Chính sách đối ngoại của Ấn Độ trước năm 2004

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 55)

* Giai đoạn trong Chiến tranh Lạnh

Ngay từ khi mới giành được quyền tự trịnăm 1947, Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã đề ra những phương hướng chính trong chính sách đối ngoại là “chung sống hòa bình, tự lực tự cường và hợp tác, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, không liên kết, ủng hộ phi thực dân hóa, giải trừ vũ khí, xây dựng trật tự kinh tế quốc tế công bằng và đấu tranh trên toàn cầu chống phân biệt chủng tộc”[22]

Ấn Độ đã có nhiều sáng kiến, đóng góp trên các diễn đàn đa phương đồng thời tham gia tích cực vào giữ gìn hòa bình khu vực và quốc tế. Uy tín quốc tế của Ấn Độ được đề cao, đến đầu năm 1950 đã có 39 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngoài việc thiết lập quan hệ với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa khác, Ấn Độ là nước đầu tiên công nhận Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Ấn Độ còn đóng vai trò nòng cốt trong việc thành lập Mặt trận các nước châu Á chống chủ nghĩa đế quốc thực dân, tạo thành lực lượng mới trỗi dậy tại diễn đàn Liên hợp quốc.

Tháng 6-1954, Thủ tướng Ấn Độ J.Nehru đã cùng Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai đề ra “Năm nguyên tắc chung sống hòa bình”(Panch Sheel) nổi tiếng: (1) tôn trọng toàn vẹnlãnh thổ và chủ quyền của nhau; (2) không tấn công nhau; (3) không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; (4) bình đẳng và cùng có lợi; (5) cùng tồn tại hòa bình[18]. Năm nguyên tắc này không chỉ đặt cơ sở cho quan hệ Ấn - Trung mà còn cho quan hệ quốc tế của các nước châu Á - Phi và trở thành nền tảng của chính sách đối ngoại Ấn Độ. “Năm nguyên tắc” đã được phát triển thành “Mười nguyên tắc Bandung“ tạiHội nghị Á - Phi ở Indonesia tháng 4-1955. Tại đây, Ấn Độ đã khẳng định lập trường chống chủ nghĩa thực dân và góp phần gìn giữ Hội nghị không đi chệch khỏi vấn đề cốt lõi đó. Những nguyên tắc Bangdung đã trở thành cơ sở cho tư tưởng không liên kết.

Ấn Độcùng Inđônêxia, Nam Tư, Ai Cập và Ghana sáng lập Phong trào không liên kết tại khóa họp XV Đại hội đồng Liên hợp quốcnăm 1960. Hoạt động này đã dẫn đến việc triệu tập Hội nghị cấp cao các nước không liên kết lần thứ nhất ở Bengrat (Nam Tư) vào năm 1961. Tiêu chuẩn cơ bản của một nước không liên kết, theo Ấn Độ là thực hiện chính sách độc lập trên những nguyên tắc chung sống hòa bình và không liên kết, luôn ủng hộ phong trào độc lập dân tộc, không tham gia liên minh quân sự. Sau khi J.Nehru qua đời, các nhà lãnh đạo Ấn Độ vẫn tiếp tục thực hiện đường lối không liên kết đó. Ấn Độ luôn đóng vai trò quan trọng trong Phong trào không liên kết.

Vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX, khi tình hình thế giới và khu vực gặp phải những thử thách phức tạp, Ấn Độ sẵn sàng nhận trách nhiệm đăng cai Hội nghị cấp cao Phong trào không liên kết lần thứ bảy ở New Delhi. Từ diễn đàn này, Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi xác định rõ nội dung tư tưởng không liên kết: “Không liên kết không có nghĩa là mơ hồ, trung lập; không liên kết có nghĩa là độc lập dân tộc và tự do. Chúng ta chủ trương hòa bình, bình đẳng giữa các dân tộc, đòi dân chủ hóa các quan hệ kinh tế về kinh tế cũng như chính trị”[53; tr.26].

* Giai đoạn sau Chiến tranh Lạnh

Sau Chiến tranh Lạnh, Ấn Độ đã có sự điều chỉnh chiến lược chính sách đối ngoại của mình do tác động của khủng hoảng trong nước và những biến động vô cùng to lớn trên thế giới tác động manh mẽ. Sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu và Liên Xô đã có ảnh hưởng to lớn đến vai trò của Phong trào không liên kết. Vị thế của Ấn Độ với tư cách là một trong những nước lãnh đạo của Phong trào không liên kết cũng bị suy giảm trên trường quốc tế.

Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Ấn Độ rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi mất đi nguồn viện trợ và thị trường xuất khẩu chính là Liên Xô. Cùng với đó, những tranh chấp và mâu thuẫn trong lịch sử về biên giới, dân tộc, tôn giáo ở khu vực Nam Á làm cho mối quan hệ giữa các quốc gia trong khu vực luôn trong tình trạng căng thẳng, đặc biệt là quan hệ giữa Ấn Độ và Pakistan, mối quan hệ chi phối các quan hệ và hợp tác trong khu vực. Trước tình hình đó, Ấn Độ đã quyết định điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình trên cơ sở thực hiện ngoại giao toàn diện. Nội dung chính của chính sách này là coi trọng quan hệ với các nước đang phát triển, các nước lớn, lấy “ngoại giao kinh tế” làm trọng tâm để phục vụ mục tiêu phát triển đất nước. Nói cách khác, đây có thể coi là sự điều chỉnh mang tính đồng bộ nhưng không phải là sự thay đổi chính sách đối ngoại. Đường lối đối ngoại hòa bình, kiên trì không liên kết vẫn được giữ vững nhưng hướng chính sách đối ngoại phục vụ nhiệm vụ chiến lược phát triển kinh tế. Thủ tướng Narasimha Rao đã xác định cácmục tiêu của chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong thời kỳ này là: (i) Bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia; (ii) Tạo môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển kinh tế; (iii) Tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới nhằm tranh thủ vốn đầu tư và kỹ thuật cao; (iv) Đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và hội nhập toàn cầu; (v) Nâng cao vai trò và vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc ở châu Á và thế giới vào đầu thế kỷ XXI, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới[40; tr.114].

Ngay sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Ấn Độ đã đưa ra và triển khai chính sách “ngoại giao kinh tế” đã chứng tỏ một sự nhận thức mới trong các nhà hoạch định chính sách ngoại giao ở Ấn Độ. Nó trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của chính sách đối ngoại Ấn Độ trong thời kỳ này. Trong những bài phát biểu của Thủ tướng N.Rao trong cuộc họp Quốc hội ngày 3-9-1992: “Thế giới đã thay đổi, các nước đều đã thay đổi và không có gì có thể biện minh nếu Ấn Độ không thay đổi. Chúng ta phải điều chỉnh và có cách đề cập thực tế, nhưng chúng ta không bao giờ thay đổi nguyên tắc và mục tiêu”[40; tr121].

Một điểm nổi bật trong những điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ giai đoạn này là sự ra đời của chính sách hướng Đông vào năm 1992. Việc ra đời chính sách hướng Đông nằm trong tính toán chiến lược lâu dài của Ấn Độ là vươn ra khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Trọng tâm của chính sách này là khu vực Đông Á, đặc biệt là các nước Đông Nam Á. Ấn Độ triển khai chính sách hướng Đông một

cách toàn diện, bao gồm cả lĩnh vực chính trị - ngoại giao, an ninh - quân sự, kinh tế, văn hóa và hợp tác tiểu khu vực. Về cơ bản, mục tiêu chính yếu Ấn Độ muốn đạt được qua chính sách này là đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc kinh tế và quân sự không chỉ ở cấp khu vực mà trên phạm vi toàn cầu. Có thể nói chính sách hướng Đông đã và đang có một tác động xuyên suốt và quyết định đến chính sách đối ngoại của Ấn Độ với từng đối tác cụ thể.

Tháng 3-1998, Thủ tướng Atal Bihari Vajpayee lên cầm quyền đã có nhận thức rõ ràng: Ấn Độ muốn bảo vệ một lý tưởng, cần phải có sức mạnh, năng động, đưa ra những chính sách cứng rắn để xây dựng sức mạnh trên mọi lĩnh vực, lấy lại vị thế mới. Do vậy, Ấn Độ đã điều chỉnh chính sách đối ngoại vượt ngoài truyền thống, bỏ nhân nhượng một chiều, nhấn mạnh có đi có lại.

Mặc dù đã có những chuyển hướng tích cực, nhưng cho tới nửa đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, chính sách đối ngoại Ấn Độ vẫn chưa theo kịp những chuyển biến nhanh chóng của tình hình thế giới. Ví dụ điển hình nhất là sự thất bại của Ấn Độ trong cuộc bầu cử một đại diện châu Á vào chiếc ghế Ủy viên không thường trực tại Hội đồng bảo an Liên hợp quốc vào năm 1996. Điều này đã tác động không nhỏ đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Và Ấn Độ xác định rằng, trong quan hệ quốc tế ngày nay, có tiếng nói một quốc gia trong các vấn đề quốc tế chỉ có trọng lượng khi quốc gia đó hội đủ sức mạnh tổng hợp của hai yếu tố kinh tế và quân sự, nếu không thì cũng phải có được một trong hai yếu tố. Ấn Độ đã không có cả sức mạnh kinh tế lẫn quân sự. Vì vậy, dù có thái độ đối xử sự đúng mực trong quan hệ quốc tế, Ấn Độ cũng không thể gặt hái được những thành công như sự mong đợi, việc hoạch định chiến lược ngoại giao của Ấn Độ phải xuất phát từ thực tế trên. Sau khi tiến hành các vụ thử nghiệm năm 1998, Ấn Độ tự xưng là có năng lực vũ khí hạt nhân. Ấn Độ đề cao năng lực của vũ khí hạt nhân là một phần không thể thiếu trên con đường trở thành một cường quốc của mình và vì thế chương trình phát triển vũ khí hạt nhân cũng trở thành tâm điểm chính trong học thuyết phát triển, đối ngoại và an ninh của Ấn Độ.

Với đường lối độc lập tự chủ, khôn khéo, linh hoạt, theo đuổi chính sách ngoại giao thực dụng, năm 1999 Chính phủ Ấn Độ đã phá thế bế tắc trong đối thoại hạt nhân với Mỹ và các nước chủ chốt, phá vỡ được thế bị cô lập và từng bước nâng cao vị thế Ấn Độ trên trường quốc tế. Thủ tướng Ấn Độ B.Vajpayee khẳng định rằng: “Mục đích thử vũ khí hạt nhân của chúng ta là để tự vệ, chúng ta sẽ

không bao giờ là người đầu tiên sử dụng vũ khí hạt nhân, không bao giờ sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công nước khác. Một số quốc gia thực hiện cấm vận về kinh tế với chúng ta, nhưng tình hình sẽ dần thay đổi. Chúng ta có trách nhiệm làm cho thế giới hiểu về mục đích thực sự của chúng ta và chúng ta sẽ chào đón những thay đổi toàn cầu ấy.”[153]

Mặc dù có những điều chỉnh trong chính sách đối ngoại trước những thay đổi của tình hình thế giới, song Ấn Độ vẫn không từ bỏ những quy tắc, mục đích mà Ấn Độ đã đề ra trước đó. Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, để tránh khỏi bị lôi cuốn vào quỹ đạo của Mỹ hoặc Liên Xô, Ấn Độ đã chọn con đường đi giữa cho chính sách đối ngoại của mình và xuất hiện trên vũ đài quốc tế như một nước lãnh đạo của các nước thuộc thế hệ thứ ba, đứng giữa hai hệ thống đế quốc chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, để phục vụ công cuộc cải cách kinh tế ở trong nước và để thích ứng với sự thay đổi của tình hình quốc tế, Ấn Độ đã thực hiện chính sách đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ ngoại giao.

Tuy nhiên, với ý thức độc lập tự cường mạnh mẽ, tuy điều chỉnh nhưng Ấn Độ không từ bỏ những nguyên tắc của mình. Trong thực tế, Ấn Độ đã tỏ ra kiên quyết trong một số vấn đề như thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vấn đề Kashmir, đặc biệt là vấn đề thử nghiệm vũ khí hạt nhân - một vấn đề trái với chiến lược toàn cầu của Mỹ. Nếu như Ấn Độ nhượng bộ vấn đề này, Ấn Độ có thể nhận được sự trợ giúp nhiều hơn về mặt kinh tế từ phía Mỹ và những nước đồng minh của Mỹ để phục vụ cho công cuộc cải cách kinh tế của mình, nhưng dù điều chỉnh chính sách, Ấn Độ vẫn không thay đổi điều này.

Sau Chiến tranh lạnh, Ấn Độ đẩy mạnh chiến lược ngoại giao đa dạng, đa phương, tạo những bước đột phá trong quan hệ quốc tế. Theo đó, Ấn Độ tăng cường tiến hành một loạt các cuộc gặp thượng đỉnh trải rộng từ châu Âu sang châu Á, xích lại gần hơn với Mỹ, Nhật Bản và các nước lớn chủ chốt còn lại như Nga, Trung Quốc, tiếp tục đẩy mạnh chính sách hướng Đông, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Nam Á và Đông Nam Á.

Ấn Độ chủ trương tiếp tục củng cố và phát huy vai trò nước lớn ở khu vực Nam Á, hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của các nước lớn tại đây, tăng cường hợp tác kinh tế thông qua các chương trình viện trợ, đầu tư và buôn bán song phương với các nước trong khu vực Nam Á. Chủ động giải quyết các bất đồng, tranh chấp giữa các nước trong khu vực, Ấn Độ cũng khẳng định không có tham vọng về bành

trướng lãnh thổ, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ về khoa học - công nghệ với các nước láng giềng thân thiện.

Ấn Độ coi trọng quan hệ với khu vực Đông Nam Á nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Ấn Độ và hạn chế vai trò ảnh hưởng của các nước lớn khác tại đây như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản. Ấn Độ đánh giá khu vực Đông Nam Á là một thị trường rộng lớn, quan trọng đối với chính sách hướng Đông của Ấn Độ. Quan hệ Ấn Độ - ASEAN đã có truyền thống lâu đời, năm 1992 Ấn Độ trở thành đối tác đối thoại của ASEAN. Trong điều kiện khi Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC) chưa có hiệu quả ở khu vực thì sự hợp tác Ấn Độ với các nước Đông Nam Á là rất quan trọng.

Ấn Độ là một cường quốc có vũ khí hạt nhân, có nhiều thế mạnh về phát triển kinh tế, có thế mạnh trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật và quân sự. Hơn một thập niên qua, Ấn Độ đã vươn lên khẳng định vị thếcủa mình trên bàn cờ chiến lược thế giớivà đang có những bước đi phù hợp với những xu thế mới. Ấn Độ có đầy đủ điều kiện thực hiện tham vọng đóng vai trò là một cường quốc ở khu vực và trên thế giới trong thế kỷ XXI. Ấn Độ ngày càng chú trọng đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xác định vị trí quan trọngcủa khu vực này trong chiến lược phát triển và vươn lên khẳng định vai trò cường quốc thế giới của Ấn Độ.

Tóm lại, mục tiêu chính sách đối ngoại xuyên suốt của Ấn Độ trong thời kỳ này là bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia; tạo môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển kinh tế đưa Ấn Độ trở thành cường quốc ở châu Á và thế giới vào những thập niên đầu của thế kỷ XXI, giành vị trí xứng đáng trong trật tự thế giới mới. Ấn Độ xúc tiến cải cách kinh tế, mở cửa mạnh mẽ cho đầu tư nước ngoài, thực hiện chính sách ngoại giao cân bằng với tất cả các nước lớn. Nỗ lực phát triển quan hệ với tất cả các trung tâm quyền lực, không để bị lôi kéo vào các liên minh chống đối nhau. Tách khỏi xu hướng thân Liên Xô trước đây nhưng vẫn coi trọng Nga, coi đây là nguồn cung cấp kỹ thuật quân sự chủ yếu và là chỗ dựa làm đối trọng trong quan hệ với Mỹ, Trung Quốc. Coi Mỹ là đối tượng số một cần tranh thủ về vốn và kỹ thuật cao nhưng vẫn đề cao cảnh giác. Coi Trung Quốc là thách thức số một về an ninh và toàn vẹn lãnh thổ, là địch thủ cạnh tranh lớn trên thương trường, nhưng để có môi trường hòa bình và phát triển, Ấn Độ xác định cần chung sống hòa bình, tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại với nhau. Ấn Độ nhấn mạnh tăng cường quan hệ với EU, Nhật Bản, ASEAN là những đối tác có những lợi ích chiến lược đối với Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)