Khái niệm và những quan điểm về lạm phát

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 35 - 37)

Lạm phát đã được các nhà kinh tế học nghiên cứu từ rất sớm, hầu hết các nhà nghiên cứu về lạm phát đều đồng ý rằng “lạm phát là hiện tương tăng giá liên tục của mức giá chung trong một khoảng thời gian”[44] . Tuy nhiên, không phải mọi sự tăng lên của

26 mức giá chung đều đã là lạm phát. Nếu giá cả chỉ tăng tạm thời, trong ngắn hạn, ví dụ trong những dịp gần Tết Nguyên đán tại Việt Nam, sau đó lại giảm xuống thì đó là kết quả của những biến động cung cầu tạm thời.

Hai nhà kinh tế học Laidler và Parkin đã khẳng định rằng “lạm phát được định nghĩa là sự tăng lên liên tục của mức giá chung, hoặc có biểu hiện tương tự là sự giảm liên tục của giá trị đồng tiền”[86] người ta có thể hiểu ở đây là sức mua của đồng tiền tại quốc gia đó bị giảm liên tục. Samuelson cũng định nghĩa “lạm phát biểu thị một sự tăng lên trong mức giá chung”[44]. Mức giá chung được định nghĩa là mức giá trung bình của “giỏ hàng hóa và dịch vụ” tại quốc gia đó. Tại mỗi quốc gia đều có một giỏ hàng hóa và dịch vụ khác nhau phụ thuộc vào mức sống và thu nhập ở quốc gia đó. Khi mức giá chung tăng lên, thì các thành phần trong nền kinh tế sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho chính loại hàng hóa và dịch vụ trong giỏ đó, điều này chứng tỏ giá trị hay sức mua của đồng tiền tại quốc gia đó đã bị giảm.

Các nhà kinh tế học theo trường phái trọng tiền hiện đại, đại diện là Friedman cho rằng “Lạm phát là một hiện tượng tiền tệ tạo nên sự dư cầu về hàng hóa, tức là do lượng tiền trong nền kinh tế quá nhiều để theo đuổi một khối lượng hàng hóa có hạn”. Lý thuyết này được giải thích bởi tiên đề tiền tệ trung lập, tiên đề này khẳng định cung tiền tăng lên hoàn toàn không tác động gì đến lượng hàng hoá và dịch vụ được sản xuất ra cũng như số việc làm[5].

Có quan điểm cho rằng, lạm phát là sự mất giá trị thị trường hay giảm sức mua của đồng tiền được đo lường bởi tỷ giá hối đoái, hay vàng (Inflation is a fall in the external value of money as measured by foreign exchange rates, by the price of gold, or indicated by excess demand for gold or foreign exchange at official rates). Cách tiếp cận này có ưu điểm là xem xét lạm phát của một đồng tiền của một quốc gia trên phạm vi toàn cầu, nhà kinh tế học Bronfenbrenner, Holzmann[86] là những người ủng hộ quan điểm trên.

Nhà kinh tế học nổi tiếng Keynes cho rằng lạm phát là tình trạng mức giá bằng tiền của hầu hết các hàng hoá và dịch vụ mà người dân trong nước mua sắm tăng lên theo thời gian.

Đến thời điểm hiện tại các nhà kinh tế học trên thế giới đều thống nhất định nghĩa lạm phát theo hai quan điểm cơ bản của Samuelson hoặc Friedman. Do đó, nghiên cứu này sẽ bám sát quan điểm của Friedman về lạm phát.

Cũng giống như những căn bệnh, bệnh lạm phát cũng thể hiện ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau.

- Lạm phát vừa phải: được đặc trưng bằng giá cả tăng chậm và có thể dự đoán trước được, tỷ lệ lạm phát hàng năm dưới hai con số có thể coi là lạm phát vừa phải. Khi đó, các

27 thành phần trong nền kinh tế tin tưởng vào việc giữ tiền mặt và ký các hợp đồng tính theo giá của đồng nội tệ, vì họ tin rằng giá của loại hàng hóa được mua không chệch đi quá xa. - Lạm phát phi mã: là tỷ lệ lạm phát trong phạm vi hai chữ số hoặc ba chữ số, như 20%, 100% hay 200%. Một khi lạm phát phi mã diễn ra thường xuyên thì sẽ đưa đến rất nhiều biến dạng kinh tế nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Thứ nhất, các hợp đồng mua bán có thể sẽ được neo vào một chỉ số giá nào đấy hoặc theo ngoại tệ có thể là đôla Mỹ hoặc Euro. Khi xảy ra lạm phát phi mã, đồng tiền tại quốc giá đó bị mất giá trị rất nhanh, đưa đến các thành phần trong nền kinh tế chỉ giữ một lượng tiền tối thiểu vừa đủ cho các thanh toán hàng ngày, họ sẽ chuyển tiền sang các loại hình đầu tư không bị ảnh hưởng bởi lạm phát và không gửi tiền tiết kiệm với mức lãi suất danh nghĩa. Tại Việt Nam, trong những năm 80 của thế kỷ XX, cũng đã có tỷ lệ lạm phát đến trên 300%.

- Siêu lạm phát: diễn ra khi giá cả trong một nền kinh tế thị trường tăng hàng triệu hay thậm chí hàng tỷ phần trăm một năm. Các nhà nghiên cứu nhận thấy một số đặc điểm thường gặp của siêu lạm phát, thứ nhất cầu về tiền giảm mạnh (đo bằng trữ lượng tiền chia cho mức giá), thứ hai giá cả và lương thực tế không ổn định. Siêu lạm phát có thể hủy hoại thành quả lao động của các thành phần trong nền kinh tế như một thảm họa tự nhiên. Thế giới đã được chứng kiến siêu lạm phát tại Đức vào đầu thế kỷ XX và tại Zimbabwe trong thời gian gần đây[44].

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái trong nền kinh tế Việt Nam (Trang 35 - 37)