HAI THÀNH TỐ CƠ BẢN CỦA Ê KÍP LÃNH ĐẠO

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 38 - 43)

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 2: TÂM LÍ NGƯỜI LÃNH ĐẠO Chương 7: Ê KÍP LÃNH ĐẠO

Như trên đã phân tích, tương hợp tâm lí và phối hợp hành động giữa các thành viên ở mức độ cao là những yếu tố quyết định một ban lãnh đạo có phải là một ê kíp hay không. Chính vì vậy, khi nói tới một ê kíp lãnh đạo thì chúng ta phải tìm hiểu về hai yếu tố này. Trong phần này chúng ta sẽ tập trung phân tích sâu về hai thành tố tạo nên ê kíp lãnh đạo.

1. Tương hợp tâm lí của ê kíp lãnh đạo

Trong tâm lí học xã hội, vấn đề tương hợp tâm lí được một số nhà tâm lí học quan tâm. N.N. Ôpozop cho rằng, tương hợp tâm lí là kết quả của sự kết hợp và tác động lẫn nhau giữa các cá nhân thể hiện sự hài lòng cao nhất giữa họ.

Theo A.L. Svenhisinxki, tương hợp là sự thích ứng lẫn nhau của các cá nhân trong quá trình hoạt động chung nhằm tạo ra sự phối hợp hành động.

M. Mos lại xem tương hợp là sự thoả mãn nhu cầu và các hành vi của cá nhân trong nhóm. K.K. Platonop cho rằng, tương hợp là sự liên kết giữa các cá nhân để tạo ra sự toàn vẹn và quá trình cô kêt bên trong của nhóm.

Như vậy, nói đến tương hợp tâm lí của nhóm là nói đến quá trình bên trong của nhóm - quá trình các cá nhân hoà hợp, thích ứng lẫn nhau để chuyển từ những "cái tôi" của mỗi cá nhân thành "cái chúng tôi" của cả nhóm.

Tương hợp tâm lí của ê kíp lãnh đạo là sự hoà hợp, thích ứng lẫn nhau và sự phối hợp tối ưu các đặc điểm tâm lí cá nhân để tạo ra sự thống nhất cao của ê kíp lãnh đạo.

Khi nói tới tương hợp tâm lí của ê kíp lãnh đạo là nói tới sự tương hợp ở hai khía cạnh: tương hợp tâm sinh lí và tương hợp tâm lí xã hội.

Tương hợp tâm sinh lí trong ê kíp lãnh đạo là tương hợp về các đặc điểm thần kinh, khí chất, tính cách... giữa các thành viên trong ê kíp. Mỗi loại khí chất có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Chẳng hạn, người có khí chất nóng nẩy thì dễ có thể dẫn tới xung đột với người khác, nhưng lại là người hành động nhanh chóng, dễ dàng. Người có khí chất sôi nổi thường linh hoạt, có lòng vị tha. Người ưu tư thì thì có thể hành động chậm, khó thích nghi với những thay đổi của môi trường làm việc, nhưng lại làm việc cẩn trọng, sâu sắc về tình cảm... Trong ê kíp lãnh đạo, giữa các thành viên không chỉ khác nhau về khí chất, mà còn khác nhau về tính cách. Có người cẩn thận, người không cẩn thận, người trầm tính, người mạnh mẽ, người kiên trì, người nóng nẩy... Sự tương hợp tâm sinh lí giữa các thành viên của ê kíp lãnh đạo là sự kết hợp một cách hài hoà và có hiệu quả các đặc điểm của các khí chất và tính cách khác nhau của các cá nhân nhằm tạo ra hiệu quả cao hoạt động chung của ê kíp. Đó là sự kết hợp giữa các mặt mạnh và mặt yếu của các khí chất và tính cách. Người lãnh đạo có tính cẩn trọng, nhưng chậm chạp kết hợp với người lãnh đạo có tính nhanh nhẹn, tháo vát, nhưng nhiều khi chưa thật chín chắn trong quyết định và giải quyết các vấn đề. Chúng ta hãy tưởng tượng xem nếu thong một ê kíp lãnh đạo chỉ có toàn là những người nóng nẩy hoặc toàn những người ưu tư thì chắc chắn trong quá trình phối hợp công tác sẽ gặp nhiều khó khăn.

Điều cần chú ý là khi người đứng đầu ê kíp lãnh đạo (lãnh đạo cấp trưởng) biết sử dụng các đặc điểm của khí chất, tính cách để tạo nên sự tương hợp tâm lí này giữa các thành viên trong ê kíp. Mặt khác, người lãnh đạo cấp trưởng cần biết sử dụng những mặt mạnh của mỗi loại tính cách và khí chất để phân công công việc quản lí tổ chức cho phù hợp. Chẳng hạn, trong một doanh nghiệp, người lãnh đạo sôi nổi, linh hoạt thì có thể phân công đảm nhiệm công việc như marketing, đối ngoại, giải quyết đầu ra cho sản phẩm... Người lãnh đạo có tính điềm đạm, cẩn trọng thì phụ trách về kĩ thuật, chuyên môn, chất lượng sản phẩm...

1.2. Tương hợp tâm lí xã hội

Ê kíp lãnh đạo là nhóm xã hội nhỏ nên giữa các thành viên không chỉ có sự tương hợp về tâm sinh lí mà còn có sự tương hợp về tâm lí xã hội. Tương hợp về tâm lí xã hội của các thành viên trong ê kíp lãnh đạo thể hiện ở sự tương hợp về động cơ, mục đích, nhu cầu, lợi ích, định hướng giá trị, hứng thú, phong cách làm việc, các đặc điểm tâm lí lứa tuổi... Sự tương hợp này là điều kiện quyết định để tồn tại và phát triển của một ê kíp lãnh đạo. Đây là cơ sở sở để biến "Cái tôi" của một cá nhân người lãnh đạo thành "Cái chúng tôi" của ê kíp lãnh đạo. Nói cách khác, sự tương hợp tâm lí này sẽ tạo ra mối liên hệ liên nhân cách, sự cố kết giữa các thành viên trong ê kíp. Chúng ta hãy phân tích một vài khía cạnh về sự tương hợp này.

a. Sự tương hợp về động cơ

Một ê kíp lãnh đạo có hình thành được hay không, có tồn tại được hay không phụ thuộc rất lớn vào sự thống nhất động cơ giữa các thành viên. Động cơ chung của ê kíp lãnh đạo là tổ chức hoạt động của tập thể hoàn thành các mục tiêu đề ra, làm cho tập thể ngày càng phát triển. Ngoài động cơ chung của ê kíp ra, các cá nhân người lãnh đạo trong ê kíp cũng có những động cơ riêng của mình. Điều quan trọng là mỗi người không để cho động cơ riêng lấn át, bao trùm lên động cơ

chung của ê kíp. Nếu mỗi cá nhân cứ theo đuổi động cơ riêng của mình và nếu giữa các thành viên của ê kíp khác biệt lớn về động cơ thì một ban lãnh đạo không thể thành một ê kíp và một ê kíp lãnh đạo không thể tồn tại được.

Mặt khác, động cơ của ê kíp lãnh đạo phải phù hợp với các chuẩn mực của xã hội, không đối lập với các chuẩn mực xã hội. Một ê kíp lãnh đạo như vậy mới có thể tồn tại. Thực tế ở nước ta trong thời gian qua cho thấy, khi chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế mới, lợi dụng sự chưa hoàn chỉnh của luật pháp nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tham nhũng tiền của của Nhà nước để phục vụ cho các động cơ cá nhân của mình. Nhiều người lãnh đạo, ban lãnh đạo của các tổ chức, doanh nghiệp đã bị xử lí trước pháp luật.

Khi nói đến sự tương hợp về động cơ giữa các thành viên trong ê kíp lãnh đạo là chúng ta cũng đã đề cập tới sự tương hợp về nhu cầu giữa họ. Bởi lẽ, động cơ được hình thành trên cơ sở của nhu cầu. Khi nhu cầu của cá nhân gặp đối tượng và điều kiện thực hiện thì trở thành động cơ. Cũng giống như động cơ, sự tương hợp về nhu cầu giữa các thành viên của ê kíp lãnh đạo là sự hoà hợp và thống nhất về nhu cầu của các cá nhân trên cơ sở mục đích hoạt động của tổ chức. Sự tương hợp về nhu cầu là sự kết hợp hài hoà giữa nhu cầu cá nhân và nhu cầu chung của tổ chức. Sẽ là không hiện thực khi ê kíp chỉ quan tâm đến việc thực hiện nhu cầu của tổ chức mà không tính đến các nhu cầu riêng của các thành viên ê kíp. Song, nếu các thành viên ê kíp chỉ lo thoả mãn các nhu cầu riêng của mình mà không tính đến các nhu cầu của tổ chức, của xã hội, thì sẽ không thể tồn tại vì sớm muộn nó sẽ dẫn tới các hành vi lệch chuẩn.

b. Sự tương hợp về lợi ích

Có thể nói lợi ích là yếu tố quan trọng hàng đầu đối với sự tồn tại và phát triển của ê kíp lãnh đạo cũng như bất cứ một nhóm xã hội nào. Sẽ không tồn tại một ê kíp lãnh đạo khi ở đó yếu tố lợi ích không được tính đến. Trong lịch sử của làng xã cũng như trong thời kì bao cấp, yếu tố lợi ích của cộng đồng, lợi ích của tập thể được chú ý nhiều hơn và nó được đặt trên lợi ích của các cá nhân. Trong bối cảnh lịch sử đó, với sự thống trị của chủ nghĩa bình quân thì việc chú ý đến lợi ích của tập thể nhiều hơn lợi ích cá nhân là chấp nhận được. Song, trong điều kiện của nền kinh tế thị trường hiện nay thì chúng ta không thể xem nhẹ lợi ích cá nhân, mà phải đặt nó trong mối tương quan chung với lợi ích của tập thể và xã hội.

Sự thống nhất về lợi ích trong ê kíp lãnh đạo thể hiện ở chỗ:

Thứ nhất, đó là sự thống nhất về lợi ích của tất cả các thành viên trong ê kíp. Khi sự phân chia lợi ích không hợp lí có thể dẫn tới các mâu thuẫn, xung đột trong ê kíp. Sự "ăn chia không sòng phẳng" đã là cơ sở để nẩy sinh xung đột trong nhiều ban lãnh đạo hay trong nhiều tổ chức. Sự xung đột này đã làm hiệu quả hoạt động của các ban lãnh đạo hay tổ chức suy giảm, thậm chí có thể dẫn tới sự tan rã ê kíp.

Thứ hai, người đứng đầu ê kíp cần tính đến lợi ích của các thành viên, để đảm bảo cho sự hài hoà giữa lợi ích của toàn ê kíp và lợi ích của mỗi thành viên trong ê kíp. Nếu lợi ích của các thành viên không được tính tới thì sẽ không tạo ra động lực làm việc cho họ. Ở đây không chỉ đảm bảo hài hoà giữa lợi ích của tập thể ê kíp và lợi ích của các thành viên, mà cần đảm bảo sự hoà

giữa hai loại lợi ích này với lợi ích chung của xã hội. Điều này đảm bảo cho ê kíp hoạt động phù hợp với các chuẩn mực xã hội.

Sơ đồ 5: Sự tương hợp tâm lí của ê kíp lãnh đạo

Quan sát sơ đồ trên cho thấy sự tương hợp tâm lí giữa các thành viên không chỉ là sự thống nhất, mà còn là sự thích ứng giữa các thành viên trong ê kíp lãnh đạo để tạo nên sự cố kết, đồng cảm cao.

2. Phối hợp hành động của ê kíp lãnh đạo

Khác với hoạt động của mỗi cá nhân, ê kíp lãnh đạo là một nhóm xã hội - một nhóm xã hội phát triển cao. Do vậy, hoạt động quản lí của ê kíp lãnh đạo là sự phối hợp hành động một cách chặt chẽ giữa các thành viên. Sự phối hợp hành động giữa các thành viên trong ê kíp lãnh đạo cũng giống như sự phối hợp hành động trong một dây chuyền sản xuất. Nó thể hiện ở sự đồng bộ, ăn khớp giữa các thành viên trong hoạt động chung của ê kíp. Sự phối hợp hành động của một ê kíp khác với sự phối hợp hành động của một dây chuyền là nó rất linh hoạt, uyển chuyển.

Để phối hợp hành động tốt, trước hết giữa các thành viên của ê kíp phải thống nhất về quan điểm làm việc. Quan điểm làm việc được xây dựng trên cơ sở thống nhất về định hướng giá trị, về nhu cầu và động cơ, mục đích hoạt động của ê kíp. Các biện pháp cụ thể giải quyết vấn đề của các thành viên ê kíp có thể khác nhau, song quan điểm làm việc phải thống nhất. Quan điểm làm việc của một ê kíp lãnh đạo của một doanh nghiệp phải chăng là những người lãnh đạo phải đồng lòng nhất trí hợp tác với nhau để phát triển hoạt động kinh doanh, ngày càng nâng cao thu nhập của doanh nghiệp và thu nhập của mỗi thành viên trong doanh nghiệp. Nói cách khác, phối hợp hành động giữa các thành viên của ê kíp là vì sự phát triển của doanh nghiệp. Dựa vào các nhiệm vụ được phân công, mỗi người lãnh đạo có thể hành động một cách sáng tạo theo khả năng và các hoàn cảnh cụ thể để thực hiện các mục tiêu chung của tổ chức.

Để có sự phối hợp hành động chặt chẽ giữa các thành viên của ê kíp lãnh đạo, mỗi thành viên phải làm việc một cách tự giác và có trách nhiệm cao. Tinh thần tự giác của các thành viên ê kíp thể hiện ở chỗ mỗi người tự nỗ lực và phấn đấu hết mình để hoàn thành các nhiệm vụ được phân công. Một khẩu hiệu hành động mà đã có từ lâu ở nước ta mà đến nay vẫn có giá trị về tinh thần trách nhiệm đó là "Mình vì mọi người, mọi người vì mình". Mỗi người biết sống vì nhau và sống vì tập thể. Sự phối hợp hành động của ê kíp lãnh đạo cũng giống như sự vận hành của các bộ phận trong một cơ thể. Nếu một bộ phận bị trục trặc thì sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả cơ thể.

Để có được sự phối hợp hành động tốt giữa các thành viên trong ê kíp lãnh đạo thì sự phân công công việc trong ê kíp phải dựa trên năng lực, sở trường, sở đoản của mỗi người và tất nhiên trong sự phân công này không thể không tính đến khí chất, tính cách của các cá nhân. Sự phân công này sẽ phát huy được ưu điểm của mỗi người, hạn chế được những nhược điểm của họ.

Một yếu tố có ý nghĩa đối với việc phối hợp hành động của ê kíp lãnh đạo là các thành viên trong ê kíp phải có tinh thần kỉ luật Theo A.G. Kôvaliop, kỉ luật không chỉ là hành động có lí trí nhằm đạt tới một cách có kế hoạch mục tiêu đã đã định, mà còn là năng lực kìm hãm, kiềm chế tất cả những xu hướng gây trở ngại cho việc thực hiện mục tiêu chung của tập thể. Kỉ luật là ý thức về nghĩa vụ của cá nhân đối với công việc được giao, là tinh thần trách nhiệm trước tập thể, là thói quen thực hiện một cách nghiêm túc chuẩn mực lao động (A.G. Kôvaliop, 1976). Kỉ luật sẽ làm cho các thành viên của ê kíp hành động một cách thống nhất, có kế hoạch. Điều khác giữa kỉ luật của ê kíp lãnh đạo với kỉ luật của những người lao động trong tổ chức là kỉ luật của ê kíp mang tính tự giác và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao.

3. Mối quan hệ giữa tương hợp tâm lí và phối hợp hành động của ê kíp lãnh đạo

Là hai yếu tố quyết định sự hình thành và tồn tại của ê kíp lãnh đạo, tương hợp tâm lí và phối hợp hành động giữa các thành viên có liên quan chặt chẽ với nhau, phụ thuộc và đan xen vào nhau.

Tương hợp tâm lí là tiền đề, là điều kiện tiên quyết để dẫn tới sự phối hợp hành động. Bởi lẽ, sự thống nhất về khí chất, tính cách, nhu cầu, động cơ, định hướng giá trị, lợi ích... sẽ dẫn tới sự thống nhất, phối hợp hành động một cách chặt chẽ của các thành viên. Trái lại, không thể có sự phối hợp hành động có hiệu quả khi giữa các thành viên không có sự hoà hợp về các khía cạnh tâm lí trên.

Tương hợp tâm lí làm cho sự phối hợp hành động trở nên chặt chẽ hơn, đồng bộ hơn, hiệu quả hơn. Sự tương hợp này sẽ làm cho giảm bớt sự bất đồng, tăng khả năng khắc phục những trở ngại, khó khăn của các thành viên trong quá trình tổ chức hoạt động của tập thể.

Mặt khác, phối hợp hành động làm cho tương hợp tâm lí của các thành viên trong ê kíp lãnh đạo ngày càng phát triển ở mức cao hơn. Sự phối hợp hành động một cách chặt chẽ sẽ làm cho các thành viên càng đồng cảm với nhau nhiều hơn, hiểu nhau nhiều hơn và từ đó có sự cố kết tốt hơn. Sự phối hợp hành động cũng làm cho tương hợp tâm lí ngày càng đa diện hơn.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 38 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)