Người lãnh đạo và động cơ làm việc của người lao động

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 69 - 71)

II. ĐỘNG CƠ LÀM VIỆC

3. Người lãnh đạo và động cơ làm việc của người lao động

Việc tìm hiểu để nắm được động cơ làm việc của người lao động và tạo điều kiện hiện thực hoá những động cơ chính đáng của họ là một yêu cầu trong hoạt động quản lí của người lãnh đạo Khi tìm hiểu về động cơ làm việc của người lao động, người lãnh đạo cần chú ý một số điểm sau:

- Động cơ là yếu tố thúc đẩy người lao động làm việc. Động cơ điều chỉnh hành vi của người lao động. Người lao động sẽ làm việc tích cực hay không tích cực, hào hứng hay không hào hứng, có trách nhiệm hay không có trách nhiệm... tuỳ thuộc vào việc người lãnh đạo phát hiện và hiện thực hoá động cơ làm việc của người lao động như thế nào.

- Động cơ làm việc của người lao động trong tổ chức là vô cùng phong phú và phức tạp, vì động cơ xuất phát từ nhu cầu của người lao động. Khi nhu cầu gặp đối tượng và điều kiện thực hiện thì trở thành động cơ, mà nhu cầu của con người thì luôn luôn thay đổi. Khi một nhu cầu được thoả mãn thì lại xuất hiện những nhu cầu khác. Hệ thống nhu cầu ở con người là vô tận. Chính vì vậy, ở mỗi người lao động có những động cơ làm việc khác nhau và ở các thành viên khác nhau thì động cơ cũng khác nhau. Có cá nhân thì động cơ làm việc là để có thu nhập tốt, đảm bảo đời sống gia đình. Có cá nhân thì làm việc để được thăng tiến, để có những vị trí quản lí nhất định trong tổ chức, để có được quyền lực và khẳng định vị thế của mình trong tổ chức. Có những cá nhân làm việc tốt vì lòng tự trọng, vì danh dự của mình.

- Đối với người lao động, trong những thời điểm khác nhau thì động cơ làm việc cũng khác nhau. Khi một cá nhân mới vào cơ quan thì người đó làm việc tốt để gây thiện cảm với người lãnh đạo và mọi người, để học hỏi về chuyên môn nghiệp vụ, về các kĩ năng làm việc. Sau đó anh ta cố gắng làm việc để có thu nhập cao hơn, đảm bảo cuộc sống gia đình tốt hơn và đối với một số người thì để có vị trí trong hệ thống quản lí của tổ chức, để có quyền lực với người khác...

Điều quan trọng đối với người lãnh đạo là phải phát hiện ra được những động cơ bức xúc, quan trọng nhất đối với người lao động để giúp họ thực hiện nếu động cơ đó phù hợp với lợi ích của tổ chức và xã hội.

- Trong bối cảnh của nước ta hiện nay, một điều khác mà người lãnh đạo cần chú ý là biết được yếu tố nào thúc đẩy người lao động, hiệu quả nhất, mạnh mẽ nhất. Tìm hiểu thực tế trong các cơ quan, doanh nghiệp ở nước ta hiện nay cho thấy động lực làm việc của đa số người lao động hiện nay vẫn là thu nhập. Bởi vì, lương của người lao động, nhất là trong khu vực hành chính sự nghiệp còn thấp, chưa đáp ứng được các nhu cầu chi tiêu cơ bản của người lao động hàng tháng. Khi thu nhập của người lao động được nâng cao thì họ gắn bó với cơ quan nhiều hơn, làm việc tích cực và có chất lượng tốt hơn. Trong cơ chế bao cấp, dường như chúng ta chú ý nhiều hơn đến các biện pháp kích thích bằng tinh thần như giấy khen, các danh hiệu... Trong bối cảnh của nền kinh tế còn chưa phát triển, chủ nghĩa tập thể còn chi phối chủ yếu và đất nước còn chiến tranh ác liệt thì các hình thức kích thích như vậy phát huy được hiệu quả cao. Song, trong bối cảnh mới hiện nay của nền kinh tế thị trường, con người sống thực tế hơn thì hiệu quả của các biện pháp kích thích tinh thần trên không còn tác động ở mức độ cao như xưa.

- Khi tìm hiểu động cơ làm việc của người lao động, người lãnh đạo cần phân biệt những động cơ nào là chính đáng và động cơ nào là chưa chính đáng. Động cơ làm việc chính đáng là động cơ kết hợp một cách hài hoà giữa lợi ích của cá nhân và lợi ích của tập thể, ở phạm vi rộng hơn, nó phải hài hoà với lợi ích của xã hội. Động cơ làm việc không chính đáng là động cơ chỉ xuất phát từ lợi ích của cá nhân mà không phù hợp với lợi ích chung của tổ chức. Nó mang tính "vụ lợi" rõ rệt. Những động cơ như vậy sẽ không được đa số thành viên của tập thể ủng hộ. Điều

đáng chú ý là nhiều cá nhân có động cơ vụ lợi thường tìm cách làm vừa lòng người lãnh đạo để thực hiện các động cơ của mình. Đây là một biểu hiện của hiện tượng "ô dù, "cánh hữu” trong một số cá nhân ở nước ta hiện nay. Một minh chứng điển hình cho hiện tượng ô dù và động cơ không chính đáng là vụ tiêu cực ở PMU 18 của Bộ Giao thông vận tải mà chúng ta đã có dịp đề cập ở trên.

Created by AM Word2CHM

III. KHÍ CHẤT

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 3: TÂM LÍ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC Chương 9: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TÂM LÍ CƠ BẢN CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG

1. Khái niệm

Trong Tâm lí học, khí chất (còn được gọi là tính khí) được xem là các đặc tính của sự biểu hiện nhân cách, phụ thuộc vào những đặc điểm bẩm sinh và các đặc điểm cơ thể con người.

Theo I.P. Paplov, khí chất là đặc điểm chung nhất của mỗi con người, là đặc điểm cơ bản của hệ thần kinh, tạo ra các diện mạo nhất định của toàn bộ hoạt động ở mỗi cá thể.

Ở con người, vỏ não liên kết và điều chỉnh hoạt động trong và bên ngoài cơ thể, điều chỉnh các mối liên hệ của cơ thể với môi trường xung quanh. Hoạt động của vỏ não ở những người khác nhau có những đặc điểm riêng, chúng thể hiện ở sự không giống nhau về các mối quan hệ giữa cường độ tính cân bằng, tính linh hoạt của các quá trình thần kinh cơ bản. Thuộc tính đó có thể là bẩm sinh, có thể do rèn luyện.

Ba trăm năm trước Công nguyên, nhà triết học cổ đại Hi Lạp Hipôcrát đã tìm hiểu các quá trình thần kinh của con người thông qua việc quan sát các hành vi phong phú của họ và ông đã phân ra bốn loại tính khí: Tính khí sôi nổi, tính khí ưu tư, tính khí linh hoạt và tính khí điềm tĩnh.

Năm 1863, nhà sinh học và tâm lí học Nga I.M.Xechênôp đã viết công trình "Những phản xạ của não". Trong công trình này, Xechênốp đã đưa ra tư tưởng về tính phản xạ tâm lí và sự điều chỉnh tâm lí của hoạt động. Tư tưởng này của ông được nhà sinh lí học I.P. Paplov phát triển trong xây dựng học thuyết về hoạt động thần kinh cấp cao. Trong học thuyết của mình, Paplov đã đưa ra những giải thích khoa học về bản chất của khí chất. Ông cũng phân ra bốn loại của hệ thần kinh, trên cơ sở các dạng thần kinh này có bốn loại khí chất tương ứng (sôi nổi, linh hoạt, ưu tư và điềm tĩnh). Nhưng theo Paplov, khí chất con người không phải là hỗn hợp của bốn chất lỏng như Hipôcrát đã quan niệm mà là sự hoà nhập của các quá trình thần kinh. Khí chất, theo ông, tạo nên những nét cơ bản của những đặc điểm riêng của cá tính và hành vi con người.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 69 - 71)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)