Quan điểm của Thủ tướng Manmohan Singh về chính sách đố

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 41 - 45)

Trước khi trở thành Thủ tướng, Manmohan Singh là chuyên gia kinh tế hàng đầu và là nhà kiến trúc sư trưởng trong cải cách kinh tế của Ấn Độ. Sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Manmohan Singh ưu tiên tập trung phát triển các mục tiêu kinh tế. Nền kinh tế của Ấn Độ giai đoạn này đã phát triển nhanh chóng dưới sự lãnh đạo của chính phủ UPA, tuy nhiên trên phương diện an ninh, Ấn Độ bị đe dọa bởi các lực lượngkhủng bốtrong nước, điển hình như các cuộc tấn công Mumbai năm 2008, các cuộc nổi dậy của nhóm phiến quân Chiến tranh nhân dân và trung tâm cộng sản Maoist. Trong suốt hai nhiệm kỳ, Thủ tướng Manmohan Singh đã thực hiện chính sách đối ngoại thực dụng, hòa bình, trung lập, không liên minh liên kết, mục tiêu hướng tới là những lợi ích kinh tế phục vụ cho sự phát triển thịnh vượng của Ấn Độ.

Thủ tướng Manmohan Singh xác định Ấn Độ là quốc gia lớn với sự đa dạng về văn hóa, ngôn ngữ và tôn giáo, ông chủ trương hiện đại hóa xã hội và chuyển đổi nền kinh tế trong khuôn khổ của một nền dân chủ tiến bộ. Đây là quá trình đảm bảo tính bền vững cho xã hội và không thể thay thế hay sửa đổi. Trong cạnh tranh toàn cầu, Ấn Độ có những lợi thế nhất định về kinh doanh, thương mại và ông cũng

khuyến khích cạnh tranh với những quốc gia đi đầu. Hơn nữa, Thủ tướng Manmohan Singh nhận định thế kỷ XXI là thế kỷ sản xuất dựa trên tri thức và Ấn Độ là quốc gia có thế mạnh trên lĩnh vực nhiều tiềm năng này, Ấn Độ có một dân số lớn và tương đối trẻ với truyền thống xã hội coi trọng giáo dục. Đây là những tiền đề quan trọng đối với Ấn Độ trong việc triển khai một chính sách đối ngoại rộng mở, hội nhập và thực dụng hơn.

Thủ tướng Manmohan Singh chủ trương “thiết lập lại cơ bản”những mục tiêu và nội dung trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, ông nhận thức được Ấn Độ có vị thế quan trọng đối với quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, và theo đuổi những gì ông mô tả là “định mệnh của Ấn Độ trong các vấn đề thế giới”. Trong chính sách đối ngoại, Manmohan Singh ưu tiên các mục tiêu kinh tế với tư cách là động lực và cũng là lợi ích quốc gia Ấn Độ.

Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng, Sự phát triển của Ấn Độ phải chiếm vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Mục tiêu quan trọng nhất của chính sách đối ngoại của Ấn Độ là phải tạo ra một môi trường toàn cầu có lợi cho sự phát triển thịnh vượng của Ấn Độ.. Thủ tướng Manmohan Singh cũng đặt ra bốn nguyên tắc trong đối ngoại của Ấn Độ: hội nhập lớn hơn với nền kinh tế thế giới, xây dựng mối quan hệ ổn định với các cường quốc, hợp tác khu vực lớn hơn và tuyên truyền các giá trị Ấn Độ. Ấn Độ sẽ bắt đầu theo đuổi sự phát triển kinh tế trong khuôn khổ của một nền dân chủ đa nguyên, thế tục và tự do. Đồng thời xây dựng niềm tin lẫn nhau trong hợp tác kinh tế với các quốc gia khác. Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Manmohan Singh, đã xây dựng trên cơ sở nền tảng là tư tưởng đối ngoại từ các nhà lãnh đạo thời kỳ đấu tranh giành độc lập, đó là quan hệ tương tác giữa chính sách đối ngoại và khát vọng kinh tế của người dân Ấn Độ.

Phát triển kinh tế tăng tốc, cân bằng, bao trùm là nhiệm vụ chính của Ấn Độ. Chính sách đối ngoại là công cụ quan trọng đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ này. Điều đó được thực hiện bằng cách đảm bảo môi trường hòa bình và an ninh ở trong nước cũng như cộng đồng quốc tế và bằng cách tận dụng các mối quan hệ đối tác quốc tế của Ấn Độ để có được tất cả những điều kiện cần thiết có thể thúc đẩy phát triển kinh tế như: thị trường, đầu tư, công nghệ, liên kết, di chuyển nhân sự, quản trị toàn cầu công bằng, và một môi trường ổn định, thuận lợi cho phát triển. Với việc thực thi chính sách đối ngoại hòa bình trung lập, hướng tới những mục tiêu phát triển đất nước, Thủ tướng Manmohan Singh đã tiến hành nỗ lực tăng cường quan hệ

với Mỹ và các cường quốc phương Tây khác, đồng thời theo đuổi chính sách duy trì mối quan hệ cân bằng với Nga và Trung Quốc. Ấn Độ chủ trương xây dựng các mối quan hệ đối tác dựa trên những lợi ích chung, đồng thời Ấn Độ cũng tìm kiếm mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các trung tâm quyền lực lớn trong quan hệ quốc tế. Ấn Độ ủng hộ một thế giới đa cực, đa trung tâm, điều này có lợi hơn cho Ấn Độ trong việc theo đuổi lợi ích của mình.

Những năm đầu thế kỷ XXI, thế giới đang bước vào những giai đoạn phát triển mới, bối cảnh quốc tế đã có những tác động mạnh mẽ tới chính sách đối nội, quan hệ đối ngoại của các nước trên thế giới. Thế giới trong thế kỷ XXI đã dần chuyển dịch trọng tâm từ Tây sang Đông, không chỉ bởi những bất ổn của phương Tây mà còn là sự hồi sinh của châu Á. Trật tự thế giới đang thay đổi mau lẹ, rất khó đoán định, đặt ra hàng loạt thách thức đối với chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Tuy nhiên, chính trong bối cảnh đó, trước những khó khăn, thách thức đặt ra trong nước, với vai trò của kiến trúc sư kinh tế, Thủ tướng Manmohan Singh đã lựa chọn chính sách đối ngoại hòa bình, không liên minh, liên kết, phản đối chiến tranh, tôn trọngđộc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau nhằm đáp ứng những đòi hỏi của đất nước. Đây là là kim chỉ nam để chính phủ Ấn Độ triển khai quan hệ chính trị - ngoại giao với các quốc gia, khu vực trên thế giới. Những diễn biến đa dạng trong trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các quốc gia, khu vực trên thế giới giai đoạn 2004-2014 mang đậm dấu ấn cá nhân của Thủ tướng Manmohan Singh.

Chính sách đối ngoại của Thủ tướng Manmohan Singh bao gồm hai nội dung chính: Thứ nhất, kinh tế là trung tâm trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Manmohan Singh. Theo đó, mối quan hệ của Ấn Độ với các cường quốc trên thế giới cũng như các nước láng giềng được định hình bởi các mục tiêu phát triển của Ấn Độ. Chính vì vậy, sự hội nhập lớn hơn của Ấn Độ với nền kinh tế thế giới sẽ có lợi hơn đối với Ấn Độ. Thứ hai, Ấn Độ tăng cường kết nối và hội nhập quốc tế để tạo ra một môi trường kinh tế và an ninh toàn cầu vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Vì vậy, Ấn Độ cần tập trung nhiều hơn vào năng lực thể chế khu vực và kết nối khu vực[190].

Thủ tướng Manmohan Singh đặt kỳ vọng rất cao vào sự phát triển cũng như ảnh hưởng của Ấn Độ trên trường quốc tế. Thủ tướng Manmohan Singh tăng cường mở rộng phạm vi quan hệ với các quốc gia, khu vực và các tổ chức quốc tế, áp dụng chính sách thực dụng mà hai người tiền nhiệm theo đuổi. Chính sách đối

ngoại của Manmohan Singh chịu ảnh hưởng từ các nhà lãnh đạo thời kỳ đấu tranh tự do, những người theo đuổi mục tiêu liên kết giữa chính sách đối ngoại của Ấn Độ và khát vọng kinh tế của người dân Ấn Độ. Thủ tướng Manmohan Singh là nhân vật được chú ý trong lịch sử Ấn Độ vì đã đưa Ấn Độ ra khỏi sự cô lập về kinh tế và hạt nhân.

Thủ tướng Manmohan Singh đã tiếp tục chính sách đối ngoại thực dụng được bắt đầu bởi PV Narasimha Rao và tiếp tục bởi Atal Bihari Vajpayee của Đảng Bharatiya Janata. Trong bài phát biểu trước 120 người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao của Ấn Độ tại New Delhi năm 2013, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhấn mạnh những nguyên tắc hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ:

- Đầu tiên, Chính sách đối ngoại của Ấn Độ được xác định dựa trên các ưu tiên phát triển của đất nước Ấn Độ. Mục tiêu quan trọng của chính sách đối ngoại Ấn Độ là tạo ra một môi trường toàn cầu có lợi cho sự phát triển toàn diện của Ấn Độ[161].

- Thứ hai, Ấn Độ chủ động, tăng cường hội nhập lớn hơn với nền kinh tế thế giới và phát huy tiềm năng sáng tạongười dân của Ấn Độ[161].

- Thứ ba, Ấn Độ tìm kiếm mối quan hệ ổn định, lâu dài và cùng có lợi với tất cả các cường quốc. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế để tạo ra một môi trường kinh tế và an ninh toàn cầu có lợi cho tất cả các quốc gia[161].

- Thứ tư, Tăng cường hợp tác và kết nối khu vực lớn hơn nhằm hướng tới sự phát triển của tiểu lục địa Ấn Độ [161].

- Thứ năm, chính sách đối ngoại của Ấn Độ được xác định bởi lợi ích của quốc gia và các giá trị có lợi nhất đối với người dân Ấn Độ. Ấn Độ theo đuổi phát triển kinh tế trong khuôn khổ của một nền dân chủ đa nguyên, thế tục và tự do xây dựng một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.[161]

Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng, mô hình chính sách đối ngoại của Ấn Độ được xây dựng dựa trên quyền tự chủ chiến lược, không liên kết và giải quyết các vấn đề thông qua ngoại giao, phát triển kinh tế của đất nước phải tuân thủ khuôn khổ các nguyên tắc đã xác định. Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh rằng chính phủ UPA đã tìm cách thiết lập lại cơ bản những nội dung chính sách đối ngoại của Ấn Độ, dựa trên các ưu tiên quốc gia cũng như vai trò và vận mệnh của Ấn Độ đối với các vấn đề thế giới.

Những nội dung và nguyên tắc chính sách đối ngoại của Ấn Độ mà Thủ tướng Manmohan Singh được đưa ra phù hợp với xu thế vận động của tình hình quốc tế, khu vực, với bối cảnh và lợi ích quốc gia của Ấn Độ trong tình hình mới, góp phần định hình chính sách đối ngoại Ấn Độ trong thế kỷ XXI. Kinh tế là mục tiêu trung tâm trong chính sách đối ngoại của Thủ tướng Manmohan Singh, đó là quá trình chuyển đổi của Ấn Độ sang nền kinh tế tự do hơn vào thế kỷ XXI.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 41 - 45)