Đối với khu vực Trung Á

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 98 - 102)

Trung Á là khu vực lân cận Ấn Độ, là một trong những khu vực trong chiến lược trỗi dậy của Ấn Độ. Thêm vào đó, sự phát triển kinh tế của Ấn Độ khiến nhu cầu về năng lượng ngày càng tăng, cùng với tình trạng bất ổn ở Trung Đông, làm cho Ấn Độ ngày càng dành nhiều sự chú ý đến các nguồn năng lượng thiên nhiên phong phú nhưng chưa được khai thác hết ở Trung Á và khu vực Caspian. Từ năm 2004, mục tiêu chính của Ấn Độ khi tham gia vào các vấn đề Trung Á là: tiếp tục củng cố mối quan hệ thân thiện với các nước Trung Á; ngăn chặn các nước Trung Á chuyển hướng sang các thế lực thù địch chống Ấn Độ; tăng cường hơn nữa hợp tác với các nước Trung Á trong lĩnh vực năng lượng và thương mại; tăng cường hợp tác với các nước Trung Á trong lĩnh vực an ninh, bao gồm cả an ninh phi truyền thống; dựa vào cơ chế song phương và đa phương, tiến hành tham vấn và phối hợp tích cực với các nước Trung Á về các vấn đề quốc tế và các vấn đề khu vựcquan trọng, để thúc đẩy lợi ích quốc gia của Ấn Độ; mở rộng giao lưu, thúc đẩy phát triển củng cố chính thể và dân chủ quốc gia Trung Á, một mặt tăng cường ảnh hưởng của Ấn Độ, mặt khác để duy trì sự ổn định ở Trung Á, ngăn chặn khu vực Trung Á rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị. Đối với hai giai đoạn trước, giai đoạn này lợi ích mà Ấn Độ theo đuổi ở Trung Á rộng hơn, tâm lý theo đuổi cũng cấp bách hơn, nên nguồn lực đầu tư cũng dồi dào hơn. Chính sách Trung Á tích cực này, phản ánh sức mạnh quốc gia của Ấn Độ đang ngày càng phát triển, cùng với đó là tham vọng quyền lực ngày càng hiện rõ.

Để thực hiện những mục tiêu trên, Ấn Độ đã sử dụng những biện pháp sau ở khu vực Trung Á:

Về chính trị, Ấn Độ đưa ra chính sách ngoại giao hòa thuận, láng giềng, hữu nghị, cùng phát triển, không ngừng thúc đẩy mối quan hệ chính trị với các nước Trung Á. Trong thời kỳ này, các cuộc họp cấp cao giữa Ấn Độ và các quốc gia Trung Á diễn ra thường xuyên, quan hệ hai bên phát triển đều đặn. Ngoài các chuyến thăm song phương cấp cao, Ấn Độ còn tổ chức một số cuộc họp cấp cao với lãnh đạo các nước Trung Á trong khuôn khổ đa phương như SCO, CICA, những tương tác cấp cao nàyđãcủng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị về chính trị giữa Ấn Độ và giữa các quốc gia Trung Á, cộng với việc hai bên không có các tranh chấp lịch sử và lãnh thổ, có thể dự đoán, lập trường trung lập của Ấn Độ ở Trung Á giúp Ấn Độ giành tình cảm tốt của các nhà lãnh đạo và người dân các quốc gia Trung Á.

Về kinh tế, Để thúc đẩy tăng trưởng và phục vụ nhu cầu trong nước, Ấn Độ chủ trương đấy mạnh các cơ hội kinh tế ở nước ngoài. Thương mại song phương Ấn Độ và các nước Cộng hòa Trung Á mới chỉ đạt mức 500 triệu USD năm 2011, đến năm 2014 kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ với các nước Cộng hòa Trung Á đạt mức 1,4 tỷ USD, mắc dù còn thấp hơn so với tiềm năng[186; tr.176]. Ấn Độ tập trung vào hợp tác trong lĩnh vực năng lượng, tăng cường đầu tư, sử dụng các biện pháp thiết thực thực hiện hợp tác kinh tế. Tiêu biểu nhất là Ấn Độ rất nỗ lực để nhập các nguồn tài nguyên dầu khí ở Trung Á và khu vực Caspian, các đối tác chính là những nước giàu tài nguyên dầu khí Kazakhstan, Uzbekistan và Turkmenistan. Ấn Độ đã coi việc khai thác nguồn năng lượng ở Trung Á và Caspian là một phần quan trọng của chiến lược kinh tế nước ngoài.

Ngoài hợp tác về lĩnh vực năng lượng, quan hệ thương mại của Ấn Độ và các nước Trung Á cũng có những bước tiến dài. Ấn Độ coi việc cải thiện thương mại với các nước Trung Á là một trong những hướng ưu tiên hàng đầu trong chính sách Trung Á. Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, sức mạnh kinh tế của Ấn Độ được nâng cao, quy mô hợp tác kinh tế giữa Ấn Độ và các nước Trung Á cũng không ngừng mở rộng, khối lượng thương mại tăng lên theo từng năm. Để duy trì sự ổn định và giành được thiện chí của các nước ở Trung Á, Ấn Độ đã cung cấp cho các quốc gia Trung Á một số khoản vay viện trợ và lãi suất thấp.

Ấn Độ tăng cường hợp tác với các nước Trung Á về lĩnh vực an ninh, chủ yếu thể hiện ở sự hợp tác về chống lại 3 thế lực thù địch và an ninh phi truyền thống. Từ năm 2004, Ấn Độ lần lượt ký một số thỏa thuận hợp tác chống khủng bố, xây dựng nhóm liên minh chống khủng bố và tiến hành những hành động chống khủng bố, đồng thời tăng cường hợp tác về phương diện cấm buôn bán vận chuyển trái phép chất ma túy. Điều này phản ánh Ấn Độ luôn coi trọng lập trường tăng cường mối quan hệ với Tajikistan ở Trung Á. Sau đó, Ấn Độ lần lượt ký kết thỏa thuận xây dựng tổ công tác liên minh chống chủ nghĩa khủng bố quốc tế với Kazakhstan, Uzbekistan và Tajikistan. Về lực lượng an ninh truyền thống, Ấn Độ tích cực triển khai hợp tác với các nước Trung Á về đối thoại quốc phòng song phương và quân sự khoa học kỹ thuật, cung cấp nhân lực đào tạo quân sự, tăng cường hoạt động liên hợp và năng lực hài hòa về vấn đề chống khủng bố. Việc chống khủng bố và cấm ma túy, là lĩnh vực tương đối dễ triển khai hợp tác, vì nó đem lại kết quả có lợi cho cả hai bên: Ấn Độ có thể mượn cơ hội này để tăng cường sức ảnh hưởng ở khu

vực Trung Á, còn các nước Trung Á có được sự ủng hộ của Ấn Độ, lấy Ấn Độ để cân bằng lực lượng của Nga, Mỹ, Trung Quốc.

Tháng 6-2012 tại Bishkek, Kyrgyzstan, Ấn Độ đã công bố chính sách “Kết nối Trung Á” nhằm thúc đẩy quan hệ giữa Ấn Độ với các nước Cộng hòa Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan, Uzbekistan. Chính sách mới của Ấn Độ taaph chung vào các lĩnh vực như: giáo dục, y tế, khoa học, vấn đề an ninh và quốc phòng... Chính sách “Kết nối Trung Á” được xây dựng nhằm cạnh tranh ảnh hưởngở Trung Á với các cường quốc như Mỹ, Nga, Trung Quốc và EU…

Đối với Tajikistan, đây là trụ cột trong chính sách kết nối Trung Á của Ấn Độ do vị trí chiến lược của nước này. Ấn Độ và Tajikistan tăng cườnghợp tác về quốc phòng, an ninh để đối phó với các mối đe dọa của chủ nghĩa khủng bố và buôn bán ma túy. Ấn Độ cũng đã tăng cường quan hệ với các lực lượng an ninh nước này, hỗ trợ tài chính để nâng cấp các căn cứ không quân, xây dựng một bệnh viện quân đội và kho hậu cần. Bên cạnh đó, Tajikistan có tiềm năng rất lớn về thủy điện và đây là mối quan tâm lớn cúa ngành công nghiệp Ấn Độ.Dù quan hệ chính trị tốt đẹp nhưng kim ngạch thương mại giữa Ấn Độ và Tajikistan vẫn thấp do khó khăn trong khâu vận chuyển. Thương mại Ấn Độ - Tajikistan ở mức 32,5 triệu USD trong năm 2009-2010[95], trong năm 2012- 2013, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt khoảng 48,02 triệu USD và tăng lên 55,53 triệu USD năm 2013-2014[169; tr,3].

Đối với Kazakhstan, Ấn Độ rất coi trọng quan hệ vì 4 lý do chủ yếu: (1) vị trí chiến lược của Kazakhstan; (2) các nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng sản chưa được khai thác; (3) các giá trị thế tục và (4) các khu đất rộng lớn dành cho nông nghiệp thương mại quy mô lớn. Chuyến thăm Astana năm 2011 của Thủ tướng Manmohan Singh giúp Ấn Độ thâm nhập khu vực phía Bắc biển Caspi - một khu vực nổi tiếng chứa nhiều dầu khí và urani của Kazakhstan. Hai bên cũng đã ký một thỏa thuận hành động chung trên các lĩnh vực như năng lượng hạt nhân, công nghệ thông tin, an ninh mạng, dược phẩm, y tế, nông nghiệp, giao lưu văn hóa, khai thác mỏ và phân bón.

Đối với Turkmenistan, chuyến thăm năm 2008 của Phó Thủ tướng Ấn Độ Hamid Ansari đã mở ra triển vọng mới cho Ấn Độ can dự vào nước này. Nhu cầu cung cấp năng lượng của Ấn Độ và nhiệm vụ đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng của Turkmenistan đã gắn kết hai bên vào một chiến lược. Đường ống dẫn dầu Turkmenistan - Afghanistan - Pakistan - Ấn Độ được coi là xương sống của mối

quan hệ mới nổi. Turkmenistan là nước nằm ven biển Caspi, có sức hấp dẫn đặc biệt đối với Ấn Độ.

Đối với Uzbekistan, Ấn Độ có chung các mối quan hệ lịch sử và văn hóa. Phật giáo đến Trung Quốc thông qua Uzbekistan trong khi Sufi giáo đến Ấn Độ chủ yếu từ Uzbekistan. Trung tâm Văn hóa Ấn Độ Shastri được ca ngợi do đã thúc đẩy các mối quan hệ văn hóa giữa hai nước. Tasken đã cho phép Ấn Độ tham gia phát triển khu vực năng lượng, đặc biệt các khu vực dự trữ khí đốt Karakal. Hai nước đã tổ chức nhiều cuộc diễn tập quân sự chung trong nhiều năm qua. Việc Ấn Độ xây dựng tuyến đường dây truyền tải điện Pul-e-Khumri để đưa điện từ Baghlan và Uzbekistan đến Cabun, là một biểu tượng của việc ngày càng tăng cường hợp tác giúp đỡ lẫn nhau[95].

Đối với Kyrgyzstan, Ấn Độ dường như đóng vai trò lớn trong việc phát triển khai thác mỏ, nông nghiệp, công nghệ thông tin, thủy điện và các lĩnh vực dược phẩm của Kyrgyzstan ngoài việc thúc đẩy các mối quan hệ văn hóa và giáo dục với nước này. Trung tâm nghiên cứu sinh học trên núi của Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) là một dự án hợp tác đầy tham vọng của Ấn Độ tại Kyrgyzstan. Ấn Độ tỏ ra rất quan tâm phối hợp quản lý mỏ vàng Kumtor của Kyrgyzstan. Lực lượng vũ trang hai nước đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập quân sự, huấn luyện tác chiến trong rừng rậm và chống khủng bố. Quân đội Ấn Độ cũng sẵn sàng huấn luyện cho lực lượng Kyrgyzstan trong các phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Tóm lại,trong giai đoạn này, Ấn Độ bắt đầu phát triển toàn diện mối quan hệ hợp tác với các nước Trung Á. Về lực lượng chính trị, kinh tế và quân sự, Ấn Độ đều có những nỗ lực thúc đẩy phát triển củng cố mối quan hệ hữu nghĩ song phương. Về phương pháp, Ấn Độ một mặt dựa vào sức mạnh của mình ngày càng lớn, tăng cường đầu tư vào các nước Trung Á; mặt khác, Ấn Độ thông qua việc duy trì mối quan hệ thân thiện truyền thống với Nga, cải thiện mối quan hệ với Mỹ, mượn sức ảnh hưởng lớn của hai quốc gia này ở Trung Á, gia tăng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề Trung Á. Về trọng điểm trong chính sách Trung Á của Ấn Độ, dựa vào tình hình phát triển của các nước Trung Á và mục tiêu chính trị của mình, Ấn Độ coi Tajikistan, một nước nhỏ ở khu vực Trung Á là đối tượng viện trợ chủ yếu của mình, coi hai nước giàu tài nguyên Kazakhstan và Turkmenistan là đối tượng ngoại giao năng lượng chính, Kazakhstan và Uzbekistan do kinh tế phát triển nhanh chóng nên trở thành đối

tượng chủ yếu trong khai thác kinh tế, về phương diện lịch sử tôn giáo và nhân tố khu vực, Uzbekistan và Tajikistan là đối tượng hợp tác an ninh chủ yếu của Ấn Độ. Chính sách Trung Á của Ấn Độ giai đoạn này mang tính tích cực, chủ động, thậm chí còn có tham vọng xây dựng môi trường địa chính trị ở khu vực này.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 98 - 102)