời chủ động sử dụng tài sản, nguồn nhân lực để phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo điều kiện tăng nguồn thu.

Quy chế chi tiêu nội bộ là căn cứ để đơn vị chấp hành dự toán, giải ngân cho các hoạt động chuyên môn; đó cũng là căn cứ để các cơ quan Kho bạc, kiểm toán, thanh kiểm tra thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát chi tiêu, sử dụng nguồn tài chính tại các đơn vị.

Trên thực tế, hiện nay tại các đơn vị dự toán, Quy chế chi tiêu nội bộ đã được xây dựng và áp dụng theo những nguyên tắc và phương pháp nhất định. Có thể khái quát hóa thành những điểm chính yếu như sau:

Tất cả các đơn vị đều tổ chức thảo luận rộng rãi dân chủ, công khai về dự thảo Quy chế chi tiêu nội bộ và có ý kiến thống nhất của tổ chức công đoàn đơn vị.

Quy chế chi tiêu nội bộ được gửi cơ quan quản lý cấp trên, cơ quan tài chính cùng cấp để theo dõi, giám sát thực hiện; gửi Kho bạc Nhà nước nơi đơn vị mở tài khoản giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

Nội dung Quy chế chi tiêu nội bộ đã bao gồm các quy định về chế độ, tiêu chuẩn, định mức, mức chi thống nhất trong đơn vị, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, phù hợp với hoạt động đặc thù của đơn vị, sử dụng kinh phí tiết kiệm có hiệu quả và tăng cường công tác quản lý.

Thủ trưởng đơn vị được quyết định mức chi quản lý và chi nghiệp vụ cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các đơn vị tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên và bảo đảm một phần chi phí hoạt động thường xuyên; riêng đối với các đơn vị do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động thường xuyên thì Thủ trưởng đơn vị quyết định mức chi không vượt quá mức chi do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị, trong phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành, thì thủ trưởng đơn vị có thể xây dựng mức chi cho từng nhiệm vụ, nội dung công việc trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị.

Đối với một số tiêu chuẩn, định mức và mức chi, các đơn vị dự toán phải thực hiện đúng các quy định của nhà nước:

+ Tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô. + Tiêu chuẩn, định mức về nhà làm việc.

+ Tiêu chuẩn, định mức trang bị điện thoại công vụ tại nhà riêng và điện thoại di động.

+ Chế độ công tác phí tại nước ngoài.

+ Chế độ tiếp khách nước ngoài và hội thảo quốc tế ở Việt Nam.

+ Chế độ quản lý, sử dụng kinh phí các chương trình mục tiêu quốc gia. + Chế độ sử dụng kinh phí thực hiện nhiệm vụ đột xuất được giao. + Chế độ chính sách thực hiện tinh giản biên chế (nếu có).

+ Chế độ quản lý, sử dụng vốn đối ứng dự án, vốn viện trợ thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước.

+ Chế độ quản lý, sử dụng vốn đầu tư XDCB, kinh phí mua sắm, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tại các đơn vị dự toán, căn cứ tính chất công việc, khối lượng sử dụng, tình hình thực hiện năm trước, Thủ trưởng đơn vị quyết định phương thức khoán chi phí cho từng cá nhân, bộ phận, đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc sử dụng như: sử dụng văn phòng phẩm, điện thoại, xăng xe, điện, nước, công tác phí; kinh phí tiết kiệm do thực hiện khoán được xác định chênh lệch thu, chi và được phân phối, sử dụng theo chế độ quy định.

Khi thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, tất cả các khoản chi của đơn vị đều có chứng từ, hoá đơn hợp pháp, hợp lệ theo quy định, trừ các khoản áp dụng chế độ khoán quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ.

Kết quả thực tế cho thấy, khi xây dựng và thực hiện Quy chế chi tiêu nội bộ, công tác quản lý tài chính tại các đơn vị dự toán đã được cải thiện một cách hiệu quả, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong nội bộ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy phát triển hoạt động sự nghiệp, khai thác nguồn thu, tăng thu, tiết kiệm chi, nhiều đơn vị đã tiết kiệm chi thường xuyên góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp.

Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, đơn vị đã đổi mới phương thức hoạt động, tiết kiệm chi thường xuyên, thu nhập của người lao động đã từng bước được cải thiện. Số liệu những năm gần đây cho thấy từ khi thực hiện cơ chế tự chủ thì kết quả thu sự nghiệp đều tăng, tỷ lệ tự đảm bảo kinh phí chi thường xuyên đạt từ 70-80%. Nguồn thu sự nghiệp, cùng với nguồn kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên, đã góp phần bảo đảm bù đắp nhu cầu tiền lương tăng thêm cho cán bộ, viên chức. Đơn vị sự nghiệp từng bước đã được tự chủ huy động vốn để đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, đổi mới trang thiết bị, tạo điều kiện mở rộng các hoạt động sự nghiệp và các hoạt động dịch vụ trong đơn vị.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán trong tiến trình cải cách tài chính công ở việt nam (Trang 56 - 60)