V. NĂNG LỰC CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG
1. Khái niệm năng lực
Khi nói về các thuộc tính tâm lí của cá nhân, người lãnh đạo cần chú ý tới năng lực của người đó.
Năng lực được hiểu là những phẩm chất của con người tạo cho người đó khả năng hoàn thành có kết quả một loại hoạt động nhất định.
Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của khoa học kĩ thuật, trong bối cảnh của nền kinh tế thị trường với quy luật cạnh tranh thì tính tích cực sáng tạo, năng lực của cá nhân cần được phát huy hơn bao giờ hết.
Năng lực cá nhân có thể phân thành các dạng sau: năng lực chung và năng lực riêng.
- Năng lục chung bao gồm những thuộc tính tâm lí như khả năng chú ý, quan sát, ghi nhớ, trí tưởng tượng, sáng tạo.
- Năng lực riêng gồm những thuộc tính có ý nghĩa đối với những loại hoạt động nhất định. Ví dụ: Năng lực toán học gồm khả năng tư duy trừu tượng, năng khiếu phân tích, tổng hợp...
Năng lực chung và năng lực riêng có mối liên hệ qua lại chặt chẽ, bổ sung cho nhau, năng lực riêng được phát triển dễ dàng và nhanh chóng hơn trong điều kiện tồn tại năng lực chung. Theo V.M. Béchtêrép, bất kì sự sáng tạo nào cũng cần có mức độ tài năng nhất định, cần có sự giáo dục thích hợp. Từ luận điểm này, chúng ta có thể rút ra nhận xét: Các năng lực không phải là tư chất bẩm sinh của con người, tự động bảo đảm cho con người đạt kết quả trong hoạt động nào đó. Năng lực là sự kết hợp những tư chất tự nhiên vốn có của con người và những kết quả hoạt động của người đó.