ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG TỔ CHỨC

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 60 - 64)

Created by AM Word2CHM

I. NHU CẦU

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 3: TÂM LÍ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC Chương 9: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TÂM LÍ CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Khái niệm nhu cầu

Đối với người lãnh đạo, nhu cầu của các cá nhân nổi lên như một trong những vấn đề cần được quan tâm hàng đầu. Bởi vì, nhu cầu có vai trò hết sức quan trọng đối với hoạt động của con người. Con người không thể tồn tại mà thiếu nhu cầu, trước hết là những nhu cầu vật chất tối thiểu như ăn, mặc, ở. K. Mác viết: "Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới làm ra lịch sử. Nhưng muốn sống được thì trước hết phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo". Sự thoả mãn nhu cầu là động lực thúc đẩy hoạt động của mỗi cá nhân và tập thể. Nhu cầu quy định xu hướng lựa chọn ý nghĩ, tình cảm và ý chí của con người. Mặt khác, nhu cầu quy định và tích cực hoá hoạt động của con người.

Theo A.G.Kôvaliôp: "Nhu cầu là sự đòi hỏi của các cá nhân và của các nhóm xã hội khác nhau muôn có những điều kiện nhất định để sống và phát triển".

Trong cuốn sách "Đắc nhân tâm", tác giả Dale Carnegie viết: “muốn dẫn dụ ai làm việc theo ý ta, chỉ có cách làm cho người ấy phát khởi cái ý muốn làm việc đó". Để phát khởi được cái ý muốn hoạt động đó thì phải tìm hiểu và đáp ứng các nhu cầu của người ấy.

2. Vấn để nhu cầu của người lao động ở nước ta

Nhu cầu của con người mang tính lịch sử. Nhu cầu gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu của con người cũng phản ánh trình độ phát triển của xã hội. Nhu cầu của con người

phát triển từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phong phú qua các giai đoạn lịch sử. Khi kinh tế, khoa học kĩ thuật càng phát triển thì nhu cầu của con người càng phong phú và tinh tế.

Ở nước ta, suốt bao nhiêu thế kỉ dưới chế độ phong kiến, do nền kinh tế tiểu nông lạc hậu, kém phát triển nên nhu cầu của người dân ở mức độ rất thấp, chỉ dừng lại ở những nhu cầu tối thiểu. Khát vọng của người nông dân Việt Nam quanh năm tần tảo, một nắng hai sương khi đó chỉ là ăn no, mặc ấm, chỉ là ăn chắc, mặc bền. Tầng lớp quan lại bấy giờ rất ít quan tâm đến nhu cầu của dân.

Trong mấy chục năm của cơ chế tập trung bao cấp, do chỉ có nhu cầu tập thể được quan tâm, nên nhu cầu cá nhân của con người bị coi nhẹ. Các nhu cầu cá nhân của con người bị che khuất, lu mờ sau những nhu cầu tập thể, cộng đồng? bị hoà tan vào các nhu cầu này. Mặt khác, do phong cách quản lí quan liêu, mệnh lệnh, do cơ chế kế hoạch hoá tập trung cao độ nên những người lãnh đạo ít quan tâm đến các nhu cầu của cá nhân, ít quan tâm đến việc tạo ra động lực phát triển của tổ chức và các nhóm xã hội. Có lẽ vì vậy mà trong các cộng đồng nhỏ, cũng như trong cộng đồng xã hội lớn đã không có được động lực phát triển, hay nói cách khác, cái động lực thúc đẩy hoạt động của con người đã bị triệt tiêu, không được chú ý và kích thích. Một thực tế mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy được, trong thời kì hợp tác hoá nông nghiệp, năng suất lúa của các hợp tác xã nông nghiệp rất thấp, đỉnh cao của nó là 5 tấn/ha. Nhưng khi thực hiện cơ chế "Khoán 100" và "Khoán 10", cuộc sống ở nông thôn đã khởi sắc rõ rệt, từ chỗ thiếu lương thực, phải nhập gạo của nước ngoài đến chỗ chúng ta trở thành nước xuất khẩu gạo đứng hàng thứ ba trên thế giới, năng suất 10 tấn, hơn 10 tấn/ha là một điều rất bình thường ở các vùng nông thôn hiện nay.

Với việc lựa chọn cơ chế thị trường, phát triển nền kinh tế hàng hoá hội nhập và mở cửa, chúng ta đã và đang chú ý đến các nhu cầu cá nhân của con người, kích thích nó phát triển, biến nó thành động lực thực sự thúc đẩy hoạt động của con người. A.G.Kôvaliôp viết: "Một nguồn gốc nội tại căn bản thúc đẩy hoạt động của quần chúng và của cá nhân là các nhu cầu”. Ph. Ănghen cũng chỉ rõ: "Người ta thường quen giải thích các hành động của mình bằng sự suy nghĩ của mình, trong khi đáng lẽ phải giải thích nó bằng các nhu cầu của mình (dĩ nhiên là những nhu cầu này đều được phản ảnh vào trong đầu óc, đều được ý thức)".

So với những năm trước đây, nhu cầu của người dân ở nước ta hiện nay đã phát triển ở mức độ cao hơn nhiều và cũng rất đa dạng phong phú. Chẳng hạn lấy nhu cầu mặc để làm dẫn chứng, ta thấy bây giờ người dân nhất là ở khu vực đô thị, đồng bằng, nhất là tầng lớp công chức, thanh thiếu niên... không quan tâm đến việc mặc thế nào cho bền, cho chắc, mà quan tâm đến việc mặc thế nào cho đẹp. Nếu như trước đây chúng ta không biết tới các khái niệm "mốt", "thời trang" thì ngày nay nó đã trở thành khái niệm quen thuộc, một nhu cầu trong đời sống xã hội. Hay đối với nhu cầu thông tin cũng vậy. Hàng ngày, người dân nhất là khu vực đô thị được tiếp cận với nhiều thông tin khác nhau qua nhiều kênh truyền tin như: truyền hình, đài, báo, Internet, điện thoại... Việc cập nhật các thông tin trong và ngoài nước trở nên dễ dàng.

Tuy vậy, ở các vùng sâu, vùng xa, ở vùng các dân tộc thiểu số, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, nhu cầu của họ vẫn dừng ở mức của các nhu cầu cơ bản như: ăn, mặc và ở. Đối với những gia đình còn đang thiếu ăn thì không thể quan tâm đến các nhu cầu tinh thần cao được.

Theo ước tính của của Tổng cục Thống kê, nếu lấy chuẩn nghèo là mức chi bình quân dưới 2100 đ/ngày thì năm 1998 tỉ lệ nghèo của các dân tộc thiểu sao nước ta là 75% và dân tộc Kinh là 31% (Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2000). Vào thời điểm năm 2000, tỉ lệ hộ nghèo ở Tây Nguyên là 45,8%, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là 33% và vùng đồng bằng sông Hồng là 20%. Khi đời sống kinh tế khó khăn thì sẽ hạn chế trình độ học vấn ở không ít gia đình, dẫn tới tình trạng thất học và mù chữ, như vậy sẽ hạn chế tiếp cận với tri thức, với các nhu cầu văn hoá.

3. Các mức độ của nhu cầu

Khi tìm hiểu nhu cầu của những người thừa hành, người lãnh đạo cần biết được các mức độ của nhu cầu con người. Ở mỗi cá nhân, mỗi nhóm có những mức độ nhu cầu khác nhau và trong những thời điểm cụ thể thì chủ thể cần thoả mãn những loại nhu cầu nhất định. Người lãnh đạo chỉ thúc đẩy được những người dưới quyền khi anh ta thoả mãn những nhu cầu mà người dưới quyền mong muốn. Sẽ không hiệu quả khi người lãnh đạo mang đến cho những gia đình vùng sâu vùng xa còn đang đói nghèo sách báo, những hình thức khen ngợi về tinh thần; sẽ thiết thực hơn khi dạy cho họ học cách thức sản xuất, cho họ vay vốn, tạo việc làm để họ thoát khỏi đói nghèo.

Cách đơn giản nhất của sự phân chia mức độ nhu cầu là phân chia thành: Những nhu cầu ở mức độ thấp - Nhu cầu vật chất và những nhu cầu ở mức độ cao - Những nhu cầu tinh thần.

Các nhu cầu vật chất là những nhu cầu có trước và là nền tảng cho hoạt động sống của con người. Các nhu cầu vật chất cơ bản nhất là: ăn, mặc, ở. Trong lịch sử nhân loại, cuộc đấu tranh của con người với thiên nhiên, của con người với con người trước hết là nhằm thoả mãn các nhu cầu vật chất.

Các nhu cầu tinh thần cơ bản của con người bao gồm: mong muốn có được địa vị, được mọi người chú ý, tôn trọng, được đảm bảo nghề nghiệp, an ninh, có cơ hội thăng tiến, nhu cầu nhận thức, giao tiếp, lao động, hoạt động xã hội, v.v...

Khi phân chia các mức độ của nhu cầu, A. Maslow (1908 - 1966) đã xem xét nhu cầu con người theo hình thái phân cấp và sắp xếp chúng theo thứ tự tăng dần từ thấp đến cao: nhu cầu sinh lí, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được tôn trọng và nhu cầu tự khẳng định.

Những nhu cầu ở mức độ thấp như: nhu cầu ăn, mặc, ở... diễn ra trực tiếp hơn, mạnh hơn các nhu cầu ở mức độ cao. Mặt khác, các nhu cầu cấp thấp diễn ra sớm hơn các nhu cầu cấp cao.

Con người trước hết cần ăn, mặc, ở để tồn tại; sau mới đến khẳng định mình trong các quan hệ xã hội. Đây là điều mà những người lãnh đạo cần chú ý. Trong tổ chức, trước hết người lãnh đạo cần quan tâm đến những nhu cầu thiết yếu nhất của những người thừa hành, sau mới đến các nhu cầu khác ở mức cao hơn. Chẳng hạn, ở một xã vùng nông thôn, người lãnh đạo khó thể yêu cầu người dân phát triển đời sống văn hoá tinh thần khi mà họ còn thiếu ăn, thiếu mặc, khi mà họ còn bươn trải vì hai bữa ăn hàng ngày. Người Việt Nam có câu "Phú quý sinh lễ nghĩa". Điều đó cũng có nghĩa là khi cuộc sống vật chất đã no đủ thì các nhu cầu tinh thần khác được phát triển. Trước đây, trong cơ chế cũ, đời sống còn khó khăn, người dân còn thiếu ăn, thiếu mặc thì ít gia đình nghĩ đến các nhu cầu du lịch, chuẩn bị cưới xin, ma chay, lễ hội một cách đàng hoàng như

hiện nay. Cán bộ công chức, thanh thiếu niên... không nghĩ đến việc lựa chọn kiểu cách, màu sắc, chất liệu của quần áo, làm đầu sửa sang sắc đẹp, tập thể dục thẩm mĩ... Và khi đó nếu các dịch vụ này ra đời cũng không thể tồn tại được. Như vậy, khi đời sống vật chất và tinh thần của con người càng được nâng cao thì những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ càng có nhiều cơ hội để đưa ra các sản phẩm hàng hoá, các loại dịch vụ để thoả mãn nhu cầu của người dân.

Tìm hiểu về nhu cầu của những người thừa hành, những người lãnh đạo cũng cần chú ý một khía cạnh nữa là nhu cầu phản ánh trạng thái chủ quan của con người, những mong muốn của con người trong thời điểm đó và nhu cầu có khả năng điều chỉnh suy nghĩ, tình cảm và hành vi của các cá nhân hay nhóm. Việc thoả mãn các nhu cầu chính đáng của họ sẽ thúc đẩy những người thừa hành làm việc tích cực hơn, hiệu quả hơn.

Khi nghiên cứu việc phân cấp các mức độ của nhu cầu đối với những người quản lí, D.T. Hall và K. Nougain (1968) đã đi đến nhận định: Khi người lãnh đạo tiến càng cao hơn về vị thế quản lí trong tổ chức thì các nhu cầu bậc thấp như nhu cầu sinh lí, an toàn có chiều hướng giảm dần và các nhu cầu bậc cao như liên kết, tôn trọng, khẳng định bản thân... có chiều hướng tăng.

4. Các quy luật cơ bản của nhu cầu

Khi tìm hiểu nhu cầu của người lao động, người lãnh đạo còn cần nắm được quy luật tác động của nó. Theo W.H. Newman, quy luật tác động của nhu cầu là:

a) Khi một nhu cầu nào đó được thoả mãn thì nó không còn là động lực thúc đẩy hoạt động của con người nữa.

b) Ở hầu hết mọi người đều có một hệ thống nhu cầu. Khi nhu cầu này được thỏa mãn thì nhu cầu khác trở nên bức thiết hơn. Con người không bao giở được thoả mãn đầy đủ cả. Sự mong muốn của con người là vô tận.

Người lãnh đạo cần hiểu và nắm được quy luật vận động của nhu cầu để sử dụng chúng phục vụ cho hoạt động quản lí tổ chức. Điều này thể hiện ở hai khía cạnh:

- Ở phạm vi tổ chức do mình quản lí, người lãnh đạo cần biết được ở mỗi cá nhân và mỗi nhóm trong tổ chức, ở một thời điểm có thể có nhiều nhu cầu cần được thoả mãn. Nhưng trong số các nhu cầu đó có một nhu cầu đang trở nên bức thiết hơn mà chúng ta gọi đó là nhu cầu nổi trội, việc thoả mãn nhu cầu này sẽ tạo ra sự phấn khởi, an tâm và hứng thú trong hoạt động của những người dưới quyền. Hiệu quả, chất lượng công việc của họ sẽ được

Để hiểu được các nhu cầu của những người dưới quyền, đặc biệt là nhu cầu nổi trội của họ thì người lãnh đạo cần phải sâu sát, lắng nghe ý kiến, tâm tư nguyện vọng của các thành viên trong tổ chức.

- Ở phạm vi xã hội, người lãnh đạo nghiên cứu và nắm được nhu cầu của người tiêu dùng sẽ biết được trong thời điểm hiện tại và trong thời gian tới cần kinh doanh mặt hàng gì thì có thể tiêu thụ nhanh và có lãi trên thị trường, tức là biết được những nhu cầu nào đã và sắp bão hoà, nhu cầu

mới nào xuất hiện và chúng cần được thoả mãn. Về vấn đề này có lẽ các công ti của Nhật Bản rất thành công.

Sự thành công của các nhà quản lí Nhật Bản là họ luôn tìm hiểu và dự báo được nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng để đáp ứng. Chẳng hạn, trong những năm đầu của thập kỉ 70 của thế kỉ XX, Mĩ vẫn là thị trường tiêu thụ máy thu hình màu cỡ lớn. Trong thời gian này ở người tiêu dùng Mĩ đã xuất hiện xu hướng thích máy thu hình cỡ nhỏ có chất lượng cao. Các công ti của Mĩ không nhận ra nhu cầu này của người tiêu dùng, họ vẫn tiếp tục sản xuất các máy thu hình cỡ lớn, ít quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong khi đó các công ti của Nhật như Sony và Matsushita nhanh chóng phát hiện ra nhu cầu này của người tiêu dùng Mĩ và chớp lấy cơ hội. Họ bắt đầu sản xuất các máy thu hình cỡ nhỏ, có chất lượng cao để tung ra thị trường rộng lớn của Mĩ và rất thành công. Khi đó các nhà sản xuất máy thu hình Mĩ đã phải nhường lại thị trường của mình cho các nhà kinh doanh Nhật Bản.

Nghiên cứu sự thay đổi nhu cầu của người dân còn là cơ sở cho những người lãnh đạo các doanh nghiệp đổi mới mẫu mã, hình thức của sản phẩm hàng hoá, cách thức phục vụ khách hàng để đáp ứng kịp thời và trúng nhu cầu của họ. Chẳng hạn, hãng xe hơi Toyota của Nhật Bản đã rất thành công trong việc cạnh tranh với các hãng ô tô khác trên thị trường ô tô thế giới nhờ đổi mới sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Người ta đã tổng kết là hãng xe Volkswagen qua 17 năm (1974 1991) chỉ đổi mới moden của xe Golf là 3 lần, trong khi đó hãng Toyota đã đổi moden của xe Corola tới 5 lần. Để cạnh tranh, hãng điện tử Sony cứ mỗi tuần đưa một sản phẩm mới. Hãng đồng hồ Seiko trung bình cứ mỗi tháng đưa ra thị trường 60 loại đồng hồ mới. Về đồ uống, mỗi năm ở Nhật Bản xuất hiện 300 sản phẩm mới.

Việc cải tiến để đưa ra các sản phẩm mới trên thị trường xuất phát từ sự xuất hiện các nhu cầu mới của các tầng lớp xã hội. Khi xã hội càng phát triển thì sự tồn tại của các nhu cầu càng ngắn, sự biến đổi của các nhu cầu trong hệ thống nhu cầu của con người diễn ra càng nhanh hơn. Điều quan trọng là làm thế nào để những người lãnh đạo phát hiện ra điều này để đáp ứng kịp thời.

Created by AM Word2CHM

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)