Để đánh giá tác động của cơ chế quản lý tài chính theo mô hình trao quyền tự chủ tại các cơ quan hành chính nhà nước, luận án thực hiện khảo sát một số đơn vị cụ thể, nhất là các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, kết hợp nghiên cứu báo cáo của các bộ, ngành và địa phương tổng kết 5 năm thực hiện cơ chế tự chủ theo Nghị định 130.
Qua khảo sát, nghiên cứu kết quả thực hiện cơ chế tự chủ về kinh phí quản lý hành chính tại các cơ quan hành chính trong thời gian 5 năm (2006- 2011), một số nhận xét đánh giá được rút ra như sau:
Việc áp dụng cơ chế tự chủ kinh phí hành chính, xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế quản lý và sử dụng tài sản công đã có nhiều ảnh hưởng đến thói quen, thậm chí văn hoá công sở tại các đơn vị, làm thay đổi theo chiều hướng tốt ý thức sử dụng tài sản công, sử dụng kinh phí đúng mục đích, tiết kiệm, có hiệu quả được nâng lên rõ rệt từ Thủ trưởng đến cán bộ, công chức trong đơn vị.
Cơ chế tự chủ đã thúc đẩy các đơn vị rà soát lại chức năng, nhiệm vụ, sắp xếp, bố trí nhân sự, bộ máy để sử dụng có hiệu quả hơn, phù hợp với năng lực và yêu cầu của từng vị trí công tác.
Việc ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ, Quy chế sử dụng tài sản công đã phát huy quyền dân chủ ở cơ sở, được mọi người tham gia bàn bạc và thống nhất thực hiện, đồng thời làm căn cứ để lãnh đạo và cán bộ công chức tổ chức giám sát việc sử dụng kinh phí, tài sản đúng mục đích, ngăn chặn những trường hợp chi tiêu không đúng mục đích, sử dụng tài sản không hiệu quả.
Các cơ quan thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm đã triển khai nhiều biện pháp để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và sử dụng kinh phí được giao đúng mục đích, có hiệu quả, thông qua hoạt động ban hành và áp dụng rộng rãi Quy chế chi tiêu nội bộ.
Cơ chế tự chủ kinh phí hành chính còn góp phần làm tăng tiết kiệm kinh phí chi trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức. Nhờ nguồn kinh
phí tiết kiệm, các cơ quan trung ương và địa phương đã có nguồn để chi tăng thu nhập cho cán bộ, công chức. Tuy nhiên, mức chi trả thu nhập tăng thêm từ kinh phí tiết kiệm tương đối khác nhau giữa các đơn vị.
Việc giao kinh phí thực hiện tự chủ theo một nhóm mục chi, việc cho phép chuyển kinh phí được giao tự chủ nhưng đến cuối năm vẫn chưa sử dụng hết sang năm sau và việc trao quyền quyết định bố trí kinh phí, điều chỉnh giữa các mục chi cho các đơn vị sử dụng ngân sách đã tạo ra nhiều thuận lợi, các đơn vị chủ động hơn trong bố trí, sử dụng kinh phí được giao; từ đó, kinh phí được sử dụng đúng mục đích hơn, đáp ứng đúng nhu cầu hơn. Hơn nữa, cơ chế này còn góp phần giảm các thủ tục hành chính trong phân bổ, sử dụng NSNN.