0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (131 trang)

Kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu BẢO HỘ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN Ở VIỆT NAM THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2005 (Trang 122 -128 )

- Sử dụng NHCN theo đúng như mẫu nhãn hiệu đã đăng ký và được bảo hộ Sử dụng mẫu nhãn hiệu cho đúng danh mục sản phẩm dịch vụ đăng

3.3.3. Kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam hiện nay

nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam hiện nay

Có thể nói, hệ thống pháp luật bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam hiện nay tương đối đầy đủ và toàn diện nhưng trên thực tế việc thực thi các

quyền này vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu không có một hệ thống đảm bảo thi hành các quy định pháp lý về SHTT trên thực tế thì những quy định này chỉ nằm trên giấy tờ mà không thể góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Do vậy, cần đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ quyền SHTT nói chung và bảo hộ NHCN nói riêng.

Thứ nhất: Tăng cường vai trò của nhà nước trong việc xây dựng và vận hành cơ chế bảo hộ đối với NHCN

Nhà nước có vai trò quan trọng trong việc ban hành pháp luật, bảo đảm thực thi các qui định của pháp luật trên thực tế.

- Nhà nước cần thấy được vai trò quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu nói chung và NHCN nói riêng trong việc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, từ đó có chủ trương, chính sách phù hợp, tạo điều kiện tốt nhất cho các chủ thể thực hiện quyền của mình không chỉ trên giấy tờ, mà còn thực hiện trên thực tế. Từ đó, khẳng định vị trí của mình trên thị trường Việt Nam và thế giới. Chỉ khi cơ chế bảo hộ nhãn hiệu, NHCN khả thi và hiệu quả thì mới tạo lập được môi trường đầu tư an toàn, ổn định, bền vững góp phần thu hút đầu tư của các nhà đầu tư ở trong và ngoài nước.

- Nhà nước cần có cơ chế phù hợp, phối hợp với chủ sở hữu NHCN, xây dựng một quy chế sử dụng NHCN đầy đủ, chặt chẽ, tránh việc áp dụng các chỉ tiêu quá khắt khe, gây khó khăn cho những tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng NHCN, hoặc đưa ra các tiêu chí quá lỏng lẻo, khiến tổ chức cá nhân nào cũng có thể sử dụng, mà hiệu quả sử dụng lại không cao, không đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng như mong muốn của chủ sở hữu cũng như người tiêu dùng.

- Nhà nước cần xây dựng và công bố danh mục các NHCN đã được chấp nhận bảo hộ cũng như các tổ chức cá nhân được cấp phép sử dụng NHCN tại Việt Nam, để người tiêu dùng Việt Nam có thể biết đến, và lựa

chọn những sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã được chứng nhận, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng đảm bảo, góp phần đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, cũng như nâng cao uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Khi các NHCN không còn đáp ứng được các yêu cầu bảo hộ, chủ sở hữu NHCN quản lý việc đăng ký và sử dụng NHCN không có hiệu quả, không đảm bảo đúng các chức năng của một NHCN, thì NHCN phải bị hủy bỏ, tránh gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.

- Bên cạnh việc xây dựng danh mục các NHCN đã được bảo hộ, nhà nước cũng cần quan tâm đúng mức tới việc xây dựng và phát triển thêm các NHCN khác, đưa ra các chính sách phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam trong việc xây dựng, bảo hộ, phát triển và công bố các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mang NHCN của doanh nghiệp Việt Nam ra thị trường trong và ngoài nước. Góp phần nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Thứ hai: Tăng cường vai trò và hiệu quả của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt chú trọng, nâng cao vai trò của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ NHCN

Để hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ NHCN tại Việt Nam hiện nay việc đẩy mạnh và tăng cường vai trò và hiệu quả hoạt động của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực SHTT là hết sức quan trọng và cần thiết.

Trước hết, pháp luật cần quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực SHTT. Trong đó, cần xác định rõ cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận đơn đăng ký, xét nghiệm khả năng được bảo hộ của một NHCN, cơ quan nào có thẩm quyền tiếp nhận khiếu nại, tố cáo, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tránh việc trùng lặp, chồng chéo về thẩm quyền xem xét giải quyết của các cơ quan.

Bên cạnh việc quy định Cục SHTT là cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đánh giá và thẩm định NHCN. Pháp luật Việt Nam cũng cần chú

trọng, nâng cao vai trò của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc bảo hộ NHCN. Xác định rõ thẩm quyền vụ việc của Tòa án trong việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến SHTT nói chung và NHCN nói riêng; bổ sung những quy định chi tiết về các chế tài đủ mạnh để chống lại các hành vi xâm phạm quyền SHTT, quyền đối với NHCN…

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền khác như Quản lý thị trường, Hải quan, Đội trật tự đô thị, Cảnh sát kinh tế… trong việc tham gia vào cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm, xâm phạm đến quyền SHTT của người khác, nhằm đảm bảo một môi trường tiêu dùng trong sạch, lành mạnh.

Ngoài ra, để hoàn thiện cơ chế thực thi pháp luật bảo hộ NHCN tại Việt Nam, cũng cần tiếp nhận những thành quả hoạt động chuyên môn của các cơ quan, tổ chức bổ trợ có phạm vi hoạt động liên quan trực tiếp đến lĩnh vực SHTT nói chung và nhãn hiệu, NHCN nói riêng. Có thể kể đến các cơ quan tổ chức như: các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, học viện, các công ty luật đặc biệt trong lĩnh vực SHTT, có cả một hệ thống các đại diện SHCN được thành lập hợp pháp để hỗ trợ về mặt thủ tục pháp lý, nội dung cũng như các vấn đề mang tính chất chuyên ngành cho các chủ thể có nhu cầu được cung cấp dịch vụ pháp lý về SHTT và hoạt động của chính các doanh nghiệp. Những kết quả nghiên cứu hay thăm dò của các tổ chức này cũng như ý kiến của các chuyên gia là nguồn tham khảo giá trị cho các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết các vụ việc liên quan đến SHTT, nhãn hiệu, NHCN.

Thứ ba: Nâng cao ý thức pháp luật và trình độ dân trí của cộng đồng, xã hội

Một nhãn hiệu nói chung, NHCN nói riêng muốn đạt được sự bảo hộ tuyệt đối, thì không chỉ thông qua việc được cấp GCN bảo hộ theo Quyết định của cơ quan có thẩm quyền, mà sự bảo hộ này phải được thể hiện trên thực tế.

Tức là nhận được sự ủng hộ, tôn trọng cũng như sử dụng một cách hợp pháp của các chủ thể khác ngoài chủ sở hữu. Đây không phải là một điều đơn giản, khi trình độ hiểu biết pháp luật cũng như trình độ dân trí của cộng đồng còn chưa cao. Người tiêu dùng chưa hình thành thói quen tốt là sử dụng hàng hóa, dịch vụ có nhãn mác, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có thương hiệu của các tổ chức cá nhân sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Do vậy việc nâng cao ý thức pháp luật cũng như trình độ dân trí của cộng đồng là hết sức quan trọng và cần thiết.

Để đạt được điều này, Nhà nước cần tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ý thức pháp luật đối với cộng đồng nói chung và các doanh nghiệp trong nước nói riêng.

Chẳng hạn, có thể dành một phần ngân sách để đầu tư cho các hoạt động đào tạo, hội thảo, hội nghị chuyên đề về SHTT nói chung, NHCN nói riêng.

Phối hợp cùng với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc quảng cáo, giới thiệu sản phẩm mang nhãn hiệu, NHCN tại địa phương cũng như trên phạm vi cả nước và ra thị trường nước ngoài. Việc tạo điều kiện cho các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo thương hiệu hay quảng bá doanh nghiệp… chính là một trong những giải pháp hữu ích cho việc tăng cường kiến thức và nhận thức của cộng đồng đối với NHCN.

Cùng với các doanh nghiệp, duy trì và phát triển các chương trình: "Chắp cánh thương hiệu" trên kênh truyền hình VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam, hay chương trình: "Tuyên truyền, phổ biến về sở hữu công nghiệp" phát sóng trên đài VOV1 - Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục ý thức pháp luật từ cơ sở, có những biện pháp khuyến khích các doanh nghiệp trong việc bán hàng hóa có nhãn mác, nguồn gốc rõ ràng, khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn những hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ, có nhãn mác, từ đó góp phần khẳng định giá trị cho các hàng hóa, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam.

KẾT LUẬN

Trước xu thế hội nhập toàn cầu của các quốc gia trên thế giới hiện nay, vấn đề bảo hộ quyền SHTT nói chung, quyền đối với nhãn hiệu, NHCN nói riêng ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế - xã hội của mỗi nước, đặc biệt là nước có nền kinh tế - xã hội đang phát triển như Việt Nam.

Hiện nay, Việt Nam đã là thành viên chính thức của WTO, đây là thuận lợi lớn để hội nhập với nền kinh tế khu vực và thế giới song cũng là thách thức không nhỏ đối với chúng ta trong vấn đề bảo hộ quyền SHTT nói chung, bảo hộ nhãn hiệu, NHCN nói riêng. Có thể nói, nhờ tiếp thu kinh nghiệm SHTT của các nước trên thế giới, pháp luật SHTT ở Việt Nam đã không ngừng hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Tuy nhiên, khách quan mà nói, các quy định này vẫn còn nhiều hạn chế, thiếu sót khiến cho việc bảo hộ quyền SHTT nói chung và quyền đối với NHCN nói riêng chưa thực sự đem lại hiệu quả như mong muốn.

Thông qua luận văn: "Bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận ở Việt Nam theo Luật sở hữu trí tuệ năm 2005" tác giả hi vọng góp phần nhỏ công sức của mình làm sáng tỏ các qui định của pháp luật SHTT về việc bảo hộ NHCN, thực trạng bảo hộ NHCN ở Việt Nam hiện nay, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót còn tồn tại, qua đó đề ra các phương hướng, giải pháp nhằm hoàn thiện các quy định về bảo hộ cũng như cơ chế thực thi việc bảo hộ đối với loại nhãn hiệu đặc biệt này trên thực tế.

Tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết, song với những gì chúng ta đã và đang làm, chúng ta có đầy đủ cơ sở thực tế để hi vọng rằng trong tương lai không xa, những cải cách trong hệ thống pháp luật nói chung và pháp luật SHTT nói riêng, sẽ mang lại những hiệu quả thiết thực trên thực tế, góp phần khẳng định vị thế của các doanh nghiệp Việt Nam, cũng như các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.


Một phần của tài liệu BẢO HỘ NHÃN HIỆU CHỨNG NHẬN Ở VIỆT NAM THEO LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ NĂM 2005 (Trang 122 -128 )

×