Tư tưởng bất bạo động là một tư tưởng nhằm biến đổi xã hội mà không dùng đến bạo lực, đấu tranh bất bạo động là chấp nhận một cách thụ động sự đàn áp của phía đối lập kể cả bằng vũ trang. Trong khoảng 40 năm hoạt động chính trị, M.Gandhi và những người đồng chí của ông trong Đảng Quốc Đại đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ đấu tranh đòi quyền tự trị từ tay thực dân Anh theo một đường lối
đấu tranh bất bạo động, cuộc đấu tranh bất bạo động kéo dài hàng thập kỷ để chống lại sự đô hộ của Anh ở Ấn Độ và cuối cùng giúp Ấn Độ giành độc lập vào năm 1947. Sau khi Ấn Độ giành được độc lập, M.Gandhi tiếp tục thực hiện triết lý sống của mình, đấu tranh bất bạo động vì hòa bình, khi nỗ lực đoàn kết cộng đồng người theo đạo Hindu và cộng đồng người Hồi giáo của đất nước trong khi tìm mọi cách tránh để xảy ra nội chiến dưới mọi hình thức.
M.Gandhi chủ trương bất bạo động cho rằng sự đồng thuận và hợp tác là nguồn gốc của quyền lực chính trị: tất cả chế độ chính trị đều phụ thuộc vào sự ủng hộ của người dân[191; tr12]. Trên phương diện quốc gia, chiến lược bất bạo động làm suy giảm quyền lực của nhà cầm quyền bằng cách làm cho người dân giảm sút sự đồng thuận và hợp tác. Các dạng bất bạo động dựa trên niềm tin trong tôn giáo hoặc đạo đức và những phân tích chính trị. Bất bạo động dựa trên tôn giáo hoặc đạo đức đôi khi gọi là bất bạo động cơ bản, triết học hoặc đạo đức trong khi đó bất bạo động dựa trên phân tích chính trị thường được gọi là bất bạo động chiến thuật, chiến lược hoặc thực tiễn[116].
Khi trở thành lãnh tụ cao nhất của Đảng Quốc Đại, M.Gandhi cho rằng, trong hoàn cảnh lịch sử đương thời thì đấu tranh bất bạo động là phương thức có khả năng duy nhất để đạt được nền tự trị cho Ấn Độ. Do vậy, M.Gandhi đã được Đảng Quốc Đại giao cho trọng trách trực tiếp chỉ huy các phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân Ấn Độ theo đường lối bất bạo động. Mahatma Gandhi luôn giữ niềm tin mạnh mẽ vào thuyết bất bạo động kể cả khi đối diện với tình cảnh đàn áp nặng nề và những thách thức tưởng chừng như không thể vượt qua nổi. Nhờ niềm tin và sự kiên định của mình ông đã xóa bỏ sự đô hộ của đế chế Anh quốc hùng mạnh thời bấy giờ để giành độc lập cho Ấn Độ. Tinh thần phản kháng bất bạo động của M.Gandhi có ảnh hưởng mạnh mẽ tới những phong trào đòi quyền công dân và tự do trên khắp thế giới. Ý chí bền bỉ và đức tin của M.Gandhi đã lãnh đạo nhân dân Ấn Độ giành được độc lập mà không phải đổ máu, trở thành nguồn khích lệ tinh thần cho nhân dân thế giới đứng lên đấu tranh vì tự do, hòa bình. Tư tưởng “bất bạo động” của M.Gandhi là tư tưởng quý báu không chỉ cho Ấn Độ mà cho cả lịch sử loài người. M.Gandhi là một trong những biểu tượng ngoại giao công chúng tiêu biểucủa Ấn Độ.
Hệ tư tưởng của chân lý, tính bất bạo động, nhân phẩm và tự do của M.Grandi đã tạo nên những ảnh hưởng sâu sắc cho việc hình thành những nguyên tắc cơ bản
trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là hòa bình trung lập, không liên minh, liên kết. Theo đó, Ấn Độ thi hành chính sách đối ngoại hòa bình, không liên kết, hữu nghị với các nước, chủ trương xây dựng phát triển đất nước theo con đường độc lập dân tộc và tự lực tự cường. Những tư tưởng trong triết lý bất bạo động của M.Grandi và những nguyên tắc hòa bình trung lập, không liên minh, liên kết trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau này là cơ sở khách quan thúc đẩy Ấn Độ trở thành thành viên tích cực góp phần vào quá trình ra đời của “Phong trào không liên kết”. Ở Ấn Độ, năm nguyên tắc chung sống hòa bình được biết dưới cái tên Panchsheel trở thành những nguyên tắc nền tảng cho Phong trào Không liên kết. Phong trào Không liên kết với Năm nguyên tắc chung sống hòa bình và mục tiêu nhất quán: “độc lập và chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của các quốc gia không liên kết” đã có vai trò và đóng góp quan trọng vào đời sống chính trị quốc tế nói chung và việc bảo vệ lợi ích đối với các nước đang phát triển nói riêng. Ấn Độ luôn quảng bá cho triết lý không liên kết trong quan hệ quốc tế và nỗ lực thể hiện là một quốc gia châu Á “trung lập tích cực” có trách nhiệm. Lý tưởng của Ấn Độ là xây dựng một trật tự thế giới hòa bình, nơi các quốc gia có thể chung sống hòa bình và thân thiện với nhau. Đây chính là nét văn hóa đặc trưng riêng của Ấn Độ.