Đào tạo đội ngũ các nhà quản lý và người lao động

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 99 - 103)

- DNNN DN ngoài nhà nước

3.2.2.3 Đào tạo đội ngũ các nhà quản lý và người lao động

Xét cho cùng doanh nghiệp thành bại là do yếu tố con người, bao gồm người quản lý và người lao động trực tiếp. Bên cạnh yếu tố công nghệ, yếu tố con người có vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp. Dù máy móc có hiện đại đến đâu mà không có chất xám khoa học để sử dụng có hiệu quả thì tác dụng cũng rất hạn chế. Để hội nhập thành công, đòi hỏi phải đào tạo được đội ngũ những người lao động tận tâm, có trình độ nghề nghiệp tinh thông, chất lượng cao. Đồng thời, nhanh chóng hình thành và phát triển đội ngũ các nhà quản lý có kiến thức tổng hợp để điều hành doanh nghiệp, có nghệ thuật kinh doanh để đủ năng lực giải quyết nhiệm vụ quản lý kinh doanh trong quá trình hội nhập.

Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh đang diễn ra gay gắt, Nhà nước và các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực.

* Về phía Nhà nước:

Như chúng ta đã biết, phần lớn giám đốc DNNN trưởng thành trong cơ chế kế hoạch hóa tập trung không có đủ kiến thức về thị trường và không am hiểu luật lệ kinh doanh. Việc thiếu một tầng lớp các nhà quản lý có trình độ và kinh nghiệm kinh doanh trong cơ chế thị trường đang là một lực cản của sự phát triển và nâng cao hiệu quả của khu vực DNNN. Tuy nhiên, đây không phải là vấn để của riêng khu vực DNNN, mà nó còn là vấn đề của toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Chính vì vậy, đào tạo các nhà quản lý doanh nghiệp đang là nhu cầu bức xúc của nền kinh tế Việt Nam. Trong thời gian tới, Nhà nước cần phải chú trọng thành lập các trung tâm đào tạo lại và đào tạo mới các nhà

quản lý, nhằm trang bị các kiến thức mới về: thị trường, luật pháp kinh doanh và vận hành các phương tiện xử lý thông tin và tiếp thị hiện đại. Cần gấp rút phân loại quy hoạch để đào tạo lại, đào tạo mới cán bộ cho DN dựa trên năng lực sở trường để đáp ứng nhu cầu mới phát sinh trong tiến trình hội nhập.

Song song với giải pháp đó, Nhà nước cần mở rộng quy mô giáo dục đại học. Vì giáo dục đại học vừa tạo ra những người lao động có kỹ năng cao, vừa tạo ra năng lực mới, vận dụng công nghệ phù hợp với điều kiện đất nước và kiểm soát được những rủi ro trong quá trình thay đổi công nghệ. Những lợi ích đó trước hết có lợi cho các doanh nghiệp, sau đó mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Muốn mở rộng quy mô giáo dục đào tạo cần phải đa dạng hóa hình thức giáo dục đào tạo. Trong khi Nhà nước đang còn khó khăn thì cần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước nên cử người ra nước ngoài học, mời các chuyên gia nước ngoài đến Việt Nam và có chính sách thu hút các nhà khoa học Việt Nam sống ở nước ngoài về Việt Nam phục vụ đất nước.

Để tránh tình trạng thừa lao động trong ngành nghề này nhưng lại thiếu lao động trong ngành nghề kia Nhà nước phải thành lập các trung tâm dự báo về nhu cầu nhân lực, qua đó vừa thực hiện vai trò hướng nghiệp cho các thanh niên vừa giúp các truờng có định hướng phát triển ngành nghề.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các bộ, ngành, các địa phương cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh mở trường, lớp đào tạo nghề tại chỗ cho lao động trẻ trên cơ sở đón bắt nhu cầu lao động, đặc biệt ở các khu công nghiệp sắp ra đời. Việc đào tạo nghề cho lao động trẻ phải gắn với chiến lược phát triển kinh tế của từng khu vực, từng địa phương thì mới đạt tính hiệu quả cao.

Về phía doanh nghiệp:

Khi doanh nghiệp có một đội ngũ cán bộ quản lý và người lao động giỏi, có trách nhiệm, nhiệt tình sẽ tạo cho doanh nghiệp nhiều ưu thế trong

phát triển, mở rộng sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh. Do đó doanh nghiệp phải quan tâm đến vấn đề nhân lực. Để có được một đội ngũ các nhà quản lý và người lao động giỏi, doanh nghiệp cần phải:

Thu hút lao động giỏi vào doanh nghiệp: Hầu hết các DNNN hiện nay vẫn quen với cơ chế tuyển chọn người lao động theo kiểu “nhất thân, nhì quen”. Khi chúng ta đã gia nhập WTO thì cơ chế này không thể tồn tại. Do đó, để hội nhập thành công DNNN cần có những chính sách hấp dẫn thu hút người lao động giỏi vào doanh nghiệp. Để có được đội ngũ thật sự tài năng, nhiệt tình, trách nhiệm, doanh nghiệp cần phải nghiêm túc thực hiện các quy định trong tuyển dụng, phải đánh giá họ trên cơ sở tài năng. Doanh nghiệp cũng cần phải thường xuyên kiểm tra, đánh giá trình độ của từng người lao động để kịp thời có những biện pháp thích hợp.

Doanh nghiệp cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng hai loại cán bộ chủ yếu là: cán bộ kinh doanh quốc tế mang tính tổng hợp vừa am hiểu sản xuất kinh doanh, vùa am hiểu thị trường, kỹ thuật đàm phán, giao dịch, ký kết hợp đồng và cán bộ pháp lý am hiểu lĩnh vực kinh tế thương mại quốc tế để tư vấn, trợ giúp giám đốc trong kinh doanh, hợp tác quốc tế. Cả hai loại cán bộ trên đều đòi hỏi phải giỏi ngoại ngữ và tin học, do vậy trong đào tạo chuyên môn cần kết hợp cả đào tạo ngoại ngữ và tin học.

Như vậy đối với đội ngũ cán bộ quản lý, trước hết cần giúp họ nâng cao trình độ và năng lực tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh thông qua các hình thức đào tạo thích hợp. Mặt khác cần có cơ chế và biện pháp tổ chức để nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ này, khắc phục xu hướng thoái hóa, biến chất đang phát triển ở một số bộ phận cán bộ chủ chốt trong các doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước như hiện nay.

Đối với bộ phận lao động trực tiếp cần chú ý nâng cao tay nghề và kỹ năng lao động, tác phong và kỷ luật lao động đáp ứng với nền kinh tế thị trường hiện đại:

- Ngoài việc bổ túc văn hóa theo khu vực sản xuất, các cụm xí nghiệp, các doanh nghiệp nên có chính sách trợ cấp chi phí mua tài liệu, sách vở cho người học, có cán bộ chuyên trách đào tạo và trích % lợi nhuận để thực hiện công tác cấp bách này.

- Để nâng cao trình độ tay nghề, các doanh nghiệp có thể liên kết với các trường đại học, các trường trung học dạy nghề… bồi dưỡng về lý thuyết, kỹ năng cơ bản theo chuẩn mực của mỗi bậc thợ.

- Doanh nghiệp cần mở nhiều hội thao, hội thi, phát động phong trào phát huy sáng kiến của người lao động và cần nghiêm túc nhìn nhận, áp dụng những sáng kiến của họ. Qua những ý kiến đóng góp, doanh nghiệp sẽ tìm thấy giải pháp mới có tính khả thi từ chính các thành viên trong doanh nghiệp, giúp cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đạt được hiệu quả cao, vị thế của doanh nghiệp cũng được nâng lên trên thị trường.

- Các doanh nghiệp nên có chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với công nhân giỏi, sắp xếp vị trí để họ cống hiến tài năng.

Bên cạnh việc đào tạo kiến thức và kỹ năng cho người lao động, các doanh nghiệp cũng phải coi trọng việc giáo dục thái độ cho người lao động. Trước đây, người ta thường nhấn mạnh đến việc đào tạo về kiến thức rồi đến kỹ năng và cuối cùng là thái độ. Ngày nay có sự thay đổi, phải giáo dục về thái độ trước rồi mới đến kiến thức và kỹ năng. Người lao động trong doanh nghiệp trước hết phải có nhận thức đúng về mục tiêu của doanh nghiệp, từ đó họ sẽ có trách nhiệm tìm đến những hiểu biết về kiến thức, kỹ năng và phương thức hành động để đạt được mục tiêu đó. Nếu người lao động không có thái độ đúng về mục tiêu của doanh nghiệp thì có đào tạo bao nhiêu kiến thức cũng không thể có hành động đúng. Doanh nghiệp cũng cần phải tạo dựng được môi trường đào tạo tại nơi làm việc. Việc đào tạo liên tục được coi như chìa khóa để phát triển kỹ năng của con người trong điều kiện công nghệ thay đổi nhanh như hiện nay.

Một đội ngũ cán bộ quản lý giỏi, đội ngũ công nhân viên lành nghề, có tinh thần trách nhiệm kết hợp với kỹ thuật công nghệ mới sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của DN trên thị trường.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 99 - 103)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)