Đối với Liên bang Nga

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 90 - 95)

Nếu trước kia trong trật tự hai cực Ianta, Ấn Độ đã nghiêng hẳn về phương Đông, đối lập với phương Tây thì hiện nay Ấn Độ đã khéo léo hơn trong chính sách ngoại giao mềm dẻo của mình. Ấn Độ thực hiện cân bằng với các nước lớn. Bên cạnh những người bạn mới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… Ấn Độ vẫn muốn giữ lại bên mình một đối tác cũ đó là Nga. Quan hệ với Nga, Ấn Độ vẫn tiếp tục có lợi về nhiều mặt như quân sự, vũ khí, dầu mỏ.

* Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Ấn Độ còn khẳng định Nga là một thành viên chủ chốt và hoàn toàn tích cực trong cộng đồng quốc tế, là một nước có tiếng nói trọng lượng đối với tất cả các vấn đề toàn cầu. Năm 2004, Ấn Độ và Nga đã ký một tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh tăng cường hợp tác giữa hai nước và hơn 10 văn kiện khác về hợp tác trên các lĩnh vực quan hệ song phương... Ngoài ra, phía Ấn Độ cũng ủng hộ mạnh mẽ Nga gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO); ngược lại, phía Nga khẳng định: Ấn Độ là một thành viên chủ yếu và có ảnh hưởng tới cộng đồng quốc tế. Nga tuyên bố và coi Ấn Độ là một ứng cử viên sáng giá cho chiếc ghế thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng. Ấn Độ và Nga cũng cam kết phối hợp hành động để tiến tới mục tiêu một thế giới đa cực.

Trong năm 2005, Thủ tướng Manmohan Singh và các quan chức nhà nước Ấn Độ đã có nhiều chuyến thăm tới Liên bang Nga, mục đích nhằm xây dựng các biện pháp tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương, tạo động lực phát triển trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, năng lượng quốc phòng và chinh phục vũ trụ. Trong các vấn đề quốc tế, hai bên cho rằng cần phát triển đối thoại vì một nền hòa bình, an ninh, ổn định và phồn vinh tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ cũng đã chủ động đề cập đến các về vấn đề tăng cường hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố. Tổng thống Nga V.Putin đánh giá quan hệ giữa Nga và Ấn Độ mang tầm chiến lược và cần tiếp tục phát triển mối quan hệ này.

Tại Hội nghị thượng đỉnh G8 năm 2006, lãnh đạo ba nước Nga - Trung - Ấn lần đầu tiên tổ chức cuộc gặp ba bên để thảo luận việc thành lập liên minh chiến lược. Hợp tác chiến lược này hình thành sẽ thúc đẩy quan hệ ba nước phát triển, tăng cường hiểu biết và phối hợp lẫn nhau trong các vấn đề lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Điều này có lợi cho việc khơi dậy chủ nghĩa đa phương, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế. Sau Hội nghị, liên minh chiến lược Nga - Trung - Ấn đã bước đầu đi vào thực chất. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh nêu rõ: “một trong sự phát triển nổi bật của thế kỷ XXI là ba nước Nga - Trung - Ấn cùng lúc trở thành các nền kinh tế quan trọng châu Á[133; tr.81]. Ba nước đã nhấn mạnh sự cần thiết nhanh chóng khởi động các dự án hợp tác cụ thể. Đối với cả ba nước thì viễn cảnh của liên minh chiến lược Nga- Trung - Ấn là hết sức hấp dẫn và thu hút, đưa lại lợi ích cho cả ba bên trên các lĩnh vực chính trị và kinh tế. Thông qua hợp tác trong liên minh, mối quan hệ Ấn - Nga càng được củng cố và phát triển.

Bên cạnh các cuộc họp thượng đỉnh hàng năm, hợp tác chính trị, ngoại giao giữa Ấn Độ và Nga ngày càng được tăng cường nhiều hơn dưới hình thức tổ chức các cuộc hội đàm cấp bộ trưởng cũng như cấp chuyên gia về chống khủng bố, ủng hộ nhau các vấn đề Kashimir, Chechnya, giải quyết vấn đề Afghanistan, Trung Á, hợp tác liên thể chế... Cả hai nước đều có các quan điểm chung về các vấn đề khu vực và quốc tế, phối hợp với nhau trên các diễn đàn khu vực, thế giới. Hai nước đã ký được hàng loạt thỏa thuận quan trọng trong các lĩnh vực như: hợp tác thăm dò Mặt trăng, sản xuất máy bay chiến đấu mới, trấn áp buôn lậu ma túy,xây dựng các lò phản ứng hạt nhân...

Sự hợp tác giữa Ấn Độ và Nga hiện mang tính chất đối tác chiến lược, đóng một vai trò nhất định trong đường lối đối ngoại của cả hai nướcvà đâylà một trong những phương hướng ưu tiên trong chính sách đối ngoại của hai nước. Hai nước có thái độ

trùng hợp về hầu như tất cả các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, tiềm năng quan hệ kinh tế Nga - Ấn Độ vẫn chưa được tận dụng triệt để. “Năm Ấn Độ tại Liên bang Nga” 2009 là một dấu ấn trong quan hệ hai nước, sự. Thủ tướng Manmohan Singh có chuyến công du tới Nga, đây là chuyến đi mang nhiều ý nghĩa. Thủ tướng Manmohan Singh đã đề cập đến nhiều triển vọng trong quan hệ hai nước. Ông đã ví Nga là người bạn lớn của Ấn Độ, qua đó minh chứng vị trí của Nga trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ và mong muốn quan hệ đối tác chiến lược giữa Nga và Ấn Độ tiến lên tầm cao hơn. Còn đối với Nga, Tổng thống V.Putin đã nhấn mạnh rằng quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ấn Độ là những ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Nga.

Mối quan hệ Nga - Ấn càng được củng cố hơn sau chuyến thăm Nga vào cuối tháng 10-2013 của Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh. Vượt qua những khó khăn của tình hình chính trị và kinh tế trên thế giới, tình hữu nghị, sự tin tưởng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là những nhân tố chính giúp quan hệ đối tác chiến lược đặc biệt giữa Nga và Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển sâu rộng. Hai bên nhất trí mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghệ tên lửa, hải quân và các hệ thống vũ khí, mở rộng quan hệ hợp tác năng lượng. Quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Nga và Ấn Độ không chỉ phát triển trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng, mà còn được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác. Năm 2014, Nga và Ấn Độ đã ký kết 20 thỏa thuận hợp tác có trị giá hàng tỷ USD trong các lĩnh vực công nghệ, năng lượng hạt nhân, dầu khí, hợp tác quốc phòng. Có thể thấy rằng, quan hệ giữa hai nước ngày càng được củng cố bền vững và sâu sắc hơn. Ấn Độ khẳng định, mặc dù tính chất quan hệ chính trị và quốc tế toàn cầu đang thay đổi, nhưng quan hệ Nga - Ấn và vị trí của Nga trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ vẫn không thay đổi, tầm quan trọng của mối quan hệ này đối với cả hai nước sẽ tiếp tục phát triểnmạnh hơn nữa.

* Trên lĩnh vực kinh tế

Ấn Độthấy được những tiềm năng lớn trong việc hoạch định phát triển trên lĩnh vực thương mại song phương và đầu tư vớinền kinh tế Nga. Chính phủ Ấn Độ đã thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy đầu tư song phương, chủ yếu thông qua quá trình chính phủ tạo điều kiện cho doanh nghiệp và kinh doanh đầu tư trong các lĩnh vực chiến lược trong cả nước.Những nỗ lực đặc biệt nhằm thúc đẩy thương mại song phương đang được Ấn Độ tập trung vào các lĩnh vực: năng lượng, dược phẩm, thép, hydrocarbon, sản phẩm hàng không, phân bón và thực phẩm. Quan hệ thương mại song phương hai nước duy trì tốc độ phát triển đều đặn từ 2,18 tỷ USD năm 2004 lên

11,04 tỷ USD năm 2012, tuy nhiên trong hai năm 2013-2014 do biến động của nền kinh tế thế giới đã ảnh hưởng không nhỏ tới quan hệ thương mại giữa hai nước, tổng kinh ngạch xuất nhập khẩu hai nước trong hai năm lần lượt là 10,1 tỷ USD năm 2013 và 9,5 tỷ USD năm 2014[167; tr.2]. Các khoản đầu tư của Ấn Độ tích lũy ở Nga trong giai đoạn 2004-2014 được ước tính khoảng 8 tỷ USD,các khoản đầu tư của Nga tại Ấn Độ tổng số khoảng 4 tỷ USD[167; tr.2].

Hai quốc gia thường xuyên tiến hành hội đàm trên các lĩnh vực thương mại giữa hai nước, nhằm thúc đẩy hơn nữa hiệu quả quá trình hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại. Ngày 29-4-2013, tại Moscow đã diễn ra cuộc họp giữa Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ và Phó Thủ tướng Nga bàn về những vấn đề cơ bản trong diễn đàn thương mại và đầu tư Ấn Độ - Nga, hai bên đã thống nhất đưa ra các cơ chế để thúc đẩy kinh doanh trực tiếp song phương giữa Ấn Độ và Nga.Trong chuyến thăm Ấn Độ ngày 11-12- 2014, Tổng thống V.Putin khẳng định: Ấn Độ là một trong những nền kinh tế hàng đầu của châu Á và khu vực này đang phát triển nhộn nhịp và bền vững. Nga muốn củng cố hợp tác với Ấn Độ và sẽ trở thành nhà cung cấp năng lượng số một của Ấn Độ, cũng như châu Á.

* Hợp tác phát triển trên lĩnh vực an ninh - quốc phòng

Theo Thủ tướng Manmohan Singh, mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn Độ - Nga không ngừng được củng cố và phát triển nhờ mối quan hệ hữu nghị, chân thành cũng như tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân, lãnh đạo cấp cao hai nước. Thủ tướng chorằng, mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, phù hợp với những thay đổi của thế giới. Đồng thời, Nga sẽ vẫn là một đối tác không thể thiếu đối với nhu cầu quốc phòng của Ấn Độ và quan hệ hợp tác quốc phòng trong tương lai của hai nước phải dựa trên sự tăng cường các hoạt động chuyển giao công nghệ, liên doanh và hợp tác phát triển cũng như hợp tác sản xuất.

Đây là những tuyên bố thật sự có ý nghĩa đối với quan hệ Nga - Ấn sau một thời gian Ấn Độ hướng tới các nhà cung cấp mới như Mỹ và Israel cho “phần cứng” của quân sự nước này, tạonên mối e ngại đối với Nga, quốc gia được xem là nhà cung cấp chính, truyền thống về các thiết bị quốc phòng cho Ấn Độ.

Tháng 12-2009, Thủ tướng Manmohan Singh đã có chuyến thăm Nga và nhất trí với bản phác thảo hợp đồng mua bán vũ khí trị giá 10 tỷ USD giữa hai nước, đồng thời, ký kết các hợp đồng mua vũ khí của Nga, gồm máy bay chiến đấu và lắp đặt tên lửa. Thủ tướng Manmohan Singh phát biểu: “Hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng là

một lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa Nga và Ấn Độ. Chúng tôi có thể mua những thiết bị và công nghệ từ Nga - những thứ mà chúng tôi không thể mua được từ các nước khác”[52]. Tổng thống Nga D.Medvedev và Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh cũng đã thông qua Tuyên bố chung về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu. Tuyên bố chung nêu rõ, Nga và Ấn Độ sẽ củng cố và mở rộng một cách toàn diện mối quan hệ hữu nghị, truyền thống và tin cậy giữa hai nước, trên cơ sở coi đây là nhân tố bảo đảm hòa bình, an ninh trong khu vực và thế giới, đáp ứng lợi ích của cả hai bên. Nga và Ấn Độ có chung đánh giá về những thay đổi cơ bản diễn ra trên thế giới, mang lại không chỉ những thách thức và nguy cơ mới, mà còn tạo ra khả năng để xây dựng một trật tự thế giới mới dân chủ và công bằng, dựa trên các nguyên tắc tập thể và luật pháp quốc tế, phù hợp với những mục tiêu và nguyên tắc do Hiến chương Liên hợp quốc quy định. Tuyên bố chung khẳng định, Ấn Độ ủng hộ những nỗ lực của Nga trong cuộc đấu tranh chống khủng bố, và trong việc duy trì hòa bình và ổn định tại khu vực.

Ngày 24-12-2012, là chuyến công du đầu tiên của ông V.Putin đến Ấn Độ đã nhấn mạnh mối quan tâm của Nga với Ấn Độ, đồng minh lâu năm trong khu vực và hiện tại là một đối tác quan trọng trong BRICS - nhóm những quốc gia mới nổi, hoạt động như lực lượng đối trọng với các nền kinh tế phát triển phương Tây. Sau chuyến thăm, Ấn Độ và Nga đã ký những thỏa thuận trị giá hàng tỷ USD. Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh thông báo, Nga sẽ bán cho Ấn Độ 71 chiếc máy bay quân sự MI-17 V-5, trị giá 1,3 tỷ USD, bộ thiết bị lắp ráp cho 42 chiến đấu cơ phản lực Sukhoi SU- 30MKI trị giá 1,9 tỷ USD[15]. Những thỏa thuận này đã phá tan những lo ngại về việc Nga đang mất dần ảnh hưởng trên thị trường Ấn Độ. Thủ tướng Manmohan Singh khẳng định, Nga là đối tác chính của Ấn Độ trong nỗ lực nhằm hiện đại hóa lực lượng quân sự, cũng như tăng cường khả năng phòng thủ của quân đội nước này. Thủ tướng Manmohan Singh gọi Nga là một “người bạn giá trị” và mối quan hệ hữu nghị với Nga luôn chiếm một phần đặc biệt trong trái tim và tâm hồn của người dân Ấn Độ.

Từ sau Chiến tranh lạnh, trong xu thế hội nhập quốc tế cũng như xuất phát từ những lợi ích chung giữa hai nước, Ấn Độ và Nga đã chủ động bắt tay nhau để xây dựng đất nước của mình thành những quốc gia giàu mạnh, có vị thế và uy tín đối với thế giới. Một phương thức mới trong quan hệ giữa hai nước đã được thiết lập, mối quan hệ đối tác chiến lược Ấn- Nga đã khác với mối quan hệ đồng minh thời kỳ trước. Nếu Ấn Độ muốn tăng cường tiềm năng quân sự và hiện đại hóa quân đội thì không thể không trông cậy

vào Nga. Nếu Nga muốn tập hợp lực lượng để ngăn chặn vị thế độc tôn của Mỹ thì không thể không tìm đến Ấn Độ. Cả hai nước không chỉ trở thành đối tác chiến lược của nhau mà còn liên tục nâng tầm hợp tác lên một bước cao hơn.

Ấn Độ và Nga đang trong quá trình thể chế hoá các quan hệ giữa hai nước. Việc hình thành các nhóm công tác khác nhau để điều chỉnh các tiến trình trên các mặt chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật và văn hoá sẽ góp phần tăng cường các mối quan hệ song phương giữa hai nước. Sự bền vững cũng như mức độ của quan hệ Nga - Ấn phụ thuộc vào việc Ấn Độ sẽ cân bằng chính nó như thế nào trong khi luôn muốn tăng cường quan hệ gần gũi với Mỹ và phương Tây, đồng thời cũng muốn duy trì quan hệ truyền thống với Nga.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 90 - 95)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)