Các phương pháp và kĩ thuật của đào tạo nghề

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 99 - 104)

VI. CẢM XÚC VÀ TÂM TRẠNG

2. Một số khía cạnh tâm lí trong việc đào tạo nghề cho người lao động trong tổ chức

2.2. Các phương pháp và kĩ thuật của đào tạo nghề

Sự đa dạng về nghề, đa dạng về nhu cầu đào tạo nghề trong tổ chức và sự đòi hỏi của phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đã tạo nên sự phong phú của các hình thức, phương pháp đào tạo nghề trong một tổ chức. Do vậy, trong phần này chúng ta chỉ có thể tìm hiểu một số phương pháp đào tạo nghề cơ bản cho người lao động trong tổ chức. Có hai quan điểm về các phương pháp đào tạo nghề:

- Quan điểm của Paul M. Muchinsky: Theo quan điểm này có các phương pháp: Phương pháp đào tạo toàn bộ nghề, phương pháp đào tạo một phần nghề cho người lao động, phương pháp dạy học với sự hỗ trợ của máy tính, phương pháp mô phỏng lại (Paul M. Muchinsky, 1996). Trong mỗi phương pháp này có một số phương pháp cụ thể.

- Quan điểm của Paul E. Specstor: Tác giả này cũng đưa ra một số phương pháp đào tạo, trong đó có những phương pháp giống như của Muchinsky. Đó là các phương pháp: phương pháp dạy bằng nghe nhìn (sử dụng cả máy ghi âm lẫn máy ghi hình, phim...), phương pháp tự học, phương pháp trao đổi, phương pháp lên lớp, phương pháp mô hình, phương pháp đào tạo toàn bộ nghề, phương pháp đóng vai, phương pháp mô phỏng (Paul E. Specstor, 2000).

2.2.1. Các phương pháp đào tạo toàn bộ nghề

Nhóm các phương pháp này gồm các phương pháp cụ thể sau: a. Phương pháp đào tạo nội bộ

Đây là phương pháp đào tạo truyền thống và phổ biến nhất trong đào tạo nghề cho người lao động. Phương pháp này thường- áp dụng cho những người lao động mới vào làm việc tại tổ chức và căn cứ vào vị trí làm việc hiện tại của họ. Phương pháp này không đòi hỏi phải có các trang thiết bị hay địa điểm dạy đặc biệt. Phương pháp này thường sử dụng những người lao động lành nghề để hướng dẫn cho những người lao động mới, còn những người mới vào thì học nghề bằng phương pháp bắt chước những người lao động đã có kinh nghiệm. Ở đây, việc bắt chước hành vi và các kĩ năng làm việc là rất quan trọng. Do vậy một nguyên tắc truyền thống của phương pháp đào tạo này là chuyển giao nghề ở mức độ cao nhất. Những người lao động lành nghề chuyển giao toàn bộ nghề của mình cho những người mới vào.

Phương pháp đào tạo này cũng có một số hạn chế. Đó là sự nghèo nàn về sự truyền đạt. Người truyền nghề thường nói: "Hãy nhìn vào tôi, xem tôi sẽ làm như thế nào". Một số người không có kĩ năng truyền đạt tốt hoặc do tính cách nóng nẩy, thiếu kiên tô nên người học nghề gặp nhiều khó khăn.

Ở nước ta hiện nay, việc sử dụng phương pháp đào tạo nghề như thế này là cần thiết và có ý nghĩa thực tiễn. Bởi vì:

Hiện nay chúng ta có nhiều khu công nghiệp với một số lượng lao động rất lớn. Hầu hết những người lao động làm việc ở các khu công nghiệp này có trình độ tốt nghiệp phổ thông và chỉ được đào tạo nghề qua một lớp ngắn hạn. Việc đào tạo các kĩ năng làm việc một cách thuần thục đòi hỏi phải có thời gian nhất định. Do vậy, sử dụng một số người lao động được đào tạo cơ bản, có tay nghề cao đào tạo lại cho những người lao động mới là rất cần thiết. Mặt khác, việc đào tạo nghề theo hình thức này vừa đảm bảo nâng cao tay nghề cho người lao động, vừa tiến hành hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bình thường và với quy mô lớn.

Đối với các tổ chức khác, chẳng hạn các cơ quan hành chính sự nghiệp, các viện nghiên cứu... mặc dù người lao động được tuyển dụng vào đã được đào tạo nghề, chủ yếu có trình độ đại học, song các kĩ năng và phương pháp làm việc về chuyên môn của họ lại thiếu. Do vậy, việc hình thành các kĩ năng và phương pháp làm việc thực tế cho họ là rất cần thiết. Sự dìu dắt của các thế hệ đi trước đã có nhiều kinh nghiệm với những người mới vào nghề là không thể thiếu được.

b. Phương pháp đào tạo có sự hỗ trợ của thiết bị

Phương pháp này thường được áp dụng ở các cơ sở sản xuất. Khác với phương pháp đào tạo nội bộ, phương pháp đào tạo này là đào tạo người lao động thông qua việc sử dụng thực tế các thiết bị máy móc. Người học có thể thực hành trên các máy móc trong thời gian làm việc ở cơ sở sản xuất. Người lao động được học các kĩ năng và sử dụng các kĩ năng để vận hành các thiết bị máy móc. Ưu điểm của phương pháp này là tăng thêm thời gian thực hành cho người lao động. Nhược điểm của nó là hạn chế về số lượng người học.

Theo Lefkowitz (1970) thì trong tổ chức có thể kết hợp phương pháp đào tạo nội bộ và phương pháp đào tạo có sự hỗ trợ của thiết bị một cách đồng thời trong đào tạo nghề cho người lao động mới. Những người lao động được chia ra thành bốn nhóm. Các nhóm thay nhau học theo hai phương pháp. Chẳng hạn, nhóm một, hai, ba trong ba ngày đầu học theo phương pháp có sự hỗ trợ của thiết bị, nhóm bốn ngày đầu tiên học theo phương pháp có sự hỗ trợ của thiết bị, ngày thứ hai học theo phương pháp đào tạo nội bộ, ngày thứ ba trở lại học theo phương pháp có sự hỗ trợ của thiết bị trước khi bắt đầu làm việc.

c. Phương pháp đào tạo luân phiên nghề

Đào tạo luân phiên nghề là phương pháp đào tạo người lao động một số nghề khác nhau. Đào tạo luân phiên nghề được sử dụng với cả những người công nhân và những người quản lí. Phương pháp này đòi hỏi những người lao động trong công ti phải có một số nghề khác nhau và tổ chức tạo điều kiện để họ được đào tạo những nghề đó. Người lao động được cung cấp các kĩ năng,

kinh nghiệm làm việc khác nhau, nhưng họ cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là phải có khả năng thích ứng với nghề mới và thích ứng với sự thay đổi nghề, thay đổi thói quen làm việc.

Hạn chế của phương pháp này thể hiện ở thu nhập của người lao động. Người lao động thành thạo một nghề thì thường được trả lương cao hơn khi họ chỉ biết một số nghề và không thật giỏi một nghề nào.

d. Phương pháp đào tạo theo kiểu học việc

Đây là một trong những phương pháp cổ điển nhất trong các hình thức đào tạo nghề. Thực tế đây là cách thức đào tạo các kỹ năng về nghề. Phương pháp này rất phổ biến trong các nghề thủ công mĩ nghệ. Những người học việc thường phải làm việc trong một thời gian dài. Họ phải giúp việc (trong thời gian phụ việc họ được học nghề thủ công) cho những người lao động đã có đầy đủ các kĩ năng nghề (thợ lành nghê) và họ thường gọi là những người làm thuê.

Hình thức đào tạo nghề này rất phổ biến ở các làng nghề. Những người lao động đến đây với mục đích học được một nghề để sau đó sẽ tự mình hành nghề hay đi làm việc cho một cơ sở sản xuất thủ công mĩ nghệ nào đó. Theo thống kê ở nước ta hiện có 300 làng nghề ở khu vực nông thôn, trong đó có hơn 100 làng nghề truyền thống. Đó là các làng nghề cơ khí rèn đúc, thêu ren, gốm sứ, thuỷ tinh, da, nhựa, giấy, thủ công ưu nghệ, chế biến hoa quả tươi Có những làng nghề nổi tiếng như: làng nghề gỗ Đồng Ký, gốm Bát Tràng, may Cổ Nhuế...

2.2.2. Các phương pháp đào tạo một phần nghề

Nhóm này gồm các phương pháp đào tạo nghề sau: a. Phương pháp lên lớp

Lên lớp là phương pháp phổ biến trong giáo dục nói chung cũng như trong các tổ chức, doanh nghiệp. Phương pháp này giúp cho nhiều người cùng được học nghề trong một thời điểm. Với phương pháp này, người dạy chỉ truyền đạt được những kiến thức chung đến cho tất cả những người tham gia học. Trong khi đó, một số phương pháp khác việc truyền đạt kiến thức, kinh nghiệm có thể mang tính cá nhân, nên người học tiếp thu có hiệu quả hơn. Ưu điểm của phương pháp này là có thể đào tạo cho nhiều người trong tổ chức khi họ có nhu cầu.

Hạn chế của phương pháp lên lớp là sự truyền đạt thông tin thường mang tính một chiều, ít khi có đối thoại giữa người dạy và người học. Người học thường tiếp thu một cách thụ động.

b. Phương pháp tự học

Đây là phương pháp mà người học có thể tự nghiên cứu các tài liệu, sử dụng các phương tiện trợ giúp như: phim, máy chiếu, vi deo mà không cần tới sự hướng dẫn của giáo viên.

Trong phương pháp này, điều kiện quan trọng đối với người học là động cơ học và sự say mê hứng thú học. Ở đây, những người học có thể hình thành các nhóm nhỏ để cùng học.

Hạn chế của phương pháp này là khi người học gặp những vướng mắc, khó khăn thì không có người giúp đỡ, trao đổi ngay trong thời điểm đó hoặc khi chương trình đào tạo thay đổi thì học viên phải thay đổi tài liệu.

Các băng video trên thực tế rất hữu ích đối với người học. Qua nghiên cứu các băng video người học có thể biết được thao tác và kĩ năng làm việc cần thiết. Qua nghiên cứu các băng này, người học có thể biết được học cần phải làm gì.

Phương pháp đào tạo nghề theo kiểu tự học còn ít được sử dụng ở nước ta hiện nay. Có nhiều nguyên nhân của thực trạng này: Thứ nhất, ở nước chưa hình thành thói quen, phong trào tự học nghề. Trong những năm gần đây, trên truyền hình có một số chương trình hướng dẫn người nông dân làm giàu, trồng trọt, chăn nuôi, nuôi thuỷ sản... Các chương trình này có tác dụng nhất định trong việc đào tạo nghề nông cho người nông dân. Còn trong lĩnh vực công nghiệp thì việc tự học nghề chưa được thực hiện. Thứ hai, các tài liệu và phương tiện phục vụ cho tự học nghề ở nước ta còn rất hạn chế.

c. Phương pháp trao đổi

Đào tạo nghề theo phương pháp trao đổi là phương pháp giao tiếp hai chiều giữa người dạy và người học. Phương pháp này rất có hiệu quả nếu số lượng người học không lớn. Hiệu quả của hình thức đào tạo này sẽ cao nếu các tài liệu được chọn lọc, đơn giản và được chuẩn bị công phu. Điều này sẽ làm cho người học dễ tiếp thu. Nhiều khi người ta kết hợp phương pháp lên lớp với phương pháp trao đổi. Sự thành công của phương pháp này còn phụ thuộc vào kĩ năng và nghệ thuật trao đổi, dẫn dắt các cuộc trao đổi của người hướng dẫn.

Khi trao đổi, người hướng dẫn cần chú ý tới những ý kiến phản hồi từ phía người học, thái độ và sự hào hứng trong khi trao đổi của người học cũng như các ý tưởng. Người hướng dẫn cần chú ý tới trình độ nhận thức, các đặc điểm về tính cách của người học. Chẳng hạn, đối với những người lao động xuất thân từ các vùng sâu, vùng xa của chúng ta thì sự nhận thức của họ còn nhiều hạn chế so với những người sinh ra ở các đô thị. Do vậy khi trao đổi, cách đặt vấn đề cần đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với các ngôn ngữ của họ. Đối với những người là dân tộc thiểu số ở nước ta, cần chú ý các đặc điểm tâm lí dân tộc của họ là hay nhút nhát, nhiều khi thiếu tự tin, dễ mặc cảm, tự ái... Do vậy, khi trao đổi phải làm thế nào cho họ mạnh dạn hơn, tự tin hơn vào khả năng của bản thân.

2.2.3. Phương pháp đào tạo với sự trợ giúp của máy tính

Phương pháp đào tạo với sự trợ giúp của máy tính là phương pháp phát triển nhất hiện nay trong đào tạo nghề cho người lao động. Ở đây, người học học nghề với sự trợ giúp của máy tính, tức là họ học các chương trình đào tạo nghề đã được thiết kế cho máy tính. Phương pháp này có thể dạy được nhiều kĩ năng về nghề cho người học. Phương pháp này rất phổ biến ở các nước phát triển.

Lợi thế của phương pháp này là người học có thể học tại ngay chính địa điểm của mình, bắt đầu và kết thúc bài học khi mình cảm thấy thích hợp, bắt đầu chương trình học với trình độ hiện tại của mình.

2.2.4. Phương pháp đào tạo nghề theo hình thức mô phỏng

Mục đích của phương pháp mô phỏng là tạo nên những "bản sao tâm lí. Điều đó có nghĩa là trong quá trình đào tạo nghề chúng ta sao chép những kiến thức, kĩ năng và năng lực cần thiết để giúp cho người học thực hiện được một nghề nào đó. Goldstein (1991) đã nhấn mạnh: Một trong những khía cạnh quan trọng của phương pháp này là tạo ra môi trường để người học mô phỏng (sao chép) dưới sự kiểm soát của người hướng dẫn. Môi trường mô phỏng là sự sáng tạo được thực hiện bởi những thiết kế và kế hoạch cẩn thận, công phu nhằm cung cấp cho người học những yếu tố tâm lí thiết yếu trong tình huống thực tế.

Nhiều hình thức đào tạo theo cách thức mô phỏng đã sử dụng các trò chơi. Các trò chơi về kinh doanh đào tạo cho người học những kĩ năng thiết yếu. Theo các quy tắc chơi, những người học cố gắng làm các bài tập theo nội dung học. Những trò chơi kinh doanh có thể dùng đào tạo cho cá nhân cũng như nhóm. Những trò chơi này phát triển các quan hệ liên nhân cách, kĩ năng sử dụng tài chính, ngân sách, các quyết định về nguồn nhân lực. Các trò chơi kinh doanh rất phổ biến trong đào tạo các những người quản lí, những trợ lí, những người làm việc trong lĩnh vực tài chính.

Vấn đề đặt ra đối với phương pháp đào tạo qua các trò chơi là người học chỉ được thực hành trong các trò chơi đã thiết kế theo các tình huống mô phỏng từ thực tế, chứ không phải là thực tế của nghề nghiệp. Người học nhiều khi hành động khác với lúc họ làm việc trong cuộc sống thực.

Ở nước ta hiện nay trong đào tạo, nhất là đào tạo những người quản lí, chúng ta đã chú ý đến việc sử dụng các tình huống được mô phỏng từ thực tiễn nhằm hình thành ở người học các kĩ năng giải quyết tình huống, kĩ năng ra quyết định...

CÂU HỎI THẢO LUẬN

1. Người lãnh đạo cần hiểu và vận dụng nhu cầu của người lao động như thế nào trong hoạt động quản lí? Phân tích những biên đổi về nhu cầu của người lao động ở nước ta hiện nay.

2. Người lãnh đạo cần hiểu và vận dụng động cơ làm việc của ngưu lao động như thế nào trong hoạt động quản lí? Phân tích những hạn chê của người lãnh đạo đối với việc kích thích động cơ làm việc của người lao động trong cơ chế tập trung bao cấp.

3. Người lãnh đạo cần hiểu và vận dụng khí chất, tính cách của người lao động như thế nào trong hoạt động quản lí?

4. Người lãnh đạo cần hiểu và vận dụng năng lực cá nhân của người lao động như thế nào trong hoạt động quản lí? Làm thế nào đê người lãnh đạo sử dụng một cách có hiệu quả nhất năng lực cá nhân của người lao động?

5. Tâm trạng và cảm xúc của người lao động có vai trò như thế nào đối với hoạt động quản lí của người lãnh đạo, đối với việc nâng cao năng suất lao động trong tổ chức? Người lãnh đạo cần làm gì để tạo ra những tâm trạng tích cực ở người lao động?

6. Phân tích sự cần thiết của việc đào tạo nghề cho người lao động ở nước ta hiện nay. Trình bày một sô khía cạnh tâm lí cơ bản của việc đào tạo nghề cho người lao động. Nêu những hình thức đào tạo nghề hiệu quả nhất đối với người lao động ở nước ta hiện nay?

Created by AM Word2CHM

Chương 10: NHỮNG ĐẶC ĐIỂM TÂM LÍ CƠ BẢN CỦA TỔ CHỨC

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 3: TÂM LÍ NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ TỔ CHỨC

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 99 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)