Kinh nghiệm của Trung Quốc

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 33 - 37)

Năm 2001, Trung Quốc trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương mại thế giới. Cũng như tất cả các nước khác khi tham gia vào tổ chức này bên cạnh những thời cơ họ cũng gặp rất nhiều thách thức, các doanh nghiệp Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp nhà nước bước vào một sân chơi thực sự, cạnh tranh ngày càng gay gắt và khốc liệt hơn. Sau 6 năm gia nhập WTO, hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng lên rõ rệt. Khu vực doanh nghiệp nhà nước gần như bị chết lịm nay không những phục hồi mà còn phát triển rất rầm rộ, không những sản xuất kinh doanh ở phạm vi trong nước mà còn có mặt ở rất nhiều nước khác, chiếm lĩnh tương đối thị trường khu vực và thế giới. Sở dĩ có được như vậy là do sau khi gia nhập WTO Trung Quốc tiếp tục tăng cường điều chỉnh và cải cách doanh nghiệp nhà nước, áp dụng những giải pháp khoa học và hợp lý để nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

* Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp

Mặc dù Trung Quốc quan niệm doanh nghiệp nhà nước phải đóng vai trò chủ thể, nhưng không có nghĩa là doanh nghiệp nhà nước phải chiếm ưu thế tuyệt đối trong nền kinh tế. Trung Quốc đã có phương châm khuyến khích phát triển kinh tế phi công hữu như cá thể, tư doanh, làm cho vấn đề sở hữu

trong nền kinh tế có sự thay đổi quan trọng, tạo bước phát triển rầm rộ của các lực lượng thị trường.

Đối với các thành phần kinh tế tư nhân, trong lý luận Trung Quốc vẫn tiếp tục đề cao vai trò của kinh tế quốc doanh, nhưng thực tiễn cho thấy việc phát triển của kinh tế tư nhân được Trung Quốc hết sức quan tâm, được thể hiện ở những quy định, văn bản pháp luật cho việc thành lập công ty tư nhân liên tục được hoàn thiện. Trong chiến lược phát triển cho những năm tiếp theo, Trung Quốc đã hướng trọng tâm vào phát triển khu vực kinh tế phi quốc doanh bằng cách để cho doanh nghiệp tư nhân có quyền được cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp nhà nước và huỷ bỏ những quy định có tính hạn chế, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp này. Những nhân tố tích cực sẽ trở thành động cơ thúc đẩy khi mối quan hệ giữa chúng có được nền móng vững chắc của sự công bằng và bình đẳng.

Chính phủ Trung Quốc khuyến cáo các doanh nghiệp phải nhận thức rõ được xu thế hội nhập là tất yếu và phải biết chủ động tận dụng ưu thế và những điều kiện hiện có của mình để giành ưu thế trong kinh doanh, mỗi loại hình doanh nghiệp đều có những lợi thế và bất lợi thế của mình, nếu biết cách tận dụng và khai thác lợi thế thì vẫn thành công và phát triển. Về phía chính sách Nhà nước cần đối xử bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp nhằm tạo sức ép buộc các doanh nghiệp nhà nước phải tự mình đổi mới, vươn lên, nếu không thì sẽ không đủ sức cạnh tranh và tồn tại trong điều kiện hội nhập WTO.

* Cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước

- Chính phủ Trung Quốc từ bỏ chính sách “giản chính, nhường quyền” và “giản thuế, nhường lời”; thay vào đó là một tư duy và chủ trương hoàn toàn mới. Đó là thông qua sáng tạo mới về chế độ doanh nghiệp, tận dụng đặc điểm tách rời quyền sở hữu với quyền kinh doanh của chế độ công ty, làm cho

tiền vốn sở hữu Nhà nước bỏ vào DN vừa giữ được quyền sở hữu cuối cùng vẫn là của Nhà nước, vừa làm cho DN trở thành chủ thể kinh tế độc lập.

- Phá độc quyền với một số ngành truyền thống và phá độc quyền tự nhiên. Trọng tâm là các ngành viễn thông, năng lượng, đường sắt, bưu điện, cung cấp nước và truyền thông. Tháng 2-2005 Trung Quốc đã ban hành 36 Điều khuyến khích khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tham gia xây dựng hạ tầng, dịch vụ công và các khu vực, lĩnh vực khác. Bước tiếp theo sẽ xây dựng một danh mục các ngành khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân nhằm phá dần các ngành mà DNNN đang có thế độc quyền. Cụ thể là mới đây đã có một công ty tư nhân được phép tham gia kinh doanh hàng không.

- Đa dạng hoá hình thức sở hữu doanh nghiệp bằng cách đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, nhất là các doanh nghiệp lớn.

Sau khi gia nhập WTO Trung Quốc vẫn coi cổ phần hoá là giải pháp trọng tâm nhằm cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Thông qua cổ phần hoá, dùng vốn quốc hữu để thu hút vốn của xã hội, nền kinh tế quốc dân hình thành các xí nghiệp cổ phần trong đó vốn quốc hữu chiếm tỷ lệ khống chế, một mặt đã tăng được vốn của các xí nghiệp, đồng thời cũng tăng thêm được số thành viên độc lập tham gia hội đồng quản trị, tăng thêm số cổ đông nhỏ tham gia hội đồng cổ đông, làm cho quyết sách của xí nghiệp được hình thành từ kết cấu đa nguyên theo chiều ngang, giảm thiểu các quyết sách sai lầm và quản lý hỗn loạn. Các xí nghiệp lớn và vừa hầu hết xây dựng chế độ xí nghiệp hiện đại, công ty hoá theo kinh tế thị trường.

- Thực hiện phá sản doanh nghiệp nhà nước theo luật định dựa vào kinh nghiệm rút ra từ cách tiếp cận phá sản theo chính sách.

Hiện nay, Trung Quốc đặc biệt chú trọng biện pháp cho phá sản doanh nghiệp nhà nước, tháng 5-2005 có 1.828 doanh nghiệp vừa và lớn của Nhà nước làm ăn thua lỗ, đang chờ phá sản.

Chính phủ Trung Quốc xác định phải sâu sát tổ chức thực hiện quy hoạch tạm thời về việc phá sản doanh nghiệp nhà nước, từng bước thực hiện các vấn đề đưa các doanh nghiệp nhà nước đóng cửa, phá sản ra thị trường. Ngoài việc làm tốt chính sách đóng cửa, phá sản các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ Trung Quốc còn có quy hoạch tổng thể để điều chỉnh cơ cấu kinh tế nhà nước và có quy hoạch riêng cho từng khu vực, từng ngành; nghiên cứu, có ý kiến chỉ đạo cụ thể về việc sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước. Mặt khác, tiếp tục thực thi nhiều biện pháp để cứu sống các doanh nghiệp nhà nước vừa và nhỏ; tích cực phát triển ý thức tự chủ về quyền sở hữu trí tuệ, xây dựng thương hiệu, tăng sức cạnh tranh quốc tế cho các tập đoàn và doanh nghiệp lớn của nhà nước.

* Xây dựng tập đoàn kinh doanh

Thông qua chủ trương “nắm lớn”, Trung Quốc đã thành lập được các tập đoàn doanh nghiệp bằng 2 cách: Do điều kiện khách quan gắn bó về công nghệ, sản phẩm, nguyên liệu, thị trường… các doanh nghiệp tự nguyện tập hợp nhau lại và do Chính phủ chỉ định thành lập. Trong các tập đoàn, có thể có 3 loại thành viên hoạt động theo nguyên tắc cùng có lợi. Chính vì vậy: trong tập đoàn không có sự cạnh tranh lẫn nhau, tạo ra một sức mạnh tổng hợp, có sức cạnh tranh với quy mô lớn; trong các tập đoàn có sự chuyên môn hoá cao. Với ưu điểm như vậy, các tập đoàn ở Trung Quốc đã thực sự phát triển lớn mạnh, mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế Trung Quốc

Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy rằng, việc thành lập các tập đoàn kinh doanh, một sự đổi mới về thể chế tổ chức DN, tạo ra các mối liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp là một giải pháp hữu hiệu để tăng cường năng lực cạnh tranh của các thành viên tập đoàn cũng như tập đoàn nói chung.

Việc xây dựng các tập đoàn doanh nghiệp đã có tác dụng rất quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc thời gian qua. Các tập đoàn là trụ cột của nền

kinh tế quốc dân; góp phần cải cách nhân sự, cơ cấu doanh nghiệp; đỡ đầu và là động lực thúc đẩy hoạt động cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước.

* Cải cách chế độ nhân sự, chế độ phân phối

Cải cách chế độ nhân sự, theo hướng xây dựng cơ chế dùng người có sức cạnh tranh. Thực hiện chế độ quản lý người kinh doanh của xí nghiệp, có lên có xuống, công nhân viên có vào có ra. Điều đó bao gồm cả việc tuyển người từ ngoài xã hội, thu hút các nhà doanh nghiệp ưu tú nhất vào kinh doanh xí nghiệp quốc hữu; cải cách chế độ sử dụng người lao động, biến người của xí nghiệp quốc hữu thành người của xã hội, thúc đẩy công nhân viên cố gắng làm việc.

Cải cách chế độ phân phối, xây dựng cơ chế điều chỉnh thu nhập căn cứ hiệu quả kinh doanh của xí nghiệp, phù hợp với yêu cầu của kinh tế thị trường, bao gồm cả việc cải tiến chế độ phân phối thu nhập của người quản lý kinh doanh, căn cứ vào hiệu quả của xí nghiệp để hình thành cơ chế động viên hoặc ràng buộc đối với người quản lý.

Để tăng cường sức sống của các doanh nghiệp nhà nước, ngoài việc đổi mới bên trong doanh nghiệp, đồng thời phải điều chỉnh kết cấu ngành nghề trên bình diện xã hội, đào thải một số xí nghiệp cũ và những xí nghiệp thua lỗ mà sản phẩm không thích ứng với nhu cầu của thị trường. Trên mặt bằng xã hội, hình thành quan hệ “xí nghiệp nào giỏi thì thắng, xí nghiệp nào kém thì bị loại”, loại khỏi sân chơi một số xí nghiệp bị thua lỗ.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 33 - 37)