Tình hình thế giới trong thập niên đầu thế kỷ XXI

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 45 - 47)

Sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới đang có những chuyển biến nhanh chóng, phức tạp. Do đó nhận thức một cách đúng đắn đặc điểm, xu thế phát triển của thế giới và khu vực là cơ sở quan trọng trong việc điều chỉnh chiến lược chính sách đối ngoại của đất nước Ấn Độ những năm đầu thế kỷ XXI.

Hoà bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn. Kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phục hồi và phát triển nhưng vẫn tiềm ẩn những yếu tố bất trắc khó lường[11; tr.21]. Xu thế hòa bình, hợp tác phát triển trở thành nhân tố chủ đạo cho các nước lớn điều chỉnh chiến lược của mình từ đối đầu sang đối tác chiến lược. Nhiều mâu thuẫn, tranh chấp đang diễn ra được giải quyết theo chiều hướng hiệp thương, tránh các xung đột đối đầu. Các nước lớn với tư cách là người khởi xướng và dẫn dắt các quá trình liên kết khu vực, liên kết quốc tế đã thúc đẩy tiến trình này. Hợp tác phát triển diễn ra ở nhiều cấp độ: quốc gia, khu vực, trong từng ngành…đã và sẽ tiếp tục làm cho bầu không khí chính trị thế giới lắng dịu, môi trường ổn định đảm bảo cho nhịp độ tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì. Thế giới từ hai cực chuyển thành đa cực, chính yếu tố đa cực đã hạn chế khả năng can thiệp quân sự của các nước lớn vào các quốc gia khác. Tuy nhiên, những nguy cơ bất ổn vẫn còn tồn tại, đó là chủ nghĩa ly khai, khủng bố quốc tế diễn ra rất phức tạp.

Một xu hướng lớn khác tiếp tục diễn ra và có xu hướng phát triển mạnh mẽ trong thập niên đầu thế kỷ XXI là toàn cầu hóa, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế nhờ những phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật. Toàn cầu hóa mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại như tạo ra hàng triệu cơ hội việc làm ở các quốc gia đang phát triển, buôn bán giữa các nước gia tăng, những công nghệ mới và FDI chảy vào các nước đang phát triển kích thích tốc độ tăng trưởng của các nước này. Toàn cầu hóa khiến Nam Á giảm mâu thuẫn nội bộ (giữa Ấn Độ và Pakistan) để tạo điều kiện

phát triển, tương tự các mối quan hệ giữa Ấn Độ và các nước láng giềng nói chung (Ấn Độ- Trung Quốc, Ấn Độ- Nga…) đều giảm mâu thuẫn, đối đầu để tăng hợp tác. Xu hướng tự do hóa thương mại sẽ tiếp tục phát triển ở mọi mức độ khác nhau như hợp tác song phương, đa phương. Chính các hiệp định hợp tác đó sẽ có vai trò tích cực trong việc liên kết kinh tế giữa các khu vực. Các hiệp định đa phương không chỉ trên phương diện tự do hóa thương mại mà còn cả tác động tới việc xúc tiến đầu tư, chuyển giao công nghệ và nâng cao hoạt động của các dịch vụ.

Bước sang thế kỷ XXI, nhân loại chứng kiến cuộc cách mạng khoa học công nghệ và nền kinh tế tri thức phát triển nhanh chóng. Dưới tác động của cách mạng công nghệ, cùng với quá trình tự do hóa thương mại, cơ cấu thương mại cũng có nhiều thay đổi. Sự thay đổi biểu hiện ở chỗ các sản phẩm có hàm lượng vốn và công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng giá trị xuất khẩu. Đặc biệt với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông đã làm cho nhịp độ trao đổi tiền tệ tăng 20 lần so với trao đổi thương mại[83; tr.43]. Điều đó đã thúc đẩy quá trình tự do hóa hóa tài chính phát triển.Quốc tế hóa tài chính thúc đẩy trở lại quốc tế hóa thương mại và quốc tế hóa nền sản xuất trên phạm vi toàn cầu. Biểu hiện của tự do hóa tài chính là sự chuyển vốn FDI tới các khu vực khác nhau trên thế giới, đặc biệt là vào các nước đang phát triển tiếp tục tăng lên. Trong số các nước đang phát triển thì Ấn Độ cũng là một trong những nước thu hút nhiều FDI.

Cục diện quốc tế thay đổi sau khi chiến tranh lạnh kết thúc đã tạo ra bối cảnh mới vừa thuận lợi vừa khó khăn cho tất cả các quốc gia trên thế giới trong đó có Ấn Độ. Bên cạnh một môi trường quốc tế ổn định, đối thoại là chủ yếu, tạo điều kiện thu hút các nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài, buôn bán thương mại giữa các quốc gia gia tăng, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, tăng tiếp nhận nguồn công nghệ mới, mở rộng các ngành nghề mới… thì đó còn là sự cạnh tranh gay gắt về thị trường tiêu thụ cũng như nguồn nguyên liệu đối với các quốc gia, sự nổi lên của các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Những năm đầu thế kỷ XXI, thế giới đang chứng kiến sự thay đổi có tính chất bước ngoặt của chủ nghĩa ly khai và khủng bố. Cùng với chủ nghĩa ly khai dân tộc, chủ nghĩa khủng bố đã có những thay đổi và bước vào thời kỳ phát triển mới. Đặc điểm nổi bật của thời kỳ này chính là có sự kết hợp giữa tôn giáo và chính trị. Yếu tố tôn giáo chi phối chính trị là hiện tượng phổ biến trong thế giới Hồi giáo. Ngay từ những thập niên 1980, vấn đề đạo Hồi đã nổi lên cùng với vấn đề ý thức hệ dân

tộc và trở thành nguyên nhân đưa đến phong trào đấu tranh mang màu sắc khủng bố. Tôn giáo đang dần trở thành vấn đề quan tâm của đời sống quốc tế, là động cơ chính của chủ nghĩa khủng bố. Sau sự kiện khủng bố 11/9/2001 ở Mỹ, cuộc chiến tranh chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của cả Ấn Độ. Cũng chính điều này góp phần quan hệ Mỹ- Ấn cũng như Ấn Độ với các quốc gia khác trên thế giới xích lại gần nhau hơn trong công cuộc chống khủng bố. Kể từ đây, Mỹ luôn là đối tác chiến lược của Ấn Độ mặc dù mối quan hệ này phần nào bị ảnh hưởng bởi nhân tố Pakistan- một đồng minh của Mỹ. Việc xích lại gần hơn với Mỹ, ngoài mục tiêu hợp tác còn hướng vào mục tiêu làm giảm ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực Nam Á. Xích lại gần hơn với Mỹ, Ấn Độ cũng được lợi nhờ mở rộng khả năng tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Điều này rất quan trọng cho sự phát triển của Ấn Độ. Vì vậy, cuộc chiến tranh Iraq năm 2003 dù không tác động trực tiếp đến Ấn Độ nhưng cũng khiến giới lãnh đạo Ấn Độ phải nhìn nhận lại chính sách đối ngoại của mình. Đã đến lúc phải từ bỏ chính sách đối ngoại truyền thống mà thay bằng một định hướng quan hệ hợp tác với các nước Đông Á giàu tiềm năng và giữ vị trị chiến lược.

Muôn vàn khó khăn chồng chất đối với Ấn Độ. Trong bối cảnh ấy, Ấn Độ nhận ra rằng cần phải có một định hướng mới trong chính sách đối ngoại của mình. Trên cơ sở đó, việc mở rộng quan hệ hợp tác là lựa chọn số một của Ấn Độ. Ấn Độ sẽ từng bước lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế. Kỷ nguyên XXI được đánh giá là kỷ nguyên của Châu Á, kỷ nguyên này không chỉ là sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu khu vực như Nhật Bản, Trung Quốc mà còn ghi nhận sự tiến bộ rõ rệt từ các nền kinh tế khác trong đó có Ấn Độ.

Một phần của tài liệu Luận án Tiến sĩ Chính sách đối ngoại của Ấn Độ dưới thời thủ tướng Manmohan Singh (Trang 45 - 47)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)