Các hướng ưu tiên của chính sách đối ngoại

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 64 - 66)

Để thực hiện các mục tiêu trên, Ấn Độ xác định các hướng ưu tiên sau:

Ưutiên hàng đầutrong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là phát triển quan hệ với các nước láng giềng thuộc khu vực Nam Á. Đây làưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ bởi lẽ việc phát triển quan hệ tốt đẹp với các nước này sẽ góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và đặc biệt là an ninh quốc gia của Ấn Độ, tăng cường hợp tác với các quốc gia Nam Á không chỉ giúp Ấn Độ phát triển kinh tế đối ngoại và thương mại với khu vực, mà còn góp phần thúc đẩy việc giải quyết các bất đồng, tranh chấp với các nước khu vực như vấn đề Kashmir và đối phó với chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia. Tại khu vực, Ấn Độ đã thiết lập cơ chế quan hệ đa phương với các nước Nam Á thông qua Hiệp hội Nam Á vì hợp tác khu vực (SAARC).

Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, S.M.Krishna, đã khẳng định chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các nước Nam Á là: “Ấn Độ cam kết thực hiện chính sách đối ngoại mật thiết và thân thiện với tất cả các nước Nam Á, với những quốc gia mà chúng ta cùng chung vận mệnh. Do đó, mục tiêu cốt lõi trong chính sách láng giềng của chúng ta là góp phần tạo lập khu vực Nam Á hòa bình và thịnh vượng được thực hiện thông qua việc hội nhập và liên kết kinh tế, tương tác giữa nhân dân các nước, củng cố đối tác song phương, tiểu vùng và khu vực”[144].

Ưu tiên thứ hai trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là quan hệ với các nước lớn. Việc nâng cấpquan hệ chiến lược với các nước lớn lên mức cao hơn tạo điều kiện cho Ấn Độ củng cố lại vị trí của mình trên bản đồ chính trị thế giới, củng cố sự thừa nhận Ấn Độ như một nước lớn khu vực. Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong chính sách đối ngoạivới các nước lớn.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ và là một trong những cường quốc quan trọng có tầm ảnh hưởng lớn đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là đối thủ cạnh tranh vị trí lãnh đạo khu vực lớn nhất của Ấn Độ. Ngoài ra, trong quan hệ giữa hai nước vẫn còn những bất đồng trong tranh chấp biên giới vẫn chưa được giải quyết. Trong khi đó, những năm đầu thế kỷ XXI, Trung Quốc ngày càng có nhiều biểu hiện, hành động quyết

đoán thậm chí có xu hướng bạo lực trong việc giải quyết tranh chấp biên giới, lãnh thổ với các nước trong khu vực. Trong quan hệ với Trung Quốc, một mặt Ấn Độ coi trọng hợp tác kinh tế nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế của chính Ấn Độ. Mặt khác, Ấn Độ tiếp tục giữ thái độ cảnh giác và kiên quyết trong việc xử lý tranh chấp với Trung Quốc để đảm bảo an ninh quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ của mình. Quan hệ Ấn - Trung là mối quan hệ tương đối phức tạp, trong đó, Ấn Độ vừa thúc đẩy hợp tác vừa thực hiện chiến lược kiềm chế đối với cường quốc đầy tham vọng này.

Đối với Mỹ, trong bối cảnh cục diện thế giới đang thay đổi nhanh chóng và đặt ra nhiều thách thức mới đối với cả Mỹ và Ấn Độ, bất kể những khác biệt và bất đồng còn tồn tại, Ấn Độ ngày càng tìm thấy nhiều điểm tương đồng để phát huy quan hệ đối tác chiến lược hiện nay với Mỹ và hướng tới sự đồng thuận chiến lược vì lợi ích chung của cả hai bên cũng như lợi ích riêng của Ấn Độ. Ấn Độ muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Mỹ trong nhiều lĩnh vực, như thương mại, năng lượng, khoa học - công nghệ, công nghiệp quốc phòng, qua đó hiện đại hóa lực lượng quốc phòng. Đồng thời, Ấn Độ muốn tranh thủ vai trò, ảnh hưởng của Mỹ trong cộng đồng quốc tế để nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của mình nhằm xác lập vị thế nước lớn, hướng tới mục tiêu trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Đối với Liên Bang Nga, Ấn Độ cũng sẽ ưu tiên cho mối quan hệ truyền thống này vì Nga nắm giữ quyền phủ quyết trong Hội đồng Bản an Liên hợp quốc. Tuy nhiên, Ấn Độ cũng có những điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh mới. Dựa vào kinh nghiệm lịch sử trong mối quan hệ với Liên Xô trước đây, trong mối quan hệ với Liên bang Nga, Ấn Độ sẽ thể hiện tính chất năng động hơn, ít bị phụ thuộc hơn.

Ưu tiên thứ ba của Ấn Độ đó chính là khu vực Trung Đông, vì đây là khu vực có ý nghĩa quyết định đối với an ninh năng lượng và sự phát triển kinh tế nhờ một lượng lớn kiều hối từ khu vực và sự gia tăng thương mại giữa Ấn Độ với các nước trong khu vực. Ấn Độ có lợi ích quan trọng trong sự ổn định của Vùng Vịnh. Trung Đông là nơi khởi nguồn và là trung tâm tôn giáo của Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo. Vùng này từng trải qua các giai đoạn bạo lực, các cuộc nội chiến, xung đột vũ trang giữa các phe cánh, sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, tội phạm từ Trung Đông sang Trung Á và Nam Á… trở thành khu vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa đến an ninh và sự phát triển chung của Ấn Độ.

Ưu tiên chiến lược thứ tư và cũng là đặc điếm nối bật trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay, đó là khu vực Đông Á,

trong đó có Đông Nam Á. Vị trí của khu vực Đông Nam Á và Đông Á được thể hiện rõ nét trong Chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Trong chính sách này, Ấn Độ đặt trọng tâm quan hệ với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 64 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)