Cách tiếp cận phân tích chính sách đối ngoại

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 32 - 36)

Những cách tiếp cận đương thời đối với lĩnh vực nghiên cứu học thuật về chính sách đối ngoại có thể được chia ra thành ba dòng văn liệu tập trung vào: a/ cá nhân; b/ nhóm cá nhân; và, c/ đặc điểm xã hội của các chủ thể chính sách đối ngoại. Theo đó, cách tiếp cận được vận dụng trong phân tích chính sách đối ngoại Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh (2004-2014) được sử dựng trong luận án là tiếp cận phân tích chính sách đối ngoại theo cấp độ. Ba cấp độ phân tích phổ biến gồm: (i) cấp độ cá nhân, nhấn mạnh vai trò của Thủ tướng Manmohan Singh; (ii) cấp độ quốc gia - vai trò của văn phòng thủ tướng, Hội đồng An ninh Quốc gia Ấn Độ và Bộ Ngoại giao; (iii) cấp độ hệ thống quốc tế - nhân tố quốc tế và khu vực.

* Cấp độ hệ thống quốc tế

Cấp độ phân tích hệ thống quốc tế là môi trường toàn cầu trong đó Ấn Độ tham gia vào môi trường quốc tế, tương tác với các chủ thể khác trong môi trường quốc tế. Bằng cách tạo thuận lợi hay kiềm chế hành động của Ấn Độ, hệ thống quốc tế góp phần hình thành nên hành vi của Ấn Độ trong quan hệ quốc tế hay nói cách khác là phản ứng chính sách của Ấn Độ đối với tình hình quốc tế. Phân tích theo hệ thống quốc tế cho rằng bất cứ hệ thống nào cũng vận hành theo những cách thức có thể dự đoán được ở một mức độ nhất định, với những xu hướng hành vi mà Ấn Độ tuân theo. Lựa chọn chính sách của Ấn Độ cũng sẽ phụ thuộc vào môi

trường địa chính trị và địa kinh tế của Ấn Độ. Vì vậy, mục tiêu bất biến của chính sách đổi ngoại Ấn Độ là bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ trong quá trình hội nhập quốc tế, không đánh đổi chủ quyền quốc gia để lấy lợi ích kinh tế từ nước ngoài. Hội nhập và sự phụ thuộc lẫn nhau ở cấp độ khu vực cũng tạo thêm một lớp nhân tố bên ngoài tác động lên chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Các tổ chức quốc tế và khu vực ở những mức độ khác nhau sẽ có những tác động sâu sắc, tạo ra cả cơ hội và thách thức cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ, đặc biệt là các tổ chức khu vực và quốc tế có vai trò quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa xã hội như SAARC, WTO, LHQ... Qua đó, Ấn Độ có thể xây dựng được bản sắc riêng, tăng cường quốc lực trong quan hệ quốc tế, tăng cường khả năng tham gia nhiều hơn, sâu rộng hơn vào các tổ chức quốc tế và khu vực. Phân tích hệ thống quốc tế là cấp độ phân tích tổng hợp nhất, bao gồm toàn bộ các tương tác xảy ra trong hệ thống. Trong đó, các lý thuyết theo CNHT sẽ tập trung vào các giả định về lợi ích riêng của một quốc gia trong hệ thống quốc tế vô chính phủ, như việc theo đuổi sức mạnh quân sự, tạo lập các liên minh và sự phục tùng của các quốc gia đối với những chủ thể mạnh hơn. CNTD cho rằng một hệ thống quốc tế phụ thuộc lẫn nhau sẽ dẫn đến tăng cường sự hợp tác và vai trò các tổ chức khu vực và quốc tế[17; tr.190].

* Cấp độ quốc gia

Theo GS. TS Vũ Dương Huân: “Quốc gia là chủ thể hoạch định chính sách đối ngoại. Quốc gia là chủ thể duy lý cho nên quốc gia phải tính đến mọi nhân tố trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Có thể nói đây là cấp độ quan trọng nhất, quyết định nhất trong hoạch định chính sách đối ngoại. Chính sách đối ngoại có đúng không, khoa học không trước hết dựa vào cấp độ này.”[24; tr.168-186]

Quy trình chính trị nội bộ Ấn Độ đóng vai trò quan trọng trong hoạch định chính sách đối ngoại. Trên thực tế, nền chính trị dân chủ của Ấn Độ được xây dựng trên nền tảng kết hợp giữa chủ nghĩa dân tộc Ấn Độ và nền chính trị dân chủ phương Tây. Biểu hiện nổi bật là thể chế chính trị thực hiện sự cân bằng “tam quyền phân lập”, Tổng thống là nguyên thủ quốc gia nhưng thực quyền lại nằm trong tay nội các do Thủ tướng đứng đầu. Thủ tướng Ấn Độ là nhân vật trung tâm của đời sống chính trị. Cách tiếp cận này phân tích sự tương tác giữa các chủ thể chính trị trong nước như các cơ quan như văn phòng thủ tướng, Hội đồng An ninh Quốc gia, và Bộ Ngoại giao trong quá trình hình thành và triển khai chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Ba cơ quan trong chính phủ Ấn Độ làm việc với nhau để tạo lập chính sách đối ngoại: Văn

phòng thủ tướng là cơ quan có vai trò quyết định, Hội đồng An ninh Quốc gia, được chỉ đạo bởi một cố vấn an ninh quốc gia đầy quyền lực, và bộ Ngoại giao. Bên cạnh đó, các yếu tố như văn hóa chính trị, tổ chức chính quyền, vai trò nhà lãnh đạo... cũng ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của Ấn Độ theo những hướng khác nhau. Đặc điểm văn hóa chính trị của Ấn Độ, các giá trị, chuẩn mực và truyền thống được thừa nhận có tác độngtới quá trình hoạch định và nội dungchính sách đối ngoại. Các tổ chức NGO và xã hội dân sự tại Ấn Độ cũng là một yếu tố quan trọng tác động đến quy trình hình thành chính sách đối ngoại trong việc chịu trách nhiệm tập hợp thông tin, xây dựng đề xuất, kiến nghị và thực thi chính sách. Hệ thống ra quyết định có vai trò đặc biệt quan trọng, trong đó, chính sách đối ngoại có thể được phân tích qua các nhân tố tác động tới quá trình hoạch định.

Chính sách đối ngoại chịu sự tác động của các yếu tố như: Đặc điểm địa lý, dân tộc; cấu trúc chính quyền, hệ tư tưởng, quan điểm công chúng; các nhóm lợi ích và đảng phái, bộ máy hành chính; quan điểm, thái độ và hình anh của các nhà lãnh đạo. Các yếu tố này được phân loại theo tác động ở các mưc độ khác nhau trong việc quyết định vai trò quốc gia trong cộng đồng quốc tế, gồm: (i)Yếu tố vật chất dài hạn (vị trí địa chính trị chiến lược, các nguồn lực quốc gia); (ii)Yếu tố vật chất ngắn hạn (quy mô công nghiệp, quân sự); (iii) Các yếu tố định tính và định lượng về nhân lực (dân số, đội ngũ lãnh đạo, hệ tư tưởng, vị thế quốc gia). Việc phân tích những yếu tố này sẽ đánh giá được lựa chọn các quốc gia có thể tiến hành ở mỗi thời điểm. Trong đó, vị trí địa lý khiến Ấn Độ không thể phủ nhận hay thay đổi láng giềng của mình và không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải hết sức quan tâm đến chính sách với các nước láng giềng trực tiếp và kề cận. Nếu được tận dụng tốt, vị trí địa chiến lược của Ấn Độ cũng tạo ra lợi thế so sánh trong quá trình hoạch định chính sách đổi ngoại của nước này với không chỉ các nước láng giềng mà cả các nước lớn khác (Mỹ, Nga). Ngoài ra, chính sách đối ngoại của một quốc gia còn chịu tác động của yếu tố lịch sử. Truyền thống lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc lựa chọn cách ứng xử với các nước khác từ những kinh nghiệm và diễn biến trong quá khứ.[24; tr.168-186]. Điều này được thể hiện rõ nét trong quá trình phân tích yếu tố lịch sử tác động đến quá trình hoạch định chính sách đối ngoại Ấn Độ.

* Cấp độ cá nhân

Cấp độ phân tích cá nhân tập trung vào vai trò của các chủ thể cá nhân trong quan hệ quốc tế. Có hai loại cá nhân ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại. Đó là các

cá nhân lãnh đạo, đương chức, đương quyền như tổng thống, thủ tướng, bộ trưởng ngoại giao… có vai trò quyết định trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Ngoài ra còn những nhân vật không đương chức song có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại như các cựu lãnh đạo có tiếng nói, ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại, các cá nhân có ảnh hưởng trong xã hội.[24; tr.168-186].

Cách tiếp cận này phân tích đặc điểm quy trình hoạch định chính sách của con người, vốn hết sức phức tạp và bao gồm nhiều công đoạn như: Thu thập, xử lý thông tin, thiết lập các mục tiêu chính sách, xem xét các khả năng và đưa ra lựa chọn chính sách, cấp độ này cũng tìm hiểu tác động của các yếu tố như dân tộc, tôn giáo, sắc tộc, hệ tư tưởng... đến việc hoạch định chính sách đối ngoại. Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là hệ thống quan điểm, niềm tin và nhận thức của các nhà lãnh đạo Ấn Độ. Trong đó, nhận thức của các nhà cầm quyền, đặc biệt là của Thủ tướng Manmohan Singh, có ảnh hưởng sâu sắc lên chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Nhận thức và tầm nhìn quốc gia tác động đến việc cân nhắc lợi ích - nguy cơ của các nhà lãnh đạo trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Quyết định của các nhà lãnh đạo được định hình bởi kiên thức, kinh nghiệm, niềm tin và thế giới quan. Tâm lý con người cũng có xu hướng duy trì sự nhất quán trong hệ thống những niềm tin chủ yếu, dẫn tới khả năng bỏ qua hoặc diễn giải sai những thông tin trái ngược với niềm tin sẵn có. Điều này đặc biệt dễ xảy ra khi chủ thể nhận thức đã có một định kiến mạnh mẽ về hình ảnh của các quốc gia khác[185; tr77].

Với Ấn Độ, có hai loại cá nhân ảnh hưởng đến quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Một là, cá nhân lãnh đạo đương chức, đương quyền mà cụ thể trong giai đoạn này là Thủ tướng Manmohan Singh, người có vai trò quyết định trong việc hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại Ấn Độ. Hai là,những nhân vật tuy không còn đương chức, đương quyền, hoặc đã mất, song có ảnh hưởng không nhỏ đến chính sách đối ngoại Ấn Độ như Anh hùng dân tộc Mahatma Gandhi, cựu Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru; hoặc một số nhân vật đang đương chức nhưng có ảnh hưởng ít hơn như Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ (Lok Sabha) Somnath Chatterjee, Meira Kumar. Bên cạnh đó, có một số nhân vật không phải là lãnh đạo quốc gia nhưng cũng có những tác động quan trọng đến quá trình hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ thuộc các phe đối lập tại Hạ viện (Lok Sabha), Thượng viện (Rajya Sabha), điển hình trường hợp này như: Sushma Swaraj, Arun Jaitley, P. Chidambaram.

Như vậy, việc phân tích các yếu tố tác động ở ba cấp độ này sẽ cho thấy quá trình hình thành chính sách đối ngoại để bảo đảm lợi ích của Ấn Độ là an ninh, phát triển và vị thế trong tương quan với môi trường quốc tế và trong nước tại mỗi giai đoạn lịch sử.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 32 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)