Nhiệm vụ của chính sách đối ngoại

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 71 - 74)

Một là, tăng cường mở rộng quan hệ với tất cả các nước, trong đó chú trọng quan hệ với các nước láng giềng, các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới, các nước phía Đông nhằm tận dụng các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế[198; tr.35]. Ấn Độ chủ trương thay đổi trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các cường quốc trong khu vực và trên thế giới. Nền tảng chiến lược của cách tiếp cận hiện tại của Ấn Độ về khu vực láng giềng được thúc đẩy bởi cả hai yêu cầu về đối ngoại và đối nội. Trong bối cảnh địa chính trị khu vực đang thay đổi nhanh chóng, mục tiêu chiến lược của Ấn Độ là tăng cường các mối quan hệ với

các nước láng giềng nhỏ hơn bằng cách khôi phục các mối liên kết cũ và xây dựng các mối liên kết mới

Thời kỳ Chiến tranh lạnh, Ấn Độ có quan hệ gắn bó và là đồng minh thân cận của Liên Xô, trong khi mối quan hệ với các nước lớn khác như Mỹ, Tây Âu, Trung Quốc hay Nhật Bản lại có phần mờ nhạt. Tuy nhiên, từ tình trạng “hai nền dân chủ xa lạ” - vốn dùng để chỉ mối quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ thời gian trước, trong thời kỳ này, mối quan hệ giữa hai nước đã có những bước phát triển mạnh mẽ với nhiều sự đồng thuận trong các vấn đề quốc tế. Mối quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Trung Quốc sau một thời gian dài “lạnh lẽo” cũng được thúc đẩy, đưa Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ.

Ấn Độ xác định nhiệm vụ xây dựng môi trường hòa bình, ổn định qua đó có thể tập trung cho phát triển kinh tế[158]. Năm 2004, sau khi nắm quyền Manmohan Singh tiếp tục xác định phải tập trung mọi nguồn lực trong và ngoài nước cũng như tạo lập môi trường trong nước và khu vực hòa bình, ổn định có lợi cho sự phát triển kinh tế của Ấn Độ.

Hai là, đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và thế giới[198; tr.35]. Để đẩy nhanh quá trình hội nhập, Ấn Độ đã thực hiện một số biện pháp chính, như: tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, tích cực phát huy vai trò lãnh đạo các quốc gia đang phát triển trên nhiều diễn đàn. Để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế, Ấn Độ đã đổi mới tư duy đối ngoại, điều chỉnh chiến lược đối ngoại của mình.

Ấn Độ cũng thể hiện quyết tâm dẫn dắt tiểu vùng Nam Á theo một định hướng phát triển tích cực thông qua thảo luận với các nước trong khu vực nhằm thúc đẩy kết nối. Ngoài ra, Ấn Độ đã đơn phương mở cửa thị trường với các quốc gia láng giềng trên tiểu vùng Nam Á, đóng góp vào sự phát triển và ổn định của Bangladesh, Nepal, Sri Lanka, Bhutan và quần đảo Maldives.

Nhiệm vụ tiếp theo của Ấn Độ là góp phần hiệu quả vào việc xây dựng và kiến thiết một nền tảng ổn định cho hòa bình và hợp tác trong khu vực châu Á. Ý tưởng về một châu Á thống nhất khởi nguồn từ phong trào phát triển dân tộc của Ấn Độ trong những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, châu Á chưa bao giờ hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng với thế giới như thời điểm này. Điều này mang lại sự thịnh vượng chưa từng có trong châu lục và châu Á đang trở thành một động lực quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Dù vậy, những thành tựu đạt được tại khu

vực châu Á trong vài thập kỷ gần đây sẽ có thể bị phá hoại khi cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn và chạy đua vũ trang xảy ra. Hơn bao giờ hết, Thủ tướng Manmohan Singh ý thức được vai trò của Ấn Độ trong ngăn chặn nguy cơ xung đột bằng việc kết nối các nước trong khu vực, tăng cường hợp tác và tìm kiếm giải pháp cho sự cân bằng lợi ích giữa các cường quốc. Ấn Độ là một cường quốc khu vực, một cường quốc hạt nhân, Ấn Độ có ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng và tiếng nói nổi bật trong các vấn đề toàn cầu

Ba là, nâng cao vị thế và vai trò của Ấn Độ ở khu vực và thế giới, đưa Ấn Độ trở thành một cường quốc ở châu Á và trên thế giới trong quan trong thế kỷ XXI[198; tr.37].

Để thực hiện nhiệm vụ này, Ấn Độ đang tìm cách mở rộng ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới mà trước mắt là ra các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương. Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ tăng cường hợp tác Nam - Nam, đẩy mạnh chính sách hướng Đông và Ấn Độ có nhiều cố gắng trong xác lập vị trí, vai trò cường quốc trên trường quốc tế thông qua việc phấn đấu trở thành ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc.

Mỹ và châu Âu đều rất quan tâm đến vai trò quốc tế của Ấn Độ trong thế kỷ XXI, những đóng góp của cường quốc này trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu. Ngay tại Ấn Độ cũng có những quan điểm khác nhau về sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng như vai trò của một cường quốc có trách nhiệm trong thế kỷ mới. Hướng tới mục tiêu trở thành một cường quốc đáng tin cậy và hành động hiệu quả, Ấn Độ khẳng định, quá trình đa phương hóa các mối quan hệ phải trở thành tiêu biểu trong giai đoạn ngày nay và cần phải tính đến những thay đổi trong việc phân chia lại các vị thế quyền lực trên toàn cầu.

Nhiều xu hướng tiêu cực đang nổi lên ở châu Á, tiêu biểu là trong lĩnh vực hàng hải. Sự gia tăng các tranh chấp lãnh thổ trên các đảo nhỏ đang đe dọa an ninh biển châu Á. Chính sách của Trung Quốc và quyết định chuyển trọng tâm sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ dự báo một giai đoạn không êm ả trong mối quan hệ giữa các nước trong thời gian tới. Trước tình hình đó, Ấn Độ đã hợp tác với Mỹ cùng giải quyết các vấn đề an ninh hàng hải. Ấn Độ đã lên kế hoạch cho một cuộc đối thoại với Trung Quốc và có những bước đầu tiên trong cuộc chiến phối hợp chống cướp biển ở Vịnh Aden. Ấn Độ cũng ủng hộ ý tưởng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton về hợp tác ba bên giữa Mỹ - Trung Quốc và Ấn Độ. Nhiều chuyên gia đánh

giá, sự hợp tác mạnh mẽ và bền vững giữa Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ sẽ là chìa khóa để giải quyết một cách hòa bình trong khai thác các nguồn tài nguyên biển và tự do hàng hải của châu Á. Và sự hợp tác giữa ba cường quốc này sẽ dẫn dắt, duy trì sự ổn định và an ninh khu vực châu Á.

Quá trình hình thành, triển khai và thực hiện chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh là do nhiều nhân tố tác động. Cho dù vậy, sự điều chỉnh thay đổi thì đều phải thực hiện nhiệm vụ xuyên suốt và quan trọng nhất đó là bảo vệ độc lập chủ quyền, an ninh quốc gia và tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định để phục vụ sự phát triển kinh tế Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 71 - 74)