- Kiến thức: Học sinh nắm được kiến thức cơ bản về những sự kiện tiêu biểu, trên cơ sở củng cố, phát triển nội dung kiến thức lịch sử đã học ở THCS,
1.1.3.4. Yêu cầu của đổi mới phương pháp dạy học
Bước sang thế kỉ XXI, nền kinh tế tri thức đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực, làm biến đổi nhanh chóng đời sống vật chất và tinh thần của xã hội. Cùng với nó là xu thế toàn cầu hóa, các quốc gia vừa hợp tác vừa đấu tranh với nhau để phát triển và bảo vệ lợi ích dân tộc. Để tham gia vào quá trình toàn cầu hóa có lợi, buộc các nước phải tăng hàm lượng tri thức về khoa học công nghệ trong sản phẩm, nâng cao nguồn nhân lực. Mặt khác, nước ta đang đẩy mạnh CNH - HĐH với mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành nước công nghiệp, hội nhập khu vực và thế giới. Do đó giáo dục phải đào tạo ra những con người làm chủ công nghệ mới, nắm bắt nhanh chóng công nghệ
hiện đại, cần có sự chuyển biến mới trong giáo dục. “Để đáp ứng yêu cầu về con người và nguồn nhân lực là nhân tố quyết định sự phát triển của đất nước trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tạo chuyển biến cơ bản toàn diện về giáo dục và đào tạo” [46; 201]. Môn lịch sử hiện nay chưa đáp ứng được những yêu cầu của công cuộc đổi mới đất nước, đặc biệt ở những khu vực miền núi chất lượng môn lịch sử còn rất thấp. Nhiều giáo viên đã nhận thức được tầm quan trọng đối với việc đổi mới phương pháp dạy học để nâng cao hiệu quả bài học lịch sử, từ đó nâng cao chất lượng môn lịch sử, góp phần đào tạo ra thế hệ trẻ đáp ứng cho nhu cầu CNH - HĐH hiện nay. Yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học đặt ra bức thiết.
Phương pháp dạy học truyền thống, người thầy là trung tâm của quá trình dạy học, thầy truyền đạt kiến thức có sẵn cho học sinh và phương pháp chính là thuyết trình “thầy đọc trò chép”. Trước sự bùng nổ thông tin ngày càng lớn, các nhà trường phổ thông cần chú trọng dạy cách học cho học sinh. Tức là giáo dục cần giải quyết được mối quan hệ thầy- trò trong quá trình dạy học. Chuyển từ thầy làm trung tâm của quá trình dạy học sang trò làm trung tâm, trò tích cực chủ động chiếm lĩnh tri thức, tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của thầy. “Dạy học phục vụ nhu cầu người học, tôn trọng, đồng cảm với nhu cầu, lợi ích, mục đích của người học, tạo được sự thu hút, thuyết phục, hình thức, động cơ bên trong của học sinh; dạy học cần khai thác tối đa tiềm năng của người học, đặc biệt là tiềm năng sáng tạo; dạy học tạo ra cho người học một môi trường để khám phá” [36; 221]. Người học là chủ thể của hoạt động học, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, học sinh tự tìm hiểu, tự phát hiện và giải quyết vấn đề. Chính điều đó tạo cho học sinh khả năng và điều kiện chủ động sáng tạo trong hoạt động học tập.
Cho dù là thời đại nào, phương pháp dạy học nào cũng không thể phủ nhận vai trò to lớn của người thầy. Đổi mới phương pháp dạy học lấy học
sinh làm trung tâm, nhiệm vụ của người giáo viên hết sức nặng nề. Giáo viên vẫn đóng vai trò hướng dẫn, tổ chức, điều khiển là trọng tài khoa học, đưa ra những kết luận đánh giá xác đáng. Do đó đòi hỏi giáo viên cần có kiến thức sâu rộng, có kĩ năng sư phạm và lòng yêu nghề mến trẻ thì mới đạt hiệu quả cao trong giảng dạy.
Như vậy, bản chất của đổi mới phương pháp dạy học là thay đổi quan hệ thầy - trò trong qúa trình dạy học, từ chỗ thầy là trung tâm sang trò là trung tâm của quá trình dạy học. Nhằm phát huy tính tích cực chủ động của học sinh trong quá trình học tập, đồng thời rèn cho học sinh phương pháp học tập tích cực hơn.
Để thực hiện mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ đáp ứng nhu cầu của đất nước, môn lịch sử ở trường phổ thông rất cần phát triển tính tích cực, tự giác, độc lập của học sinh. Bản thân người giáo viên cần có kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp, biết lựa chọn phương pháp nào tối ưu nhất, phù hợp với đối tượng học sinh nhằm nâng cao hiệu quả bài học lịch sử.