Thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 67 - 72)

- Đối với các chỉ dẫn địa lý được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh thì các NHCN có dấu hiệu trùng hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý đó

2.2.2. Thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận

* Bước thứ nhất: Tiếp nhận đơn đăng ký

Trước hết, các chủ thể có quyền đăng ký NHCN, cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, mỗi hồ sơ yêu cầu đăng ký bảo hộ NHCN, phải đáp ứng được các điều kiện quy định tại Điều 100, Điều 101, Điều 105, Điều 108 Luật SHTT 2005; Điểm 7, Điểm 8, Điểm 37 Thông tư số 01/2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định 103 về SHTT.

Đầu tiên, đơn yêu cầu đăng ký bảo hộ NHCN phải đảm bảo tính thống nhất được quy định tại Điều 101 tức là chỉ được yêu cầu đăng ký một nhãn hiệu cho một hoặc nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ. Theo quy định tại bảng phân loại NHHH Ni-xơ, có 45 nhóm hàng hóa, dịch vụ trong đó 34 nhóm đầu là nhóm hàng hóa và 11 nhóm sau là nhóm dịch vụ. Mỗi đơn đăng ký nhãn hiệu nói chung, NHCN nói riêng, có thể đăng ký một nhãn hiệu, cho nhiều nhóm hàng hóa, dịch vụ hoặc cho tất cả 45 nhóm hàng hóa, dịch vụ nói trên.

Tiếp theo, đơn đăng ký NHCN phải đáp ứng được các yêu cầu về mặt hình thức và về mặt nội dung đơn. Cụ thể, theo các quy định nói trên, một đơn đăng ký NHCN cần thiết phải có các tài liệu sau:

Thứ nhất: Tờ khai đăng ký theo mẫu quy định, được lập thành hai bản như nhau, trong đó có bao gồm mẫu nhãn hiệu, danh mục hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu.

+ Trong tờ khai đăng ký, chủ đơn phải ghi rõ loại nhãn hiệu đăng ký là NHCN; chỉ rõ mục đích, nội dung và phương thức của việc chứng nhận đó. Nhãn hiệu này chứng nhận cái gì: chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc địa lý hay kết hợp giữa các mục đích đó; nội dung chứng nhận: các điều kiện cụ thể về chủ thể, hàng hóa, dịch vụ; chứng nhận như thế nào: trình tự, thủ tục cấp phép chứng nhận, cách thức kiểm tra, duy trì mục đích và nội dung chứng nhận.

+ Mẫu nhãn hiệu: Mẫu nhãn hiệu phải được mô tả rõ ràng bằng chữ trong tờ khai: Nếu nhãn hiệu được cấu thành từ nhiều yếu tố thì phải chỉ rõ các yếu tố cấu thành và sự kết hợp giữa các yếu tố đó cũng như ý nghĩa tổng thể của nhãn hiệu đó. Nếu nhãn hiệu chứa yếu tố hình thì phải nêu rõ nội dung và ý nghĩa của yếu tố hình; Nếu nhãn hiệu yêu cầu bảo hộ là nhãn hiệu màu thì phải nêu rõ yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu màu và liệt kê các màu sắc có trên nhãn hiệu; Nếu nhãn hiệu có chứa các chữ, từ ngữ không phải là tiếng Việt thì phải ghi rõ cách phát âm (phiên âm ra tiếng Việt) và nếu các chữ, từ ngữ đó có nghĩa thì phải dịch ra tiếng Việt; Nếu nhãn hiệu có chứa chữ số không phải là chữ số Ả-rập hoặc chữ số La-mã thì phải dịch ra chữ số Ả-rập.

Ngoài 02 mẫu nhãn hiệu được dán lên tờ khai, yêu cầu chủ đơn phải đính kèm thêm 05 mẫu nhãn hiệu. Các nhãn hiệu này, có kích thước không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 08mm, đúng màu sắc yêu cầu bảo hộ, có ảnh chụp hoặc hình vẽ phối cảnh nếu nhãn hiệu là hình ảnh ba chiều.

+ Danh mục sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu: được phân nhóm phù hợp với Bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Ni-xơ được Cục SHTT công bố trên Công báo SHCN. Hiện nay, theo qui định của Thỏa ước Ni-xơ, danh mục hàng hóa dịch vụ bao gồm 45 nhóm, trong đó có 34 nhóm sản phẩm và 11 nhóm dịch vụ. Chủ đơn sẽ căn cứ vào danh mục hàng hóa dịch vụ mà mình có nhu cầu bảo hộ, phân chia thành các nhóm phù hợp để Cục SHTT có cơ sở để phân loại, đánh giá tính hợp lệ về mặt hình thức cũng như có cơ sở để tính phí nộp đơn.

Thứ hai: Quy chế sử dụng NHCN gồm các nội dung tương ứng quy định tại Khoản 5 Điều 105 Luật SHTT 2005 bao gồm: Thông tin về tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nhãn hiệu; Điều kiện để được sử dụng nhãn hiệu; Các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ được chứng nhận bởi nhãn hiệu; Phương pháp đánh giá các đặc tính của hàng hóa, dịch vụ và phương pháp kiểm soát việc sử dụng nhãn hiệu; Chi phí mà người sử dụng nhãn hiệu phải trả cho việc chứng nhận, bảo vệ nhãn hiệu, nếu có. Đồng thời, cần phải làm rõ các vấn đề được quy định tại Điểm 37.6 Thông tư số 01/2007, chẳng hạn về quyền của người đăng ký nhãn hiệu (kiểm soát việc tuân thủ quy chế sử dụng nhãn hiệu, thu phí quản lý nhãn hiệu, đình chỉ quyền sử dụng nhãn hiệu của người không đáp ứng điều kiện theo qui định của quy chế sử dụng nhãn hiệu); về nghĩa vụ của người sử dụng nhãn hiệu (bảo đảm chất lượng, tính chất đặc thù của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, chịu sự kiểm soát của người đăng ký nhãn hiệu, nộp phí quản lý nhãn hiệu…); về cơ chế cấp phép, kiểm soát, kiểm tra việc sử dụng nhãn hiệu và bảo đảm chất lượng, uy tín của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu; về cơ chế giải quyết tranh chấp khi có tranh chấp, khiếu kiện xảy ra...

Thứ ba: Chứng từ, lệ phí đã được nộp theo như danh mục sản phẩm hàng hóa dịch vụ được nộp theo đơn.

Ngoài ra, còn có thể có các tài liệu khác như:

+ Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu: Khi nhãn hiệu được đăng ký là NHCN chất lượng của sản phẩm hoặc là NHCN nguồn gốc địa lý.

+ Bản đồ địa lý đối với những nhãn hiệu đăng ký làm NHCN nguồn gốc địa lý, hồ sơ đăng ký nhãn hiệu cần kèm theo giấy phép của chính quyền địa phương liên quan cho phép người nộp đơn đăng ký NHCN mang dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc địa lý (tên địa lý, biểu tượng, bản đồ của vùng, địa phương) cho hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu đó. Hoặc, khi không xác định được vùng, địa phương mang chỉ dẫn nguồn gốc địa lý theo địa giới hành chính và giấy phép nói trên của địa phương thì Cục SHTT có thể yêu cầu

người nộp đơn cung cấp bản đồ địa lý chỉ rõ có những vùng, địa phương nào mang chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ có xác nhận của chính quyền địa phương liên quan.

+ Giấy ủy quyền của chủ đơn, cho các tổ chức đại diện SHCN nếu đơn được nộp qua đại diện.

Sau khi chuẩn bị đầy đủ các tài liệu tối thiểu cần thiết như trên, chủ đơn sẽ thực hiện quyền nộp đơn của mình. Quyền nộp đơn đăng ký NHCN thuộc về tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ với điều kiện tổ chức này không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Chủ đơn nộp đơn đến Cục SHTT để yêu cầu đăng ký bảo hộ đối với NHCN. Tại Cục SHTT, phòng Đăng ký sẽ kiểm tra các tài liệu cần có, nếu đầy đủ, sẽ tiếp nhận hồ sơ đơn, cấp số đơn cho mỗi đơn đăng ký NHCN trên hệ thống cơ sở dữ liệu của Cục SHTT. Và hồ sơ đơn sẽ được chuyển lên các phòng chuyên môn để tiếp tục quy trình xem xét, xét nghiệm về mặt hình thức cũng như nội dung đơn đăng ký.

* Bước thứ hai: Thẩm định hình thức đơn đăng ký

Mục đích của giai đoạn thẩm định hình thức này là đánh giá tính hợp lệ về mặt hình thức của đơn, từ đó đưa ra kết luận là đơn có được chấp nhận hợp lệ hay không. Thông thường nội dung của giai đoạn thẩm định này, thường đề cập tới các khía cạnh như: Tên, địa chỉ của chủ đơn đã chính xác chưa, nhãn hiệu và mẫu nhãn hiệu đính kèm đã trùng khớp, mô tả đúng nội dung, màu sắc, nhãn hiệu đã đủ rõ, sắc nét chưa, danh mục hàng hóa dịch vụ đính kèm theo đơn đã được phân loại chính xác theo như Danh mục được quy định tại Bảng phân loại của Thỏa ước Ni-xơ hoặc đã đầy đủ các tài liệu tối thiểu yêu cầu cần có của một đơn yêu cầu bảo hộ NHCN chưa...

Thời hạn thẩm định hình thức của đơn là 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Nếu đơn còn có những thiếu sót, Cục SHTT sẽ ra thông báo để chủ thể nộp đơn có thể sửa chữa các thiếu sót trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra

thông báo. Nếu người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối hoặc ý kiến phản đối không xác đáng trong thời hạn đã ấn định, Cục SHTT gửi cho người nộp đơn thông báo từ chối chấp nhận đơn và hoàn trả các khoản phí, lệ phí đã được nộp liên quan đến công việc sau thẩm định hình thức theo yêu cầu của người nộp đơn.

Ngược lại, nếu đơn đăng ký NHCN đáp ứng được các yêu cầu về tính thống nhất của đơn (quy định tại Điều 101 Luật SHTT); yêu cầu về mặt hình thức và nội dung đơn (được quy định tại Điều 100, Điều 105, Điều 108, Điều 109 Luật SHTT 2005; Điểm 7, Điểm 8, Điểm 13, Điểm 37 Thông tư số 01/2007 Hướng dẫn thi hành Nghị định 103 về SHTT thì Cục SHTT) như phần phân tích nói trên thì Cục SHTT sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ và tiến hành công bố đơn trên Công báo SHCN trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

* Bước thứ ba: Công bố đơn đăng ký NHCN

Đơn đăng ký NHCN, sẽ được công bố công khai trên Công báo SHTT sau 02 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức. Mục đích của bước tiếp theo này, là để công bố về đơn đăng ký NHCN để mọi tổ chức, cá nhân đều có thể tiếp cận các thông tin liên quan đến đối tượng đăng ký. Nội dung của công bố đơn này bao gồm các thông tin về đơn như: Tên, địa chỉ chủ đơn, số đơn, ngày nộp đơn, mẫu NHCN đăng ký, tên tổ chức đại diện SHCN nếu đơn được nộp qua đại diện, danh mục sản phẩm hàng hóa mang nhãn hiệu...

Sau khi đơn được công bố công khai trên Công báo SHCN đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có quyền gửi ý kiến bằng văn bản đến Cục SHTT liên quan tới quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ và các vấn đề khác liên quan đến đơn đăng ký. Ý kiến đóng góp của bên thứ ba là một trong các nguồn thông tin để Cục SHTT xem xét trong quá trình xử lý đơn đăng ký.

* Bước thứ tư: Thẩm định nội dung đơn đăng ký

Mục đích của việc thẩm định nội dung đơn là đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn theo các điều kiện bảo hộ, xác định phạm vi (khối lượng) bảo hộ tương ứng. Thời hạn thẩm định nội dung với đơn đăng ký NHCN là không quá chín tháng, kể từ ngày công bố đơn. Cuối giai đoạn này, nếu đơn đáp ứng được yêu cầu bảo hộ, Cục SHTT sẽ ra Thông báo dự định cấp văn bằng bảo hộ và nộp lệ phí hoặc gửi cho chủ đơn để chủ đơn tiến hành nộp lệ phí đăng bạ và công bố văn bằng bảo hộ. Ngược lại, nếu không đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ, Cục SHTT cũng sẽ ra Thông báo dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ gửi cho chủ đơn, và dành cho chủ đơn thời hạn 02 tháng để có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có ý kiến về Thông báo này. Nếu việc ý kiến của chủ đơn được chấp nhận, Cục SHTT sẽ ra Thông báo cấp văn bằng bảo hộ và nộp lệ phí, còn nếu không sẽ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ cho đơn. Chủ đơn có quyền khiếu nại Quyết định từ chối này, hoặc có quyền khởi kiện yêu cầu tòa án giải quyết.

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 67 - 72)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(131 trang)