Tác động đến an ninh chính trị củaViệt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 152 - 155)

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp. Hai nước luôn tin tưởng, sẵn sàng chia sẻ lẫn nhau trên hầu hết các vấn đề song phương cũng như đa phương, kể cả vấn đề luôn nóng và gay cấn như vấn đề Biển Đông.

Những chuyến thăm cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ của hai nước không những đặt nền tảng, tạo động lực cho việc triển khai các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết mà còn thắt chặt thêm độ tin cậy chính trị giữa hai nước.

Lãnh đạo hai nước đều thống nhất khẳng định, việc phát triển quan hệ song phương giữa hai nước là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của từng nước, là nhân tố quan trọng để hai nước cùng phát triển thịnh vượng, bảo đảm hòa bình, ổn định ở khu vực và thế giới. Hai bên nhất trí tăng cường và mở rộng hơn nữa nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên năm trụ cột chính là: chính trị; ngoại giao; quốc phòng - an ninh; kinh tế - thương mại; năng lượng và văn hóa, khoa học, kỹ thuật, giáo dục, đào tạo, ngoại giao nhân dân.

Trên bình diện an ninh chính trị, Việt Nam và Ấn Độ có những lợi ích tương đồng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có việc đối phó với mối đe dọa từ các nước lớn. Hợp tác quốc phòng, an ninh là một trong những trụ cột quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ. Thực hiện tốt hợp tác quốc phòng, an ninh sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai nước, giúp hai nước có cơ hội tăng cường sức mạnh, tạo nên thế cân bằng ở châu Á, thích ứng với cơ chế hợp tác an ninh - chính trị khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là làm thay đổi cán cân quân sự trên Biển Đông.

Hợp tác quốc phòng, anninh giữa Việt Nam và Ấn Độ sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên. Bên cạnh lợi ích kinh tế từ các hợp đồng mua bán vũ khí, trang thiết bị, công nghệ quân sự và các dịch vụ cho Việt Nam, Ấn Độ có được sự ủng hộ của Việt Nam trong lĩnh vực chính trị, trong đó bao gồm đối tác đối thoại của Ấn Độ với ASEAN, tạo cơ sở cho Ấn Độ giữ vai trò lớn hơn trong khu vực Đông Á, đặc biệt là trong lĩnh vực hàng hải. Ngược lại, giúp Việt Nam tăng cường khả năng hiện đại hóa lực lượng vũ trang, nâng cao sức mạnh quốc phòng, an ninh, tăng cường năng lực phòng thủ để bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia.

Từ khi Ấn Độ điều chỉnh chính sách đối ngoại đến nay, cơ chế, hình thức, nội dung hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ đã có nhiều khởi sắc. Từ năm 2009, Việt Nam và Ấn Độ đã thống nhất thiết lập cơ chế đối thoại quốc phòng cấp thứ trưởng, trước hết nhằm trao đổi các vấn đề an ninh mà hai bên cùng quan tâm. Cơ chế đối thoại này luân phiên tổ chức tại Hà Nội và New Delhi. Cho đến nay, hai bên đã tổ chức được 9 phiên đối thoại quốc phòng. Nội dung chính của cơ chế Diễn đàn đối thoại quốc phòng chủ yếu xoay quanh các chủ đề về công tác đào tạo, trong đó chú trọng đào tạo tiếng Anh, kỹ thuật quân sự; hợp tác giữa các quân, binh chủng, đẩy mạnh hợp tác về hải quân, không quân; huấn luyện lực lượng gìn giữ hòa bình; bàn thảo các chương trình cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác quốc phòng, an ninh ngày càng thiết thực hơn, hiệu quả hơn.

Hai thống nhất quan điểm thúc đẩy hợp tác quốc phòng ngày càng đi vào chiều sâu và thiết thực hơn nhằm tăng cường sức mạnh quốc phòng của hai nước, đưa quan hệ quốc phòng tương xứng với quan hệ Đối tác chiến lược mà hai nước đã xác định, vì sự phát triển của hai quốc gia, dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và thế giới. Hai nước đã thống nhất tổ chức giao lưu quân đội như giao lưu sỹ quan trẻ, trao đổi kinh nghiệm, đào tạo cán bộ, hợp tác giữa các quân binh chủng và công nghiệp quốc phòng, tổ chức tuần tra chung trên biển, tập trận chung giữa hải quân hai nước và tổ chức các chuyến tàu quân sự ghé thăm cảng biển của nhau.

Hai bên đã hoàn tất quá trình chuẩn bị và bắt đầu tổ chức thực hiện gói tín dụng 100 triệu USD (năm 2014) mà Ấn Độ dành cho Việt Nam để tăng cường sức mạnh và năng lực quốc phòng, bao gồm nhiều hạng mục như: đóng tàu cho lực lượng thực thi pháp luật trên biển; xây dựng, thành lập Trung tâm Công nghệ thông tin và ngoại ngữ, tin học cho Bộ Quốc phòng Việt Nam; đào tạo thủy thủ tàu ngầm, đào tạo phi công điều khiển máy bay Su30, đào tạo, huấn luyện tác chiến trên các địa bàn phức tạp, huấn luyện lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình cho sỹ quan Việt Nam, sửa chữa và bảo trì tàu hải quân, tìm kiếm cứu nạn trên biển,v.v..

Trong tầm nhìn của Ấn Độ khi điều chỉnh chính sách đối ngoại ở Đông Á thì Biển Đông luôn là mắt xích quan trọng. Vấn đề Biển Đông được đề cập trực tiếp trong chính sách Hành động phía Đông, điều này cho thấy sự gia tăng can dự của Ấn Độ ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược kép của Ấn

Độ: vừa trở thành cường quốc nổi bật ở Đông Bắc Ấn Độ Dương, vừa đảm nhiệm vai trò chiến lược lớn hơn trong khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Sự gia tăng như vậy thể hiện rõ trên những quyết tâm và hành động sau:

Một là, Ấn Độ luôn khẳng định rõ lập trường nguyên tắc của mình về tự do hàng hải, an ninh hàng hải và giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, phát triển một bộ quy tắc ứng xử và giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình.

Hai là, Ấn Độ vẫn kiên định, tiếp tục các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí ở Biển Đông mặc dù có những sự đe dọa, tranh chấp, lấn chiếm làm cho tình hình trên vùng biển này ngày càng căng thẳng. Hành động này ngoài bảo vệ lợi ích của Ấn Độ ở Biển Đông còn góp phần vào việc giúp Việt Nam củng cố chủ quyền quốc gia trên vùng biển này.

Ba là, Ấn Độ phản đối ý định của Trung Quốc lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên Biển Đông. Ấn Độ cho rằng, động thái của Trung Quốc như tuyên bố chủ quyền ở những khu vực tranh chấp trên biển Đông, tiến hành xây đảo nhân tạo trái phép ở quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam và có khả năng sẽ áp đặt áp đặt Vùng nhận dạng phòng không trong khu vực... không chỉ trái với lợi ích chiến lược, thương mại của Ấn Độ mà còn chống lại các chuẩn mực quốc tế về tự do hàng hải, hàng không. Vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các lợi ích thương mại và chiến lược của Ấn Độ mà còn vi phạm các nguyên tắc quốc tế về tự do hàng hải và hàng không.

Bốn là, Ấn Độ ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài quốc tế về Biển Đông.

Năm là, Ấn Độ luôn coi Đông Nam Á là trung tâm, trong đó Việt Nam luôn là nhân tố quan trọng của khu vực này.

Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ từ chính sách Hướng Đông thành Hành động phía Đông, tạo điều kiện cho Việt Nam có lợi thế quan trọng trong việc thực thi chính sách đối ngoại, “đa phương hóa”, “đa dạng hóa” của mình để phát triển đất nước, giúp Việt Nam “cân bằng chiến lược” trong quan hệ với các nước lớn, tăng sức đề kháng trong việc bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, an ninh chính trị, kinh tế, phát triển quan hệ nhiều mặt với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các cường quốc khu vực và thế giới.

3.2.2.4. Chính sách đối ngoại của Ấn Độ đem lại những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 152 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)