Khái niệm và lý thuyết chính sách đối ngoại

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 28 - 32)

* Khái niệm về chính sách đối ngoại

Chính sách đối ngoại là vấn đề được bàn đến khá nhiều trong các công trình nghiên cứu của các học giả phương Tây. Giáo sư Chính trị học Marijke Breuning, Đại học North Texas (Mỹ) cho rằng, chính sách đối ngoại là “tổng thể các chính sách và các mối tương tác với môi trường bên ngoài biên giới quốc gia. Chính sách đối ngoại của một quốc gia bao quát nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh và kinh tế tới những vấn đề về môi trường, năng lượng, viện trợ nước ngoài, di cư và quyền con người. Các chủ thể cho những hành động liên quan tới chính sách đối ngoại và những chủ thể là mục tiêu của các hành động đó thường là các quốc gia, nhưng không phải lúc nào cũng vậy[114; tr.336]. Giáo sư George Modelski (Đại học Washington) thì cho rằng “chính sách đối ngoại là hệ thống những hoạt động do các cộng đồng thực hiện nhằm thay đổi hành vi của các quốc gia khác và điều chỉnh hành động của bản thân nhà nước mình với môi trường quốc tế”[123], giảm tác động bất lợi và tăng cường hợp tác. Chính sách đối ngoại có thể được hiểu thông qua (i) Mối quan hệ giữa đầu vào và đầu ra trong quá trình ra quyết định; (ii) Quá trình hoạch định chính sách; (iii) Mục tiêu của chính sách đối ngoại. Giáo sư Kal J. Holsti (Đại học British Columbia) cho rằng, chính sách đối ngoại là những hành động chính phủ tiến hành hoặc cam kết nhằm duy trì hoặc thay đổi những đặc điểm mong muốn hoặc không mong muốn trong môi trường quốc tế với mục tiêu được cân nhắc kỹ lưỡng. Đó là sự kết hợp giữa định hướng, vai trò quốc gia, mục tiêu và hành động; những chiến lược cơ bản để đạt được các mục tiêu trong nước và ngoài nước, đặc biệt trong việc ứng phó với các đe dọa thường trực[138].

Ở Việt Nam, cũng đã có nhiều tác giả viết về chính sách đối ngoại, song những công trình liên quan đến khía cạnh lý luận của vấn đề thì chưa nhiều, Theo từ điển Bách khoa thư Việt Nam: “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ; được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào

đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế,văn hóa, xã hội…”[20; tr.475]. Chính sách đối ngoại là “Chủ trương, chiến lược, kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể do một quốc gia đề ra liên quan đến các mối quan hệ quốc tế mà quốc gia đó thiết lập với các quốc gia và các chủ thể khác nhằm tăng cường và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình”[55], “Chính sách đối ngoại của một quốc gia là tập hợp các chiến lược mà quốc gia đó sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên cách lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa – xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau phù hợp với lợi ích của quốc gia đó”[17; tr.80], “Chính sách đối ngoại của bất kỳ một quốc gia nào dù lớn hay nhỏ bao giờ cũng nhằm phục vụ ba mục tiêu cơ bản là mục tiêu an ninh; mục tiêu phát triển; và mục tiêu ảnh hướng”[36; tr.3]. Như vậy, theo định nghĩa này thì chính sách đối ngoại là một bộ phận trong chính sách chung của một quốc gia, chính phủ. Để đạt được mục tiêu chung, nhà cầm quyền phải hoạch định chính sách đối ngoại trong sự tương tác với các quốc gia khác.

Ở Ấn Độ, có nhiều khái niệm về chính sách đối ngoại được đưa ra, các học giả Ấn Độ cho rằng: “chính sách đối ngoại là nỗ lực của một quốc gia nhằm tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình trong môi trường bên ngoài hoặc quốc tế”[155]

Chính sách đối ngoại của một quốc gia hướng đến những mục tiêu như: an ninh (độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ); phát triển (phát triển về kinh tế, sự thịnh vượng và đảm bảo các giá trị cho con người); ảnh hưởng (nâng cao vị thế và vai trò của quốc gia trong khu vực và trên trường quốc tế. Chính sách đối ngoại của từng quốc gia là vấn đề trọng tâm của quan hệ chính trị quốc tế. Chính sách đối ngoại gồm các mục tiêu, biện pháp là một quốc gia theo đuổi thực hiện trong quan hệ với quốc gia hoặc chủ thể khác trong cộng đồng quốc tế, nhằm mục đích thực hiện những lợi ích quốc gia được xác định trong từng thời kỳ lịch sử.

Chính sách đối ngoại của một quốc gia là tập hợp các chiến lược mà quốc gia đó sử dụng trong quá trình tương tác với các quốc gia khác và các tổ chức quốc tế, trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa - xã hội, nhằm đạt được những mục tiêu khác nhau phù hợp với lợi ích của quốc gia đó. Chính sách đối ngoại thường được coi là cánh tay nối dài của chính sách đối nội, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, hay bảo vệ và tối đa hóa lợi ích quốc gia nói chung, thông qua các con đường như hợp tác, cạnh tranh, xung đột, hoặc thậm chí chiến tranh[56; tr.98].

Như vậy theo tác giả, Chính sách đối ngoại là những quyết định của nhà nước được xây dựng trên cơ sở lợi ích quốc gia, dân tộc; được thực hiện bằng nhiều biện pháp, trên nhiều lĩnh vực nhằm tác động vào các chủ thể bên ngoài phạm vi quốc gia để đạt được các mục tiêu về an ninh, phát triển và ảnh hưởng.

Không có một lý thuyết đơn lẻ hay riêng biệt nào về chính sách đối ngoại, thay vào đó, những lý thuyết về chính sách đối ngoại xuất phát từ các lý thuyết trong quan hệ quốc tế như chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa tự do, cũng như nhiều cách tiếp cận khác nhau nhằm giải thích nguồn gốc bên trong của việc hoạch định chính sách đối ngoại, như các nhà lãnh đạo, bộ máy hành chính và văn hóa. Sự khác biệt về trọng tâm này tương ứng với việc xem xét hai khía cạnh: một là các nhân tố bên ngoài và mang tính hệ thống; hai là nguồn gốc bên trong và mang tính xã hội trong chính sách đối ngoại.

* Các lý thuyết Quan hệ quốc tế

Các lý thuyết Quan hệ quốc tế giải thích các quốc gia có quan hệ với nhau như thế nào trong nền chính trị quốc tế. Trọng tâm này do đó bao gồm việc giải thích hành vi chính sách đối ngoại trong nhiều lý thuyết Quan hệ quốc tế. Theo Smith (1987): “Mọi nỗ lực làm rõ các mối Quan hệ quốc tế hầu hết đều liên quan tới việc giải thích chính sách đối ngoại”. Đa số các lý thuyết Quan hệ quốc tế, đều tập trung vào tác động của hệ thống quốc tế tới chính sách đối ngoại và làm rõ hơn vị trí của chính sách đối ngoại trong bối cảnh của lĩnh vực nghiên cứu Quan hệ quốc tế.[108; tr.689-718]

Chủ nghĩa hiện thực: Các lý thuyết hiện thực về Quan hệ quốc tế có đặc trưng là dựa vào các giả định về tình trạng vô chính phủ và tự cứu, và nhận thức về các quốc gia như là những chủ thể đơn nhất và duy lý. CNHT cho rằng để tồn tại, quốc gia cần phải nỗ lực tối đa hóa sức mạnh của mình. Đối với các nhà hiện thực, chính sách đối ngoại của một quốc gia được định hình bởi vị trí của quốc gia ấy trong hệ thống quốc tế và sự phân bổ quyền lực trong hệ thống đó.

Chủ nghĩa tự do: Các nhà tự do khác với các nhà hiện thực ở chỗ đối với họ, hệ thống quốc tế về bản chất là thuận lợi cho sự hợp tác. Theo các lý thuyết tự do về Quan hệ quốc tế, hợp tác với nhau bản thân nó chính là lợi ích của các quốc gia. Các tổ chức quốc tế đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia, vì chúng giúp các nước vượt qua sự ngờ vực thông qua các quy định được thiết lập. Trái ngược với CNHT, CNTD thừa nhận rằng ở trong nước, các

quốc gia có những lợi ích và chủ thể đa dạng. Như vậy, lý thuyết tự do về Quan hệ quốc tế cũng xét tới chính trị trong nước vì nó giúp giải thích hành vi của các nhà nước. Kết luận quan trọng nhất của CNTD đối với chính sách đối ngoại đó là: với sự chia sẻ chủ nghĩa tự do và tác động của nó tới các thể chế trong nước, các chính phủ cùng theo tư tưởng tự do sẽ có mối quan hệ hòa bình với nhau, đây chính là lập luận “hòa bình nhờ dân chủ”.

Chủ nghĩa kiến tạo: được xem là một cách tiếp cận hơn là một lý thuyết về Quan hệ quốc tế. Phương pháp tiếp cận kiến tạo đã tạo ra một bước ngoặt lớn trong việc nghiên cứu Quan hệ quốc tế và do đó có tác động đáng kể tới việc nghiên cứu chính sách đối ngoại. Thuyết kiến tạo bênh vực quan điểm cho rằng những chuẩn mực và giá trị xã hội được tạo ra qua tương tác giữa các chủ thể giúp giải thích hành vi của các tác nhân trong hệ thống quốc tế. Như vậy, các nhà kiến tạo đặt câu hỏi về sự tồn tại của các khái niệm như vô chính phủ, và lập luận rằng các khái niệm này phản ánh nhận thức của chúng ta về Quan hệ quốc tế.

Các lý thuyếtkhác về Quan hệ quốc tế:

Hiện nay, các biến thể của lý thuyết hiện thực, tự do, và kiến tạo đang là những lý thuyết Quan hệ quốc tế chính. Những lý thuyết thay thế bao gồm không chỉ những cách tiếp cận của thuyết vị nữ và chủ nghĩa Mác-xit. Tương tự như các lý thuyết chủ đạo đã thảo luận ở trên, những lý thuyết thay thế đó cũng không phải là các lý thuyết về chính sách đối ngoại, nhưng một lần nữa chúng ta vẫn có thể dựa vào chủ nghĩa vị nữ và chủ nghĩa Mác-xít khi nghiên cứu chính sách đối ngoại.

Thuyết vị nữ về Quan hệ quốc tế tập trung vào các vấn đề liên quan đến các mối quan hệ về giới và đặt ra câu hỏi những mối quan hệ này ảnh hưởng tới việc nghiên cứu và thực hành Quan hệ quốc tế như thế nào. Cách tiếp cận này thường bao gồm việc tìm hiểu vấn đề sự loại trừ phụ nữ khỏi chính trị và các khái niệm chi phối của nam giới ảnh hưởng như thế nào đến chính trị quốc tế.

Học thuyết Mác-xit về Quan hệ quốc tế nhấn mạnh vai trò quan trọng của mối quan hệ giai cấp trong chính trị quốc tế. Nói rộng ra, chính sách đối ngoại nhìn qua lăng kính của chủ nghĩa Mác sẽ giải thích những quyết định về chính sách đối ngoại thông qua lợi ích và xung đột kinh tế bên trong và giữa các quốc gia với nhau.

Hiện nay, các học giả vẫn chưa hoàn toàn thống nhấtvề sự tồn tại của một “lý thuyết chính sách đối ngoại” như các lý thuyết về quan hệ quốc tế[91; tr.27], vẫn còn nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm chính sách đối ngoại. Trên cơ sở thực

lực quốc gia và các nhân tố tác động, mục tiêu chính sách đối ngoại của quốc gia có sự khác nhau. Theo đó, việc áp dụng lý thuyết trong phân tích chính sách đối ngoại của một quốc gia chủ yếu tập trung vào phương pháp, khung phân tích và các công cụ có thể áp dụng trong quá trình nghiên cứu chính sách. Việc vận dụng lý thuyết trong phân tích chính sách đối ngoại cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu thực hiện, một số tác giả cho rằng phân tích chính chính sách đối ngoại của một quốc gia như là một quá trình hoạch định và triển khai chính sách. Trong khi đó, một số tác giả lại xem chính sách đối ngoại của một quốc gia là một hàm số bất định, còn các tác nhân bên ngoài chỉ đóng vai trò thứ yếu.

Nhìn chung, các nhân tố chủ yếu quyết định chính sách đối ngoại của một quốc gia bao gồm: i) Thế và lực của quốc gia trên trường quốc tế; ii) Tình hình chính trị và an ninh thế giới; iii) Lợi ích và mục tiêu quốc gia mong muốn đạt được; iv) Ảnh hưởng của bộ máy hoạch định chính sách đối ngoại; v) Các nhân tố chính trị nội bộ (các nhóm lợi ích, giới truyền thông, công luận,…)

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 28 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)