Nhãn hiệu chứng nhận với một số đối tượng sở hữu công nghiệp khác

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 54 - 55)

nghiệp khác

* Với kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật SHTT 2005: "Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc kết hợp các yếu tố này" [30].

Như vậy, kiểu dáng công nghiệp là những hoạt động sáng tạo nhằm tạo ra một hình dáng trang trí bên ngoài cho những hàng hóa được sản xuất hàng loạt, đảm bảo được điều kiện là hàng hóa đó phải hấp dẫn người tiêu dùng về thị giác và phải thể hiện một cách có hiệu quả chức năng kỹ thuật đã định trước. Trong khi đó, nhãn hiệu là các dấu hiệu nhìn thấy được và có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.

Kiểu dáng công nghiệp thuộc nhóm các đối tượng SHCN phải đáp ứng điều kiện nhất định về tính sáng tạo, còn nhãn hiệu thuộc nhóm các đối tượng SHCN có tính thương mại.

Tuy nhiên, kiểu dáng công nghiệp được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp các yếu tố đó để tạo nên kiểu dáng bên ngoài của sản phẩm, nên rất có thể, sẽ gây nhầm lẫn với một số yếu tố, dấu hiệu của nhãn hiệu nói chung và NHCN nói riêng. Do vậy, cần phải có sự phân biệt giữa hai đối tượng này, để tránh gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng.

* Với khái niệm "Nhãn hàng hóa"

Nếu nhãn hiệu là một trong những đối tượng được pháp luật về SHTT bảo hộ thì nhãn hàng hóa lại là một khái niệm sử dụng trong thương mại và

được điều chỉnh bởi pháp luật thương mại. Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/08/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa thì: "Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa" [9].

Chức năng chính của nhãn hiệu là để phân biệt hàng hóa, dịch vụ, nên một nhãn hiệu phải dễ nhận biết, có tính độc đáo, riêng biệt, trong khi chức năng chính của nhãn hàng hóa là thông tin, cung cấp cho người tiêu dùng những thông tin cơ bản để nhận biết hàng hóa, do đó nó phải được trình bày theo những yêu cầu bắt buộc như chữ số, chữ cái, hình ảnh và phải ghi rõ ràng, đúng bản chất của hàng hóa.

Tóm lại, việc xem xét và phân biệt NHCN với một số đối tượng của quyền SHCN nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng. Thông qua đó giúp cho người tiêu dùng có thể dễ dàng phân biệt và lựa chọn được các hàng hóa, dịch vụ theo nhu cầu của mình.

Một phần của tài liệu Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo luật sở hữu trí tuệ năm 2005 (Trang 54 - 55)