Sự mặc cảm tự ti của người phụ nữ và gánh nặng của công việc gia đình

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 53 - 57)

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO NỮ KHẮC PHỤC NHỮNG TRỞ NGẠI TÂM LÍ

2. Sự mặc cảm tự ti của người phụ nữ và gánh nặng của công việc gia đình

Khi phân tích về thực trạng phụ nữ tham gia vào hoạt động quản lí xã hội với tỉ lệ thấp, ta thấy không chỉ có những nguyên nhân khách quan, trong đó có định kiến về giới, mà có những

nguyên nhân thuộc về phía chủ quan của phụ nữ. Một trong những nguyên nhân chủ quan cần được quan tâm nhất là mặc cảm tự ti của phụ nữ.

Mặc cảm tự ti này thể hiện ở chỗ người phụ nữ tự đánh giá thấp khả năng của mình, thiếu tự tin vào chính bản thân mình. Điều này đã làm gia tăng những định kiến (vốn đã tồn tại khá sâu sắc trong đời sống xã hội) về vai trò của người phụ nữ và tất yếu đã hạn chế mức độ tham gia của phụ nữ vào hoạt động quản lí xã hội.

Nghiên cứu của Heilman, Simon, Repper (1987) đã đi đến những nhận định: Phụ nữ chưa thực sự đánh giá đúng khả năng của mình. Những người lãnh đạo nữ thường có quan niệm rằng khi mình được thăng tiến trong các cương vị quản lí là do sự ưu ái về giới tính hơn là do năng lực và cống hiến của họ cho tổ chức. Những người phụ nữ thường có đánh giá tiêu cực về các kĩ năng lãnh đạo của họ, ít có mềm tin về sự thành công của bản thân, ít quan tâm đến việc trở thành người lãnh đạo hoặc thăng tiến.

Sự nhận thức này giảm đi niềm tin ban đầu của người phụ nữ trên con đường trở thành những người lãnh đạo. Nghiên cứu của Heilman, Lucas, Kaplow (1990) còn cho thấy tồn tại một dư luận xã hội cho rằng một số phụ nữ thành công trên con đường công danh là do được ưu ái về hình thức (sự ưu ái do hình thức và nhan sắc của người phụ nữ) và không ít phụ nữ cũng tự đánh giá về mình như vậy. Những suy nghĩ này đã làm giảm đi niềm tin của xã hội đối với những người lãnh đạo nữ, làm cho xã hội đánh giá sai lệch khi lựa chọn phụ nữ vào các vị trí quản lí và về sự thành đạt của họ trong hoạt động quản lí.

Nghiên cứu của Ordway Tead cũng đi đến nhận định: Trong quan niệm truyền thống, chính phụ nữ vẫn thường nghĩ về nam giới như những người lãnh đạo và họ nghi ngờ khả năng quản lí của những người lãnh đạo cùng giới tính. Họ hay so sánh, bắt bẻ, thiếu thông cảm trong việc xem xét những thiếu sót, sai lầm của những người lãnh đạo nữ.

Ở nước ta, một số nghiên cứu cũng chỉ ra mặc cảm, tự ti của phụ nữ về khả năng quản lí của mình.

Nghiên cứu của Nguyễn Thị Hoà (2002) cho rằng: "Bản thân một số nữ quản lí cũng có những suy nghĩ: nữ không nên làm quản lí, không nên ôm đồm nhiều việc vừa mệt mà đôi khi thất bại còn không ăn, không ngủ vì tiếc tiền và công sức. Phụ nữ muốn trẻ trung, đẹp lâu thì không nên làm quản lí, nhất là quản lí doanh nghiệp".

Trong nghiên cứu của Trần Thị Vân Anh (1999) ở 589 các cán bộ nữ của Viện Khoa học xã hội Việt Nam - những người có học vấn khá cao, nhiều người có học hàm học vị cho thấy: Rất ít phụ nữ đánh giá mình cao hơn nam giới về các lĩnh vực hoạt động nghiên cứu khoa học, việc tham gia giảng dạy, đào tạo và thu nhập... Một tỉ lệ khá lớn cán bộ nữ được hỏi cho rằng họ thua kém nam giới. Kết quả cụ thể như sau: Về công trình nghiên cứu chỉ có 9% cán bộ nữ cho là họ hơn nam giới, 55% cho là như nhau, 36% cho là kém hơn. Về tham gia giảng dạy, chỉ có 7% cán bộ nữ cho là họ hơn nam giới, 33% cho là như nhau và 60% cho là kém hơn. Về thu nhập, có 1% cho là hơn nam giới, 53% cho là ngang nhau và 46% cho là ngang nhau.

Vậy thực chất phụ nữ có kém hơn nam giới về khả năng, trong đó có khả năng quản lí? Nghiên cứu của Heilman, Bloch, Martell, Simon (1989) cho thấy thực tế không có sự khác biệt lớn về các đặc điểm tâm lí giữa nam và nữ đối với hoạt động quản lí. Khi phỏng vấn về đặc điểm của những người lãnh đạo nữ thành công cho thấy các đặc điểm này rất giống đặc điểm của những người lãnh đạo nam. Nghiên cứu của các tác giả này còn cho thấy giữa nam và nữ không có sự khác biệt về phong cách lãnh đạo Một số nhà nghiên cứu còn cho rằng ở một số khía cạnh phụ nữ còn nổi trội hơn nam giới như: khả năng biểu đạt ngôn ngữ, tư duy hình tượng. Ở Mĩ từ năm 1985 - 2002 đã tiến hành 45 cuộc khảo sát về sự khác biệt phong cách quản lí giữa nam và nữ. Kết quả của những cuộc khảo sát này đã đi đến nhận định: Những người lãnh đạo nữ vượt trội hơn những người lãnh đạo nam ở khả năng nêu gương, hướng dẫn cấp dưới và thúc đẩy sự sáng tạo. Tại trường Đại học Northwestern (Mĩ) đã tổ chức cuộc thảo luận về vấn đề: Giữa nam và nữ, ai có khả năng lãnh đạo giỏi hơn. Các nhà nghiên cứu đã đi đến nhận định: Phụ nữ mới là những người quản lí có hiệu quả nhất.

Sự khác biệt về năng lực quản lí, phong cách lãnh đạo, các đặc điểm tâm lí khác giữa những người lãnh đạo nam và những người lãnh đạo nữ là vấn đề còn cần được tiếp tục nghiên cứu. Song, sẽ là thiếu cơ sở nếu chúng ta kết luận rằng phụ nữ kém hơn nam giới về năng lực và hiệu quả lãnh đạo. Trong lịch sử đã có nhiều phụ nữ rất thành công ở các cương vị quản lí cao của xã hội để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử của quốc gia, cũng như của nhân loại.

Bên cạnh việc tự phụ nữ đánh giá thấp khả năng của mình so với nam giới, có biểu hiện mặc cảm tự ti thì những người lãnh đạo nữ lại gặp những khó khăn khác như sự bận rộn về công việc gia đình, việc thực hiện thiên chức của một người mẹ, người vợ. Đây là những trở ngại lớn đối với hoạt động quản lí của người phụ nữ.

Trong cuộc sống gia đình, đa số những người phụ nữ đều phụ thuộc kinh tế vào người chồng. Nói cách khác trong gia đình việc kiếm tiền để đảm bảo cuộc sống gia đình chủ yếu do người chồng đảm nhiệm. Đây là yếu tố quan trọng để xác định vấn đề "Ai là người chủ của gia đình?". Chính điều này đã hạn chế nhiều việc phụ nữ tham gia hoạt động quản lí xã hội.

Trong những thập kỉ gần đây, vị trí kinh tế của người phụ nữ trong gia đình đã thay đổi. Khả năng độc lập về kinh tế của người phụ nữ so với người chồng trong gia đình có sự thay đổi đáng kể. Theo một thống kê của Tạp chí Canadian Culture thì ở Canada từ năm 1967 đến năm 1992 số phụ nữ kiếm được tiền hơn chồng đã tăng lên đáng kể. Nếu năm 1967 tỉ lệ này là 4%, năm 1972 là 5,5%, năm 1977 là 7%7 năm 1982 là 10%, năm 1987 là 12% và năm 1992 là 15%. Như vậy, số phụ nữ kiếm được tiền hơn chồng tăng lên hàng năm và năm 1992 đã tăng gần 4 lần so với năm 1967. Trong đời sống xã hội, vị thế của người phụ nữ ngày càng được mở rộng và nâng cao. Số phụ nữ giữ các vị trí quản lí cao ngày càng tăng.

Mặc dù vị thế xã hội của người phụ nữ ngày nay đã có thay đổi theo chiều hướng tích cực, nhưng họ vẫn phải đảm đương những cồng việc cỏ tỉnh chất thiên chức của mình như sinh đẻ và chăm sóc con cái, gia đình. Ngày nay, với sự tiến bộ của khoa học phương pháp kiểm soát sinh đẻ, quan hệ tình dục trong gia đình đã có nhiều ưu việt, số lượng con sinh ra đã giảm nhiều (như ở nước ta, mỗi phụ nữ chỉ sinh từ 1 - 2 con). Đây là điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tham gia quản lí

xã hội. Tuy vậy, tất cả những điều kiện trên chưa làm thay đổi nhiều những khó khăn từ phía gia đình đối với người phụ nữ làm lãnh đạo. Đó là những đòi hỏi từ phía nam giới như: Đảm bảo cuộc sống hàng ngày cho gia đình, chăm lo gia đình, nuôi dưỡng và giáo dục con cái vấn đề tình dục...

Những người phụ nữ giữ các vị trí quản lí hôm nay đứng trước nhiều thách thức:

Thứ nhất, đó là cuộc cạnh tranh với nam giới để giành được vị trí lãnh đạo và giữ được vị trí lãnh đạo trong tổ chức. Trong cuộc cạnh tranh này, như phân tích ở trên, nam giới có nhiều lợi thế hơn. Nhiều người phụ nữ cho rằng công việc quản lí làm cho họ phải từ bỏ giới tính của mình và để thành đạt họ phải giống như nam giới. Tức là, họ phải mạnh mẽ hơn, quyết đoán hơn, lạnh lùng hơn (điều này khác với quan niệm truyền thống về phụ nữ là họ phải dịu dàng, tình cảm, kín đáo...). Để thực hiện được những yêu cầu này, đây là cuộc đấu tranh nội tâm không hề dễ dàng đối với người phụ nữ.

Thứ hai, người phụ nữ phải cố gắng thực hiện đồng thời các chức năng khác nhau như vừa làm người lãnh đạo, vừa người yêu, người vợ, người mẹ. Để đạt được sự thành công trong hai chức năng này, người phụ nữ có thể phải cố gắng quá sức và thiếu hụt kinh nghiệm.

Trong không ít gia đình, người chồng không muốn người vợ của mình thành đạt xã hội, có những vị trí quản lí cao. Điều này xuất phát từ các lí do sau:

Người đàn ông lo sợ thua kém vợ mình, đặc biệt là những phụ nữ ở các vị trí quản lí cao. Quan niệm truyền thống của xã hội đã hình thành ở người đàn ông một tư tưởng: Trong gia đình người đàn ông không được thua kém vợ mình. Trong gia đình, người chồng thua kém vợ về địa vị xã hội thì dễ bị mặc cảm. Nếu trong gia đình người vợ thua kém chồng về địa vị xã hội thì cả vợ và chồng, cũng như xã hội đều xem đó là chuyện bình thường và dễ dàng chấp nhận. Nhưng nếu người vợ hơn người chồng thì không chỉ có người chồng mặc cảm, mà dư luận xã hội nhiều khi xem đó là chuyện không bình thường. Không ít gia đình, khi người vợ thành đạt trên con đường công danh thì hạnh phúc gia đình rạn nứt, vắng tiếng cười hoà thuận và có những gia đình hôn nhân tan vỡ.

Khi người phụ nữ có vị trí quản lí xã hội càng cao thì họ càng phải bận rộn với công việc của cơ quan như họp hành, tiếp khách, xử lí công việc, đi công tác trong và ngoài nước... Tất cả điều này đã làm người phụ nữ dành được ít thời gian hơn cho việc chăm sóc chồng con, gia đình. Như vậy, vô hình khoảng cách về tình cảm của họ với chồng và con ngày một xa hơn.

Để duy trì được hạnh phúc gia đình, người phụ nữ không chỉ hoàn thành công việc quản lí, mà phải chăm lo tốt cho công việc gia đình. Sau đây là tâm sự của một số phụ nữ làm lãnh đạo ngành dệt may ở Thành phố Hồ Chí Minh: "Mỗi khi về gia đình chúng tôi không chỉ lo lắng cho con cái, mà còn phải suy nghĩ rất nhiều để làm sao đảm bảo được một nửa của mình. Chúng tôi rất thiếu thời gian dành cho gia đình, vì vậy mỗi khi có thể có được đều cố gắng nấu những món ăn ngon cho chồng con, cùng đi nghỉ cả gia đình, thăm bạn bè. Mỗi người có quan niệm riêng về hạnh phúc, nhưng chúng tôi cho rằng hạnh phúc là những gì mình đang có. Đó là gia đình của mình, công việc hiện tại của mình. Quan điểm của chúng tôi là "Tiên tề gia, hậu trị công ti...", "Phụ nữ làm quản lí khác với đàn ông, nếu họ không được ủng hộ từ phía gia đình sẽ không thể

nào làm tốt được", "Phụ nữ ai cũng vướng bận gia đình, người có chồng có con thì lo chồng, lo con, người không có thì lo cho cha mẹ anh chị em. Do đó phụ nữ không dễ dàng gì khi làm quản lí"... (Nguyễn Thị Hoà, 2002).

Khi người phụ nữ làm lãnh đạo, họ vừa phải thực hiện các chức năng quản lí của tổ chức (và trong việc thực hiện vai trò của một người lãnh đạo họ phải cạnh cạnh tranh với nam giới - một cuộc cạnh tranh không hề dễ dàng), vừa phải thực hiện thiên chức của người phụ nữ trong cuộc sống gia đình. Những đòi hỏi này đã làm cho người phụ nữ dễ gặp các trạng thái stress. Lãnh đạo là một công việc vất vả. Song không ít phụ nữ lại quá tự tin và cường điệu về sức lực làm việc của mình, họ phải chứng minh cho mọi người thấy họ có thể tổ chức tốt công việc. Điều này làm cho người phụ nữ phải luôn cố gắng để thực hiện trách nhiệm của một người lãnh đạo, trách nhiệm của một người vợ, người mẹ trong gia đình. Tất yếu những cố gắng này sẽ dẫn họ đến mệt mỏi. Sự mệt mỏi làm mất đi nhiệt tình, hứng thú với công việc, làm giảm hiệu quả của hoạt động quản lí. Sự mệt mỏi có thể dẫn tới những ứng xử nóng nẩy, thiếu kiên nhẫn đối với những người dưới quyền trong quá trình giao tiếp.

Created by AM Word2CHM

III. MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỂ NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO NỮ KHẮC PHỤC NHỮNG TRỞ NGẠI TÂM LÍ NHỮNG TRỞ NGẠI TÂM LÍ

GIÁO TRÌNH TÂM LÝ HỌC QUẢN LÝ Phần 2: TÂM LÍ NGƯỜI LÃNH ĐẠO Chương 8: MỘT SỐ TRỞ NGẠi TÂM LÍ ĐỐI VỚI NHỮNG NGƯỜI LÃNH ĐẠO LÀ PHỤ NỮ

Những trở ngại tâm lí xuất hiện và những người lãnh đạo nữ phải đối mặt là một thực tế. Làm thế nào để khắc phục được những trở ngại này. Đó là câu hỏi không dễ tìm lời giải đáp, vì khó khăn đối với mỗi người lãnh đạo nữ từ phía tổ chức và gia đình là khác nhau. Chúng ta không thể đưa ra những cách thức giải quyết cụ thể, mà chỉ đưa ra một số biện pháp chung để giải quyết vấn đề này.

Một phần của tài liệu Giáo trình Tâm Lý Học Quản Lý. Phần 2 Tâm lý người lãnh đạo (Trang 53 - 57)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(142 trang)