Sự cần thiết nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước Việt Nam khi gia nhập WTO

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 27 - 33)

nước Việt Nam khi gia nhập WTO

Thứ nhất, xuất phát từ xu thế toàn cầu hóa và sự chủ động gia nhập WTO của Việt Nam

Một trong những nét nổi bật của kinh tế thế giới và quan hệ kinh tế quốc tế từ sau chiến tranh thế giới thứ hai trở lại đây, đặc biệt là trong thời gian khoảng một thập kỷ qua là sự phát triển mạnh mẽ của xu thế toàn cầu hóa, khu vực hoá và hội nhập kinh tế quốc tế. Một trong những đặc trưng cơ bản của xu thế đó là sự gia tăng các luồng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, tài chính, công nghệ, và nhân công giữa các quốc gia cũng như sự hình thành và phát triển hàng loạt các thể chế kinh tế quốc tế. Trong xu thế đó, quá trình hội nhập của Việt Nam không chỉ diễn ra như một tất yếu mà còn là một quá trình mang tính chủ động xuất phát từ quan điểm và đường lối của Đảng và Nhà nước ta.

Gia nhập tổ chức thương mại thế giới (WTO) là một yếu tố tất yếu đã được Việt Nam đặt ra từ năm 1995, khi tổ chức này mới ra đời. Đây là công việc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng như hàng trăm nước khác trên thế giới, Việt Nam cần phải thực hiện. Đó là xu thế có tính toàn cầu. Với việc gia nhập WTO, nền kinh tế nước ta hội nhập sâu hơn, trọn vẹn và toàn diện hơn vào sân chơi rộng lớn của thế giới. Mỗi doanh nghiệp Việt Nam đứng trước những thuận lợi và khó khăn, thời cơ và thách thức đan xen nhau.

Từ nay, họ thường xuyên hằng ngày, hằng giờ sống chung với áp lực cạnh tranh từ nhiều phía, cả từ thị trường trong nước và thị trường thế giới. Muốn tồn tại và phát triển được trong môi trường cạnh tranh gay gắt này buộc các doanh nghiệp Việt Nam trong đó có DN nhà nước phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, trước mắt là để không bị thua ngay trên sân nhà.

Hơn nữa, khi gia nhập WTO, Việt Nam phải thực hiện rất nhiều cam kết về mở cửa thị trường không chỉ theo quy định của tổ chức này mà còn phải tuân thủ những cam kết với các nước ASEAN. Việc duy trì các chế độ bảo hộ dần được dỡ bỏ, một loạt các quy định và chính sách của Việt Nam sẽ phải tuân theo luật chơi chung của quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt Nam phải có sự chủ động hội nhập, chấp nhận cạnh tranh công bằng trong khi nhận thức của họ chưa thật sự đầy đủ, còn mang tính thụ động, mơ hồ, ỷ lại. Vấn đề đặt ra đối với hầu hết các lĩnh vực, ngành nghề, thành phần kinh tế của Việt Nam, đặc biệt là các DNNN với tư cách là bộ phận kinh tế chủ lực, đầu tàu của nền kinh tế quốc dân. Vấn đề này cũng đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khu vực DNNN chuyển mạnh sang cơ chế thị trường định hướng XHCN. Như vậy việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN trong bối cảnh hội nhập ngày càng trở nên sâu rộng như hiện nay là hết sức cần thiết.

Thứ hai, xuất phát từ vị trí, vai trò của DNNN trong nền kinh tế nhiều thành phần khi Việt Nam gia nhập WTO

Nước ta đang trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, nền kinh tế nước ta là nền kinh tế nhiều thành phần. Để giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi kinh tế nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, trong đó các DNNN là một bộ phận chính yếu. Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa IX đã khẳng định “Kinh tế nhà nước có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa… Doanh nghiệp nhà nước… phải không ngừng được đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả, giữ vị trí then chốt trong nền kinh tế, làm công cụ vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng

và điều tiết vĩ mô, làm lực lượng nòng cốt, góp phần chủ yếu để kinh tế nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, là chủ lực trong hội nhập kinh tế quốc tế”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa IX, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr6).

Như vậy, DNNN là một bộ phận rất quan trọng cấu thành của kinh tế nhà nước , vì thế, muốn kinh tế nhà nước phát triển và giữ được vai trò chủ đạo thì việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN là hết sức cần thiết.

Hơn nữa, doanh nghiệp nhà nước có vai trò rất quan trọng trong việc chủ động gia nhập WTO vì hiện nay doanh nghiệp nhà nước đang nắm giữ 75% tài sản cố định của quốc gia, 20% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, gần 50% tổng vốn đầu tư Nhà nước, 60% tổng lượng tín dụng ngân hàng trong nước, hơn 70% tổng vốn vay nước ngoài, trên 90% đối tác Việt Nam tham gia các doanh nghiệp liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp nhà nước. Việc doanh nghiệp nhà nước thích ứng nhanh, rộng và sâu với những chuẩn mực của WTO (chủ yếu là tự do hóa đầu tư và thương mại trên bình diện quốc tế) chẳng những sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của chính mình mà còn mở ra cơ hội cho các thành phần kinh tế khác cùng phát triển và cạnh tranh lành mạnh.

Với vị trí, vai trò quan trọng như vậy nên việc nâng cao năng lực cạnh tranh của DNNN là tất yếu, khách quan. Nó đòi hỏi sự nỗ lực không ngừng của cả hai chủ thể: Nhà nước và doanh nghiệp.

Thứ ba, xuất phát từ những cơ hội và thách thức khi Việt Nam gia nhập WTO

Trở thành thành viên của WTO - tổ chức thương mại lớn nhất toàn cầu với 150 nước thành viên, chiếm trên 90% kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu toàn thế giới, các DNNN Việt Nam sẽ có cơ hội tận dụng được những điều kiện thuận lợi do những nguyên tắc và quy định của tổ chức này đem lại để

nâng cao khả năng cạnh tranh của mình, mở rộng thị trường xuất khẩu và từng bước tham gia vào các chuỗi giá trị, dây chuyền cung cấp toàn cầu. Cụ thể là:

- Giảm giá thành đầu vào cho sản xuất: Khi Việt Nam gia nhập WTO, hàng hóa nhập khẩu có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào thị trường trong nước, cho phép người tiêu dùng mua hàng với giá thấp hơn (do hạ thấp hàng rào thuế quan), mẫu mã đa dạng hơn, đồng thời cho phép các DN nói chung và DNNN nói riêng, tham gia vào quá trình sản xuất có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào đa dạng hơn, ở mức chi phí và chất lượng hợp lý.

- Để gia nhập WTO, Chính phủ phải từng bước thực hiện những điều chỉnh cần thiết đối với các quy định, luật lệ và chính sách kinh tế vĩ mô cho phù hợp luật chơi quốc tế phổ biến. Điều này tạo môi trường đầu tư và kinh doanh ngày càng thuận lợi và thông thoáng cho hoạt động của tất cả các doanh nghiệp, trong đó có các DNNN.

- Việt Nam gia nhập WTO tạo cơ hội cho các DNNN tiếp cận thị trường rộng lớn hơn với cùng một chế độ như mọi thành viên khác của tổ chức này, những cam kết giảm trợ cấp, mở rộng hạn ngạch xuất khẩu của các nước, nhất là nhóm nước phát triển có thể giúp Việt Nam giành được nhiều thị trường hơn, tăng xuất khẩu nhiều hơn.

- Được bảo vệ lợi ích thông qua cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO: Khi gia nhập WTO, các DNNN Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh hơn, có quyền thương lượng và khiếu nại công bằng hơn với các cường quốc thương mại trong tranh chấp dựa trên những luật lệ chung, để giải quyết những tranh chấp nảy sinh như vấn đề bán phá giá cá tra và cá basa, vấn đề nhãn mác sản phẩm…

Như vậy, gia nhập WTO cũng đồng nghĩa với việc các DNNN Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia vào sân chơi mới với các luật chơi chung toàn cầu.

Những luật chơi chung này một mặt gây áp lực to lớn khiến các DNNN phải điều chỉnh, thích nghi cho phù hợp, mặt khác, chính là động lực để các doanh nghiệp này nhìn nhận lại mình, hiểu được thực chất điểm mạnh, điểm yếu để từ đó đổi mới, sáng tạo, tổ chức lại theo hướng gọn nhẹ, hiệu quả, tiến tới trở thành những tập đoàn lớn mạnh không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường toàn cầu.

Tuy nhiên, việc gia nhập WTO cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam và khu vực DNNN nói riêng, đặc biệt trong bối cảnh hiệu quả và năng lực cạnh tranh còn là hai vấn đề nổi cộm hiện nay của khu vực kinh tế quan trọng này.

* Những thách thức, bất lợi xuất phát từ một nền kinh tế đang phát triển

- Những quy tắc, luật lệ của WTO (về sở hữu trí tuệ, đầu tư, dịch vụ…) chủ yếu nhằm đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp thuộc các quốc gia giàu có, đã phát triển nhưng lại gây nhiều thiệt thòi cho các doanh nghiệp của các nền kinh tế đang phát triển. Hiệp định về các biện pháp đầu tư liên quan thương mại đã đặt ra những yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, gây khó khăn cho các DNNN trong việc sử dụng tài nguyên trong nước để tiết kiệm ngoại tệ nhập khẩu, tạo thêm việc làm.

- Hiệp định đa phương về đầu tư (MAI) buộc các nước phải tạo ra sự đối xử bình đẳng giữa các công ty nước ngoài và công ty trong nước, điều này gây bất lợi cho các DNNN khi phải cạnh tranh với các công ty nước ngoài trên thị trường nội địa.

- Hiệp định về thương mại và dịch vụ (GATs) buộc các nước đang phát triển phải mở cửa và tự do hóa thị trường dịch vụ, tạo áp lực cạnh tranh cho các DNNN trong lĩnh vực liên quan.

- Hiệp định về thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) áp đặt những hạn chế ngặt nghèo đối với quyền của DNNN các nước đang phát triển trong việc áp dụng, chuyển giao công nghệ để phát triển…

Thực tế cho thấy, gia nhập WTO là thử thách không chỉ với các DNNN mà còn đối với cả nền kinh tế. Thử thách này càng khắc nghiệt hơn khi Việt Nam là một nước đang phát triển đồng thời lại là nền kinh tế chuyển đổi. Một điều rõ ràng là để hội nhập thành công, cần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp đặc biệt là DNNN.

* Những thách thức bất lợi nảy sinh từ năng lực cạnh tranh yếu kém và hiệu quả kinh doanh thấp, là hậu quả của quy trình quản lý bao cấp, kế hoạch hóa tập trung

- Hầu hết các DNNN gặp phải khó khăn, lúng túng khi chuyển sang kinh doanh trong nền kinh tế thị trường. Tình trạng tiêu hao nguyên liệu cao do nhiều nguyên nhân, chi phí quản lý lớn do trình độ tổ chức quản lý và chất lượng nguồn nhân lực thấp, làm giá thành sản phẩm tăng, sức cạnh tranh của DNNN trên thị trường giảm.

- Nhiều DNNN có trình độ công nghệ dưới mức trung bình của thế giới và khu vực. Máy móc, thiết bị, dây chuyền sản xuất lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 20 năm, 38% tài sản cố định đang chờ thanh lý. Mức trang bị tài sản cố định ở mức thấp, bình quân 239 trđ/1lao động.

- Đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa thích ứng với nền kinh tế thị trường. Tác phong lãnh đạo của nền kinh tế tập trung bao cấp còn rơi rớt lại ở nhiều DNNN, tinh thần tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa thật sự cao, vẫn còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước làm cho DNNN hoạt động kém hiệu quả…

Như vậy, trước tình hình trên, việc nâng cao năng lực cạnh tranh đối với DNNN trở thành vấn đề hết sức bức xúc, khi quá trình hội nhập của nước ta đang bước vào giai đoạn có tính bước ngoặt như: một loạt các cam kết đã có hiệu lực cam kết AFTA, NHTG, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa kỳ, cam kết WTO, hiệp định về khu vực mậu dịch tự do ASEAN-Trung Quốc; bên cạnh đó các nước trong khu vực đang đẩy mạnh cải cách, tăng

cường liên kết khu vực và quốc tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh của mình. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết vấn đề nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, DNNN nói riêng phải là quan tâm số một của doanh nghiệp cũng như của chính phủ.

Một phần của tài liệu Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước sau khi việt nam ra nhập WTO luận văn ths kinh tế 60 31 01 pd (Trang 27 - 33)