- Các hình thức dạy học chủ yếu ở trường phổ thông.
1.1.1.2. Quan niệm về bài học
Quan niệm giáo dục học “bài học” được hiểu: Bài học “là hình thức tổ chức dạy học (hình thức lên lớp), “là đơn vị của nội dung học vấn”, “là một đoạn của quá trình dạy học thu gọn với đầy đủ các thành tố của quá trình đó” [36; 250]. Trên cơ sở xem xét nội dung dạy học, chương trình SGK, mục tiêu, nhiệm vụ dạy học cũng như việc hình thành kĩ năng, kĩ xảo cần trang bị cho học sinh, GS. Hồ Ngọc Đại định nghĩa bài học như sau: “Bài học là quá trình thầy tổ chức cho trò hoat động để lĩnh hội một khái niệm và kĩ năng, kĩ xảo tương ứng với nó, trong một thời gian xác định, ở một trình độ phát triển nhất định” [14; 153].
Mặc dù có nhiều quan niệm khác nhau về bài học, nhưng chúng ta có thể hiểu rằng, bài học là một khâu cụ thể và hoàn chỉnh của quá trình dạy học ở trường phổ thông, thực hiện một bộ phận mục tiêu, nhiệm vụ giáo dục của từng bộ môn theo nội dung, chương trình đã quy định. Qua mỗi bài học, học sinh được tiếp nhận, bồi dưỡng thêm một số kiến thức khoa học nhất định, được hoàn thiện thêm về tư tưởng tình cảm, phẩm chất đạo đức cũng như phát triển thêm tư duy sáng tạo và kĩ năng thực hành bộ môn. Nghĩa là bài học cần đạt cả ba mặt giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện học sinh.
Bài học là một đoạn hoàn chỉnh, một quá trình dạy học thu gọn toàn vẹn với tất cả các thành tố cấu thành quá trình dạy, là đơn vị cấu trúc môn học và là đơn vị của chương trình dạy học ở nhà trường phổ thông hiện nay. Nên bài học bao giờ cũng được thực hiện trong thể thống nhất giữa hoạt động giảng dạy của giáo viên và hoạt động học tập của học sinh. Bài học được tiến hành tại một địa điểm riêng biệt với một thời gian xác định, dưới sự điều khiển hướng dẫn của giáo viên giúp học sinh lĩnh hội tri thức, rèn luyện kĩ năng kĩ xảo, hoàn thiện nhân cách một cách chủ động sáng tạo. Trong một bài học, dưới sự hướng dẫn, tổ hức điều khiển của giáo viên, học sinh hoạt động nhận thức độc lập, tích cực, sáng tạo cá nhân cũng như toàn lớp là nhân tố quyết định đến hiệu quả bài học lịch sử.