Thực trạng cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán sự nghiệp y tế

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán trong tiến trình cải cách tài chính công ở việt nam (Trang 77 - 80)

toán sự nghiệp y tế

Từ năm 2012 trở về trước, để áp dụng cơ chế quản lý tài chính thích hợp, các đơn vị dự toán sự nghiệp y tế được chia thành 3 nhóm tùy theo khả năng đáp ứng được kinh phí thường xuyên. Ba nhóm đó là: (i) nhóm các đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên; (ii) có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được một phần kinh phí hoạt động thường xuyên; và (iii) nhóm các đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp hoặc không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ.

Từ năm 2012 - 2013, các đơn vị dự toán sự nghiệp y tế được phân chia thành 4 nhóm và duy trì ổn định việc phân nhóm này trong 3 năm để áp dụng từng loại hình cơ chế quản lý tài chính phù hợp, cụ thể các nhóm như sau:

Nhóm 1: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển;

Nhóm 2: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên;

Nhóm 3: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự bảo đảm một phần kinh phí hoạt động thường xuyên;

Nhóm 4: Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp thấp hoặc không có nguồn thu, kinh phí hoạt động thường xuyên theo chức năng, nhiệm vụ được giao do NSNN bảo đảm toàn bộ.

Sự khác biệt được hình thành là việc bổ sung thêm nhóm các đơn vị y tế có đủ khả năng trang trải 100% cả kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư

phát triển. Các đơn vị này sẽ được tự chủ mạnh hơn với diện bao phủ cả kinh phí đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định. Đây là một bước tiến mới về trao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị dự toán ngành y tế, vừa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn, vừa đáp ứng nhu cầu quản lý tại các đơn vị này.

Đối với đơn vị thuộc nhóm tự chủ về kinh phí thường xuyên và kinh phí đầu tư phát triển, đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động chuyên môn, bao gồm các hoạt động chuyên môn thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao và các hoạt động dịch vụ, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để đăng ký, làm cơ sở theo dõi, kiểm tra và giám sát việc thực hiện.

Đối với đơn vị thuộc các nhóm tự chủ một phần, được NSNN cấp một phần hoặc toàn bộ kinh phí thì kế hoạch hoạt động do đơn vị xây dựng phải được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt, giao thực hiện đối với phần hoạt động sử dụng nguồn ngân sách cấp và nguồn thu sự nghiệp. Riêng các hoạt động dịch vụ do đơn vị tự xây dựng và đăng ký thực hiện.

Riêng đối với nguồn vốn đầu tư XDCB, về cơ bản Nhà nước vẫn bảo đảm vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để các đơn vị y tế có đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị được giao. Đối với các đơn vị tự chủ cả về nguồn vốn này sẽ được xác định rõ các nguồn vốn mà đơn vị có thể huy động được để đầu tư phát triển như các nguồn vốn vay, ODA, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp...

Đối với nguồn kinh phí thường xuyên, căn cứ các nhóm đơn vị đã phân loại, các đơn vị thực hiện quyền tự chủ về sử dụng nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên theo cơ chế cụ thể như trình bày khái quát dưới đây.

Các đơn vị được chủ động sử dụng các nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị, chi phục vụ cho việc thu phí, lệ phí và chi thực hiện các hoạt động dịch vụ (kể cả chi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, chi trả vốn vay, trả lãi tiền vay).

Đơn vị được quyết định một số mức chi cao hơn hoặc thấp hơn mức chi quy định trong Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị đối với các nội dung chi quản lý, chi hoạt động chuyên môn đã có quy định về định mức chi (trừ định mức sử dụng xe ô tô, nhà làm việc, trang bị điện thoại...) nhưng phải phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị.

Đơn vị được quyền xây dựng và ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật và định mức chi cho phù hợp theo nguyên tắc ban hành theo Quy chế chi tiêu nội bộ áp dụng cho các nội dung chi quản lý, chi hoạt động chuyên môn chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định mức chi.

Đơn vị được quyết định sử dụng một phần nguồn kinh phí chi thường xuyên hàng năm và một phần từ Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để đào tạo nâng cao trình độ tay nghề của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, chi mua sắm các trang thiết bị, sửa chữa lớn nhà cửa, cơ sở hạ tầng để tăng cường năng lực phục vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ phù hợp với khả năng tài chính của đơn vị.

Đơn vị được quyền quyết định phương thức khoán chi phí cho từng bộ phận, đơn vị trực thuộc nhằm sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.

Phần chênh lệch thu lớn hơn chi (nếu có), được sử dụng để trích lập các Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, Quỹ thu nhập tăng thêm và dự phòng ổn định thu nhập, Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, Quỹ hỗ trợ khám bệnh, chữa bệnh... Mức trần khống chế thu nhập tăng thêm đã được nâng lên tối đa không quá 3 lần quỹ tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ đối với nhóm tự chủ một phần kinh phí thường xuyên và không quá 2 lần đối với các đơn vị được NSNN cấp 100% kinh phí thường xuyên. Tuy nhiên, căn cứ Quỹ thu nhập tăng thêm thực có tại đơn vị và Quy chế chi tiêu nội bộ, các đơn vị được quyền quyết định mức chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ theo nguyên tắc năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác, mức độ đóng góp nhằm tạo ra mức thù lao thỏa đáng

để khuyến khích, thu hút các chuyên gia, thầy thuốc giỏi làm việc tại đơn vị, không khống chế mức thu nhập tối đa của cá nhân người lao động.

Đối với các nguồn kinh phí không thường xuyên phát sinh tại các đơn vị như kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các dự án thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ... Các khoản kinh phí không thường xuyên này được phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị hàng năm theo trình tự dự toán quy định của Luật NSNN, không thuộc đối tượng được quản lý theo cơ chế tự chủ.

Một phần của tài liệu Hoàn thiện cơ chế quản lý tài chính đối với các đơn vị dự toán trong tiến trình cải cách tài chính công ở việt nam (Trang 77 - 80)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(153 trang)
w