- DNNN DN ngoài nhà nước
2.2.1 Về số lượng, quy mô của doanh nghiệp nhà nước
Trong những năm vừa qua, do quá trình sắp xếp lại khu vực DNNN nên số lượng doanh nghiệp giảm từ 12000 năm 1992 xuống còn 2200 năm
2006. Mặc dù số lượng DNNN giảm nhưng thực chất vẫn còn quá nhiều so với khả năng quản lý của các cơ quan nhà nước và các nguồn lực tập trung trong tay nhà nước. Đây là bất lợi rất lớn của các DNNN trong quá trình sản xuất kinh doanh, nó làm cho các DN khó khăn hơn về vốn và hiệu quả sử dụng vốn. Quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số DNNN. Số vốn bình quân một DNNN là 118,18 tỷ đồng nhưng số DNNN có số vốn dưới 5 tỷ đồng vẫn chiếm gần 40%, đa số là trực thuộc các địa phương. Theo số liệu của tạp chí kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, tháng 7/2006, riêng tại thành phố Hà Nội trong tổng số 328 DNNN, có 87 DN có vốn dưới 1 tỷ đồng; 97 DN có vốn từ 1 đến 3 tỷ; 53 DN có vốn từ 3 đến 5 tỷ; 38 DN có vốn từ 5 đến 10 tỷ còn lại là các DN có vốn lớn hơn 10 tỷ đồng. Ngay cả các TCT 90, TCT 91, bộ phận được ưu tiên rất nhiều, thì quy mô cũng rất nhỏ. Hiện nay, có đến 80% TCT 90 có vốn dưới 500 tỷ đồng; 27,6% TCT 90 có vốn dưới 100 tỷ đồng và 5/17 TCT 91có vốn dưới 100 tỷ đồng. Nếu so sánh các TCT của Việt Nam với các TCT lớn trong khu vực và trên thế giới thì sự nhỏ bé về quy mô càng được thể hiện rõ. Tổng công ty Điện lực Việt Nam là một trong những tổng công ty có số vốn lớn ở nước ta (23.610 tỷ đồng) nhưng cũng chỉ đứng ở vị trí 750 trong số 1000 công ty có số vốn lớn nhất Châu Á, và vị trí gần cuối cùng trong số 67 công ty có số vốn lớn nhất ASEAN.
Do quy mô nhỏ nên nhìn chung các DNNN đang đối mặt với tình trạng thiếu vốn để SXKD. Quá ít DNNN vốn tự có đủ theo quy định, đó là chưa kể thực tế hiện nay hơn 50% vốn tự có không phát huy hiệu quả, đang nằm trong tài sản chờ thanh lý (38% thiết bị chờ thanh lý), số còn lại thường đang ở dạng nợ khó đòi. Hầu hết DNNN có tổng tài sản gấp 10 đến 20 lần vốn tự có, vốn lưu động được huy động vào SXKD trên thực tế chỉ chiếm 50% số lượng trên sổ sách; tổng nợ ngân hàng bình quân gấp 6 đến 8 lần, trong lĩnh vực thương mại, xây dựng gấp 10 đến 20 lần. Trong khi hệ số an toàn của vốn vay/tự có ở Mỹ và EU từ 2,5 – 3,5 lần, ở Singapo và Thái Lan từ 3 – 4 lần.
Như vậy, quy mô nhỏ và thiếu vốn là những hạn chế rất cơ bản của DNNN trong giai đoạn hiện nay. Quy mô vốn nhỏ cùng với nhu cầu đầu tư lớn trong giai đoạn hiện nay càng làm cho DN thiếu vốn SXKD. Từ thiếu vốn, DN không thể đổi mới công nghệ sản xuất, không thể thuê được lao động giỏi, không có đầu tư tìm hiểu thị trường, không đầu tư quảng bá và phát triển thương hiệu… Điều này làm cho sản phẩm sản xuất ra không có tính cạnh tranh, dẫn tới không bán được và DN ngày càng thiếu vốn hơn. Nhiều DNNN hiện nay đang trong vòng luẩn quẩn này. Tình trạng thiếu vốn là hết sức phổ biến ở các DNNN Việt Nam hiện nay.
Thêm vào đó, trong khi quy mô vốn nhỏ, các DNNN lại lâm vào tình trạng phân bổ không hợp lý. Nhiều DNNN cùng loại hình đang hoạt động trong tình trạng chồng chéo về ngành nghề kinh doanh, cấp quản lý và trên cùng một địa bàn. Tình trạng này làm giảm hiệu quả kinh doanh của các DNNN. Đặc biệt là các DN thuộc cùng một ngành kinh tế kỹ thuật phân tán, manh mún, trực thuộc nhiều cơ quan quản lý khác nhau, điển hình là trong lĩnh vực thương mại, tư vấn, xây dựng. Sự liên kết, hợp tác giữa các DN với nhau và với các DN thuộc các thành phần kinh tế khác còn lỏng lẻo và chưa thành nề nếp. Đơn cử ví dụ về hoạt động của các DNNN trên địa bàn Hà Nội, ngành sản xuất máy móc thiết bị có 35 đơn vị, trong đó có 27 đơn vị do Trung ương quản lý thuộc 7 đầu mối khác nhau. Ngành xây dựng có 158 đơn vị, chiếm 18,8% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó Trung ương có 133 đơn vị và địa phương có 45 đơn vị. Ngành thương mại có 213 doanh nghiệp, chiếm 25,4% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn, trong đó trung ương quản lý 132 doanh nghiệp và địa phương quản lý 80 doanh nghiệp. Có những cơ quan Trung ương tưởng như không liên quan đến buôn bán và đại lý nhưng vẫn có doanh nghiệp làm việc này là Trung tâm khoa học tự nhiên và công nghệ (5 đơn vị), Ngân hàng nhà nước, Uỷ ban dân tộc miền núi… sự chồng chéo, trùng lặp về ngành nghề, về sản phẩm trong một thị trường còn chưa được
phát triển và sức mua của nhân dân chưa cao đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, đầu tư dàn trải trong khi nguồn vốn rất hạn hẹp, quan hệ cung cầu luôn luôn không cân đối. Đây là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm khả năng cạnh tranh của các DNNN Việt Nam.