Dưới thời Thủ tướng Manmohan Singh, bên cạnh việc bổ sung, hoàn thiện và phát triển thì chính sách đối ngoại ngày càng được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn thế giới và yêu cầu của nhiệm vụ quốc gia. Xuất phát từ lợi ích và mục tiêu đối ngoại, chính sách đối ngoại của Ấn Độ được xây dựng trên nguyên tắc bao trùm là:
Chính phủ quyết tâm duy trì chính sách đối ngoại độc lập của Ấn Độ, được xây dựng trên sự đồng thuận của quốc gia và dựa trên lợi ích quốc gia tối cao. Vì vậy, Ấn Độ dành ưu tiên cao cho các mối quan hệ chính trị, kinh tế và văn hóa chặt chẽ hơn với các nước láng giềng; mở rộng mạng lưới các mối quan hệ quốc tế - giữ gìn tình đoàn kết với các đồng minh truyền thống và tăng cường quan hệ đối tác mới. Ấn Độ phát triển quan hệ với các quốc gia có cùng quan điểm vì một trật tự thế giới bình đẳng, đa cực, có tính đến nguyện vọng chính đáng của các nước đang phát triển[143]. Trong tình hình mới của thế giới và khu vực, Ấn Độ nhấn mạnh quan điểm tăng cường sự chủ động, tích cực của Ấn Độ đối với quá trình hội nhập quốc tế ngày càng đầy đủ và toàn diện, không chỉ hội nhập trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong lĩnh vực khác. Ấn Độ cũng thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trong việc tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và quốc tế, đóng vai trò là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình hợp tác và phát triển.
Chính sách đối ngoại của Ấn Độ luôn dựa trên sự kiên trì giữ vững nguyên tắc đối ngoại cơ bản, bao trùm là hòa bình, độc lập, thống nhất và bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia, đặt lợi ích tối cao của quốc gia lên hàng đầu. Những nguyên tắc bao trùm trong chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời Thủ tướng Mamohan Singh là sự tiếp tục và phát triển “Nămnguyên tắc chung sống hòa bình” và “Mười nguyên tắc Bangdung”. Manmohan Singh đã đưa ra năm nguyên tắc xác định chính sách đối ngoại của Ấn Độ và ông cho rằng việc thực hiện chính sách đối ngoại của Ấn Độ trong giai đoạn mới cần phải dựa trên những nguyên tắc này.
Thứ nhất, chính sách đối ngoại của Ấn Độ với các nước láng giềng, các nước lớn, các quốc gia và khu vực khác trên thế giới khác phải dựa trên những ưu tiên
phát triển của Ấn Độ. Mục tiêu của chính sách đối ngoại là tạo ra môi trường quốc tế hòa bình, thuận lợi cho sự phát triển của Ấn Độ [133].
Thứ hai, tích cực chủ động hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới, qua đó phát huy những thế mạnh vốn có của Ấn Độ[133].
Thứ ba, Ấn Độ tìm kiếm mối quan hệ ổn định, lâu dài và cùng có lợi với tất cả các cường quốc. Ấn Độ sẵn sàng hợp tác cộng đồng quốc tế để tạo ra một môi trường kinh tế và an ninh toàn cầu có lợi cho tất cả các quốc gia[133].
Thứ tư, sự phát triển chung của Nam Á đòi hỏi phải có sự hợp tác và kết nối nhiều hơn giữa các quốc gia trong khu vực. Ấn Độ cần tăng cường năng lực hợp tác và nâng cao năng lực thể chế ở khu vực Nam Á[133].
Thứ năm, việc hoạch định chính sách đối ngoại của Ấn Độ không chỉ xây dựng dựa trên lợi ích của quốc gia và người dân Ấn Độ màcòn phải phù hợp những giá trị văn hóa – xã hội truyền thống của Ấn Độ[133].
Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng việc xây dựng các mô hình chính sách đối ngoại của Ấn Độ cần phải dựa trên các nền tảng cơ bản là: quyền tự chủ chiến lược, không liên kết và giải quyết xung đột, tranh chấp thông qua ngoại giao. Ông chủ trương phát triển kinh tế Ấn Độ trong khuôn khổ một nền dân chủ tự do, thế tục và đa nguyên. Ấn Độ tin tưởng và ủng hộ việc thực thi dân chủ. Tuy nhiên, Ấn Độ không ủng hộ sự can thiệp từ các quốc gia bên ngoài vì mục đích này. Do đó, Ấn Độ đã nỗ lực xây dựng một xã hội dân tộc thế tục, tiến bộ, không chủ trương xây dựng chế độ quân chủ hoặc độc tài quân sự. Ấn Độ tin rằng, dân chủ tốt nhất là để người dân nước này có quyền lựa chọn hoặc thay thế các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, quyền ủng hộ hoặc thay đổi cách thức quản lý xã hội. Bằng cách mở rộng nguyên tắc trên, Ấn Độ phản đối ý tưởng thay đổi chế độ hoặc vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của một quốc gia bằng sử dụng vũ lực hoặc phương tiện khác của một quốc gia khác hoặc một nhóm quốc gia. Ví dụ như Ấn Độ lên tiếng về sự can thiệp của Mỹ vào Iraq, Libya, sự can thiệp của Nga vào Syria, Georgia, Ukraine,... Đồng thời, Ấn Độ sẵn sàng thúc đẩy dân chủ ở bất cứ nơi nào nếu có khả năng; điều này được thực hiện bằng cách chủ động hỗ trợ nâng cao năng lực và củng cố các thể chế dân chủ, trên cơ sở có sự đồng ý chính thức của Chính phủ nhà nước liên quan.
Ấn Độ không tán thành ý tưởng áp đặt các biện pháp trừng phạt hay bất cứ hành động quân sự đối với bất kỳ quốc gia riêng lẻ nào bởi một quốc gia hoặc một nhóm quốc gia, trừ khi các biện pháp trừng phạt hoặc hành động quân sự này đã
được Liên Hợp Quốc phê chuẩn và là kết quả của sự đồng thuận quốc tế. Do đó, Ấn Độ tích cực tham gia đóng góp cho các hoạt động quân sự gìn giữ hòa bình như: tham gia Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đến năm 2008, Ấn Độ đã đóng góp gần 195.000 binh sĩ, tham gia hơn 49 nhiệm vụ, 68 nhân viên gìn giữ hòa bình Ấn Độ đã hy sinh khi phục vụ trong các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc. Ấn Độ cũng đã cung cấp và hỗ trợ Lực lượng Chỉ huy các nhiệm vụ của Liên Hợp Quốc…
Ấn Độ phản đối sự can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác. Tuy nhiên, bất kỳ quốc gia nào có hành động ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia của Ấn Độ, Ấn Độ sẽ không ngần ngại can thiệp kịp thời. Ấn Độ cam kết ủng hộ chính sách mang tính xây dựng thay cho những hành động xâm lược vũ trang. Có thể kể đến như trường hợp xung đột của Pakistan – Ấn Độ, Ấn Độ cho rằng chủ nghĩa khủng bố được Nhà nước Pakistan tài trợ với các mục tiêu nhắm vào Ấn Độ.
Chính sách không liên minh, liên kết, độc lập trong việc ra quyết định và tự chủ chiến lược là một nguyên tắc quan trọng khác của chính sách đối ngoại của Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ tin tưởng vào Quan hệ đối tác và không tham gia vào các Liên minh, đặc biệt là các liên minh quân sự. Ấn Độ xác định rõ cơ sở của sự hợp tác là hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước trên cơ sở những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Thủ tướng Manmohan Singh nhấn mạnh rằng, chính phủ UPA đã tìm cách thiết lập lại nền tảng cơ bản cho chính sách đối ngoại của Ấn Độ, dựa trên các ưu tiên quốc gia, vai trò và vận mệnh của quốc gia trong các vấn đềquốc tế.