Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ duy trì chủ trương tăng cường hoạt động ở các tổ chức quốc tế lớn đặc biệt phải kể tới đó là Liên hợp quốc, các tổ chức tài chính - tiền tệ quốc tế, phong trào không liên kết và các tổ chức quốc tế khác. Trong quan hệ với các tổ chức quốc tế, Ấn Độ đồng thời vừa tranh thủ cơ hội thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội và văn hóa, tăng cường giao thương học hỏi quốc tế, mặt khác tích cực tham gia vào việc giải quyết các vấn đề quốc tế, các vấn đề toàn cầu, nâng cao uy tín và vị thế của Ấn Độ trên trường quốc tế. Trong triển khai chính sách đa phương của Ấn Độ, luận án phân tích chính sách của Ấn Độ đối với Liên hợp quốc và WTO.
* Đối với Liên hợp quốc:
Kể từ khi trở thành thành viên của Liên hợp quốc ngày 30-10-1945 đến nay, Ấn Độ ngày càng chủ động, tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức này. Trong thế kỷ XXI, Ấn Độ thực hiện đường lối đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, Ấn Độ xác định rõ cơ sở của sự hợp tác là hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Ấn Độ tham gia ngày càng tích cực và chủ động trên nhiều lĩnh vực hoạt động của Liên hợp quốcnhư duy trì hòa bình, an ninh, giải trừ quân bị, phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát dân số và bảo vệ môi trường, thúc đẩy quyền con người. Ấn Độ đã là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong tám nhiệm kỳ liên tục. Sự tham gia, đóng góp và vị thế của Ấn Độ tại Liên hợp quốc từng bước được cải thiện và nâng cao cả về bề rộng và bề sâu trên nhiều lĩnh vực.
Trong lĩnh vực hòa bình và an ninh quốc tế, Ấn Độ tích cực và chủ động trong việc tham gia vào nhiệm vụ giữ gìn hòa bình và an ninh toàn cầu. Năm 2008 Ấn Độ đã cung cấp 100.000 nhân viên quân sự và cảnh sát để phục vụ trong 35 hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc[202]. Ấn Độ cam kết kiên định hỗ trợ Liên hợp
quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Ấn Độ nhấn mạnh rằng sự an toàn và an ninh của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp Quốc là điều tối quan trọng. Năm 2012, Ấn Độ đã tham gia vào 43 nhiệm vụ gìn giữ hòa bình với tổng đóng góp vượt quá 160.000 binh sĩ và một số lượng đáng kể nhân viên cảnh sát đã được triển khai. Năm 2014, Ấn Độ là nước đóng góp quân đội lớn thứ ba với 7.860 nhân viên được triển khai với mười nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó 995 là nhân viên cảnh sát, bao gồm cả đơn vị cảnh sát nữ đầu tiên thuộc Liên hợp quốc[200]. Quân đội Ấn Độ đã thực hiện nhiều nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc[125]. Quân đội Ấn Độ cũng đã cung cấp các đơn vị y tế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc rút người bệnh và bị thương. Theo ước tính của Liên Hợp Quốc, Ấn Độ là quốc gia đóng góp cảnh sát lớn thứ tư với 1.009 sĩ quan và là người đóng góp lớn thứ ba trong số các nữ cảnh sát[125]. Ngoài ra, Ấn Độ là thành viên tích cực của Hội nghị giải trừ quân bị Liên hợp quốc, của Công ước cấm vũ khí hóa học. Hàng năm, Ấn Độ tham gia đều đặn vào Cơ chế đăng kiểm vũ khí thông thường của Liên hợp quốc nhằm thực hiện một trong các biện pháp xây dựng lòng tin với các nước và làm tốt nghĩa vụ thành viên của Liên hợp quốc. Ấn Độ tiếp tục gắn ưu tiên cao nhất cho mục tiêu giải trừ hạt nhân. Ấn Độ cho rằng vũ khí hạt nhân có thể được loại bỏ thông qua một công ước phổ quát và không phân biệt đối xử theo các quy định của Công ước quốc tế về vũ khí hóa học và sinh học. Ấn Độ cam kết tạm hoãn tự nguyện và đơn phương về thử nghiệm chất nổ hạt nhân. Ấn Độ khẳng định chính sách không sử dụng lần đầu và không sử dụng đối với các quốc gia không sử dụng vũ khí hạt nhân. Là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Ấn Độ sẵn sàng đàm phán về Hiệp ước cắt đứt vật liệu phân hạch đa phương và có thể chịu sự giám sát của Hội nghị giải trừ quân bị.
Đối với lĩnh vực hợp tác và phát triển, dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ tăng cường các hoạt động tại Liên hợp quốc đồng nghĩa với việc Ấn Độ thể hiện được vai trò của mình với các vấn đề chung của cộng đồng quốc tế với tư cách là một nước lớn đang trỗi dậy. Qua đó, Ấn Độ có nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hợp tác đầu tư với các đối tác trong diễn đàn, góp phần thu hút đầu tư, nâng cao năng lực sản xuất, kim ngạch thương mại hai chiều, đặc biệt là tham gia vào nhiều diễn đàn đa phương, song phương lớn về kinh tế với nhiều điều kiện thuận lợi. Ấn Độ là nước đi đầu trong các nước đang phát triển về sự trỗi dậy mạnh mẽ
của nền kinh tế trong nước và thu hút đầu tư, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Ấn Độ tham gia nhiều diễn đàn đa phương, song phương lớn về kinh tế - xã hộicủa Liên hợp quốc như WEF, CII, UNCTAD...
Ấn Độ là một quốc gia thành viên ngày càng có nhiều đóng góp vào việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ cũng như thực hiện mục tiêu cơ bản của Liên hợp quốc, đó là: đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành hệ thống quan hệ quốc tế trong thế kỷ XXI, phát triển một hệ thống quốc tế nhân đạo, không sử dụng bạo lực và thúc đẩy để tiến tới một mô hình phát triển quốc tế bền vững, công bằng. Ấn Độ là một trong những thành viên hoạt động tích cực của Liên hợp quốc, tham gia vào các nhóm nước có cùng lợi ích chung của mình. Tại kỳ họp lần thứ 50 Đại hội đồng Liên hợp quốc tháng 10-2013, Ấn Độ chính thức trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bên cạnh sự đổi thay của thế giới, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đang đứng trước yêu cầu phải “tiến hành cải tổ”, trong đó quy mô của số thành viên thường trực cần được mở rộng, theo một kế hoạch cải tổ được đề xuất, số thành viên thường trực có thể sẽ tăng thêm 5 quốc gia nữa, trong đó các ứng cử viên được đề cập nhiều nhất là nhóm G4 gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Đức và Brazil là những “ứng cử viên hợp pháp” để trở thành ủy viên thường trực tổ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc Liên hợp quốc như Pháp, Mỹ, Anh và Nga cũng ủng hộ ứng cử viên Ấn Độ trở thành Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an mở rộng. Ấn Độ đã nỗ lực để đạt được kết quả cụ thể trong việc tìm kiếm một vị trí thường trực trong Hội đồng Bảo an ngay tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70[115]. Ấn Độ đưa ra nhiều lập luận để vận động các nước, trước hết là Ấn Độ có dân số lớn thứ hai thế giới và là nền dân chủ tự do lớn nhất thế giới. Ấn Độ là nước đóng góp quân đội lớn nhất cho các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc với 7.860 nhân viên được triển khai với mười nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc vào năm 2014 sau Bangladesh và Pakistan[200] cả ba quốc gia đang ở Nam Á. Ấn Độ đã đóng góp hơn 180.000 binh sĩ, số lượng lớn nhất từ bất kỳ quốc gia nào, tham gia vào hơn 43 nhiệm vụ và 156 nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã hy sinh khi thực hiện các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Ấn Độ đã và sẽ tiếp tục cung cấp các sĩ quan chỉ huy cho các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc[200].
Việc Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết tiếp tục xem xét việc cải cách và mở rộng Hội đồng Bảo an trong phiên thứ 70 của Đại hội đồng cho thấy
rằng nỗ lực của Ấn Độ có thể thành công trong tương lai. Trong các chuyến thăm nước ngoài và các cuộc đàm phán với đại diện của các quốc gia khác, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Ấn Độ trông đợi sự hỗ trợ từ các nước khác để trở thành thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”[200].
* Đối với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO):
Ấn Độ là một trong những nền kinh tế mới nổi lớn vào đầu thế kỷ XXI. Sự phát triển năng động của GDP, xuất nhập khẩu và thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng nhanh là một số đặc điểm về sự trỗi dậy của Ấn Độ trong nền kinh tế toàn cầu. Quá trình này được thực hiện và khuyến khích bởi chính sách kinh tế, thương mại tích cực thúc đẩy sự phát triển kinh tế nội bộ và hội nhập quốc tế của Ấn Độ. Trong bối cảnh đó, Ấn Độ cũng đang giành được ảnh hưởng trong khuôn khổ các cuộc đàm phán thương mại tại WTO.
Với chính sách ngoại giao thực dụng, chú trọng vào các mục tiêu kinh tế, chính phủ của Thủ tướng Manmohan Singh trong giai đoạn 2004-2014 tiếp tục khẳng định một trong những mục tiêu trọng tâm và ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ là thu hút nguồn vốn FDI nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế trong nước. Là thành viên quan trọng của WTO, bước vào giai đoạn mới, Ấn Độ xác định một cách rõ ràng những cơ hội thuận lợi. Với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật kinh tế, thực thi các thiết chế quản lý theo quy định của WTO, môi trường kinh doanh của Ấn Độ ngày càng được mở rộng. Ấn Độ có vị thế bình đẳng như các nước thành viên khác trong hoạch định chính sách thương mại toàn cầu, có cơ hội để đấu tranh nhằm thiết lập một trật tự kinh tế quốc tế mới công bằng, hợp lý hơn, có điều kiện bảo vệ lợi ích của đất nước và doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong tình hình thế giới có nhiều thách thức đặt ra: cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn, với nhiều “đối thủ” hơn, trên bình diện rộng hơn, sâu hơn, nguy cơ các doanh nghiệp đầu tư kém hiệu quả hơn và nguy cơ thất nghiệp tăng lên, sự biến động thị trường mạnh và nhạy cảm hơn... Tình hình đó cũng đặt ra vấn đề mới về bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia, giữ gìn những giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo tốt đẹp lâu đời của Ấn Độ.
Đối với các hiệp định thương mại, Ấn Độ cho rằng, việc tuân thủ các quy tắc phức tạp để có được ưu đãi thuế quan theo thỏa thuận ưu đãi thương mại (PTA) hoặc các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) làm tăng chi phí giao dịch thương
mạivà hiệu quả rất thấp. Hình thức hợp tác thương mại đa phương dựa trên sự đồng thuận trong khuôn khổ WTO sẽ hiệu quả hơn cho Ấn Độ.
Tuy nhiên điều khó khăn Ấn Độ gặp phải là tự do hóa thương mại đa phương lại tiến triển khá chậm chạp, việc nhận được sự thống nhất của 159 nước thành viên WTO là không dễ dàng. Bên cạnh đó, sự thờ ơ ngày càng tăng của các nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ lên WTO khiến Ấn Độ có rất ít lựa chọn ngoài việc tìm kiếm các thỏa thuận thương mại song phương theo các điều khoản của GATS. Hơn nữa, các nước thành viên WTO bao gồm cả Ấn Độ thường bị buộc phải đăng ký các PTA/FTA đã ký để bảo vệ thị trường hiện có của họ. Ví dụ, việc ký hiệp định FTA ASEAN - Trung Quốc đã thúc đẩy FTA ASEAN-Ấn Độ. Đôi khi, cân nhắc về địa chính trị có thể thuyết phục một quốc gia tham gia vào một thỏa thuận thương mại đặc biệt, chẳng hạn như Khu vực Thương mại Tự do Nam Á (SAFTA). Trong các FTA của Ấn Độ, Hợp tác khu vực cộng đồng các nước Nam Á (SAARC), ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc là những khu vực có nhiều triển vọng nhất. Nhiều hiệp ước thương mại hiện có của Ấn Độ còn hời hợt và phạm vi tương đối hạn chế, ví dụ như PTA với Mercosur hoặc Chile có nhiều nội dung không cụ thể, hoặc chỉ bao gồm thương mại hàng hoá như SAFTA và FTA Ấn Độ - ASEAN; hoặc hợp tác thương mại của Ấn Độ với SAARC bị cản trở bởi sự thù địch giữa Ấn Độ và Pakistan.
Ấn Độ chủ trương tiếp tục phát triển hợp tác thương mại với các quốc gia và khu vực trên thế giới, nhất là các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU... Cơ cấu mặt hàng và thị trường xuất khẩu có những chuyển biến tích cực, tỷ trọng những ngành công nghệ và kỹ thuật cao và nhóm hàng công nghiệp tăng nhanh, tỷ trọng các nhóm sản phẩm thô giảm. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt được thứ hạng cao có ảnh hưởng đến thị trường thế giới, Ấn Độ là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới. Xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài của Ấn Độ cũng được đẩy mạnh. Những kết quả mà Ấn Độ thu được từ hiệp định thương mại song phương khá rõ ràng như sự mở rộng của thỏa thuận ưu đãi thương mại Ấn Độ - Mercosur thành một CEPA chính thức, hoặc cải thiện quan hệ thương mại với Nam Á, đặc biệt là Pakistan, Châu Phi và Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS). Một hiệp định thương mại quá cảnh (trong khuôn khổ quy định của WTO) sẽ thúc đẩy thương mại và xuất khẩu nội khối SAARC. Châu Phi và CIS là hai thị trường nhập khẩu phát triển nhanh nhất. Trong năm 2012, nhập khẩu tăng 11,3% ở Châu Phi và tăng 6,8% ở CIS; so với Châu Á là (3,7%), Bắc Mỹ (3,1%) và châu Âu (-1,9%)[202].
Trước mắt, đây là những thị trường cần được chú trọng và đẩy mạnh các hoạt động hợp tác thương mại.
Chính sách thương mại của Ấn Độ có sự kết hợp khéo léo giữa song phương và đa phương. Có được lợi thế so sánh trong lĩnh vực dịch vụ và tiềm lực về tài chính ngày càng tăng, Ấn Độ xác định mục tiêu đến các hiệp định thương mại toàn diện duy nhất, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư trong các lĩnh vực. Đầu tư trực tiếp nước ngoài và các tập đoàn đa quốc gia vẫn là nguồn quan trọng của xuất khẩu. Ấn Độ tiếp tục mở rộng thị trường xuất khẩu, đa dạng hóa, duy trì, có nhiều bước đột phá khi xuất khẩu vào nhiều thị trường mới, đẩy mạnh thị phần ở thị trường châu Á, củng cố thị trường EU, mở rộng thị trường Nga, Đông Âu và thị trường châu Đại Dương, khai phá mạnh thị trường Trung Đông, châu Phi và Mỹ Latinh...
Là một nước lớn trên bàn cờ chính trị thế giới, Ấn Độ đã xác định những điểm mạnh, yếu, những thuận lợi và thách thức về kinh tế, nhằm định vị lại vị trí nền kinh tế quốc gia trên bản đồ kinh tế thế giới. Với sự triển khai rộng khắp các hoạt động kinh tế đối ngoại trên khắp các châu lục, Ấn Độ xử lý các vấn đề hội nhập trên phạm vi rộng lớn hơn, đặc biệt là thực thi đầy đủ các cam kết ngày càng đa dạng của WTO. Chính sách hội nhập và là một thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán thương mại tại WTO đã mang lại nhiều lợi ích cho Ấn Độ trong bối cảnh không ít khó khăn, thách thức. Nhưng các lợi ích, cơ hội, thách thức này không phải lúc nào cũng giống nhau