Xuất phát từ quan điểm coi “Đô thị là một hệ Địa – kinh tế - sinh thái, trong đó các thành phần tự nhiên và các thành phần kinh tế xã hội có mối quan hệ sâu sắc và cân bằng mà nếu phá vỡ nó sẽ có hại cho cả hai, thiên nhiên thì bị phá hủy, ô nhiễm nghiêm trọng còn cuộc sống và sức khỏe của con người bị đe dọa, làm giảm hiệu quả của các hoạt động sản xuất - dịch vụ - quản lý”.
Bên cạnh việc phân tích toàn diện các yếu tố tự nhiên như địa hình, khí hậu, thủy văn, thổ nhưỡng, sinh vật, phân tích định cư và hoạt động của con người, thì nghiên cứu xem xét các yếu tố chủ chốt là hướng đi hợp lý. Mạng lưới sông suối là yếu tố đầu tiên được xem xét để nhận dạng đô thị nước. Qua thực tế phân tích cho thấy có mối quan hệ mật thiết giữa mạng lưới sông suối và khí hậu, bởi “sông ngòi là hàm số của khí hậu”. Chế độ khí hậu, sự phân hóa không gian của khí hậu ảnh hưởng lớn đến chế độ thủy văn và phân bố không gian của hệ thống sông suối. Địa hình là cấu thành quan trọng, cấu trúc hình thái địa hình có ảnh hưởng đến khí hậu và thủy văn, bởi địa hình ảnh hưởng lớn đến chế độ nhiệt ẩm, gió, quyết định đến hình thái dòng chảy. Yếu tố nước, bao gồm sông suối, hồ, biển, nước ngầm vừa là hệ quả, vừa là nguyên nhân bởi nước là ngoại lực hình thành nên hình thái địa hình, xâm thực – bóc mòn nền địa chất - địa hình và lớp phủ thổ nhưỡng, đồng thời cũng có tác dụng vận chuyển và tích tụ phù sa; nước có tác dụng cải tạo vi khí hậu, là nguồn nước cho sinh vật, cho sinh hoạt, sản xuất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật.
Thông qua sử dụng phương pháp phân tích và tổng hợp dữ liệu, bản đồ (98 đô thị) nhằm xác định đô thị nào là đô thị nước, đặc điểm chính là gì và từ đó giới thiệu phân bố không gian trong phạm vi cả nước.
Với cách tiếp cận trên, việc phân loại đô thị nước theo từng yếu tố riêng lẻ cũng như tổng hợp các yếu tố có thể xác định “đô thị nước” của Việt Nam một cách khái quát nhất: bao gồm các đô thị nằm trong vùng có mật độ sông suối cao, hình thành bởi các điều kiện khí hậu đa phần mang tính nhiệt đới - cận xích đạo ẩm, trong các kiểu địa hình thuận lợi cho quá trình tụ nước tại các vùng đồng bằng – duyên hải – thung lũng – ven biển với các quá trình hình thành địa hình chủ yếu bởi sông nước, có tuyến giao thông đường sông và đường biển thuận lợi.
Như vậy, để nghiên cứu đô thị nói chung và đô thị nước nói riêng ứng phó với BĐKH thì cần đánh giá kỹ hiện trạng tự nhiên (đặc biệt là nước, địa hình, khí hậu), chú ý các tác động của thời tiết cực đoan, tính thất thường của khí hậu, dự báo hàng ngày những tác động của thời tiết để có giải pháp kịp thời. Việc đánh giá BĐKH cần có dữ liệu đầy đủ và cập nhật trong khoảng thời gian dài (quan trắc liên tục hàng năm, thống kê trên 50 năm) để có cơ sở dự báo tác động của BĐKH đối với con người.
Khi nghiên cứu sâu từng đô thị, để nhận dạng đặc trưng đô thị nước, thì việc nghiên cứu quan hệ giữa cấu trúc tự nhiên và cấu trúc đô thị là rất quan trọng nhằm đánh giá lợi thế và hạn chế của thiên nhiên, xác định các yếu tố tác động đến cân bằng giữa tự nhiên với đô thị, trong đó đặc biệt chú trọng đến thủy văn, hải văn vì đây là yếu tố quan trọng đối với xây dựng đô thị Việt Nam – một đất nước đặc trưng sông nước.
Với các đô thị nước, các biện pháp giảm nhẹ và thích ứng với nước cần phải tiến hành song song. Cần áp dụng phương pháp tiếp cận mang tính ngăn ngừa, làm chậm và giải quyết tận gốc của vấn đề để những ảnh hưởng tiêu cực từ nước do BĐKH không diễn ra với tốc độ nhanh hơn và với mức độ trầm trọng hơn..