Các quốc gia trên thế giới, trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách đối ngoại đều phải hướng tới ba mục tiêu cơ bản là: “An ninh, phát triển và ảnh hưởng”[36; tr.3]. Trong bối cảnh thế giới và khu vực có nhiều biến động và thay đổi to lớn, với sự chi phối của các nước lớn ngày càng thể hiện rõ rệt, Thủ tướng Manmohan Singh đã định ra mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Ấn Độtrong thời kỳ mới nhằm bảo đảm ổn định an ninh trong nước; tăng cường hợp tác đầu tư nước ngoài phục vụ cho chương trình cải cách kinh tế; phát huy vai trò, củng cố vị thế của Ấn Độ trong khu vực và trên toàn thế giới. Ngày 4/11/2013, phát biểu tại Hội nghị Thường niên với trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao, Thủ tướng Manmohan Singh đã nhấn mạnh định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ, nhằm đảm bảo “vận mệnh của Ấn Độ trong các vấn đề thế giới”, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là phải tạo được môi trường toàn cầu thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ, quan hệ ổn định với các cường quốc, thúc đẩy hợp tác khu vực và tuyên truyền về các giá trị của Ấn Độ. Những mục tiêu cụ thể của chính sách đối ngoại Ấn Độ duy trì dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh là:
Về an ninh, Chính phủ UPA đặt ra mục tiêu: Hoạt động đối ngoại của Ấn Độ phải góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia, ổn định chính trị và lãnh thổ Ấn Độ[152; tr.7-8]. Việc duy trì toàn vẹn lãnh thổ và bảo vệ biên giới quốc gia khỏi sự xâm lược của nước ngoài là lợi ích cốt lõi của một quốc gia. Cũng như Việt Nam, Ấn Độ đã trải qua một thời kỳ dài là thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Tuy nhiên, với tinh thần đấu tranh bất khuất, Ấn Độ đã được giải phóng khỏi chế độ thực dân Anh và giành được độc lập vào năm 1947. Do đó, cũng giống như Việt Nam, Ấn Độ rất trân trọng nền độc lập mà phải trải qua rất nhiều khó khăn nhân dân Ấn Độ mới giành lại được trong cuộc chiến chống chủ nghĩa thực dân và chống thuộc địa. Và do vậy, bảo vệ độc lập, chủ quyền và an ninh quốc gia là mục tiêu đối ngoại quan trọng hàng đầu của Ấn Độ.
Về phát triển, Chính phủ UPA chủ trương “Tăng cường và mở rộng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinhtế lớn của thế giới, các nước vừa và nhỏ trong khu vực nhằm tranh thủ nguồn vốn đầu tư và khoa học công nghệ từ các nước này để phát triển kinh tế”[156]. Thủ tướng Manmohan Singh đặt ưu tiên hàng đầu là phát triển kinh tế toàn diện, thúc đẩy tăng trưởng và tạo môi trường thân thiện, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ấn Độ chủ trương tăng cường mở rộng quan hệ với tất cả các nước, trong đó chú trọng quan hệ với các nước lớn, các trung tâm kinh tế thế giới, các nước láng giềng phía Đông và các nước vừa và nhỏ trong khu vực nhằm tận dụng các nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế. Đồng thời, Ấn Độ cũng đẩy mạnh quá trình hội nhập khu vực và thế giới. Để đẩy nhanh quá trình hội nhập, Ấn Độ đã thực hiện một số biện pháp chính, như: tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế, tích cực phát huy vai trò lãnh đạo các quốc gia đang phát triển trên nhiều diễn đàn.
Về ảnh hưởng,Chính sách đối ngoại của Ấn Độ hướng đến mục tiêu nâng cao vai trò, vị thế của Ấn Độ trong khu vực và trên trường quốc tế, đưa Ấn Độ trở thành một trong những nước đóng vai trò quan trọng của thế kỷ XXI[157]. Bước sang thế kỷ thứ XXI, một trong những mục tiêu đối ngoại khá nổibật của Ẩn Độ là phấn đấu trở thành một cường quốc khu vực và thế giới tương xứng với tiềm năng và nguồn lực của đất nước. Là quốc gia có diện tích lớn thứ hai ở khu vực châu Á với dân số hơn 1,2 tỷ người, GDP của Ấn Độ năm 2013 là 1.875 tỷ USD và là nền kinh tế lớn thứ 7của thế giới. Để nâng cao vai trò, vị thế của Ấn Độ trong khu vực và thế giới thì một trong những biện pháp được Ấn Độ quan tâm thực hiện đó là, tích cực tham gia vào các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như đóng vai trò lãnh đạo trong phong trào Không liên kết, tích cực phát huy vai trò lãnh đạo các quốc gia đang phát triển trên nhiều diễn đàn, tích cực tham gia vào nhiều cơ chế hợp tác khác. Ấn Độ luôn tìm cách mở rộng ảnh hưởng ra toàn thế giới và trước mắt là các quốc gia ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Để mở rộng ảnh hưởng và tạo lập được vị trí của một cường quốc tại khu vực này, trong hai nhiệm kỳ của Thủ tướng Manmohan Singh, Ấn Độ đã tích cực thực hiện Chính sách hướng Đông. Trên trường quốc tế, Ấn Độ cố gắng xác lập vị trí, vai trò cường quốc thế giới thông qua việc phấn đấu trở thành thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc[133; tr.260-261].
Ngoài mục tiêu đầu tiên là bảo vệ độc lập, chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ vẫn được giữ nguyên như thời kỳ Chiến tranh lạnh, các mục tiêu khác đã
được chuyển đổi hoặc cụ thể hóa hơn. Có thể nói rằng, so với thời kỳ trước, những mục tiêu của chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh thiên về nội dung kinh tế, mang tính chất thực tiễn hơn. Cùng với quá trình cải cách kinh tế của Ấn Độ, những mục tiêu này càng được nhận thức rõ rệt hơn.