Đối với Bangladesh

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 77 - 80)

Với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển cũng tạo thuận lợi cho Ấn Độ và Bangladesh nối lại quan hệ. Ấn Độ là quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Bangladesh ngay sau khi độc lập vào tháng 12-1971, công nhận Bangladesh là một quốc gia riêng biệt và độc lập. Ấn Độ và Bangladesh có nhiều nét tương đồng về văn minh, văn hóa, xã hội và kinh tế. Là hai quốc gia có khá nhiều điểm chung về lịch sử, ngôn ngữ, văn hóa và nghệ thuật, hai nước có nhiều thuận lợi hơn trong quá trình liên kết, hợp tác, mở rộng triển khai chính sách đối ngoại trên nhiều lĩnh vực. Ấn Độ và Bangladesh có vị trí địa lý tương đối thuận lợi trong việc khai thác các thế mạnh của mỗi nước, qua đó giúp cả hai mở rộng và phát triển nền kinh tế mỗi quốc gia. Với Bangladesh, Ấn Độ mong muốn sớm hoàn thành việc điều chỉnh biên giới và những Hiệp định về vùng biển chung của hai nước để loại bỏ căng thẳng có thể xảy ra trong quan hệ hai bên. Ấn Độ chủ trương thực hiện chính sách thân thiện, thuyết phục Bangladesh rằng Ấn Độ là một cơ hội không phải là mối đe dọa, và Ấn Độ sẽ giúp Bangladesh có cơ hội phát triển tốt hơn, khẳng định tư cách là một quốc gia lớn nhất và nền kinh tế mạnh nhất trong khu vực.

* Trên lĩnh vực chính trị - ngoại giao

Một thời gian dài trong lịch sử, quan hệ hai nước trải qua nhiều thăng trầm. Sau cuộc đảo chính quân sự của tướng Ziaur Rahman năm 1975 với lý do chính phủ Liên đoàn nhân dân bán hết lợi ích của đất nước cho Ấn Độ, Bangladesh thiết lập chế độ quân sự do Tướng Ziaur Rahman lãnh đạo. Từ năm 1975 đến năm 2008, mối quan hệ Bangladesh-Ấn Độ luôn có sự nghingờ và thù địchlẫn nhau thay vì hợp tác,phát triển. Thủ tướng Manmohan Singh chủ trương xây dựng lại mối quan hệ tốt đẹp với Bangladesh trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên phải đến tháng 12 - 2008 Ấn Độ mới tranh thủ được những điều kiện thuận lợi để gây dựng lại mối quan hệ với nước láng giềng này khi mà liên minh của đảng Liên đoàn nhân dân đã giành chiến thắng trong tổng tuyển cử tại Bangladesh. Sau lên nắm quyền, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina của đảng Liên đoàn nhân dân cùng với Thủ tướng Manmohan Singh đã xây dựng lại chính sách hợp tác thân thiện, xóa bỏ những nghi ngờ và thù địch lẫn nhau tồn tại suốt thời gian dài trong quan hệ Ấn Độ - Bangladesh. Hai nước thường có các cuộc viếng thăm, trao đổi và các cuộc họp cấp cao giữa nguyên thủ hai quốc gia với nhau trên nhiều lĩnh vực. Chuyến thăm Bangladesh của Thủ tướng Manmohan Singh vào tháng 9- 2011 đã mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ song phương giữa Ấn Độ với Bangladesh, qua đó phản ánh tầm quan trọng trong quan hệ với quốc gia Bangladesh của Ấn Độ, quan hệ ngoại giao với Bangladesh được xây dựng trên các nguyên tắc bình đẳng, hợp tác và cùng phát triển. Bangladesh và Ấn Độ đã củng cố thêm động lực để thúcđẩy mối quan hệ trở nên gầngũi và thân thiện hơn.

Trong những năm đầu thế kỷ XXI, hai nước đã tiếp tục củng cố quan hệ trên nhiều mặt như: chính trị, kinh tế, thương mại và văn hóa. Trên cơ sở đó, hai nước đã thúc đẩy xây dựng nhiều khuôn khổ hợp tác toàn diện.Cả hai quốc gia hợp tác, khai thác và sử dụng tài nguyên trên 54 sông đi qua lãnh thổ hai nước; ngoài ra Ấn Độ còn cho Bangladesh thuê vùng đất Tin Ghira mà dân Bangladesh có truyền thống làm ăn ở đó...

Ấn Độ và Bangladesh đã tham gia vào nhiều chương trình hợp tác khu vực thông qua các diễn đàn đa phương như SAARC, BIMSTEC và Hiệp hội hợp tác khu vực vành đai Ấn Độ Dương (IORA)... Ấn Độ và Bangladesh đã có nhiều sáng kiến trong hợp tác khu vực trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, đồng thời kêu gọi được sự đồng thuận hưởng ứng của Bhutan và Nepal.

* Trên lĩnh vực kinh tế - thương mại

Trong giai đoạn mối quan hệ với Bangladesh đang dần trở nên tốt đẹp hơn, Ấn Độ xác định Bangladesh là đối tác thương mại quan trọng. Ấn Độ nỗ lực không ngừng thúc đẩy quan hệ với quốc gia này thông qua việc ký kết một loạt các văn kiện quan trọng trên lĩnh vực kinh tế. Thương mại hai chiều trong năm tài chính 2014-2015 đạt 5,34 tỷ USD[165; tr.1]. Ấn Độ chủ trương thúc đẩy nhiều chính sách trong khu vực thương mại tự do chung với Bangladesh, theo đó Ấn Độ thực hiện xóa bỏ hầu hết các hàng rào thương mại, thuế quan và phi thuế quan với Bangladesh tăng cường các hoạt động thương mại, và có nhiều chính sách mở của, thuận lợi cho giao thương, trao đổi hàng hóa dọc biên giới Ấn Độ - Bangladesh. Các Hiệp định song phương xúc tiến đầu tư của với Bangladesh ngày càng được tăng cường và phát triển, nhiều công ty xuyên quốc gia, tập đoàn kinh tế của Ấn Độ như: Airtel, CEAT, Marico... đã tích cực tham gia đầu tư, thương mại tại Bangladesh với nguồn vốn lớn. Ấn Độ đã thiết lập mạng lưới liên kết điện lưới quốc gia với Bangladesh, qua đó xuất khẩu 500 MW điện mỗi năm tới Bangladesh.

Đề củng cố lòng tin với Bangladesh, Ấn Độ đã thường xuyên tiến hành các hoạt động viện trợ và hỗ trợ kinh tế để giúp Bangladesh đối phó với thiên tai và lũ lụt thường xuyên xảy ra. Hỗ trợ khắc phục hậu quả của cơn bão Sird đã đổ bộ vào vùng duyên hải Bangladesh, Ấn Độ đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về kinh tế - xã hội đối với Bangladesh. Tháng 3-2009 Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ đã có chuyến thăm tới các vùng bị thiệt hại nặng nề do lốc xoáy gây ra tại Bangladesh, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Ấn Độ đối với Bangladesh và trước khi có cuộc viếng thăm, Ấn Độ đã hỗ trợ gói cứu trợ nhân đạo trị giá hơn 37 triệu USD cho Bangladesh. Chính phủ Ấn Độ cũng làm việc với Chính phủ Bangladesh nhằm hỗ trợ xây dựng lại 10 ngôi làng bị tàn phá nặng nề trong đợt thiên tai ở phía nam của Bangladesh, qua đó Ấn Độ đã tái xây dựng được 2.800 ngôi nhà bị tán phá ở khu vực trên và cung cấp 2.800 đèn năng lượng mặt trời cho các hộ gia đình. Ấn Độ cũng đã cung cấp một nguồn vốn đầu tư lên đến 800 triệu USD để Bangladesh xây dựng một loạt các dự án, bao gồm cơ sở hạ tầng đường sắt, cung cấp các phương tiện giao thông đường sắt hiện đại và đầu tư đào tạo đội ngũ quản lý, kỹ sư lành nghề, đầu tư mua mới hàng loạt xe buýt công cộng, xây dựng và cải tạo giao thông đường bộ [165; tr.2].

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 77 - 80)