Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ tiếp tục đề ra và duy trì thực hiện các phương châm đối ngoại đúng đắn, làm cơ sở để hoạch định nội dung cơ bản trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ:
Một là, đối ngoại phục vụ phát triển kinh tế, hướng mạnh vào những lĩnh vực giàu tiềm năng thế mạnh của Ấn Độ[157]. Quan hệ đối ngoại của Ấn Độ với thế giới, các cường quốc và các nước láng giềng ngày càng được định hình bởi các ưu tiên phát triển kinh tế, trong đó tập trung vào thiết lập một môi trường toàn cầu thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của Ấn Độ. Thực chất của phương châm này là đảm bảo lợi ích quốc gia trong hoạt động đối ngoại của Ấn Độ. Đối ngoại phục vụ lợi ích chính đáng của quốc gia và đó cũng là cách thực hiện tốt nhất nghĩa vụ quốc tế, là sự đóng góp đối với quá trình phát triển chung của thế giới. Lợi ích quốc gia mà Ấn Độ
hướng tới là phát triển toàn diện đời sống kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, bảo đảm độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia. Trong khi nỗ lực tranh thủ mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội, Ấn Độ cũng coi trọng phát triển quan hệ hợp tác với các nước, các tổ chức, khu vực trên thế giới, theo khả năng thực tế của đất nước, phù hợp với sự chuyển biến của tình hình thế giới. Cùng với chủ trương tự do hoá và mở cửa kinh tế, Chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh đã có những đầu tư chiến lược nhằm phát huy được những thế mạnh vốn có của mình như: Công nghệ thông tin, công nghệ vũ trụ để đạt được mục tiêu của mình.
Hai là, mở cửa hội nhập, đảm bảođộc lậptự chủ,hướng vào phát triển kinh tế dịch vụ trong nước[154]. Ấn Độ chủ trươngmở rộnghội nhập quốc tế và kết nối khu vực, nhất là các nước láng giềng nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định lâu dài, thông qua đó thể hiện tính chủ động trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Những thay đổi mạnh mẽ của môi trường khu vực, quốc tế đem lại nhiều cơ hội cho các quốc gia trong đó có Ấn Độ và thông qua các chính sách đúng đắn, Ấn Độ có thể phát huy tốt hơn các thế mạnh của mình, trở thành người tiên phong dẫn dắt và định hình cho các khuôn khổ, cấu trúc hợp tác quốc tế mới.
Trong tiến trình mở cửa hội nhập quốc tế, Ấn Độ chủ trương xóa bỏ các rào cản về thuế quan, tạo mọi điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài. Ấn Độ mở cửa với một môi trường đầu tư thông thoáng nhưng trong các chính sách cải cách vẫn thể hiện tính hướng nội nhất định thể hiện tính độc lập trong định hướng phát triển đất nước. Nền kinh tế Ấn Độ được mở cửa từng bước, không vội vàng du nhập tất cả những mô hình mở cửa và phát triển thành công của các nước châu Á khác. Với phương châm này, công tác hội nhập quốc tế được chủ động triển khai mạnh mẽ trên lĩnh vực kinh tế, đồng thời mở rộng trên các lĩnh vực khác, tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh..., ở các cấp độ song phương và đa phương, khu vực và toàn cầu. Đây là điều kiện để Ấn Độ đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho đẩy mạnh phát triển kinh tế; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, quốc gia; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Qua đó, phát huy sức mạnh bên trong, là nền tảng của sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là điều kiện để mở rộng quan hệ đối ngoại, nâng cao uy tín của quốc gia.
Ấn Độ mở cửa hội nhập nhằm tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ tối đa các điều kiện bên ngoài thuận lợi cho việc phát triển mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của quốc gia. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là yếu tố có tính nguyên tắc để mở rộng quan hệ quốc tế theo hướng đa phương hóa, đa dạng hóa, tránh được những tình huống bất lợi về đối ngoại, củng cố và nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực cũng như trên thế giới.
Ba là, kết hợp sức mạnh quốc gia với thời cơ quốc tế, thực hiện chính sách đối ngoại linh hoạt mềm dẻo và phát huy vai trò cá nhân của các lãnh đạo[154]. Để đáp ứng được tình hình mới, một mặt Ấn Độ thực hiện cải cách kinh tế, ổn định chính trị nội bộ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc thù của Ấn Độ, mặt khác các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra những sách lược mới, thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại nhằm phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế toàn diện, phát huy tối đa vai trò của Ấn Độ trong khu vực và trên thế giới.
Để đạt được mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại thời kỳ này, Ấn Độ đã triển khai một số hướng lớn trong lĩnh vực chính trị - ngoại giao: Thứ nhất, chính sách với các nước láng giềng: Mặc dù do lịch sử để lại, Ấn Độ và các nước Nam Á, đặc biệt là Pakistan luôn có quan hệ và nghi ngờ lẫn nhau, nhưng Ấn Độ đã có những hướng thay đổi linh hoạt, muốn cải thiện mối quan hệ các nước Nam Á bằng một hình ảnh thân thiện và xây dựng. Thứ hai,là điều chỉnh chính sách đối ngoại với các nước lớn. Trong bối cảnh “nhất siêu đa cường”, việc cải thiện quan hệ với các nước lớn, đặc biệt là Mỹ, là nhân tố quan trọng để một quốc gia đẩy nhanh hội nhập quốc tế và cất cánh. Nhờ cải thiện được mối quan hệ với Mỹ và các nước lớn khác mà Ấn Độ đã có được bước phát triển nhanh chóng. Thứ ba, là Chính sách hướng Đông. Nắm bắt thế kỷ XXI là thế kỷ của châu Á – Thái Bình Dương, Ấn Độ đã triển khai Chính sách hướng Đông và Đông Nam Á là khu vực trọng tâm của chính sách này. Thông qua đó, Ấn Độ đã gặt hái được những thành công nhất định. Chính sách các nước láng giềng là ưu tiên quan trọng, Chính sách ngoại giao Phật giáo... là sự linh hoạt trong chính sách ngoại giao đã giúp Ấn Độ có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt trong những năm qua.
Trong nhiệm kỳ của Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã thực hiện chính sách ngoại giao toàn diện “liên kết với phương Tây và hướng về phía Đông”, đã mở cửa nhanh chóng và coi trọng quan hệ với các nước lớn, trong đó có Mỹ, và chủ trương “ngoại giao kinh tế” là trọng tâm, lấy ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế.
Đồng thời, lãnh đạo các nước lớn như Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản, Pakistan... đã thường xuyên có các chuyến thăm chính thức đến Ấn Độ, qua đó đã thể hiện sự quan tâm của các nước này đến Ấn Độ trên bình diện chính trị, từ đó tạo cơ sở để Ấn Độ hợp tác phát triển kinh tế.
Sự tổng hòa các mối quan hệ của Ấn Độ với các nước láng giềng, khu vực, nước lớn, các trung tâm kinh tế - chính trị, phong trào chính trị quốc tế, kết hợp giữa đa dạng hóa với xác lập và củng cố quan hệ với các đối tác tin cậy, các thị trường chiến lược, đã tạo cho Ấn Độ thế đối ngoại cân bằng, ổn định và vững chắc, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho phát triển và ổn định kinh tế - xã hội của đất nước. Ấn Độ ngày càng chứng tỏ vai trò quan trọng và tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực và trên thế giới. Đồng thời, Ấn Độ cũng gắn kết mật thiết với thế giới trong các vấn đề an ninh quốc gia và phát triển kinh tế.
Như vậy, có thể nói sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của nhiều nhân tố, đó là cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn và tác động của bối cảnh quốc tế. Sự sụp đổ của trật tự hai cực Ianta kéo theo nó là sự sụp đổ của Liên Xô đã làm cho Ấn Độ mất đi một chỗ dựa vững chắc; đồng thời đó là những tác động của xu thế toàn cầu hóa, khu vực hóa, làm thay đổi mối quan hệ giữa các quốc gia. Cùng với những nhân tố quốc tế thì tình hình trong nước của Ấn Độ cũng đã tác động mạnh mẽ đến sự điều chỉnh phương hướng trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Để tiếp tục duy trì sự phát triển kinh tế và xã hội của quốc gia trong tình hình mới, Ấn Độ buộc phải có những điều chỉnh thích hợp trong đường lối chính sách của mình. Những nguyên tắc đối ngoại và vị trí của Ấn Độ trên trường quốc tế cũng có tác động sâu sắc đến việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ.