HAI THÀNH TỐ CƠ BẢN CỦA Ê KÍP LÃNH ĐẠO I MỘT SỐ MÔ HÌNH Ê KÍP LÃNH ĐẠO

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 36 - 38)

Created by AM Word2CHM

I. KHÁI NIỆM

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 2: TÂM LÍ NGƯỜI LÃNH ĐẠO Chương 7: Ê KÍP LÃNH ĐẠO

1. Khái niệm ê kíp

Khái niệm ê kíp không được dùng phổ biến ở nước ta. Vì khi nói đến khái niệm này nhiều người đã gán cho nó một nội hàm mang tính tiêu cực hơn là nội hàm tích cực. Người ta cho rằng ê kíp giống như "phe phái", "cánh hậu” của một số người. Xét từ góc độ khoa học ê kíp không có nội hàm như vậy.

Trong các từ điển tiếng Nga và tiếng Pháp, ê kíp dùng để chỉ một nhóm người cùng thực hiện một hoạt động.

Trong Từ điển Larousse của Pháp định nghĩa:

a) Ê kíp là tập hợp nhóm thợ thuyền cùng làm một công việc. b) Ê kíp là tập hợp các vận động viên cùng một đội (một phe).

Qua định nghĩa này ta thấy ê kíp là một loại nhóm xã hội của những người cùng thực hiện một loại hoạt động. Khi nói tới việc "cùng thực hiện một hoạt động hay một công việc là nói tới sự liên kết giữa các cá nhân với nhau.

Trong Từ điển tiếng Việt xác định: "Ê kíp là nhóm người làm việc ăn ý với nhau. Ở đây không chỉ nói tới hoạt động chung của các cá nhân, mà còn nói tới sự tương hợp về mặt tâm lí giữa họ (ăn ý với nhau).

Lê Tuấn Lộc (1991) cho rằng: "ê kíp là một nhóm người được tổ chức ra, mỗi người một việc, phối hợp với nhau làm một nhiệm vụ chung".

Phân tích các định nghĩa trên ta thấy ê kíp là một nhóm xã hội - nhóm của những người cùng thực hiện một loại hoạt động (cùng một công việc), cho nên, đây là một dạng nhóm nhỏ. Do là một loại nhóm nhỏ nên sự tương tác giữa các thành viên trong nhóm mang tính trực tiếp. Mặt khác, giữa các thành viên của nhóm không chỉ có sự phối hợp hành động với nhau, mà còn có sự tương hợp tâm lí với nhau. Điều quan trọng là đây không phải là một loại nhóm nhỏ bình thường, mà là một loại nhóm nhỏ phát triển ở mức độ cao, một nhóm nhỏ hoạt động có hiệu quả tốt. Nói cách khác, đó là nhóm có sự phối hợp hành động và tương hợp tâm lí ở mức độ cao.

Từ phân tích trên ta có thể đi đến định nghĩa về ê kíp như sau:

Ê kíp là một loại nhóm nhỏ của những người cùng tiên hành một hoạt động chung, giữa các thành viên có sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động một cách chặt chẽ.

2. Khái niệm ê kíp lãnh đạo

Khái niệm ê kíp là khái niệm chung cho các nghề nghiệp, các lĩnh vực hoạt động khác nhau, có ê kíp của những người công nhân làm cùng ca kíp, có ê kíp của những tổ phi công cùng làm việc trên một chuyến bay, có ê kíp của những người thuỷ thủ trên cùng một chiếc tàu biển, có ê kíp của nhóm những nhà khoa học cùng nghiên cứu về một vấn đề...

Ê kíp lãnh đạo là một loại ê kíp đặc biệt - ê kíp của những người lãnh đạo trong một tổ chức. Ở các nước, thủ tướng mới được bầu ra lựa chọn thành phần chính phủ, tổng thống lựa chọn các bộ trưởng, trợ lí vào thành phần nội các của mình... Thực chất đó là sự lựa chọn một ê kíp làm việc, một ê kíp lãnh đạo.

Từ định nghĩa ê kíp chúng ta có thể đưa ra khái niệm ê kíp lãnh đạo như sau:

Ê kíp lãnh đạo là nhóm nhỏ của những người lãnh đạo một tổ chức cùng tiến hành hoạt động quản lí, giữa họ có sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ.

Với khái niệm ê kíp lãnh đạo trên, ta thấy ê kíp lãnh đạo là một loại nhóm tích cực, hoàn toàn khác với loại nhóm "cánh hữu, "phe phái", "bè phái"... mà trong quan niệm của một số người trong xã hội về ê kíp lãnh đạo. Với sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ, chắc chắn ê kíp lãnh đạo là nhóm hoạt động có hiệu quả hơn một ban lãnh đạo bình thường, không phải là ê kíp. Với định nghĩa này ta cũng thấy có hai yếu tố quyết định để xác định một ban lãnh đạo có phải là một ê kíp không. Đó là sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ. Nói cách khác, để trở thành một ê kíp lãnh đạo thì giữa các thành viên phải đạt được sự tương hợp tâm lí cao và phối hợp hành động chặt chẽ.

Từ định nghĩa trên chúng ta cũng thấy ê kíp lãnh đạo khác với một ban lãnh đạo. Một ê kíp lãnh đạo là một ban lãnh đạo, nhưng một ban lãnh đạo thì chưa hẳn đã là một ê kíp lãnh đạo. Sự khác nhau giữa ban lãnh đạo và ê kíp lãnh đạo ở chỗ mức độ tương hợp tâm lí và phối hợp hành động giữa các thành viên trong nhóm những người lãnh đạo đó.

Created by AM Word2CHM

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 36 - 38)