- DNNN DN ngoài nhà nước
2.3 Nguyên nhân của những hạn chế yếu kém
Mặc dù nhận được nhiều ưu đãi và qua nhiều lần sắp xếp, đổi mới nhưng năng lực cạnh tranh của DNNN vẫn còn rất hạn chế, hiệu quả kinh doanh thấp, kỹ thuật công nghệ chậm đổi mới, năng lực chiếm lĩnh thị trường kém, cơ chế quản lý chồng chéo…, nếu không khẩn trương đẩy mạnh đổi mới DNNN thì khả năng cạnh tranh ngay chính trên sân nhà đã khó chứ chưa nói gì đến hội nhập. Nguyên nhân của những yếu kém đó một phần do bản thân doanh nghiệp, một phần do chính sách của nhà nước. Cụ thể là:
* Dưới góc độ vĩ mô
Môi trường kinh doanh chưa thực sự bình đẳng, rõ ràng, minh bạch, chưa tạo ra được “sân chơi” bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp hoạt động. Hơn nữa, Nhà nước còn duy trì chính sách độc quyền, bảo hộ quá mức, che chắn nên bị các DNNN lợi dụng, nhất là độc quyền trong các lĩnh vực tạo yếu tố đầu vào của nền kinh tế (điện, điện thoại, viễn thông, xi măng, thép…)
Cơ chế chính sách quản lí kinh tế, quản lí DNNN chưa hoàn thiện, còn nhiều tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ:
- Về quản lí nhà nước, chưa phân định rõ ràng các loại quyền như: quyền quản lí của Nhà nước đối với DNNN; quyền của cơ quan Nhà nước với
tư cách là chủ sở hữu; quyền của đại diện chủ sở hữu trực tiếp đối với doanh nghiệp; quyền sử dụng vốn và quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này dẫn đến DNNN bị nhiều trói buộc chưa thực sự được chủ động kinh doanh. Vẫn còn tình trạng các cơ quan quản lí Nhà nước còn can thiệp khá sâu vào kinh doanh của doanh nghiệp song lại không chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp nếu so với cơ chế cũ thì quyền của DNNN tuy có được nới rộng hơn; nhưng so với yêu cầu tự chủ kinh doanh, trong điều kiện nền kinh tế nhiều thành phần, mở cửa, cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ tại thị trường trong nước cũng như thị trường ngoài nước, thì DNNN chưa thể tự vận động theo cơ chế chung của mọi thành phần kinh tế, còn nhiều hạn chế trên cả 4 mặt: về nhân sự, hội đồng quản trị không có thực quyền; về đầu tư, Nhà nước còn chi phối chặt chẽ việc đầu tư vốn của doanh nghiệp, doanh nghiệp mới được tự quyết định những đầu tư nhỏ, nhiều thủ tục ràng buộc rất phiền hà, cơ chế và thẩm quyền quyết định về đầu tư chưa tạo điều kiện cho DNNN phát huy quyền tự chủ cũng như chưa xác định rõ trách nhiệm của người quyết định đầu tư khi phương án đầu tư không có hiệu quả, thời gian xét duyệt đầu tư kéo dài, phát sinh tiêu cực và làm mất cơ hội trong kinh doanh; DNNN chưa được tự quyết định với nhiều yếu tố chi phí; về phân phối kết quả làm ra, DNNN còn bị khống chế, chưa được tự quyết định lương thưởng, sử dụng số lợi nhuận để lại tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì thế ngày càng có nhiều giám đốc than phiền rằng “ họ đang bị chính cơ chế hoạt động hiện nay trói buộc và làm mất động lực nâng cao hiệu quả kinh doanh, sức cạnh tranh cho doanh nghiệp”. Trong DNNN, giám đốc là người quyết định thành công hay thất bại của doanh nghiệp. Theo nhận xét của nhiều lãnh đạo DNNN, giám đốc DNNN phải được trao quyền hạn và quyền lợi tương xứng thì họ mới yên tâm. Nhưng hiện nay cả hai điều quan trọng này đều chưa có. Lý do đơn giản là do cơ chế quyết định tập thể trong DNNN đã không cho phép giám đốc được toàn quyền quyết định về nhân sự
và ứng xử tình huống diễn biến trong kinh doanh. Cơ chế này một mặt đang là lá chắn cho những cán bộ yếu kém, mặt khác lại trói buộc những nhân tố năng động tích cực.
- Chính sách tài chính tín dụng tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều điểm chưa phù hợp. Nhà nước chưa tạo đủ điều kiện và chưa đòi hỏi đúng mức để DNNN tự chủ, tự chịu trách nhiệm, năng động trong sản xuất kinh doanh, tích tụ vốn cho đầu tư đổi mới công nghệ; chưa hoàn thiện và phát triển được đồng bộ thị trường vốn để tạo ra sự chu chuyển vốn thông suốt trong toàn xã hội, đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đặc biệt về vốn ban đầu, DNNN nói chung không được nhà nước đầu tư đầy đủ mà chỉ đầu tư vào tài sản cố định. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo được vốn lưu động tối thiểu. Bên cạnh đó thì hệ thống ngân hàng chưa tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn trung và dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, vẫn chưa xoá bỏ được sự ưu tiên, ưu đãi có phân biệt giữa DNNN và doanh nghiệp tư nhân về việc tiếp cận nguồn tài chính tín dụng trong ngành nghề, cùng lĩnh vực…
- Cơ chế bồi dưỡng, đào tạo tuyển chọn và sử dụng đội ngũ cán bộ quản lý các DNNN chưa đáp ứng được yêu cầu, ít đổi mới; chưa chú ý đầy đủ đến mặt chất lượng chính trị, đạo đức của đội ngũ cán bộ quản lý DNNN. Mặt khác, cơ chế chính sách tiền lương và phân phối chưa thực sự tạo được động lực cả với công nhân và người quản lý. Chưa có chính sách hữu hiệu để giải quyết nợ nần không có khả năng thanh toán, tình trạng lao động dôi dư và đổi mới công nghệ vốn đã quá cũ kỹ và lạc hậu ở các DNNN.
- Còn quá nhiều văn bản pháp quy chồng chéo, thiếu tính khả thi, chậm đổi mới: cơ chế; chính sách cổ phần hoá DNNN ban hành còn chưa đồng bộ; cơ chế phá sản doanh nghiệp còn chưa được thực hiện theo luật phá sản doanh
nghiệp bởi cả 3 chủ thể đều không tự nguyện đề nghị phá sản. Đối với tổng công ty, mô hình quản lí còn có nhiều mặt chưa phù hợp như việc quy định chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị và tổng giám đốc chưa rõ ràng; mối quan hệ của nhiều công ty với các đơn vị thành viên vẫn là quan hệ hành chính, chưa dựa trên quan hệ tài chính, trách nhiệm và quyền lợi; quan hệ giữa các đơn vị thành viên với nhau còn mang tính ghép nối cơ học. Việc tổ chức quản lý cán bộ và lao động chưa có chính sách phù hợp. Đối với tổng công ty Nhà nước, cơ chế quyết định nhân sự hiện hành chưa phát huy được trách nhiệm và hiệu lực điều hành quản lý của tổng giám đốc. Tổng giám đốc không có quyền bổ nhiệm giám đốc thành viên, giám đốc có quyền tuyển dụng lao động không hạn chế nhưng không có quyền sa thải; tổng giám đốc, giám đốc, hội đồng quản trị không được chủ động bố trí bộ máy doanh nghiệp.
* Dưới góc độ vi mô
Nhìn chung các DNNN chưa quen với cạnh tranh trong cơ chế thị trường, còn thụ động, trông chờ và ỷ lại vào sự bao cấp của Nhà nước về cấp vốn lưu động, khoanh xoá nợ, ưu đãi về đất đai, tín dụng…
Đa số các DNNN đều được hình thành từ thời bao cấp nên các giám đốc DNNN chưa có tập quán lấy tiêu chuẩn hiệu quả làm thước đo để định hướng cho các quyết định kinh doanh cũng như để đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Với giám đốc DNNN, kinh doanh bằng vốn nhà nước, lỗ thì nhà nước chịu. Với tư tưởng như vậy nên họ rất ngại đổi mới, không mặn mà với chính sách CPH… Bên cạnh đó còn có một bộ phận cán bộ chủ chốt thoái hoá, biến chất, lợi dụng chức vụ của mình để tham ô tài sản của nhà nước nên không có tinh thần trách nhiệm, không lo đổi mới và phát triển doanh nghiệp.
Người lao động trong DNNN vẫn quen làm việc theo cơ chế cũ, ý thức kỷ luật kém, không năng động, sáng tạo, không chịu học hỏi nâng cao tay
nghề. Với tư tưởng “biên chế suốt đời” nên họ làm việc với tinh thần trách nhiệm không cao, không nêu gương “năng suất - chất lượng - hiệu quả”.
Hơn nữa trình độ của người lao động và người quản lý trong DNNN còn hạn chế là do các DNNN chưa chú trọng đầu tư thích đáng cho công tác đào tạo và đào tạo lại. Chưa có chiến lược đào tạo cán bộ dài hạn phù hợp với lộ trình hội nhập WTO; không chủ động mở các lớp đào tạo tại chỗ hoặc liên kết với các trường, các viện để nâng cao tay nghề cho người lao động; không chú trọng rèn luyện tác phong, thái độ và kỷ luật làm việc cho người lao động.