- DNNN DN ngoài nhà nước
2.2.5 Về giá thành và chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp nhà nước
* Về giá thành
Theo đánh giá chung, giá cả sản phẩm của các doanh nghiệp nhà nước còn ở mức cao trong khi hầu hết các DNNN chưa có chiến lược cụ thể về giá sản phẩm. Một số mặt hàng như sắt, thép, phân bón, xi măng… có mức giá cao hơn các mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 20% - 40%, riêng giá đường thô cao gấp 70% - 80% so với giá đường thô thế giới. Ở đây xin đơn cử ngành sản xuất xi măng:
Bảng 2.10: Giá xi măng ở Việt Nam, Thái Lan
Thái Lan Việt Nam Khác biệt
Giá một tấn (USD) 20
Chi phí chuyên chở về VN 8
Thuế nhập khẩu 8
Giá 1 tấn ở cảng VN/giá SX 36 50 39%
Nguồn: Những vấn đề kinh tế Việt Nam-Thử thách của hội nhập Có thể nói, việc giá sản phẩm cao như vậy là một bất lợi rất lớn cho các DNNN trong quá trình chiếm lĩnh thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh. Nguyên nhân của giá thành cao là do năng suất lao động trong các DNNN thấp, chi phí đầu vào cao. Đây là nguyên nhân làm giá thành sản
phẩm của các DNNN cao hơn so với các sản phẩm khác trên thị trường. Giá nguyên liệu cho sản xuất tại các DNNN thường ở mức cao. Nguyên nhân của nó là do những bất lợi về sản xuất nguyên vật liệu với quy mô nhỏ, manh mún, vấn đề độc quyền trong sản xuất và cung ứng. Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam được đánh giá là nước có giá nhân công rẻ nhưng các DNNN lại sử dụng nhiều lao động và hầu hết số lao động này có năng suất rất thấp. Do vậy, trên thực tế chi phí cho nhân công tại các DNNN lại cao. Thêm nữa, mức tiêu hao nguyên vật liệu của các DNNN cao hơn so với trong khu vực. Chẳng hạn, mức tiêu hao năng lượng/ đơn vị sản phẩm ở các doanh nghiệp cao gấp 1,2 – 1,5 lần so với các nước khác trong khu vực. Tất cả những nguyên nhân này đã làm cho giá thành sản phẩm của DNNN cao hơn so với khu vực và thế giới.
Một bất lợi cho sản xuất của DNNN đó là hiện nay giá của các mặt hàng nhất là nguyên vật liệu tăng cao. Đây cũng là khó khăn rất lớn cho các DNNN khi giải bài toán giá thành sản phẩm. Chỉ tính đầu năm 2005, giá xăng dầu tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước; giá thép tăng 34,1%; giá phân bón tăng 21,6% (riêng urê tăng 32,4%); giá chất dẻo tăng 16%; sợi dệt tăng 15,2%; giá bông tăng 16,9%… Như vậy chi phí đầu vào cao cộng với việc gia tăng liên tục làm cho các DNNN không thể giảm được giá thành sản phẩm.
Trong khi giá thành sản phẩm cao, hầu hết các DNNN không có chiến lược cụ thể về giá. Chính điều này càng làm cho tình trạng giá cả của các doanh nghiệp không được giải quyết kịp thời. Từ đó làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá do DNNN sản xuất so với hàng Trung Quốc, của khu vực tư nhân và nhất là những hàng hoá nhập lậu qua biên giới. Có thể nói, các DNNN vẫn chưa thực sự sử dụng công cụ giá để cạnh tranh trên thị trường.
* Về chất lượng sản phẩm
Hiện nay, một số DNNN đã sản xuất ra được nhiều hàng hoá chất lượng cao, chiếm lĩnh được các thị trường trong và ngoài nước như: Công ty vật tư
nông nghiệp Nghệ An; công ty xăng dầu khu vực 2; công ty xi măng 18; Tổng công ty khoáng sản Hà tĩnh; công ty bánh mứt kẹo Hải Hà; công ty May 10… Để có được thành công như vậy là do các công ty này đã xây dựng cho mình một chiến lược sản phẩm theo đúng khẩu hiệu mà công ty đề ra: “chất lượng sản phẩm, chất lượng phục vụ là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của đơn vị”. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, hàng hoá do các DNNN sản xuất ra vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng. Sản phẩm do DNNN sản xuất ra hiện nay được đánh giá chung là đơn điệu, chất lượng kém, không ổn định. Nhiều sản phẩm gần như mất thị trường như: xe đạp, quạt điện, động cơ Diesel… đặc biệt là những hàng hoá xuất khẩu, nhìn chung chất lượng thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế. Một trong những nguyên nhân là do còn nhiều doanh nghiệp chưa áp dụng bộ tiêu chuẩn ISO 9000 cho nên nhiều chủng loại hàng hoá của doanh nghiệp chưa đạt được theo tiêu chuẩn xuất khẩu quy định chung.
Bên cạnh chất lượng sản phẩm kém, nhiều DNNN chưa chú ý đến các khâu đóng gói bao bì, mẫu mã sản phẩm. Vì thế nhiều sản phẩm của các doanh nghiệp không hấp dẫn khách hàng, điều này làm giảm sức cạnh tranh của hàng hoá.
Như vậy, để có thể đẩy nhanh tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng thị phần và đảm bảo mức thu nhập ngày càng cao thì các DNNN phải có những biện pháp tích cực hơn để giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm.