* Tình hình chính trị
Ấn Độ là quốc gia dân chủ, tổ chức nhà nước theo thể chế Cộng hòa đại nghị, trong đó chính quyền trung ương có quyền lực lớn hơn trong mối quan hệ với các bang, theo khuôn mẫu của hệ thống Nghị viện Anh. Là quốc gia đa nguyên, đa đảng, Ấn Độ có gần 10 chính đảng chính trị cấp quốc gia, trong đó Đảng Quốc đại (INC) và Đảng Bhartiya Janata (BJP) là hai chính đảng tham gia cầm quyền chủ yếu từ khi Ấn Độ giành độc lập.
Ấn Độ là một nước liên bang gồm 29 bang và 7 vùng lãnh thổ. Theo thuyết “Tam quyền phân lập”, quyền lực nhà nước được chia làm ba nhánh và giao cho mỗi hệ thống cơ quan khác nhau đảm trách: quyền lập pháp giao cho Quốc hội liên bang; quyền hành pháp giao cho Chính phủ; quyền tư pháp giao cho Tòa án. Tại Ấn Độ, Tổng thống là người đứng đầu nhà nước liên bang và đứng đầu cơ quan hành pháp, tổng chưởng lý lãnh đạo tòa án tối cao (cơ quan tư pháp). Tuy nhiên, quyền lực thực sự của quốc gia thuộc về Thủ tướng chính phủ và Hội đồng Bộ trưởng.
Chính trị nội bộ Ấn Độ được duy trì tương đối ổn định. Mặc dù còn nhiều vụ khủng bố, mâu thuẫn tôn giáo và đấu tranh gay gắt vốn tồn tại từ bên trong Ấn Độ, như là: giữa cộng đồng người Ấn Độ giáo và người Hồi giáo; vụ đụng độ đổ máu giữa những người theo Ấn Độ giáo và Hồi giáo trong việc tranh chấp ngôi đền Babri Masjid ở thành phố Ayodhya, bang Uttar Pradesh, miền Bắc Ấn Độ; các vụ bạo loạn đòi li khai ở các bang Punjab, Kashmir (ở miền Bắc), bang Assam (ở miền Đông Bắc)… hay nạn tham nhũng cũng đang là vấn đề thách thức lớn đối với chính phủ Ấn Độ nhưng chính phủ Ấn Độ luôn có cách xử lý khéo léo, đảm bảo an ninh quốc gia
Đảng Quốc đại đã duy trì được một đường lối phát triển đúng đắn, trong đó đã đưa nền kinh tế nước này tăng trưởng nhanh trong suốt nhiều năm. Trong cuộc bầu cử Hạ viện lần thứ 14, tháng 5/2004, Quốc Đại (I) liên minh với 19 đảng giành đa số ghế (219/545, trong đó Quốc Đại có 142 ghế) và đứng ra lập Chính phủ Liên minh Tiến bộ thống nhất (UPA). Năm 2009, cử tri Ấn Độ tiếp tục tín nhiệm Thủ tướng Manmohan Singh, tạo ra một giai đoạn ổn định hơn cho chính trường đất nước lớn nhất khu vực Nam Á này. Giai đoạn 2004 - 2014, Đảng Quốc đại liên tục cầm quyền do đó việc thực thi chính sách của Chính phủ Ấn Độ được ổn định, liên tục. Với những chính sách ngoại giao linh hoạt và năng động hơn đã khiến Ấn Độ nổi lên trong nhận thức chiến lược toàn cầu. Tất cả điều này đã khiến Mỹ, Nga, Nhật Bản, Trung Quốc và Australia điều chỉnh ưu tiên chính sách đối ngoại với Ấn Độ. Hiện nay, Ấn Độ đóng vai trò nòng cốt trong tổ chức thương mại thế giới WTO, Hiệp hội Hợp tác khu vực Nam Á (SAARC); là thành viên tích cực trong nhóm G20, BRICS và các tổ chức khu vực, tiểu khu vực như RCEP, BCIM-EC, IORA (Hiệp hội các nước bao quanh Ấn Độ Dương); Ấn Độ thiết lập các mối quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn cầu với các nước lớn trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á - Thái Bình Dương: quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ, quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt với Nga, quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với Trung Quốc, quan hệ đối tác chiến lược hoặc đối tác toàn cầu với các nước Đông Á..; Vị thế và ảnh hưởng của Ấn Độ ngày càng gia tăng tại các khu vực và các diễn đàn đa phương trên thế giới.
Cùng với những vấn đề về chính trị nội bộ, Ấn Độ luôn phải đối phó với những thách thức từ bên ngoài, đặc biệt là từ các nước láng giềng. Mặc dù các nhà lãnh đạo qua các thời kỳ đã nỗ lực bằng nhiều biện pháp ngoại giao nhưng Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong vấn đề Kashmir. Ngoài ra, những tồn tại trong quan hệ lịch sử cùng với sự trỗi dậy về kinh tế, quốc phòng và những sách lược muốn cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực với Trung Quốc là một thách thức lớn đối với Ấn Độ. Trung Quốc và Ấn Độ đều mong muốn cải thiện quan hệ hai nước nhưng những “chấn thương của lịch sử”và những mục tiêu củng cố sức mạnh của mỗi quốc gia đều có ảnh hưởng nhất định đến mối quan hệ này.
* Về Quốc phòng - An ninh:
Từ năm 1998, Ấn Độ trở thành nước có vũ khí hạt nhân là nền tảng cơ bản cho sức mạnh quân sự của Ấn Độ nhằm chống lại sự răn đe quân sự của các lực lượng đối phương khi có xung đột. Ấn Độ đang mở rộng quan hệ quốc phòng ra
ngoài khu vực, tạo vị thế cho vai trò ngày càng tăng của Ấn Độ ở châu Á. Ngoài quan hệ thân thiện vốn co với Nga, Ấn Độ đang gia tăng mạnh mẽ quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, Trung Quốc và với các đối tác khác ở châu Á.
Lực lượng vũ trang chính quy của Ấn Độ có khoảng 2,4 triệu người và hơn 1 triệu người trong lực lượng bán vũ trang. Hàng năm Ấn Độ còn được bổ sung thêm một lược lượng quân nhân lớn, tất cả các quân nhân phục vụ trong quân đội của Ấn Độ đều là những người tình nguyện, Ấn Độ chưa bao giờ thực thi chế độ nhập ngũ cưỡng bức, ngay cả trong các cuộc chiến tranh lớn trước đây. Có thể thấy rằng tiềm năng quân sự của Ấn Độ còn rất lớn.
Lực lượng hải quân Ấn Độ, đứng thứ 5 trên thế giới về số nhân lực, hải quân Ấn Độ có khả năng hoạt động ở vùng nước sâu. Lực lượng hải quân tương đối phát triển về mặt kỹ thuật và đã có tàu sân bay. Lực lượng Không quân Ấn Độ là xếp thứ 4 trên thế giới, lực lượng không quân phát triển dựa vào kỹ thuật của Liên Xô trước đây. Ấn Độ đã thiết kế các máy bay riêng, bao gồm là những máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư. Ấn Độ và Nga hiện đang lên kế hoạch thiết kế máy bay thế hệ thứ 5. Lục quân Ấn Độ đang nỗ lực hiện đại hóa và huấn luyện bộ binh sử dụng các vũ khí công nghệ cao cũng như tác chiến ở tất cả các điều kiện địa hình và thời tiết, trong điều kiện chiến tranh thành phố và môi trường chiến tranh điện tử. Về tiềm lực sức mạnh hạt nhân: Trong năm 2012, Ấn Độ chính thức trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới sở hữu tàu ngầm hạt nhân khi thuê lại tàu ngầm hạt nhân thuộc lớp Akula của Nga. Quân đội Ấn Độ sở hữu một số loại vũ khí hạt nhân và chủ yếu được trang bị cho các tên lửa và các máy bay chiến đấu[101].
Ấn Độ xác định quân sự giữ vai trò vô cùng quan trọng để trở thành một cường quốc thực sự. Tiềm lực quốc phòng của Ấn Độ có sự gia tăng mạnh mẽ, trong đó tăng cường ngân sách chính là tiền đề căn bản. Ấn Độ có tiềm lực mạnh thứ tư thế giới (sau Mỹ, Trung Quốc, Nga). Việc sở hữu vũ khí hạt nhân giúp Ấn Độ có vai trò răn đe chiến lược ở Nam Á và toàn cầu[101].
* Tình hình kinh tế:
Thủ tướng Manmohan Singh lên cầm quyền trong điều kiện Ấn Độ đã đạt được những kết quả cơ bản sau một thời dài thực hiện cải cách kinh tế, trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ tiếp tục đạt được nhiều thành tựu to lớn trên lĩnh vực kinh tế. Ấn Độ đã vươn lên trở thành một trong những quốc
gia có ảnh hưởng tới kinh tế, chính trị thế giới trong thập kỷ 2000. Trong suốt giai đoạn 2000-2010 GDP Ấn Độ tăng 6,9%/năm. Năm 2010, GDP danh nghĩa đạt 1.530 tỷ USD, đứng thứ 10 thế giới, tính theo đầu người đạt 1.265 USD; GDP theo sức mua đạt 4.046 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới, tăng 60% so với năm 2001, bình quân đầu người đạt 3.400 USD/năm; dự trữ ngoại tệ 310 tỷ USD. GDP của Ấn Độ năm 2011 đạt 2.965 tỷ USD, đứng thứ 4 thế giới sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Cơ cấu kinh tế thế mạnh nổi trội của Ấn Độ là dịch vụ chiếm 60,7% GDP[33], đặc biệt dịch vụ phần mềm và tài chính rất phát triển, Ấn Độ đã chuyển dần sang nền kinh tế tri thức. Mặc dù tăng trưởng kinh tế ấn tượng nhưng, Ấn Độ tiếp tục phải đối mặt với các thách thức về kinh tế - xã hội. Ấn Độ là nơi có số lượng người nhiều nhất sống dưới chuẩn nghèo quốc tế (1,25 đô la Mỹ/ngày) của Ngân hàng Thế giới. Kể từ năm 1991, bất bình đẳng kinh tế giữa các bang của Ấn Độ liên tục phát triển. Thu nhập bình quân đầu người của Ấn Độ năm 2017 là 1.574 USD xếp hạng 140 trên thế giới[205]. Đây là mức thấp không tương xứng với tiềm năng của Ấn Độ nên quốc gia này được xem là người khổng lồ ngủ quên.
Dù còn nhiều khó khăn thách thức, nhưng nền kinh tế phát triển là cơ sở quan trọng để Ấn Độ xây dựng chính sách đối ngoại tích cực, chủ động. Kinh tế Ấn Độ đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành đối thủ cạnh tranh lớncủa Mỹ và các cường quốc.Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ nỗ lực để giảm sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, tạo ra những cơ hội cho các đối tác khác ở khu vực châu và thế giới. Sự thay đổi này tạo ra nhiều ảnh hưởng đối vớitương lai kinh tế đa cực.
* Tình hình văn hóa –xã hội:
Ấn Độ có nền văn hóa đồ sộ, có sức hấp dẫn và ảnh hưởng tới nhiều nền văn hóa khác trong khu vực cũng như trên thế giới, đây là cơ sở, nguồn lực quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm. Ấn Độ có 29 bang có nền văn hóa và văn minh khác nhau và là một trong những quốc gia đông dân nhất thế giới[139]. Văn hóa Ấn Độ được coi là sự pha trộn của một số nền văn hóa khác nhau, trải dài khắp tiểu lục địa Ấn Độ, có ảnh hưởng và lịch sử phát triển lâu đời[131]. Ấn Độ là một trong những quốc gia đa dạng về tôn giáo và dân tộc nhất trên thế giới, với một số xã hội và văn hóa mang tính tôn giáo sâu sắc nhất thế giới. Tôn giáo đóng một vai trò trung tâm và cơ bản trong cuộc sống của nhiều người dân.
Nền di sản văn hóa của Ấn Độ rất phong phú, tiêu biểu. Ấn Độ luôn giữ gìn những nét truyền thống đặc trưng của dân tộc dù trải qua nhiều biến động lịch sử.
Đồng thời Ấn Độ vẫn tiếp thu những giá trị văn hóa mới từ phía những quốc gia xâm lược và những người dân nhập cư. Nhiều hoạt động văn hoá, ngôn ngữ, phong tục và các công trình là những ví dụ cho sự đan xen văn hóa qua hàng thế kỷ đó. Văn hóa đương đại của Ấn Độ cũng đã được chú ý trong ngoại giao quyền lực mềm của Ấn Độ. Các nhà lãnh đạo Ấn Độ đã ký kết nhiều biên bản ghi nhớ, hợp tác với các quốc gia trên lĩnh vực văn hóa - xã hội làm nổi bật bản sắc dân chủ của Ấn Độ. Thông qua những giá trị văn hóa truyền thống và hiện đại, Ấn Độ tăng cường tham dự vào cuộc chiến mở rộng quyền lực mềm trên thế giới trong bối cảnh thế kỷ XXI chứng kiến sự cạnh tranh về sức mạnh mềm của các quốc gia. Và thực tế là văn hóa Ấn Độ đã có một mức độ ảnh hưởng rộng lớn trên khắp thế giới một cách chủ động thông qua chính sách ngoại giao văn hóa đa dạng của Ấn Độ.
Tuy nhiên với dân số khoảng 1,2 tỷ người, Ấn Độ là một quốc gia đông dân thứ hai thế giới sau Trung Quốc, hệ lụy sinh ra từ vấn đề gia tăng dân số này là rất lớn. Nhiều vấn đề đặt ra như: giải quyết việc làm, nâng cao mức sống, tăng thu nhập cho người dân... đòi hỏi chính phủ Ấn Độ phải có các phương án giải quyết. Ấn Độ là quốc gia có sự phân hóa bất bình đẳng giàu nghèo trong xã hội lớn, có hơn 269 triệu người dân chiếm 21,9% toàn bộ dân số Ấn Độ sống trong tình trạng đói nghèo cùng cực. Đây cũng chính là nhân tố gây ra áp lực không nhỏ với chính phủ Ấn Độ, yếu tố này ảnh hưởng lớn tới việc xác định các mục tiêu chính sách quốc gia của Ấn Độ, trong đó có chính sách đối ngoại.
* Tình hình khoa học giáo dục
Ấn Độ được xếp vào một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với GDP đạt trung bình 8.8% mỗi năm[205]. Ấn Độ luôn quan tâm đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ như là hai công cụ giúp đem lại công bằng xã hội và phát triển kinh tế hiện thực hóa ước mơ trở thành nước có nền khoa học giáo dục tiến bộ. Khoa học giáo dục đang trở thành một lợi thế cạnh tranh của Ấn Độ trong quá trình hội nhập. Đồng thời nền khoa học giáo dục phát triển cũng là điểm hấp dẫn trong chính sách đối ngoạicủa Ấn Độđối với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Một số ngành khoa học và công nghệ của Ấn Độ (hạt nhân, nghiên cứu vũ trụ, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, hóa chất, dược phẩm, hải dương học, thủy tinh lỏng, siêu dẫn, công nghệ nano, năng lượng mới...) ở trình độ ngang với các nước phát triển. Tháng 10-2008, Ấn Độ là nước thứ 3 ở châu Á phóng tàu vũ trụ không người lái lên mặt trăng. “Cách mạng xám” trong gần 20 năm qua đưa Ấn Độ
là một trong mười siêu cường thế giới về công nghệ thông tin, với tốc độ tăng 30- 50%/năm, doanh thu năm 2010 đạt khoảng 100 tỷ USD, xuất khẩu phần mềm đi 75 nước, Bangalore là “Thung lũng Silicon” thứ 2 của thế giới. Lĩnh vực thương mại điện tử ở Ấn Độ đã có những bước phát triển nhảy vọt. Trong năm 2014, Ấn Độ đã đầu tư 3 tỷ USD vào lĩnh vực này[51].
Những chương trình và chính sách nhằm gia tăng khả năng khoa học công nghệ của Ấn Độ được thực hiện thông qua 5 bước: Xây dựng cơ sở hạ tầng; Định hướng lại; Thúc đẩy công nghệ trong nước; Hướng tới sự tự do kinh tế; Khoa học và công nghệ trong tự do kinh tế. Để tạo mọi điều kiện cho phát triển khoa học và công nghệ, các thủ tục hành chính, quy định của Chính phủ được nới lỏng và trở nên linh động với mục đích mở ra một lộ trình mới cho nền khoa học của đất nước này đi lên, hỗ trợ một cách tối ưu nhất cho các nhà khoa học để họ có thể phát triển ở ngay tại đất nước thay vì theo đuổi sự nghiệp ở nước ngoài. Nhiều sinh viên giỏi các nước đang theo học ở những trường đại học hàng đầu thế giới cũng đều muốn chọn Ấn Độ như là một nơi lý tưởng để thực tập và tích lũy kinh nghiệm.
Chính phủ Ấn Độ đang ưu tiên và gia tăng tiềm lực tập trung vào những mũi nhọn chiến lược như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, nghiên cứu không gian, năng lượng hạt nhân để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh, thực hiện hóa ước mơ trở thànhmột trong những cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới vào thế kỷ XXI.