Tác động của lạm phát đến nền kinh tế

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 47 - 49)

Sau một thời gian dài nghiên cứu về lạm phát, các nhà kinh tế học đều thống nhất là lạm phát khi vượt qua mức cho phép sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế. Trong thời kỳ lạm phát, giá cả và tiền lương đều không thay đổi theo cùng một tỷ lệ, tức là có sự thay đổi tương đối về giá nhưng tiền lương không chắc chắn sẽ thay đổi theo tỷ lệ tương ứng theo lạm phát.

 Cách tiếp cận của trường phái cơ cấu: có thể thấy rằng, nền kinh tế rất hiếm khi ở mức toàn dụng các nguồn lực. Thêm vào đó, trong một nền kinh tế, có thể một số lĩnh vực sử dụng toàn lực để phát triển, nhưng vẫn tồn tại những lĩnh vực không sử dụng hết các nguồn lực, điều này sẽ dẫn đến sự mất cân bằng, một số lĩnh vực có thể dư cung và một số thì có thể dư cầu. Các nhà kinh tế cho rằng các Chính phủ cho phép tổng cầu gây áp lực dai dẳng lên các nguồn lực hiện có, như là khuyến khích đầu tư, chủ trương tài trợ thâm hụt ngân sách như là một biện pháp để đẩy mạnh tăng trưởng. Khi đó, lạm phát do cầu kéo sẽ phân phối lại thu nhập bằng cách tăng tiết kiệm và tăng đầu tư. Lợi nhuận của các công ty (và các khoản đầu tư) sẽ tăng lên khi công ty có thể tự tăng giá mà không cần tăng chi phí tương ứng. Đối với chính sách tài khóa của Chính phủ sẽ có thêm khoản thu từ thuế lạm phát (inflation tax), đây chính là phần mất đi sức mua thực tế của đồng tiền mà những người giữ tiền mặt phải gánh chịu. Khi các công ty và chính phủ có xu hướng là tăng tiết kiệm cận biên lớn hơn so với các tầng lớp xã hội thì tổng tiết kiệm sẽ tăng lên. Trong phương trình Đầu tư = Tiết kiếm, khi tiết kiệm tăng có thể sẽ thúc đẩy đầu tư tăng, khi đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nếu đầu tư và tăng trưởng liên kết chặt chẽ với nhau. Do

38 vậy, sẽ có một mối liên kết đánh đổi giữa lạm phát và tăng trưởng, một xã hội ưu tiên cho tăng trưởng thì sẽ phải chấp nhận lạm phát đi cùng với nó và điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn theo lý thuyết đường cong Phillips. Mối liên hệ này không tồn tại trong trung hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, đầu tư tư nhân sẽ bị suy giảm do lạm phát, vì các nguồn lực đã được chuyển cho chính phủ sử dụng, trong trường hợp không có lạm phát thì các nguồn lực đó được sử dụng đầu tư cho khu vực tư nhân. Thêm nữa, việc đầu tư cho khu vực công cộng khi có lạm phát ở mức cao có thể lấn át đầu tư tư nhân, nếu nó sử dụng các nguồn lực khan hiếm phải dành cho khu vực tư nhân, hoặc nếu nó sản xuất những hàng hóa tiêu thụ trên thị trường cạnh tranh với hàng hóa của khu vực tư nhân[44].

 Cách tiếp cận của trường phái tân cổ điển (Neoclassical): ngược lại với trường phái cơ cấu, trường phái tân cổ điển cho rằng lạm phát dường như có hại hơn đối với tăng trưởng kinh tế. Việc tăng giá không những không khuyến khích đầu tư mà còn cản trở đầu tư bằng việc xói mòi giá trị thực của nó. Lạm phát càng cao thì càng làm tăng gánh nặng thuế đánh vào các khoản tiết kiệm, vì thế làm giảm nguồn vốn đầu tư, dẫn đến xu hướng giảm tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn. Ngoài ra, lạm phát có xu hướng làm méo mó cơ cấu đầu tư theo hướng đầu tư vào những lĩnh vực có lợi nhuận nhanh chóng mang tính đầu cơ, không khuyến khích đầu tư dài hạn vào các ngành sản xuất và nghiên cứu. Cộng với việc, khi không dự báo được mức lạm phát sẽ làm tăng sự bất ổn từ việc dự đoán không chính xác về các biện pháp đối phó của chính phủ, kết quả là sẽ làm cho việc hoạch định kế hoạch sản xuất kinh doanh cho tương lai khó khăn hơn, dẫn đến làm giảm cả đầu tư và năng suất đầu tư. Còn trong trường hợp nghiêm trọng như siêu lạm phát, sẽ làm cho các thành phần trong nền kinh tế không yên tâm khi giữ tiền mặt và họ có thể chạy trốn khỏi việc sử dụng đồng tiền, phá vỡ việc cung cấp có hiệu quả các nguồn lực kinh tế, từ đó kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế. Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu kinh tế còn thấy rằng, lạm phát có thể gây hại đến tăng trưởng thông qua ảnh hưởng của nó đối với cán cân thanh toán. Nếu tỷ lệ lạm phát trong nước cao hơn tỷ lệ lạm phát chung trên thế giới, thì trong ngắn hạn, hàng hóa trong nước trở nên kém hấp dẫn so với hàng hóa nhập khẩu, do hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn, đưa đến nhu cầu nhập khẩu tăng lên và làm cho hạng mục tài khoản vãng lai trở lên xấu đi trên cán cân thanh toán. Có thể làm cho cán cân thương mại yếu đi đưa đến tình trạng thiếu ngoại tệ trong nền kinh tế. Tỷ lệ lạm phát cao, song hành với thâm hụt tài khoản vãng lai có thể đưa đến tâm lý chờ đợi một sự giảm giá của đồng nội tệ. Cơ chế tự điều chỉnh trong chế độ tỷ giá hối đoái linh hoạt để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế sẽ làm cho tỷ giá hối đoái thực tế tăng lên. Nếu điều này diễn ra sẽ làm tăng mức giá chung của hàng hóa nhập khẩu. Điều này đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia nhập khẩu hàng hóa lớn, một sự tăng chỉ số giá nhập khẩu sẽ tạo nên áp lực mạnh đối với mức giá chung của nền kinh tế và sẽ càng làm tăng tốc độ lạm phát.

39 Gần đây, các nhà kinh tế đều thấy được mối quan hệ giữa thị trường tài chính và tăng trưởng kinh tế và họ cũng đã thấy được lạm phát làm giảm khă năng hoạt động có hiệu quả của thị trường tài chính. Đây chính là một kênh gián tiếp để lạm phát ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Khi thông tin không hoàn hảo và bất đối xứng về tình hình lạm phát sẽ làm cho lạm phát trầm trọng thêm, làm cho các ngân hàng khó đánh giá chính xác tình trạng và hiệu quả của phương án kinh doanh của các công ty để phân phối các khoản tín dụng của họ một cách có hiệu quả.

Mặc dù còn nhiều ý kiến trái chiều nhau về ảnh hưởng của lạm phát đến tăng trưởng kinh tế, nhưng thực tề cho thấy khi lạm phát cao thi tăng trưởng kinh tế sẽ bị chậm lại, thậm chí gây ra khủng hoảng kinh tế.

Ngoài ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, lạm phát còn ảnh hưởng đến cơ cấu nền kinh tế, sự thay đổi giá cả sẽ ảnh hưởng đến cung của các loại hàng hóa trong từng khu vực sản xuất khác nhau. Lạm phát cũng ảnh hưởng trực tiếp đến phân phối thu nhập trong nền kinh tế. Bộ phận thu nhập thấp trong xã hội là thành phần chịu ảnh hưởng sớm nhất và nặng nhất khi lạm phát diễn ra, vì các nhóm thu nhập thấp ít có khả năng tiếp cận với các tài sản mà giá trị của các tài sản này sẽ tăng lên cùng với lạm phát, họ chủ yếu tiết kiệm dưới hình thức tiền mặt và họ cũng không có nhiều khả năng để bảo hiểm giá trị tiền lương của họ[18;29;34].

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 47 - 49)